48 Giờ ở Amanoi với bác Trịnh Lữ | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 04, 2025

48 Giờ ở Amanoi với bác Trịnh Lữ

Tôi được mời một chuyến du ngoạn tới Amanoi vào dịp cuối tháng 3 - thời điểm đẹp nhất trong năm của vịnh Vĩnh Hy. Không chỉ đến nghỉ dưỡng, chúng tôi đã tham dự workshop Viết và Vẽ cùng bác Trịnh Lữ.
48 Giờ ở Amanoi với bác Trịnh Lữ

Nguồn: Verowork

Bác Trịnh Lữ là một dịch giả nổi tiếng, quen thuộc với hàng triệu độc giả qua Rừng Na Uy, Cuộc đời của Pi, Con nhân mã trong vườn… Bác cũng là khách mời xuất hiện đều đặn nhất trên Have A Sip, 4 lần trong liên tục 4 năm qua, lên sóng vào mỗi dịp Tết. Nhưng khi biết sẽ có bác trong dịp đến Amanoi lần này, vẫn là một cảm giác dịu dàng và hồi hộp khó tả.

apr2025img9751jpg
Bác Trịnh Lữ trong một buổi workshop vẽ tranh tại Amanoi. | Nguồn: Verowork

Tất cả những gì quan trọng nhất khi viết diễn ra… trước khi viết!

Chúng tôi chỉ khoảng 8, 9 người, toàn là dân báo, vây quanh bác trong workshop về chữ, nhưng cuối cùng lại không viết gì cả. Khi các câu hỏi của chúng tôi đều xoay quanh câu chuyện "làm sao để viết cho hay", bác trả lời rằng "quan trọng là mình phải biết mình định viết gì, rất lâu trước khi mình chính thức bắt tay vào viết".

Đối với bác, chữ nghĩa không phải thứ được nhào nặn bởi lý lẽ, mà là vỏ bọc của những cảm xúc đã thành hình. Cảm xúc đến trước, chữ chỉ là phương tiện chuyên chở. Đó là lý do vì sao những trang dịch của bác, những câu văn bác viết luôn có một sự uyển chuyển, nhịp điệu và sự tinh tế.

Bác Trịnh Lữ là một người đã dành nhiều năm để sáng tạo và chuyển ngữ những tác phẩm văn chương kinh điển như Cuộc đời của Pi, Rừng Na Uy… mang đến cho độc giả Việt Nam những góc nhìn phong phú về văn hóa và cảm xúc, trong đó, với Cuộc đời của Pi, mỗi ngày bác dịch được hơn 30 trang, là cuốn sách bác dịch nhanh nhất. Bác cũng chia sẻ nhiều lần, là bác chỉ nhận lời dịch khi đọc sách bằng tiếng Anh mà tiếng Việt đã vang ngay lên trong đầu. Thế nên khi viết ra, chữ phải nghe như nhạc.

Tôi đã nghĩ rất nhiều về thời điểm “trước-khi-viết” mà bác Lữ trân quý nhắc đến. Ở vịnh Vĩnh Hy này, nơi những mỏm đá đặc trưng của Núi Chúa lấp ló giữa màu xanh của cây rừng hoà vào sự xanh biếc của biển, người ta nói bình minh ở đây mang vẻ đep bạn không thể chiêm ngưỡng được ở nơi nào khác.

Vì thế như một nghi lễ, dù đã đến đây vài lần, tôi đều đặt chuông lúc 4 rưỡi sáng. Cũng có khi tôi mơ một giấc mơ mà mình đã thức dậy lúc trời tối om, chỉ vì sợ lỡ mất sự kiện quan trọng nhất trong ngày. Pha một cốc cà phê còn bốc khói và ngồi lặng lẽ ngay trước mặt hồ nước yên ả của villa, tôi bắt đầu bước chân vào ngày mới. Đèn của bể bơi sẽ được tắt đi đúng 5 giờ sáng.

Khi ấy, một thứ ánh sáng tím hồng, rồi chuyển hồng cam sẽ loé lên ở mỏm đá cá heo. Thứ không khí trong trẻo và mát mẻ của miền biển sẽ tràn trên da bạn. Rồi thì như một sợi sáng được tràn ra từ một kẻ nứt nhỏ, mặt trời chầm chậm lên. Thứ ánh sáng huy hoàng và kỳ diệu của ngày mới sẽ nhanh chóng dát vàng vạn vật.

Nếu bình minh là một show diễn, thì nó khá ngắn ngủi. Nhưng sự chờ đợi và ngắm nghía mọi thứ trong lúc trời còn tối mờ, mới là thứ cảm giác đáng giá nhất. Nó “viết” cảm xúc lên bạn trước cả khi bạn bắt tay vào viết!

apr2025img9698jpg
Bác Trịnh Lữ trong một workshop viết tại Amanoi. | Nguồn: Verowork

Tận cùng của chân thực

Buổi chiều muộn và đã có gió mát, là lúc chúng tôi bước vào workshop vẽ. Thực ra thì khung cảnh ngay trước mắt chúng tôi ở, góc nào cũng như là một bức tranh. Cái khó là mang sự đẹp đẽ ta nhìn thấy trong mắt mình, chuyển tải bằng cọ và màu lên bạt.

Riêng vẽ tranh, phần lớn chúng ta nếu chưa được học thì thường khá vụng về. Chẳng cần đến hội hoạ, kể cả chiếc máy điện thoại bạn vẫn dùng để chụp mọi thứ, giờ có giơ lên cũng không thể đẹp bằng cảnh sắc thiên nhiên đang ở ngay trước mắt.

7apr2025img9766jpg
Khung cảnh ngay trước mắt chúng tôi ở, góc nào cũng như là một bức tranh. Và chúng tôi khi nhìn tranh của bác Trịnh Lữ đều ồ à vì đẹp y như thật, lại được phủ lên vẻ dịu dàng đặc trưng.

Điều tôi ngạc nhiên nhất là bác Lữ không dạy vẽ. Mà bác ngồi cùng và vẽ chung với mấy đứa vẽ vời ngọng nghịu chúng tôi. Tất nhiên, người đã vẽ nhiều năm như bác, chuyện vẽ tranh không phải việc khó. Nhưng chúng tôi vẫn phải ồ à vì tranh của bác đẹp y như thật, lại được phủ lên vẻ dịu dàng đặc trưng. Trong tranh của mình, bác vẽ luôn cả bức tranh dùng để làm mẫu. Chi tiết ấy biến mọi thứ trở nên gần gũi chân thật, như có thể đưa tay ra trước mà chạm thấy.

“Người ta có thể nhờ bác viết một bài cảm nhận về tranh hoặc triển lãm, nhưng nếu bác không tìm thấy điều gì đáng nói thì sẽ không thể viết. Như một hội thảo mà bác được mời tham dự – nơi người ta bàn về sự phục sinh của mỹ thuật Đông Dương. Tuy vậy, thứ họ thực sự quan tâm không phải nghệ thuật, mà là sự phục sinh của… thị trường. Khi mọi thứ chỉ còn là một cuộc chơi mang tính thương mại, nghệ thuật đánh mất đi bản chất của nó!” - bác Lữ tâm sự.

“Khi viết, bác phải nghĩ là bác đang kể câu chuyện đó cho ai. Phải có dù chỉ một người để hướng đến thì giọng điệu mới chân thật.” Đây cũng chính là điều làm nên sự rung động trong những trang viết của bác – mỗi câu chữ đều mang theo một sự thành thật, một sự kết nối thực sự với người đọc. Cũng như những người nghệ sĩ lớn khi bước lên sân khấu, “họ chỉ thăng hoa khi bước lên sân khấu và mường tượng về một người họ mong mỏi nhất đang đứng bên dưới khán giả”.

Thế nên trong lúc bác đã vẽ xong rồi thơ thẩn đi lại, chúng tôi quay trở lại với khung tranh dở dang của mình. Tôi lúc ấy đã chọn vẽ chỉ đúng một cái cây. Với tôi, loài cây hơi khúc khuỷu khó vẽ, có cả lá lẫn rễ - là loài cây đầy nhóc trong vùng vịnh này, bước vài bước chân là thấy sát hai bên đường.

Đúng hơn là người ta đã chọn xây đường dốc nho nhỏ ngay giữa rừng và những tán cây long nhãn. Nên khi đi tản bộ giữa lòng Amanoi, tôi luôn có cảm tưởng mình đang đi bộ trong một cánh rừng già. Mọi thứ yên tĩnh có mùi cây thơm mát. Lúc này tôi nhận ra, bức tranh không phải để cho ai xem, mà là cho chính tôi cảm nhận đúng thứ cảm xúc mát mẻ đang diễn ra bên trong mình.

5apr2025img9698jpg
Lúc này tôi nhận ra, bức tranh không phải để cho ai xem, mà là cho chính tôi cảm nhận đúng thứ cảm xúc mát mẻ đang diễn ra bên trong mình.

48 giờ và nhiều hơn thế

Ở Amanoi thời gian trôi chậm lại. Chúng tôi đi bộ và hít thở cũng chậm lại. Thế nên cuộc gặp với bác Trịnh Lữ như một món quà nặng ký. Sau 2 workshop, cả bác lẫn cháu, trong bữa tối ấm cúng dưới ánh nên, ngay sát vách đá và tiếng sóng đang đánh ì oạp vào bờ vịnh, bác thủ thỉ:

"Hay là lúc nào mình quay lại và làm vài cái talk ở đây?"

9jan2023hastrinhlukhooanguyen0009111674126558320jpg
Bác Trịnh Lữ chia sẻ trên podcast "Have A Sip". | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera
5apr2025img9749jpg
Bác Trịnh Lữ trong một buổi workshop vẽ tranh tại Amanoi. | Nguồn: Verowork