5 Bộ phim giúp chạm vào thế giới đa sắc của người tự kỷ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 07, 2022

5 Bộ phim giúp chạm vào thế giới đa sắc của người tự kỷ

Tâm trí của những người tự kỷ luôn khiến nhiều người tò mò và là đề tài thường được khai thác trong điện ảnh.
5 Bộ phim giúp chạm vào thế giới đa sắc của người tự kỷ

Nguồn: Lợi Phan cho Vietcetera

Những bộ phim có sự xuất hiện của nhân vật tự kỷ luôn gây nhiều sức hút trong thời gian gần đây. Nổi bật trong số đó là Extraordinary Attorney Woo, bộ phim đứng top đầu của Netflix. Bộ phim gây ấn tượng với người xem với nhân vật chính mắc chứng rối loạn tự kỷ là nữ, một điều hiếm thấy trên màn ảnh.

Người tự kỷ thường được khắc họa ra sao ?

Vấn đề chung của những bộ phim miêu tả nhân vật tự kỷ là thiếu sự đa dạng và một màu. Điều này tạo ra góc nhìn sai lệch của đại đa số về người tự kỷ và đánh đồng từng cá nhân với nhau.

Điều này đi ngược lại với một câu nói nổi tiếng thường được dùng khi nhắc về chứng rối loạn phổ tự kỷ: “Nếu bạn gặp một người tự kỷ thì bạn chỉ mới biết được 1 người tự kỷ.” Nói cách khác, một kiểu người tự kỷ mà bạn tình cờ gặp hay xem trên phim ảnh không đại diện cho cộng đồng đa dạng với nhiều đặc điểm khác nhau.

Đa số các tác phẩm điện ảnh dễ rơi vào lối mòn khi miêu tả kiểu nhân vật này, thường rơi vào 3 thể loại: thiên tài toán học, thiểu năng trí tuệ hoặc thần đồng. Họ nói quá nhiều hoặc quá ít, thường xuyên bị hiểu nhầm vì thiếu kỹ năng xã hội. Vậy nên, kiểu nhân vật này thường sống một cuộc đời đầy bi kịch.

Những khuôn mẫu “lười biếng" về người tự kỷ này được gọi là Hollywood Autism - kiểu người tự kỷ thường xuất hiện trên phim Hollywood.

Vậy nên trong những năm gần đây, nhiều bộ phim đã cố gắng phá bỏ hình tượng người tự kỷ như một nhân vật phiền phức và hay gây rối. Tuy vẫn chưa hoàn hảo nhưng những bộ phim này đã phần nào thay đổi những định kiến và bình thường hóa hình ảnh của người tự kỷ trong xã hội.

1. Move To Heaven (2021)

Đúng như cái tên “Chuyển nhà tới thiên đường," bộ phim khai thác một nghề lạ là trauma cleaner, công việc dọn dẹp nhà của những người đã khuất. Đối diện với cái chết chưa bao giờ là một điều dàng, bên cạnh nỗi đau chưa nguôi và tang gia bối rối, nhiều gia đình cơ bản là không đủ can đảm để thu xếp những gì còn lại của người thân.

Nhân vật chính của Move to Heaven là Geu Ru (20 tuổi) và gia đình cậu cung cấp dịch vụ dọn dẹp di vật. Cậu mắc hội chứng Asperger, đây là một dạng rối loạn phổ tự kỷ. Tuy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày nhưng Geu Ru lại có trí nhớ rất tốt và khả năng quan sát cao.

Lớn lên trong tình yêu và sự chăm sóc tận tình của người bố, Geu Ru tuy bị cho là thiếu khả năng thấu hiểu người khác trở thành một người tận tâm với công việc. Cậu làm công việc thu dọn với tất cả sự tôn trọng của mình dành cho những người đã khuất. Bởi mỗi vị khách hàng dạy cho cậu cách thấu cảm với người khác và vượt qua nỗi đau của chính mình.

Bộ phim là một hành trình chữa lành cho tất cả mọi người, bởi dù là người tự kỷ hay không thì cơ bản ai cũng mang trong mình một vết thương lòng và ai cũng cần học được cách để bước qua nó.

2. The Good Doctor (2017)

Đây là một series ăn khách và nổi tiếng với nhiều người khi có tới 2 phiên bản phim của Hàn và Mỹ. The Good Doctor xoay quanh hành trình làm nghề vượt qua mọi định kiến của một bác sĩ tự kỷ thiên tài. Bộ phim đã miêu tả về hình ảnh một người tự kỷ vẫn có thể làm việc trong môi trường cạnh tranh và cần nhiều sự cộng tác như bệnh viện.

Tuy nhiên The Good Doctor cũng nhận về nhiều chỉ trích với cách bộ phim khắc họa người tự kỷ bởi những người tự kỷ với hội chứng “thiên tài" (savant syndrome) chiếm một phần rất nhỏ trong cộng đồng này. Tương tự như bộ phim Extraordinary Attorney Woo, nhiều phụ huynh nuôi con tự kỷ nói rằng họ cảm thấy áp lực về bộ phim này bởi không phải đứa trẻ tự kỷ nào cũng có khả năng thiên phú. Bên cạnh đó, cách xây dựng hình tượng nhân vật trong bộ phim với hội chứng savant cũng được cho là còn thiếu sự đầu tư và cân nhắc kỹ lưỡng.

Bỏ qua những khuyết điểm chưa được tròn trịa thì The Good Doctor cũng khiến nhiều người tự kỷ đồng cảm, đặc biệt là những tình huống khó xử trong môi trường công việc. Mỗi người tự kỷ tuy có những đặc điểm tương đồng nhưng họ vẫn là những cá thể riêng biệt với những khả năng và đam mê sự nghiệp khác nhau. Vậy nên, việc đối xử và thu hẹp họ trong một kiểu người đôi khi có thể khiến những người tự kỷ gặp khó khăn trong con đường sự nghiệp của họ.

3. Life, Animated (2016)

Đây là bộ phim tài liệu chân thật và độc đáo về sự trưởng thành của một cậu bé tự kỷ mang tên Owen Suskind. Xuất phát ban đầu của bộ phim là từ một cuốn sách mang tên Life, Animated: A Story of Sidekicks, Heroes, and Autism của cây bút Ron Suskind, cha của cậu. Cuốn sách này đã làm lay động đạo diễn Roger Ross Williams, ông đã quyết định sử dụng những thước phim của cha cậu bé để dựng lại bộ phim tài liệu được đề cử Oscar này.

Từ một đứa trẻ bình thường như bao người, đến năm 3 tuổi Owen được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Cậu dần mất khả năng nói chuyện và kết nối với thế giới xung quanh. Điều này đem lại một nỗi đau lớn cho bố mẹ cậu khi họ cảm thấy rằng, đứa con của mình tự nhiên một ngày biến mất.

Điều kỳ diệu xảy ra khi bố cậu nhận ra rằng ông có thể giúp con trai nói chuyện loại thông qua các câu thoại trong phim hoạt hình của Disney. Đây là lúc cả gia đình cậu giúp Owen hòa nhập với cộng đồng và học cách sống tự lập trên đôi chân mình.

Xuyên suốt bộ phim ta được đồng hành cũng những khoảnh khắc Owen lần đầu đi học, lần đầu có bạn gái và lần đầu chia tay. Chúng ta hiểu được rằng người tự kỷ khác nhưng cũng rất giống với mình cũng có những cảm xúc mãnh liệt, chỉ là họ không có cách bộc lộ và thể hiện như chúng ta. Không cần phải là thiên tài hay một cá nhân xuất sắc, người tự kỷ đơn giản chỉ là chính họ.

4. Atypical (2017)

Atypical kể về cuộc đời của Sam Gardner, một cậu bé tự kỷ 18 tuổi với những bối rối của tuổi mới lớn. Đây là độ tuổi mà chúng ta dễ mắc những sai lầm ngớ ngẩn, bắt đầu có những rung động đầu đời và cũng là lúc chúng ta tự học cách trả lời câu hỏi “Mình là ai?" Đối với Sam thì mọi chuyện có chút phức tạp hơn khi cậu là người tự kỷ và thế giới quan của cậu đôi khi không đồng nhất với xã hội ngoài kia.

Với góc nhìn dị biệt của mình, Sam đem tới cho chúng ta những khoảnh khắc ấm lòng với bè bạn và gia đình của mình. Nhiều bậc cha mẹ xem bộ phim cũng cảm thấy đồng cảm với gia đình Sam bởi theo họ việc nuôi dưỡng một đứa trẻ tự kỷ được xem như một sự nghiệp cả đời.

Tuy nhiên bộ phim cũng khiến nhiều người thất vọng khi miêu tả Sam theo một khuôn mẫu người tự kỷ thường thấy. Nói cách khác ở một góc nhìn người trong cuộc, nhiều người tự kỷ cảm thấy khó đồng cảm với Sam.

Trong quá trình thử vai của bộ phim đã có một người tự kỷ thử vai nhân vật Sam nhưng đã không được chọn. Bộ phim này cũng khiến mở ra một cuộc hội thoại lớn hơn về việc để diễn viên tự kỷ được hiện diện nhiều hơn trên những bộ phim về họ.

5. Temple Grandin (2010)

Bộ phim dựa trên cuộc đời có thật của Temple Grandin, một giáo sư đại học tự kỷ và đồng thời cũng là người tiên phong ủng hộ giáo dục trẻ rối loạn tự kỷ.

Làm việc trong ngành khoa học động vật, bà bị đối xử bất công không chỉ vì mình là phụ nữ mà còn vì bà là người tự kỷ. Bấy giờ, khi nhận thức của xã hội về tự kỷ chưa cao, hội chứng này khiến bạn bị kỳ thị, hiểu nhầm và đánh giá thấp.

Không để những định kiến xã hội ngăn cản mình, Temple Grandin khiến cả xã hội phải nhìn nhận lại những người tự kỷ. Họ có thể khác biệt nhưng điều đó không ngăn cản người tự kỷ trở thành một người phi thường và giúp đỡ những người khác.

Bộ phim không chỉ giúp người xem hiểu về cách một người tự kỷ sống trong thế giới mà còn đi sâu và tâm trí của họ. Temple cho rằng sự nhạy cảm của trong việc nghiên cứu động vật tới từ việc bà là người tự kỷ. Tuy nhiên đó là điều thế giới bên ngoài không hiểu về bà.

Xuyên suốt bộ phim, Temple cũng đã tham gia chỉnh sửa kịch bản để đưa ra cái nhìn đa chiều và chính xác về người tự kỷ. Đồng thời bà cũng làm việc chung với nữ diễn viên chính đóng vai bà là Claire Danes. Chính vì vậy bộ phim là một bức tranh chân thực về Temple Grandin, cũng như về người tự kỷ.