5 Dấu hiệu người bên cạnh không phải là soulmate của bạn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 04, 2024

5 Dấu hiệu người bên cạnh không phải là soulmate của bạn

Bạn có thể gắn bó với một người vì vết thương lòng cả hai cùng trải qua, nhưng người đó chưa chắc đã là “định mệnh” của bạn.
5 Dấu hiệu người bên cạnh không phải là soulmate của bạn

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Trong tình yêu, ai cũng mong muốn tìm thấy một soulmate (linh hồn tâm giao) cho riêng mình. Đó là người mà bạn có thể kết nối sâu sắc về mặt tình cảm, có sự đồng điệu về suy nghĩ và giá trị cuộc sống. Mối quan hệ với soulmate thường có chất lượng cao với khả năng thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.

Dù vậy, không phải tâm hồn đồng điệu nào cũng trở thành soulmate. Trong đó, woundmate (tạm dịch: tổn thương tâm giao) chỉ mối quan hệ bắt nguồn từ sự đồng cảm và kết nối sâu sắc với những tổn thương trong quá khứ của nhau. Những vết thương này có thể bắt nguồn từ chấn thương thời thơ ấu, nỗi sợ bị bỏ rơi hay bị từ chối trong một mối quan hệ.

Có thể thấy soulmate và woundmate đều là người bạn có thể dễ dàng kết nối và đồng cảm sâu sắc, vì họ có những trải nghiệm tương đồng với bạn. Thế nhưng soulmate chấp nhận con người thật của bạn, dành cho bạn không gian để trưởng thành và tự chữa lành. Trong khi đó, woundmate lại xát muối vào vết thương, khiến bạn khó tự phục hồi và thấy tiêu cực hơn.

Vậy làm thế nào để biết mình đang hẹn hò với một woundmate thay vì soulmate? Cùng nhà văn Molly Burford điểm qua 5 dấu hiệu sau đây:

1. Mối quan hệ bắt đầu rất tốt, song ngày càng tệ đi

Hai bạn có “tình yêu sét đánh”, dễ dàng kết nối ngay khi mới gặp do trải qua những tổn thương giống nhau: cùng bị bố mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ, hoặc cùng bị người yêu cũ phản bội theo một cách giống nhau. Bạn không thể tin là đã tìm được một người giống mình đến thế, rằng người ấy là “định mệnh” của đời mình.

Tuy nhiên sau giai đoạn này, mối quan hệ của hai bạn ngày càng tệ đi. Những cuộc cãi vã như cơm bữa xuất hiện, song cả hai không thể xa nhau một cách dứt khoát vì tình cảm chưa nguôi ngoai. Sự “hợp rơ” từ lần đầu gặp gỡ lẫn sự đồng cảm trong trải nghiệm quá khứ lấn át những cảm xúc tiêu cực của bạn, khiến mối quan hệ dần trở nên độc hại nhưng lại khó thoát ra.

19apr2024240415wouldmatesoulmate1jpg
Hai bạn có thể có “tình yêu sét đánh” ban đầu, nhưng sau đó cãi vã như cơm bữa.

2. Cảm thấy nửa kia không “hiểu thấu" bạn

Đây là tình huống mà đối phương có “nhìn”, có “nghe” nhưng không “thấy” được bạn. Họ có lắng nghe nhưng không hiểu hết những tâm tư của bạn, hoặc tệ hơn là họ coi nhẹ hay phủ nhận cảm xúc của bạn.

Vì vậy bạn luôn phải “gồng" để họ hiểu được cảm xúc sâu thẳm nhất, dần dà đem lại cảm giác kiệt sức và mệt mỏi. Điều này thường được thể hiện qua thái độ hời hợt hoặc những câu trả lời không “trúng" trọng tâm.

Ví dụ sau một ngày đi làm mệt mỏi, bạn tâm sự về những khó khăn và lo lắng trong dự án mới, bởi đây là nhiệm vụ bạn chưa làm bao giờ. Tuy nhiên nửa kia chỉ nhận thấy bạn đang mệt mỏi với công việc, và cho rằng bạn đang suy nghĩ thái quá. Họ kết lại với một câu “chẳng sao đâu”, nhưng bạn không hề thấy đỡ lo lắng, mà trải lại còn chán nản hơn vì họ không hiểu mình.

3. Khơi dậy sự bất an của nhau

Khác với soulmate, woundmate khơi dậy sự bất an của nhau ở những khoảnh khắc nhạy cảm nhất. Thay vì ôm ấp những vết thương lòng của nhau, woundmate thường vô tình hoặc cố ý gây tổn thương cho nửa kia. Và dù có thiện chí giúp đỡ nhau, những gì hai bạn làm lại chỉ khiến đối phương tổn thương thêm.

Chẳng hạn khi cãi vã (vốn đã là một khoảnh khắc nhạy cảm), thay vì tranh luận đúng trọng tâm vấn đề thì hai bạn quay sang trách móc, đổ lỗi và xoáy sâu vào khuyết điểm của nhau. Điều này khiến bạn dần thu mình lại, không thể mở lòng với đối phương, vì bạn nhận thấy ý kiến của mình không được tôn trọng.

4. Cảm thấy kiệt sức sau khi dành thời gian bên nhau

Thay vì cảm thấy thỏa mãn và được nạp năng lượng, dành thời gian với woundmate khiến bạn nhanh chóng cảm thấy kiệt sức. Họ là các energy vampire chính hiệu, có thể hút cạn năng lượng của bạn chỉ với vài câu nói. Dù vậy, họ thường ẩn mình sau lớp ngụy trang là vẻ ngoài thân thiện, vui vẻ khiến bạn khó nhận ra.

Chẳng hạn trong ví dụ trên, khi bạn tâm sự với người ấy về nỗi lo lắng khi thực hiện dự án mới. Họ thể hiện sự “đồng cảm” với bạn theo kiểu “có sao đâu, ngày xưa anh/em còn từng được giao dự án khó hơn thế nhiều…”. Cách nói này không khiến bạn đỡ lo lắng hơn, mà còn hạ thấp cảm xúc của bạn, khiến bạn mệt mỏi và nghi ngờ bản thân.

Một yếu tố khác khiến bạn thấy kiệt sức là việc nửa kia luôn xả cảm xúc mà không để ý đến tâm trạng của bạn. Họ cứ gặp chuyện không như ý là lại kể lể nhằm tìm kiếm sự cảm thông từ bạn, trong khi chính bạn cũng mệt mỏi và chưa sẵn sàng “hứng” mớ cảm xúc tiêu cực của họ. Nếu điều này tiếp diễn, bạn dễ có xu hướng tránh né việc trò chuyện lâu dài cùng họ.

5. Thoả hiệp độc hại chỉ để giữ được mối quan hệ

Woundmate đem đến cảm giác “khó từ bỏ" vì cả hai cố chấp nương vào cảm xúc ban đầu mà bỏ qua những ý nghĩ từ bỏ nhau. Sau nhiều cuộc cãi vã, bạn nghĩ đến việc “đường ai nấy đi" nhưng nhanh chóng dập tắt nó vì sợ cảm giác bị tổn thương, cũng như vì thương hại họ.

Do vậy, bạn chọn ở lại mối quan hệ này và cố gắng thỏa hiệp để đối phương thấy hài lòng. Việc thỏa hiệp có thể giúp giải quyết một mâu thuẫn tức thời, nhưng về lâu dài sẽ khiến hai bạn phải từ bỏ những nhu cầu khác của bản thân. Vì vậy đây là một kiểu gắn bó độc hại, khiến cả bạn và người ấy đánh mất chính mình thay vì hoàn thiện nhau trong mối quan hệ.

Liệu woundmate có thể thành soulmate hay không?

Trong tình yêu, chúng ta đôi khi vì cảm xúc ban đầu nhận được mà quên đi những tổn thương mình đang phải chịu đựng. Tuy vậy, cần nhớ rằng woundmate không hẳn là “định mệnh” của bạn. Họ chỉ đơn thuần là tấm gương phản chiếu những vết thương đang tồn tại bên trong mà bạn cần chữa lành.

Theo chuyên gia cố vấn hôn nhân Kelley Nele, nếu đã từng ở bên một woundmate, bạn có thể nhìn lại những gì đã qua để rút ra kinh nghiệm cho mối quan hệ tiếp theo. Nhưng nếu nhận ra mình đang hẹn hò một woundmate, bạn cũng không nhất thiết phải dừng lại ngay (bởi chấm dứt với woundmate vốn đã không dễ dàng).

19apr2024240415wouldmatesoulmate2jpg
Nếu nỗ lực cùng nhau giải quyết các vấn đề, hai bạn hoàn toàn có thể từ woundmate thành soulmate.

Thay vào đó, bạn thử nhìn nhận mối quan hệ một cách tổng quát, xem nó đang dạy cả hai bạn điều gì. Cụ thể, bạn xác định lý do vì sao hai bạn đến với nhau, vì sao mình (và người ấy) lại hành xử như vậy… Bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ chuyên gia về tình yêu và hôn nhân (relationship coach) để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề đang tồn tại.

Từ đó, hai bạn có thể cho nhau một cơ hội cùng phát triển và nâng cấp từ woundmate thành soulmate của nhau. Hãy chỉ nghĩ đến chia tay nếu các bạn đã cho nhau một cơ hội “nâng cấp” nhưng vẫn không thành.