5 Thuật ngữ về rap để không ngơ ngác khi xem Rap Việt | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 05, 2023

5 Thuật ngữ về rap để không ngơ ngác khi xem Rap Việt

Nếu bạn muốn bảo vệ một rapper mà bạn thích, nhưng chưa biết lập luận thế nào ngoài chuyện “nghe thấy hay,” bài viết này dành cho bạn.
5 Thuật ngữ về rap để không ngơ ngác khi xem Rap Việt

Nguồn: VTC News

Tập đầu tiên của chương trình Rap Việt mùa 3 đã lên sóng, đánh dấu sự trở lại của một trong những show truyền hình âm nhạc thú vị nhất tại Việt Nam. Chương trình thu hút sự chú ý của cả những người đã đam mê, yêu thích thể loại âm nhạc này trong nhiều năm, lẫn những người mới nghe rap qua các chương trình truyền hình và một số rapper nổi tiếng.

Là một thể loại riêng biệt, rap mang tới những kỹ thuật và thuật ngữ riêng của mình. Việc hiểu về những thuật ngữ này sẽ giúp khán giả nắm rõ những khía cạnh khác nhau của rap, từ đó vừa dễ theo dõi chương trình hơn, vừa tạo nền tảng kiến thức để đưa ra chính kiến của cá nhân về những nghệ sĩ tham gia chương trình.

Vậy nên, nếu bạn muốn bảo vệ một rapper mà bạn thích, nhưng chưa biết lập luận thế nào ngoài chuyện “nghe thấy hay,” bài viết này dành cho bạn.

1. Rhyme (vần)

Ta sẽ bắt đầu với một khái niệm đơn giản và khá quen thuộc dù bạn có nghe rap hay không, đó là vần. Vần thể hiện khả năng sử dụng ngôn ngữ của rapper để không chỉ biểu ý, mà còn tạo ra những sự biểu âm ấn tượng.

Đây là một thành tố nghệ thuật thường thấy của thơ, và ngày nay tới cả biển hiệu quảng cáo đôi khi cũng cần có vần. Chỉ riêng ở địa hạt thi ca, khả năng tạo nhạc tính và sự chảy trôi của vần đã là rất ấn tượng: “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/Đường bạch dương sương trắng nắng tràn/Anh đi nghe tiếng người xưa vọng/Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn.” (Tố Hữu)

Là một loại hình nghệ thuật ngôn từ, vần là thành tố quan trọng của rap. Cách mà nhạc rap sử dụng vần về cơ bản không khác thi ca, mặc dù hai loại hình nghệ thuật này nghĩ về vần theo hai cách khác nhau.

Ví dụ, nếu như thơ lục bát chia vần làm vần chân và vần lưng (chỉ vị trí của cặp vần trong một cặp lục bát), thì nhạc rap sử dụng cách phân chia theo số lượng âm tiết vần với nhau - chính là cách gọi vần đơn, vần hai, hay vần ba mà ta thường nghe thấy.

Vần đơn là những cặp vần một âm tiết. Như trong bốn câu của Tố Hữu, “lan” vần với “tan,” “dương” vần với “sương,” và “trắng” vần với nắng. Vần đôi là những cặp vần hai âm tiết, ví dụ như một cặp vần mà tôi rất ấn tượng của Datmaniac trong Mấy con mèo: “Đô thị vô vị.” Hay là vần đôi của Chị Cả: “Dù con đường gập ghềnh sỏi đá/Đưa người yêu đi mua gỏi cá/Lọ nước hoa hay vài thỏi son/Chẳng bao giờ cần phải hỏi giá.”

Tương tự như vậy, vần ba là cặp vần có ba âm tiết. Vần ba khó gieo hơn vì số lượng âm tiết nhiều hơn, đòi hỏi rapper phải thiết kế cặp vần ở những vị trí phù hợp trong câu. Ta có một ví dụ khác từ Datmaniac: “Là tâm ngôi sao sáng, là ngòi nổ đột ngột, là năm trời hạn hán mưa không hề đổ một hột.

2. Delivery

Delivery ở đây không liên quan gì tới Grab hay Tiki, mà ám chỉ “sự truyền đạt,” tức là cách mà một rapper sử dụng giọng hát của mình để truyền tải năng lượng và cảm xúc. Đối chiếu sang thơ, delivery sẽ giống như việc đọc diễn cảm. Có nhiều yếu tố quyết định delivery: nhấn nhá ở đâu và nhấn nhá ra sao, đẩy hơi thế nào, hát thế nào để làm bật cảm xúc chủ đạo của bài hát, v.v.

Ví dụ, một bài hát buồn không thể có một delivery vui vẻ, hào hứng. Hoặc một bài hát hào hùng, có tính sử thi về tinh thần dân tộc thì không thể hát ủ ê, rũ rượi như nhạc thất tình.

3. Flow

Nói một cách đơn giản, flow là cách mà một rapper tương tác với nhịp nhạc (beat). Cùng một bản nhạc nhưng có người sẽ rap nhanh, cố gắng đẩy nhiều âm tiết nhất vào một khuông nhạc; có người thì lại chuộng cách tiếp cận chậm hơn, trải các âm tiết ra. Bên cạnh đó, các yếu tố như gieo vần ở đâu hay có gieo vần vào nhịp beat không, tiến hành delivery thế nào, v.v. cũng có ảnh hưởng tới flow.

Có nhiều loại flow khác nhau, một số flow gắn với những tên tuổi nổi tiếng trong làng rap trên thế giới. Ta có thể kể đến straight-flow, tức là cách rap ổn định về giai điệu và giọng điệu, theo sát nhịp beat. Ta cũng có thể kể đến “Migos flow” (còn gọi là triplet-flow) gắn liền với bài hát “Versace” của Migos.

Mặc dù nhiều rapper chỉ gieo vần và đi flow một cách rất bản năng, có hẳn những hệ thống “sơ đồ flow” khác nhau cho những nhịp khác nhau. Theo đó, một bài hát với nhịp 4/4 sẽ cần một cách tiến cận và đi flow khác so với một bài hát với nhịp 6/8. Nói như vậy có thể hơi thừa - bản thân một bài hát 4/4 hay 6/8 đã có nhiều kiểu flow khác nhau - nhưng điều này cho ta thấy sự liên kết quan trọng giữa flow và beat.

4. Punchline

Punchline là khái niệm gắn chặt với thể loại “rap chiến” tức battle rap - hình thức cạnh tranh đối kháng mà trong đó những người tham gia cố gắng công kích nhau bằng những câu rap. Punchline là một câu hoặc một cặp câu có khả năng châm biếm, gây cười, đả kích đối thủ; cũng có thể xuất hiện trong những bài rap bình thường bên ngoài văn cảnh battle rap.

Punchline thường là yếu tố gây ấn tượng và được khán giả nhớ tới nhiều nhất của một bài hát. Có nhiều cách khác nhau để tạo ra punchline, điều này phụ thuộc vào sức sáng tạo riêng của mỗi người với ngôn ngữ và các khái niệm khác nhau. Để ví dụ, ta cùng xem punchline sau đây của Phúc Du:

“Lời của tao là độc nhất, nên sẽ chết nếu nuốt lời” - “độc nhất vừa chỉ sự nguyên bản, vừa có thể hiểu để thể hiện độc tố. Cũng với cách thức tương tự, Phúc Du có một số punchline ấn tượng khác: “Thằng này cắn tao là mất mạng, tao là cáp quang” hoặc “Cho mày nổi nốt hôm nay, tao là phát ban.”

30may202370nf9d77gu7jfif
Phúc Du tại chung kết DISSNEYLAND 5. | Nguồn: Genius Lyrics

5. Story-telling

Story-telling, tức tính kể chuyện, là một thành tố quen thuộc không chỉ trong rap mà còn trong các hình thức nghệ thuật khác như thi ca, tiểu thuyết, điện ảnh, hay thậm chí là hội họa và nhiếp ảnh. Về cơ bản, story-telling là việc cài cắm câu chuyện, những yếu tố trần thuật, hoặc những cú pháp trần thuật trong sản phẩm nghệ thuật của mình.

Kể chuyện là một yếu tố quan trọng trong nhạc rap, các bài hát dù ít hay nhiều đều phải có sự dẫn dắt mang tính kể ở trong đó. Tất nhiên, có những bài hát không kể câu chuyện gì cả, và cũng có những bài rap được thiết kế tỉ mỉ để thể hiện một mạch truyện độc đáo. Một trong những “người kể chuyện” nổi tiếng trong làng rap thế giới là Eminem.

Ở album mới nhất, Eminem có một bài hát là Darkness trong đó anh kể câu chuyện về diễn biến tâm lý của một tên xả súng hàng loạt tại Mỹ, và anh làm điều đó với sự tinh tế tột độ trong cách dùng từ và reo vần.