Khoảnh khắc “iconic”
Ngày 24/09/2018, Kim Nam Joon, nghệ danh là RM, đã đại diện nhóm nhạc BTS lên trình bày bài phát biểu hơn 6 phút tại cuộc họp lần thứ 73 của Liên Hợp Quốc (LHQ) ở thành phố New York, Mỹ.
Bài phát biểu nằm trong lễ khai mạc dự án hợp tác toàn cầu mới của quỹ nhi đồng UNICEF mang tên Generation Unlimited (Thế hệ không giới hạn), nhằm mang đến cho những người trẻ từ 10-24 tuổi một nền giáo dục, đào tạo và việc làm có chất lượng.
Trong bài phát biểu, RM thuật lại hành trình trưởng thành của bản thân như một “bóng ma” dưới áp lực kỳ vọng xã hội. Cơ thể thôi thúc anh lắng nghe tiếng nói của mình và anh chỉ có thể cất lên tiếng nói ấy trong âm nhạc.
Dù đã trở thành nghệ sĩ quốc tế, RM vẫn trân trọng những sai lầm trong quá khứ đã tạo nên anh của ngày hôm nay. RM cũng đại diện nhóm BTS lan tỏa thông điệp “Speak Yourself” nhằm khuyến khích thế hệ trẻ thể hiện bản thân thay vì chỉ lắng nghe tiếng nói của người khác.
Bài phát biểu của BTS đã trở thành hiện tượng như thế nào?
Trên kênh Youtube của UNICEF, bài phát biểu 6 phút từ trưởng nhóm BTS đã thu về 19 triệu lượt xem.
Con số này được coi là "chấn động" khi đem so sánh với một vài huyền thoại diễn thuyết khác như phát biểu tốt nghiệp của Taylor Swift tại New York University (4,4 triệu lượt xem) hay bài phát biểu "How Dare You" của Greta Thunberg ở Liên Hợp Quốc năm 2019 (9 triệu lượt xem).
Bài phát biểu của RM đã giúp chiến dịch gây quỹ Love Myself của Big Hit Music, BTS và UNICEF thu về 8,9 tỷ won (hơn 164 tỷ đồng). Hashtag #BTSLoveMyself nhằm khuyến khích người hâm mộ chia sẻ hình ảnh thể hiện tình yêu với bản thân cũng nhận được hơn 15 triệu lượt đăng trên mạng xã hội.
Không chỉ gây ấn tượng bằng những con số, bài phát biểu của RM phổ biến đến mức giới nghiên cứu khoa học cũng phải “vào cuộc”. Chỉ cần gõ từ khóa “kim namjoon speech analysis” trên Google, bạn sẽ tìm thấy ít nhất 10 bài nghiên cứu khoa học.
Trong đó, có một nghiên cứu từ Indonesia đã dành 13 trang để phân tích khía cạnh ngôn ngữ học của bài phát biểu. Vài nghiên cứu khác chi tiết đến mức chỉ ra RM dùng thì hiện tại đơn 43 lần, đại từ "tôi" 54 lần cùng hàng loạt yếu tố về phong thái, biểu cảm, ngôn ngữ hình thể, tông giọng,...
Có thể bạn không để ý?
Ngay đầu bài phát biểu, trưởng nhóm BTS đã gửi lời cảm ơn ARMY cùng lời khen có cánh cho người hâm mộ: “We truly have the best fans in the world” (Tạm dịch: Chúng tôi có những người hâm mộ tuyệt nhất quả đất).
Theo nghiên cứu từ Indonesia, việc RM đề cập đến ARMY đã chứng minh cộng đồng fan BTS không chỉ là “những người trẻ cuồng nhiệt” (rabid teenagers) và BTS không chỉ là “Idol”. BTS và ARMY có vai vế ngang nhau và đều có những niềm đau, nỗi buồn rất thật của mỗi con người.
Nhiều fan hâm mộ tinh ý hơn sẽ phát hiện ra RM còn cài cắm các bài hát của BTS trong phần phát biểu.
Như đoạn “I was a superhero” làm liên tưởng đến lời bài hát của Anpanman và Jump. Khi RM nhắc về tuổi thơ “My heart stopped…I was maybe nine or ten”, người hâm mộ cũng nhớ ngay tới INTRO : O!RUL8,2?. Hay “mistakes are what I am” hay “I have come to love myself” là lời nhắn được gói ghém từ ca khúc Answer: Love Myself trong album ra mắt năm 2018 của BTS.
Nếu nói RM thông minh 9 điểm, thì sự tinh tế của anh và BTS trong bài phát biểu xứng đáng nhận điểm 10!
Chuyện gì đã thay đổi?
Nhìn lại thời gian trước, chẳng mấy khi ta thấy thần tượng K-pop lên tiếng về vấn đề nóng bỏng của xã hội.
Trong khi Emma Watson đấu tranh cho nữ quyền từ năm 2014, Lady Gaga ủng hộ quyết liệt cho cộng đồng LGBTQ+, thì các nghệ sĩ Hàn Quốc vẫn chỉ lên tiếng vì những chủ đề an toàn như bảo vệ môi trường và quyền động vật.
Việc lên tiếng về các vấn đề xã hội dễ đưa nghệ sĩ K-pop vướng vào lùm xùm như khi Irene (Red Velvet) bị fan nam đem ảnh đi đốt vì tiết lộ đang đọc tiểu thuyết Kim Ji Young, Born 1982 có nội dung nữ quyền. Hay tình đầu quốc dân Suzy dính vào làn sóng tẩy chay khi đăng ảnh quảng bá bộ phim cùng tên.
Thế nhưng việc BTS bước ra quốc tế đã và đang tạo ra ngoại lệ. Từ đầu, cái tên BTS, từ viết tắt của Bangtan Sonyeondan (방탄소년단) (tạm dịch: Chống đạn thiếu niên đoàn) đã cho thấy mong muốn "chống lại những khuôn mẫu không lành mạnh và kỳ vọng phi thực tế thường nhắm vào giới trẻ như những viên đạn".
Xuất thân từ công ty nhỏ và chẳng mấy tiếng tăm, BTS đã có bước đi táo bạo khi lên án những đứa trẻ không ước mơ, chỉ biết dựa dẫm cha mẹ. Ca khúc N.O của nhóm cũng đề cập đến nền giáo dục rập khuôn đã biến những đứa trẻ thành “cỗ máy chỉ biết học”.
Năm 2016, ca khúc The Last trong album mixtape đầu tiên của Agust D, nghệ danh khi hoạt động solo của Suga (BTS), cũng xoáy sâu vào đề tài trầm cảm và tính rối loạn cưỡng chế vốn nhạy cảm tại Hàn Quốc.
Bài phát biểu của RM tại UNICEF năm 2018 đã mở đường cho các nhóm nhạc K-pop lên tiếng trao đổi về các vấn đề cộng đồng.
Tháng 09/2021, BLACKPINK trở thành nghệ sĩ Châu Á đầu tiên làm Đại sứ cho 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. SEVENTEEN cũng là đại diện K-pop đầu tiên diễn thuyết tại Diễn đàn Thanh niên UNESCO lần thứ 13 tại Paris về chủ đề biến đổi khí hậu và giáo dục.
Năm 2020, lần đầu tiên công chúng chứng kiến hàng loạt nghệ sĩ K-pop lên tiếng về một vấn đề trước đó sẽ không ai lên tiếng tại Hàn Quốc - phân biệt chủng tộc. Người ta thấy BTS cùng Taeyang (Bigbang), Minzy (2NE1), Tiger JK,... đòi công bằng cho người đàn ông da màu George Floyd với hashtag #BlackLivesMatter.
Ở chiều ngược lại, các tổ chức quốc tế đang chăm chỉ tận dụng tầm ảnh hưởng của BTS và những ngôi sao K-pop để nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Sau bài phát biểu của RM tại UNICEF, hàng loạt video về BTS phủ sóng khắp kênh Youtube của United Nations, trong đó video trình diễn Permission to Dance của 7 chàng trai tại trụ sở Liên Hợp Quốc đã đạt nhiều lượt xem nhất trên kênh (92 triệu lượt xem).
Với lượng fan hâm mộ đông đảo, các ngôi sao K-pop hội tụ đủ điều kiện để lan tỏa những thông điệp có ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, điều này đặt ra yêu cầu cứng rắn hơn trong việc bảo vệ nghệ sĩ và cân nhắc các phương án xử lý khủng hoảng khi nghệ sĩ lên tiếng về các vấn đề xã hội này.
Bạn yêu âm nhạc và muốn thưởng thức âm nhạc chất lượng được tuyển chọn?
RadioOnTV là kênh âm nhạc giải trí phát sóng 24/7 trên nền tảng Youtube, được sản xuất và vận hành bởi Vietcetera, SpaceSpeakers, BEAT Network và Dentsu Redder. Đừng bỏ qua 24 giờ nội dung đời sống thú vị, những playlist âm nhạc tuyển chọn và hàng loạt show độc quyền chỉ có trên RadioOnTV.
Bật RadioOnTV ngay hôm nay để sống cùng dòng chảy âm nhạc đương đại!