Amazon yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng: Kỷ nguyên làm việc từ xa kết thúc? | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 09, 2024

Amazon yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng: Kỷ nguyên làm việc từ xa kết thúc?

Amazon làm vậy để xây dựng văn hóa công ty, hay còn vì lý do nào khác?
Amazon yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng: Kỷ nguyên làm việc từ xa kết thúc?

Nguồn: Los Angeles Times

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào ngày 16/9, CEO của Amazon là Andy Jassy đã viết bức thư thông báo một số thay đổi quan trọng từ quý I năm 2025. Theo đó, từ ngày 2/1/2025, tất cả nhân viên khối văn phòng của Amazon phải trở lại làm việc tại công ty cả 5 ngày trong tuần thay vì 3 ngày như hiện tại.

Theo CEO Andy Jassy, thay đổi này là cần thiết để xây dựng văn hóa “phát minh, hợp tác và kết nối” tại Amazon. Ông cho biết, quá trình thử nghiệm tuần làm việc 3 ngày bắt buộc tại văn phòng đã cho kết quả khả quan - yếu tố quan trọng khiến ban lãnh đạo đưa ra quyết định trên.

Ông Andy Jassy cũng cho biết đang có kế hoạch đơn giản hóa cấu trúc công ty bằng cách giảm bớt các chức vụ quản lý. Ông kỳ vọng kế hoạch sẽ giúp tỷ lệ nhân viên/lãnh đạo đạt mức ít nhất 15% vào cuối quý I năm 2025.

23sep2024gettyimages1348139958h2022jpg
Theo CEO Andy Jassy, thay đổi này là cần thiết để xây dựng văn hóa “phát minh, hợp tác và kết nối” tại Amazon. | Nguồn: NBC

2. Lý do thực sự khiến Amazon ra quyết định này?

CEO Andy Jassy giải thích trong bức thư rằng, việc đưa khối văn phòng trở lại làm việc tại chỗ 100% là để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy khả năng hợp tác và làm việc hiệu quả. Nhưng theo John McBride, một kỹ sư từng làm ở Amazon Web Services (AWS), lý do thực sự khiến Amazon ra quyết định này là để cắt giảm biên chế.

Cũng như nhiều công ty công nghệ khác, Amazon tuyển dụng nhiều hơn hẳn bình thường trong thời kỳ dịch bệnh năm 2020-2021. Nay khi kinh tế suy thoái, họ buộc phải sa thải bớt nhân viên. Nhưng nếu đi theo quy trình sa thải thông thường, họ sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí - điều sẽ ảnh hưởng đến báo cáo tài chính và giá cổ phiếu của họ.

Thay vào đó, bằng cách buộc nhân viên trở lại văn phòng cả tuần, Amazon sẽ khiến một lượng lớn nhân viên không đồng tình với chính sách mới tự động nghỉ việc mà không cần sa thải.

Một lý do nữa được McBride phân tích là Amazon muốn tránh phải nộp một khoản thuế khổng lồ. Là công ty công nghệ lớn, tạo ra nhiều việc làm và mang lại lợi nhuận kinh tế địa phương nên Amazon nhận được nhiều ưu đãi thuế từ các thành phố nơi họ đặt văn phòng.

23sep2024amazonjpg
Văn phòng trụ sở của Amazon ở Seattle (Mỹ). | Nguồn: Amazon

Vì vậy nếu các văn phòng của Amazon tiếp tục bị bỏ trống do nhân viên làm từ xa, chính quyền các thành phố trên không còn lý do gì để tiếp tục miễn giảm thuế cho họ. Trường hợp này, công ty có thể phải trả khoản thuế lên tới hàng trăm triệu USD. Vì vậy, Amazon tìm mọi cách buộc nhân viên trở lại văn phòng để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế và giảm chi phí vận hành.

3. Kỷ nguyên làm việc từ xa đã chấm dứt?

Việc một công ty công nghệ hàng đầu là Amazon yêu cầu nhân viên trở lại làm full-time tại văn phòng khiến không ít người lo ngại, rằng kỷ nguyên làm việc từ xa sắp kết thúc.

Một nghiên cứu của KPMG Global CEO Outlook cũng cho thấy, 63% các CEO được phỏng vấn dự đoán kỷ nguyên này sẽ kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2026. Chỉ có 7% các CEO cho rằng, lối làm việc này sẽ tiếp diễn trong tương lai lâu dài.

Dù vậy theo một báo cáo của LinkedIn, nhu cầu với các công việc có thể làm từ xa vẫn rất lớn. Theo dữ liệu tháng 12/2023, những công việc này chỉ chiếm 10% các thông báo tuyển dụng trên LinkedIn, nhưng thu hút tới 46% đơn ứng tuyển được gửi đi trên nền tảng này.

Cũng theo Christa Kiersch, giáo sư ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Wisconsin (Mỹ), điều này còn phụ thuộc vào từng công ty, từng ngành nghề khác nhau, và vào chính bản thân người ứng tuyển. Nếu doanh nghiệp nhận thấy đa số yêu cầu công việc có thể hoàn thành từ xa, họ cũng sẽ tạo điều kiện tối đa cho nhân viên, đặc biệt khi cách làm này có thể tiết kiệm số tiền thuê mặt bằng không nhỏ.