Bạn luôn tăng ca liên tục, ăn ngủ với deadline, không bỏ lỡ một tin nhắn nào từ một chục nhóm chat bất kể ngày đêm. Nhưng đến phần tri ân những nhân viên cống hiến nhất thì bạn không được nhắc tên, hay thậm chí là “dậm chân tại chỗ” trong khi đồng nghiệp chung dự án của mình được thăng chức, tăng lương.
Một cách tự nhiên, bạn nảy sinh cảm giác chán nản, không cam tâm khi nỗ lực của mình không nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng như các đồng nghiệp khác. Nhà xã hội học sức khoẻ người Đức Siegrist (1996) gọi tình trạng không được “healthy và balance" này là mô hình Effort-Reward Imbalance (ERI).
Mô hình ERI - Khi phần thưởng “lệch pha" với nỗ lực bỏ ra
Hãy thử tưởng tượng ra một cán cân. Trong đó, một bên cân là công sức (effort) mà bạn phải bỏ ra, bao gồm thời gian, năng lượng, cảm xúc để xử lý một đầu việc. Bên còn lại là phần thưởng (reward) - sự công nhận từ sếp, đồng nghiệp và những phúc lợi khác như lương thưởng, thăng tiến, cơ hội nghề nghiệp mà bạn nghĩ mình xứng đáng được nhận.
Khi trong tình thế mất cân bằng, bạn có thể cảm thấy những cảm xúc tiêu cực, muốn nhảy việc, và về lâu dài để lại những hậu quả khôn lường như căng thẳng thần kinh, burn out, trầm cảm và như Siegrist nghiên cứu thì có thể ảnh hưởng xấu đến tim mạch.
Tại sao chúng ta đau lòng khi “đơn phương” công việc?
Theo Sarah Brosnan - Giáo sư tâm lý học, triết học và khoa học thần kinh tại tại đại học Georgia State University (Mỹ), con người luôn mưu cầu tính công bằng.
Trong một thí nghiệm nổi tiếng với cặp khỉ capuchin vào năm 2020, Sarah rút ra được: Con người không chấp nhận khi nhận thấy mình bị đối xử bất công.
Tương tự trong môi trường làm việc, chúng ta sẽ cảm thấy có động lực cống hiến hơn khi nỗ lực của mình được công nhận và đền đáp xứng đáng, công bằng so với những thành viên trong tổ chức.
So sánh với người khác giúp chúng ta biết được bản thân có đang bị đối xử bất công hay không. Tuy nhiên, việc so sánh này thường xuất phát từ thước đo cá nhân, ít khách quan nên không phải lúc nào cũng thật sự công tâm. Cán cân ERI mà bạn có trong đầu vì vậy cũng có thể không hoàn toàn mất cân bằng đến vậy.
Vậy làm sao biết được bạn có đang thực sự trong mối quan hệ một chiều với công việc?
1. Bạn có thuộc hội “tôn sùng” công việc?
Workism là hiện tượng khi một người xem công việc như là một phần danh tính của bản thân và là mục đích, sứ mệnh sống cần phải tìm thấy và đáng tự hào. Ở một xã hội, cộng đồng đề cao workism, làm việc nhiều đồng nghĩa với cuộc sống tốt, dẫn đến nhiều người gắn bó quá mức với công việc của mình.
Những nhân viên này không chỉ có yêu cầu cao trong công việc, và xem hoàn thành việc được giao thực xuất sắc hoặc vượt mức yêu cầu là trách nhiệm cao cả của bản thân.
Dần dần, họ sẽ thấy khó khăn trong việc tách bạch bản thân ra khỏi công việc. Dù là sau giờ làm hay nửa đêm, họ vẫn sẽ “quen tay" kiểm tra tin nhắn, trả lời email, và luôn trong tình trạng “kết nối" để sẵn sàng giải quyết bất kì vấn đề phát sinh.
Nhưng khi càng tâm huyết hết mức với công việc, bạn sẽ có xu hướng muốn được ghi nhận nhiều hơn, và có khả năng… thất vọng càng nhiều.
2. Bạn có đang đánh giá đúng nỗ lực của bản thân?
Mỗi người sẽ có những thước đo giá trị khác nhau, mỗi thước đo bao gồm nhiều yếu tố hợp lại. Để đánh giá đúng thực lực và cống hiến của bản thân, bạn cần tìm hiểu góc nhìn của những người khác.
Ví dụ, bạn có thể cho rằng bản thân phải hi sinh giấc ngủ để hoàn thành deadline là một sự cố gắng đáng được tuyên dương. Tuy nhiên, đồng nghiệp của bạn có thể đang làm cùng một lượng việc trong giờ hành chính - nhanh hơn và hiệu quả hơn bạn. Khi đánh giá hiệu suất làm việc, dĩ nhiên bạn sẽ không có thế mạnh.
Ngoài ra, chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi ảo tưởng lạc quan (positive illusion) - hiện tượng thiên vị bản thân một cách không căn cứ và quá đề cao khả năng kiểm soát tình hình của bản thân. Đây là hiện tượng bình thường mà ai cũng gặp phải vì nó mang lại một cảm giác tích cực, dễ chịu.
Trong công việc, “ảo tượng lạc quan" có thể dễ dẫn đến những đòi hỏi được trả công thiếu thực tế, dễ dẫn đến tình cảnh “vỡ mộng", cảm thấy bất công khi mong đợi không được đáp ứng.
Cân bằng cán cân ERI
Trước khi tự đẩy bản thân vào 'biển' cảm xúc tiêu cực và nộp đơn nghỉ việc, bạn có thể tự điều chỉnh bản thân bằng những câu hỏi sau:
1. Những đánh đổi cho công việc của bạn có xứng đáng?
Rụng tóc, mất ngủ, cảm giác không bao giờ đủ tốt, đánh mất các mối quan hệ quan trọng trong đời... là những hệ quả mà bạn có thể gặp phải khi quá ám ảnh với công việc.
2. Những phần thưởng vô hình nào mà bạn đã nhận được
Ngoài lương bổng và thăng tiến, bạn có thể nhận được nhiều lợi ích vô hình khác từ công việc mà ít để ý đến, như những mối quan hệ, kết nối chất lượng, những kinh nghiệm “chinh chiến" quý giá, những cơ hội phát triển, thử thách bản thân ở vị trí mới, học hỏi kỹ năng mới,...
3. “Biết người biết ta”
Thay vì tự cô lập mình trong suy nghĩ chán nản, bạn có thể mở lòng nhờ đồng nghiệp và cấp trên nhận xét về năng lực, hiệu suất làm việc của bản thân. Đồng thời, tìm hiểu kỹ hơn về guồng việc của những team khác trong công ty.
Ngoài ra, bạn nên lập một bảng thành tích, nêu rõ những thành tựu, mục tiêu đã hoành thành, những tiến bộ của bạn trong công việc và giá trị mà bạn mang lại cho doanh nghiệp. Đây sẽ là bằng chứng trực quan, giúp bạn thuyết phục được nhân sự mỗi mùa performance review.
4. Trao đổi thẳng thắn với cấp trên
Không ai có thể đáp ứng mong mỏi và thấu hiểu nỗi lòng của bạn nếu bạn không nói ra.
Nếu nhận thấy mình cần được ghi nhận và động viện hơn, thay vì ôm nỗi ấm ức trong người, hãy tìm đến cấp trên để trực tiếp giải bày và trao đổi những mong muốn của bản thân.