Có thể bạn - một trong những độc giả của Vietcetera đang tận hưởng những năm tháng của hai từ “yên bình” đúng nghĩa. Một số khác lại không. Tại sao nhỉ, chẳng phải tất cả chúng ta đều đang sống trong hòa bình à?
Tôi nói như thế là vì đâu đó ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tàn dư từ những cuộc chiến cũ. Nghĩa là vẫn còn những người đang ngày ngày sống trong lo sợ, vì họ không biết giờ phút nào mình sẽ trở thành nạn nhân của những quả bom mìn chưa nổ đang vùi sâu dưới nhiều lớp đất kia.
Nếu đã từng xem Mùi Cỏ Cháy - bộ phim tái hiện trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị khốc liệt, bạn sẽ hiểu những gì tôi đang nói đến. Tuy nhiên con số 81 chưa phải là điểm kết thúc của cuộc chiến, vẫn còn rất nhiều người của nhiều thế hệ sau này đã hoặc đang gánh chịu những tổn thất nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần do đạn bom để lại.
Đó cũng là lý do chúng ta thường hay nghe đến Quảng Trị với tên gọi “vùng đất lửa”. Nhưng trong tập Have A Sip lần này, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một Quảng Trị có đôi phần khác lạ - một hình ảnh quật cường, mạnh mẽ hơn thông qua góc nhìn của ông Chuck Searcy - người đã xem Việt Nam như “nửa phần đời còn lại” của mình.
Việt Nam cần tận dụng nền hòa bình như một “tài sản quốc gia”
Tôi nghĩ chưa từng có ai dám khẳng định “Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trên thế giới không có kẻ thù”. Huống chi câu nói này lại xuất phát từ một cựu binh Mỹ, người từng đứng ở đầu bên kia chiến tuyến.
Với thế hệ sinh ra sau chiến tranh, có lẽ hòa bình là điều gì đó hiển nhiên và quen thuộc. Thứ gì càng quen thuộc thì lại càng ít đi sự quan trọng và nâng niu. Nhưng với ông Chuck Searcy, 50 năm hòa bình của Việt Nam là chứng nhân cho sự kiên cường, lòng bao dung cùng chính sách đối ngoại nhất quán, bản lĩnh. Trong mắt ông, Việt Nam không đơn thuần chỉ là một quốc gia thành công vượt qua giai đoạn kháng chiến, mà còn là đất nước có thể dạy cả thế giới về cách kiến tạo hòa bình.
Việc chủ động xây dựng hình ảnh quốc gia “4 không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc đã thể hiện bản lĩnh của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương và nỗi buồn ly tán.

Vì vậy không phải ẩm thực cũng chẳng phải những lễ hội truyền thống, ông Chuck nhận định hòa bình mới là thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Đến bây giờ, “Vì sao nhân loại lại thất bại trong việc đem lại hòa bình?” vẫn là câu hỏi mà ông đau đáu đi tìm cách giải. Ông cho rằng chặng đường sẽ rất khó khăn nhưng vô cùng cấp thiết trong thời điểm này.
Bài học đầu tiên cho người trẻ: Không có kỳ tích nào trên đời! Mọi thứ phải đến từ nỗ lực, bản lĩnh và trí tuệ. Hòa bình cũng vậy!
Sự cách biệt thế hệ ở thời chiến và thời bình
“Con không còn là người Mỹ nữa” là câu nói mà Chuck Searcy đã nghe từ chính cha mình khi ông trở về từ Việt Nam và công khai phản đối chiến tranh. Được biết cha của Chuck Searcy là một cựu tù binh trong Thế chiến thứ II.
Chuck Searcy là nhà phân tích tình báo của Mỹ tại Sài Gòn trong cuộc chiến diễn ra ở Việt Nam. Sau khi hết nhiệm vụ, ông về nước và tham gia Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam cùng các hoạt động phản chiến. Khi nhìn thấy ông trên truyền hình biểu tình phản đối chiến tranh, cha ông đã vô cùng tức giận. “Cái giá” ông phải trả cho việc đi theo lý tưởng bản thân mình là sự đoạn tuyệt với gia đình trong suốt hai năm.
Thật may vì một thời gian sau, cha ông nhận ra sự sai trái của cuộc chiến và chấp nhận những điều ông đang làm là đúng. Dù biết rằng ông đã rất vất vả để tìm thấy chính mình giữa vô vàn áp lực từ gia đình, chính phủ, xã hội và chiến tranh thời điểm đó, nhưng niềm tin chính là ánh sáng dẫn đường để đến hôm nay ông vẫn không nuối tiếc về điều mình lựa chọn.
Ở thời nào thì sự cách biệt thế hệ cũng sẽ tồn tại. Xung đột thời nay không còn bùng nổ đến mức đoạn tuyệt nhưng vẫn âm ỉ hiện diện trong sự thiếu thấu hiểu và lắng nghe. Khác với thời đại của ông Chuck, người trẻ hôm nay phải đi tìm mình trong biển lựa chọn giữa nhiễu loạn thông tin và áp lực phải thành công. Ông Chuck cho rằng, việc đầu tiên cần làm là các thế hệ phải cùng ngồi xuống và thật lòng trò chuyện.
Bài học thứ hai cho người trẻ: hãy thành thật. Bên cạnh thành thật, chúng ta phải lắng nghe và (chịu) thấu hiểu mình, thấu hiểu cả những người xung quanh mình.

Vẫn đứng vững ngay cả khi bom đạn quanh quẩn dưới chân mình
Trong cuộc trò chuyện này, ông chia sẻ rất nhiều về Quảng Trị, vùng đất đã để lại nhiều “nỗi đau” bên trong ông.
Có đến 81% diện tích đất ở Quảng Trị từng bị nghi có bom mìn. Trước kia, những vụ nổ vẫn xảy ra định kỳ. Có ngày đội rà phá phải xử lý hàng chục quả. Có bom được đào lên, mang đi. Có bom phải kích nổ tại chỗ, cách nhà dân chỉ vài trăm mét. Không ai biết chính xác con số còn bao nhiêu quả bom đang nằm “đợi thời cơ” để nổ.
Tuy nhiên “người dân phải chấp nhận thực tế rằng có bom dưới lòng đất”. Điều quan trọng là phải giáo dục và tuyên truyền để trẻ em nhận biết được bom mìn và cách xử lý khi phát hiện. Nhờ hàng chục năm làm việc của các tổ chức như Project RENEW, Norwegian People's Aid, các đối tác Việt Nam và nỗ lực của người dân Quảng Trị, đến năm 2019 tỉnh đã không còn ghi nhận bất kỳ vụ tai nạn bom mìn nào.
Khi nhắc về con số 815.000 quả bom mà ông đã giúp Việt Nam gỡ bỏ, trông ông không dấy lên niềm tự hào mà đâu đó là ám ảnh kinh hoàng về sự tàn phá của chiến tranh. 100 hay thậm chí 1000 năm là những con số không hề đủ để giải quyết được số bom này. Nhưng người dân Quảng Trị vẫn ở đó, họ sống bình thản và tự tin. Giữa những thửa đất từng nhuộm màu máu, bây giờ đã là lớp học, sân chơi, là quán cà phê và cả trang trại.

Bài học thứ ba cho người trẻ: đừng chờ đợi thời điểm lý tưởng để bắt đầu, vì thế giới luôn đầy bất định. Chúng ta cần học cách đứng vững ngay cả khi không ở trong vùng an toàn của mình.
Sống một cuộc đời không kế hoạch?
Nhìn lại những sự kiện lần lượt diễn ra trong đời, ông Chuck thầm nhận ra mọi sự đều là tình cờ. Mọi người nghĩ rằng ông có mục tiêu rất rõ ràng, nhưng thật ra ông chẳng có kế hoạch nào cho cuộc đời mình cả.
Ông kể rằng, ở Georgia - miền Nam nước Mỹ nơi ông sinh ra, mọi người thường bảo với nhau: khi chúng ta bận rộn lên kế hoạch cho những thứ xa xôi trong đời thì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Vậy nên thứ chúng ta cần quan tâm và đón nhận là hiện tại. Cũng giống như việc ông chưa từng lên kế hoạch sống ở Việt Nam 30 năm. Nhưng cuối cùng chuyện đó đã xảy ra và dẫn ông đến công việc mà ông muốn gắn bó trọn đời.
Khi bắt đầu hỗ trợ các chương trình rà phá vật liệu nổ, ông không phải chuyên gia. Ở Quảng Trị, ông chưa từng tháo gỡ quả bom nào. Nhưng ông kết nối những người biết cách tháo gỡ. Ông cũng không cần được đứng trên sân khấu, không cần được vỗ tay hoan hô. Ông chỉ cần biết rằng mình đang giúp một đứa trẻ không bị thương tật bởi một quả bom mìn nào đó. Thế là đủ.
Bài học cuối cùng cho người trẻ: không quan trọng cánh cửa nào sẽ dẫn bạn đến đâu. Dù bạn là ai, chỉ cần chân thành và bền bỉ với điều mình muốn làm, thành công dù sớm hay muộn cũng sẽ “ngã vào lòng” bạn.

Tôi nghĩ rằng, người trẻ chúng ta hôm nay không cần đi qua chiến tranh để hiểu ý nghĩa của hòa bình. Nhưng chúng ta cần lắng nghe những cuộc trò chuyện thế này để biết mình đang thừa hưởng điều gì, đang bước đi trên nền tảng nào và có trách nhiệm ra sao với tương lai phía trước.