“Giải oan” công nghệ: Là tội đồ hay cứu tinh cho đời sống sức khỏe lành mạnh? | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 05, 2025

“Giải oan” công nghệ: Là tội đồ hay cứu tinh cho đời sống sức khỏe lành mạnh?

Đã bao lâu rồi bạn chưa nghe thấy tiếng trẻ con cười đùa trong xóm? Nguyên do là gì? Có phải bạn ngay lập tức nghĩ rằng công nghệ chính là “thủ phạm” gây ra chuyện này hay không?
“Giải oan” công nghệ: Là tội đồ hay cứu tinh cho đời sống sức khỏe lành mạnh?

Nguồn: Nhi Thanh (obanhmis) cho Vietcetera

Không khó để có thể bắt gặp vô số những “biệt danh drama” mà con người gán ghép cho công nghệ trong thời đại số: kẻ đánh cắp tuổi thơ, tiểu tam trong mọi mối quan hệ, bà trùm gây nghiện, hung thần gây mất tập trung, tội đồ phá vỡ những giấc ngủ... và còn nhiều hơn thế nữa.

Nhưng bạn hãy thử nghĩ lại xem, liệu những phát minh tân tiến của nhân loại có đáng bị đổ lỗi và bắt bẻ? Trong khi gốc rễ của những vấn đề này có khi lại xuất phát từ chính cách tiếp cận và sử dụng của con người chúng ta.

Công nghệ không có lỗi, lỗi tại mình mà ra

Con người thường có xu hướng “thần thánh hóa” sự tập trung và chỉ trích những thứ khiến mình mất tập trung, trong đó có các thiết bị công nghệ. Nhưng sự thật thì… công nghệ vốn chỉ đang làm đúng những gì chúng ta yêu cầu nó phải làm.

Khi bạn mở điện thoại chỉ để kiểm tra giờ, rồi bất ngờ thấy mình 30 phút sau đang cười như điên vì một video mèo nhảy trên TikTok, thủ phạm không phải là cái điện thoại. Đó là bạn.

alt
Nguồn: Ái Vân (Báo Lao động)

Bạn vào Google để tìm “mẹo thiền 5 phút”, nhưng 5 giây sau đang cày Top 7 vụ mất tích bí ẩn chưa có lời giải lúc 2h sáng thì vấn đề nằm ở ý chí của bạn.

Bạn muốn trả lời tin nhắn công việc, nhưng cuối cùng lại đang phân vân nên đặt đồ ăn trên app nào. Điện thoại không “cám dỗ” bạn. Nó không mời mà bạn vẫn tự “mở cửa” bước vô.

Những tình huống này được liệt kê không phải để trách móc bất kỳ cá nhân nào cả, mà là để chúng ta hiểu rằng công nghệ không phải là “kẻ chủ mưu” trong tất cả các vụ án gây nên sự mất tập trung của con người. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta nên giải “nỗi oan” không thể than này của nó.

Thực chất nếu hiểu và sử dụng công nghệ đúng cách, chúng ta có thể biến chúng thành trợ lý đắc lực trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe hằng ngày hơn là những danh từ nghe có vẻ tiêu cực như đã kể trên.

Đừng vội “unfriend”, hãy thử yêu lại công nghệ từ đầu

Việc ngắt kết nối hoàn toàn với công nghệ vốn là một giấc mơ xa xỉ khi chúng ta vẫn phải làm việc, học tập và bắt kịp những xu hướng mới mẻ của thời đại. Vì vậy, hãy thử tìm hiểu những cách dưới đây để bắt đầu lại một mối quan hệ lành mạnh hơn với công nghệ mà không cần phải loại hẳn nó ra khỏi cuộc sống của mình.

1. Digital detox - “thải độc” công nghệ mỗi ngày

Chúng ta không nhất thiết phải rời xa các thiết bị hiện đại đến tận mấy tháng để tìm thấy chính mình. Bạn chỉ cần một khoảng nghỉ mỗi ngày "tắt sóng" nhẹ nhàng là đủ để não bộ “hít thở” được chút không khí trong lành, không bị ùn tắc bởi lượng thông tin mà các công cụ điện tử mang lại.

Đó có thể là buổi sáng sớm trước khi kiểm tra email, giờ nghỉ trưa không lướt mạng xã hội, hay buổi tối trước khi đi ngủ dành trọn vẹn cho việc đọc sách hoặc trò chuyện cùng người thân. Những khoảng lặng này chính là liều thuốc cân bằng, để tâm trí được tái "sạc pin" và giúp chúng ta khi quay về với thế giới “ảo” mà không bị" hụt hẫng cảm xúc".

Bạn cũng có thể đặt ra những "luật bất thành văn" cho bản thân, ví dụ như không sử dụng điện thoại trong bữa ăn, tắt thông báo khi không cần thiết hoặc dành riêng một khu vực trong nhà là "vùng cấm công nghệ". Ban đầu sẽ hơi bứt rứt như thể thiếu người yêu nhắn tin, nhưng dần dần những hành động nhỏ này sẽ trở thành một phần tự nhiên trong lịch trình hàng ngày của bạn.

alt
Nguồn: BlockSite

Những khoảng nghỉ nhỏ này tuy đúng là… nhỏ thật, nhưng sẽ mở ra không gian cho những trải nghiệm thực tế, sự tập trung cao độ hơn vào công việc và những sở thích cá nhân. Khi đã làm quen được với điều này, bạn có thể thực sự "sống" trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, cảm nhận sâu sắc hơn thế giới xung quanh và nuôi dưỡng những mối quan hệ ý nghĩa bên cạnh mình.

Còn bây giờ hãy tưởng tượng một ngày không bị noti giật mình mỗi 5 phút. Nghe tiếng chim hót chứ không chỉ là tiếng ting ting. Và thay vì “thả haha” thì hãy thả lỏng bản thân để lắng nghe chính mình nhé.

2. Biến công nghệ thành “PT cá nhân”

Tất nhiên, công nghệ sẽ không tự nhiên giúp chúng ta sống healthy nếu chỉ dùng nó cho mục đích giải trí. Nhiều app như WaterMinder, Headspace hoặc Google Fit có thể trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, đặc biệt khi bạn lựa chọn nhận các thông báo phù hợp. Thử nghĩ những lúc đang lướt TikTok say sưa, chợt nghe văng vẳng bên tai lời nhắc “Uống nước hay uống drama tiếp vậy bạn?” mà thấy... lương tâm cũng hổ thẹn nhẹ nhỉ?

Hôm nay bạn đã ngủ đủ 8 tiếng, đi bộ được 5.000 bước và có chỉ số stress ổn áp - nghe như nằm mơ giữa ban ngày đúng không? Nhưng thật ra, rất nhiều app đã có khả năng đo lường và phân tích những điều này.

Chẳng hạn như Apple Health hay Samsung Health có thể theo dõi vận động hàng ngày; trong khi những thương hiệu smartwatch như Fitbit, Garmin hay WHOOP sẽ “soi” từ giấc ngủ đến nhịp tim và kể cả mức độ căng thẳng. Còn nếu muốn cảm xúc được "chữa lành", bạn thử trải nghiệm thêm Moodfit hay Moodpath.

Thậm chí với công nghệ, bạn còn có thể ghi âm… tiếng ngáy của mình thông qua SnoreLab. Trong khi đó Lumosity sẽ là vũ khí bí mật cho “hội cá vàng” muốn rèn luyện trí nhớ não. Khi bạn hiểu rõ cơ thể mình như hiểu các deadline trong công việc, bạn sẽ khiến nhịp sống ít mệt mỏi hơn, bớt bức xúc với cơ thể hơn.

alt
Nguồn: Glints

Đừng nghĩ sống healthy là chuyện khổ luyện như hái sao trên trời. Vì rất nhiều ứng dụng có thể biến việc đi bộ, thiền, uống nước, ngủ đủ... thành một trò chơi có phần thưởng, có bảng xếp hạng, huy hiệu ảo với cảm giác chiến thắng siêu thật. Điều đó cho thấy sống lành mạnh cũng có thể gây nghiện, miễn là bạn “cày” đúng app!

Vậy nên, hành trình tái thiết mối quan hệ với công nghệ không phải là một cuộc chiến "một mất một còn", mà là quá trình điều chỉnh để có sự phù hợp. Thay vì né tránh hay lên án, chúng ta có thể học cách sống cùng công nghệ một cách thông minh và có ý thức hơn.