Góc nhìn của sếp millennials: Hãy vừa là sếp vừa là bạn với cấp dưới | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 03, 2020

Góc nhìn của sếp millennials: Hãy vừa là sếp vừa là bạn với cấp dưới

Phân định ranh giới với cấp dưới hiện là bài toán nan giải với nhiều quản lý millennials. Liệu việc thân thiện, cụ thể là làm bạn có giúp hiệu quả tăng lên?

Góc nhìn của sếp millennials: Hãy vừa là sếp vừa là bạn với cấp dưới

Mỗi thời mỗi khác, trái với hình tượng nghiêm nghị và xa cách của thế hệ trước, những millennials giữ vị trí quản lý đang tìm ra những cách riêng để kết nối tốt hơn với nhân viên và đẩy mạnh tính hiệu quả trong công việc.

Những câu hỏi như “Làm sao để thân thiết hơn với cấp dưới?” hay “Nên vạch ra ranh giới thế nào với cấp dưới?” là những chủ đề phổ biến đang được các sếp millennials chú tâm.

Mỹ Linh, một quản lý nhân sự đang làm việc tại Pháp, chia sẻ trong bài viết sau 4 nguyên tắc chính để cân bằng giữa việc làm sếp và làm bạn với cấp dưới.

1. Sếp phải là người luôn lắng nghe cả team

Không có nhân viên nào thoải mái làm việc với một người sếp luôn áp đặt ý kiến cá nhân. Một sự thật là việc áp đặt chỉ làm giảm tính sáng tạo, sự hào hứng và nới rộng thêm khoảng cách. Việc lắng nghe của sếp giúp các thành viên có cảm giác được tôn trọng, quan tâm và có sự chủ động trong quyết định.

Ngày nay sếp là một người đồng đội cùng hội cùng thuyền sizesmaxwidth 800px 100vw 800px
Ngày nay, sếp là một người đồng đội cùng hội cùng thuyền.

Tuy nhiên, hãy chú ý đừng trộn lẫn giữa việc công và tư.

Trong công việc, hãy để nhân viên cảm thấy bạn ở đây để đồng hành với team, cùng team giải quyết vấn đề sao cho đạt hiệu quả nhất. Trước khi chốt vấn đề, hãy đặt một số câu hỏi như: “Các bạn nghĩ thế nào?”, “Làm như vậy đã ổn chưa?”, “Nếu chưa thì ta cần làm gì?”… Tuyệt đối không dùng thái độ quát nạt hay đe dọa nếu không vừa lòng khi thấy kết quả.

Việc lắng nghe những chuyện riêng tư của nhân viên có phần phức tạp và nhạy cảm hơn. Nguyên tắc đầu tiên là phải biết giữ bí mật sau khi lắng nghe. Việc người nhân viên tâm sự dù có thể là rất nhỏ thì hãy đón nhận một cách tinh tế. Lý tưởng nhất là đưa ra lời khuyên nếu có thể. Còn không, hãy đơn giản im lặng lắng nghe và động viên người đó.

2. Sếp cũng phải học cách đưa ra mệnh lệnh

Giữa hai câu hỏi: “Hãy làm việc này đi!” và “Bạn có thể giúp tôi làm việc này chứ ? Cảm ơn”. Bạn muốn nghe và làm theo câu nào ?

Cách đưa ra mệnh lệnh rất quan trọng và nó liên quan trực tiếp với hiệu năng làm việc. Tâm lý con người luôn thích được nghe những câu nói nhẹ nhàng. Hãy chú ý tới hành vi và lời nói của bản thân để tránh gây tổn thương không đáng có và tạo ra những khoảng cách hay sự hạ lửa nhiệt huyết của nhân viên.

Hiện tại tôi đang làm việc đa số với các bạn Gen Z và một số ít millennials. Team đến từ nhiều nước trên thế giới do đó sự khác biệt về văn hoá, tôn giáo đặc biệt là ngôn ngữ khiến tôi hết sức thận trọng trong từng yêu cầu. Tôi luôn mở đầu mệnh lệnh bằng một câu hỏi lựa chọn và kết thúc bằng “Cảm ơn” hoặc “Làm ơn”. Điều này luôn hiệu quả với tất cả nhân viên của tôi, dù họ có thuộc thế hệ nào, X, Y hay Z.

3. Luôn tuân thủ quy tắc của công ty

Sau khi thực hiện tốt hai bước trên, lúc này nhân viên đã khá thoải mái khi tiếp xúc với bạn. Họ không còn dè dặt và có phần “đồng chí” với bạn hơn. Nhưng đây là lúc quan trọng để giữ vững kỷ luật, tính cứng rắn của người lãnh đạo.

Quy định nội bộ như xương sống của một tổ chức. Nó là những tiêu chuẩn bắt buộc phải thực hiện đúng và không thể phá vỡ, nếu không sẽ gây nhiều hậu quả khôn lường. Vậy làm thế nào để cân bằng bầu không khí vui vẻ và tinh thần tự giác tuân thủ kỷ luật của nhân viên?

Đầu tiên sếp phải tuân thủ đúng mọi nguyên tắc được đề ra. Trước khi đòi hỏi nhân viên làm gì thì bản thân đã phải thực hiện được điều đó trước. Nhân viên sẽ nhìn vào sếp mà tuân thủ theo. Tất nhiên sếp cũng có những lúc chẳng may vi phạm nội quy. Hãy chủ động nói lời xin lỗi trước team. Điều đó chứng tỏ bạn là một người có trách nhiệm và giúp nhân viên nhận thấy việc vi phạm nội quy là không nên.

4. Giới hạn của “tình bạn” giữa sếp và nhân viên

Tất cả chỉ nên dừng lại trong văn phòng. Bạn cần phải rạch ròi giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Sếp có thể thỉnh thoảng tham gia vào những câu chuyện tếu táo hay phát động và tham gia các hoạt động team building.

Sếp millennials càng ngày càng tích cực hòa nhịp cùng các hoạt động team building ở văn phòng sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Sếp millennials càng ngày càng tích cực hòa nhịp cùng các hoạt động team building ở văn phòng.

Nhưng tốt nhất không nên kết nối với nhân viên trên mạng xã hội. Điều này vừa khiến nhân viên cảm thấy mất tự do ngay trong cuộc sống cá nhân vừa khiến chính bản thân bạn gò bó. Ranh giới được lập ra để cả sếp và nhân viên đủ cởi mở trong công việc nhưng cũng đủ tự do trong cuộc sống mỗi bên.

Còn bạn thì sao? Góc nhìn của bạn về việc phân định ranh giới với cấp dưới ở tư cách là một quản lý millennials là gì? Hãy chia sẻ về cho chúng tôi qua Facebook Vietcetera nhé.

Bài viết được thực hiện bởi Mỹ Linh.

Xem thêm:
[Bài viết] How I Manage: Sakshi Jawa — Tổng giám đốc nhân sự Tiki
[Bài viết] Thưa sếp, đây là những gì millennials mong mỏi!