Khi văn hóa hip-hop "va chạm" văn hóa truyền thống | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 10, 2021

Khi văn hóa hip-hop "va chạm" văn hóa truyền thống

Khi nhạc rap càng trở nên táo bạo hơn trong ngôn từ và hình ảnh, các nghệ sí sẽ phải đối diện với thuần phong mỹ tục như thế nào?
Khi văn hóa hip-hop "va chạm" văn hóa truyền thống

Khi văn hóa nhạc rap "va phải" văn hóa truyền thống. | Nguồn: Nhóm Rap Nhà Làm

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Các thành viên của nhóm Rap Nhà Làm cụ thể là Low G và Chí đã thực hiện một bài rap mang tên Thích Ca Mô Chí mang nội dung châm biếm tên Thích-ca Mâu-ni của Đức Phật.

Nguyễn Hoàng Long (Low G) cũng như Chí của nhóm đã xóa các ca khúc và viết các status xin lỗi đến cộng đồng cho hành động của mình. Hơn thế nữa, cả nhóm đã đến tận Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ để xin được nhận sám hối. Bộ VHTT&DL cũng đã xử phạt nhóm 45 triệu đồng vì nội dung dung tục.

Nhóm Rap Nhà Làm đến xin lỗi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 6/10. | Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đây không phải là lần đầu tiên trong những tuần vừa qua mà rap Việt bị “tấn công” kịch liệt bởi truyền thông. Đồng loạt xuất hiện những bài viết chỉ trích nhạc rap, từ phía các fan lẫn báo chí.

Điều đáng chú ý nhất có lẽ chính là cách phản ứng của dư luận, cụ thể ở đây một bộ phận các rap fan tiếp cận với rap thông qua hai chương trình Rap Việt và King of Rap. Có nhiều người đã bất ngờ khi nghe được những bài rap khác hoàn toàn với những gì mà họ nghe được trên TV.

Hai track diss trong trận beef Torai9 và Rhymastic đã được lấy làm ví dụ trên kênh VTV như các ca khúc mang những ngôn từ tục tĩu. Hay những MV của các bài nhạc rap như Cô Ta của Lil Shady và Kyo chứa các hình ảnh mang tính mời gọi ở mặt tình dục.

Vậy lý do chính cho những phản ứng dữ dội này là gì?

Có lẽ, đó là do góc nhìn của khán giả đại chúng đối với rap đã bị “bóp méo” hoàn toàn bởi các chương trình cùng những bản nhạc nằm trong ranh giới an toàn. Ngoài việc hướng đến sự kết nối thì các chủ đề gai góc là một phần dường như là không thể thiếu của văn hóa hip-hop từ trước đến nay.

Hip-hop bắt nguồn từ cuộc sống đời thường của những người da đen thuộc tầng lớp lao động - họ sử dụng các chất kích thích để quên đi thực tại tăm tối, gia nhập các băng đảng và làm các ngành “đen”.

Ta có thể thấy rằng, qua lịch sử, những chủ đề ấy trong hip-hop vẫn không hề suy giảm mà trái lại ngày càng một gia tăng hơn. Nó phản ánh những vấn đề chung của giới trẻ: chất kích thích, bạo lực và tình dục.

Tình dục: Quan trọng là cách thể hiện

Có gì sai trái về sự cởi mở và phòng khoáng trong chủ đề tình dục ở trong âm nhạc - ngôn ngữ chung của nhân loại?

Theo quan điểm của người viết, không có gì là sai trái - ít nhất là nếu như nó được làm đúng cách. Đã và vẫn hiện đang có rất nhiều các bản nhạc rap chứa các chủ đề tình dục theo chiều hướng tiêu cực. Với ca khúc Censored của rapper Chị Cả - nó không chỉ chứa yếu tố loạn luân mà còn có phần đồ vật hóa (objectification) phụ nữ. Chị Cả vào hôm 14/10 vừa rồi cũng đã bị xử phạt hành chính 35 triệu đồng kèm theo yêu cầu gỡ bỏ các bản thu.

Hai MV Mẩy Thật Mẩy và Hâm Nóng đề cao tình dục theo hướng tích cực. | Nguồn: BigDaddy x Emily

Lấy ví dụ khác đó là hai ca khúc Mẩy Thật Mẩy của BigDaddy và Hâm Nóng của Emily (nay đã bị gỡ bỏ khỏi các kênh nhạc). Đây là hai bài có chứa nội dung “phản cảm” như cách mà một số những khán giả đã miêu tả. Song, để nhìn nhận một cách khách quan, nó lại mang ý nghĩa tích cực khi đề cao tình cảm vợ chồng của cặp đôi công chúng BigDaddy và Emily.

Ngôn từ trong hip-hop

Điểm khác biệt giữa ca khúc Censored của Chị Cả và Mẩy Thật Mẩy/Hâm Nóng chính là cách thể hiện. Cách thể hiện phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng ngôn từ.

Ngôn từ tục tĩu là một phần không thể thiếu của văn hóa diss/beef. Bởi lẽ, rap phản ánh những gì chân thật nhất, và những điều chân thật thường chứa trong đó tính chất đường phố và có phần “bẩn thỉu”. Thế nhưng, cách mà các rapper sử dụng những ngôn từ này lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ngôn từ trong hip-hop từ trước đến nay có sự gai góc nhất định. | Nguồn: VietDragon

Trong đa số các trường hợp, những rapper hoàn toàn không có ý tiêu cực khi sử dụng các ngôn từ ấy mà họ kết hợp nó với nghệ thuật. Cũng tương tự với nhiều những trận beef rap từ trước đến nay. Việc sử dụng những ngôn từ tục tĩu kết hợp với cách chơi chữ khác xa hoàn toàn với việc “chửi đổng” nhằm mục đích lăng mạ.

Ngôn ngữ là phi giới hạn. Song trong sự phi giới hạn ấy, để tạo được một sản phẩm hay, đặt ra những giới hạn cho các ca từ là điều cần thiết cho những nghệ sĩ hip-hop.

Kết

Khi văn hóa hip-hop đang trở thành một lối sống lan tỏa rộng rãi trong tiềm thức cộng đồng của giới trẻ thì ranh giới của nghệ thuật hiện đại và những quy chuẩn, văn hóa truyền thống sẽ được vẽ ra như thế nào? Những chuẩn mực cũ sẽ phải “uốn mình” để bắt kịp xu thế thời đại, hay xu thế thời đại phải “thu mình” để phù hợp với những tiêu chuẩn bất di bất dịch?

Trong tất cả các ngành nghệ thuật, sự phá cách và sức ảnh hưởng luôn được coi như những đích đến tối thượng. “Cửa ải” cuối cùng mà tất cả các nghệ sĩ muốn tạo sự đột phá sẽ phải đối diện đó chính là thuần phong mỹ tục.

Liệu kể từ sau những “phốt” gần đây, các nghệ sĩ trong tương lai sẽ “dè chừng” hơn với các sản phẩm của mình?

Mùa thi thứ hai của chương trình Rap Việt chuẩn bị được công chiếu vào ngày 16 tháng 10. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta chứng kiến những bước chuyển mình sắp tới của cộng đồng hip-hop nói chung và rap nói riêng.