Ký ức trong ký ức: Cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm trong hồi tưởng của bà Xuân Phượng | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 08, 2024

Ký ức trong ký ức: Cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm trong hồi tưởng của bà Xuân Phượng

Có những quá khứ mình cần nhìn nhận để chữa lành cho hiện tại.
Ký ức trong ký ức: Cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm trong hồi tưởng của bà Xuân Phượng

Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera.

Lotus Gallery x Vietcetera

Không rõ bắt nguồn từ đâu nhưng giữa những người trẻ như tôi có một câu nói rằng: “kỷ niệm là thứ giết chết chúng ta”. Đại ý là đừng chìm đắm trong quá khứ để rồi hiện tại và tương lai bị nuốt chửng vào hố đen của tiếc nuối, khổ đau. Nhưng sống ở thời đại mà thông tin là thứ có thừa, tôi nghĩ, hiện tại đang là thứ gì đó còn đáng sợ hơn. Tốc độ người ta chia sẻ khoảnh khắc hiện tại ở khắp nơi trên mạng xã hội chắc chắn còn nhanh hơn tốc độ khởi động của một chiếc xe hạng sang.

Đến gặp bà Xuân Phượng, tôi càng rõ hơn tình trạng dư thừa “hiện tại” của mình. Mảnh ký ức của bà về “chiếc xe Rumani vừa đi vừa đẩy” không hiểu sao lại lấp lánh hơn nhiều lần so với hàng dài những chiếc Mercedes-Benz, Porsche mà tôi đi ngang qua khi gần tới Lotus Gallery, phòng tranh mà bà là người sáng lập và hiện đang nắm vai trò cố vấn.

Như lời bà nhắc anh nhiếp ảnh của chúng tôi “Cứ chụp bà tự nhiên, đừng bắt bà diễn,” từng lời kể của bà về triển lãm Hồi Sinh, một dự án mà bà ấp ủ từ lâu và đội ngũ kế thừa của Lotus đã hiện thực hoá như món quà mừng sinh nhật lần thứ 93 của bà, cũng chan đầy sự gần gũi.

Triển lãm Hồi Sinh, diễn ra vào tháng 12 tại Lotus Gallery, sẽ trưng bày hơn 80 tác phẩm được ký hoạ trong thời chiến của cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm, cùng 60 tác phẩm trong thời bình của hoạ sĩ trẻ Đinh Quang Hải (Hải Tre). Tại đây bạn sẽ được nhìn về quá khứ, hiện tại và có lẽ là thấy cả tương lai của một dân tộc. Riêng trong bài viết này, mời bạn cùng đi trong ký ức của bà Xuân Phượng về cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm.

Cố hoạ sỹ Phạm Thanh Tacircm Nguồn Bảo tagraveng Mỹ Thuật TPHCMgt
Cố hoạ sỹ Phạm Thanh Tâm (1933 - 2019). | Nguồn: Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM.

Bà đã gặp cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm như thế nào?

Chúng tôi gặp nhau lần đầu khi cả hai ở khoảng độ tuổi 30. Anh Tâm lúc đó chưa phải là hoạ sĩ, mà chỉ mới là “một người biết vẽ”. Trong quân đội thời chống Pháp chúng tôi cùng thuộc đội pháo binh. Rồi cuộc đời xô đẩy, tôi trở thành phóng viên chiến trường, anh Tâm trở thành hoạ sĩ ký hoạ tại mặt trận.

Hoạ sĩ như anh Tâm thời đó thường phải một thân một mình – bạn đồng hành là giấy bút, phương tiện đi lại là đôi chân. Những người chưa từng đi bộ ở đường Trường Sơn chắc khó mà tưởng tượng được: đá tai mèo sắc nhọn dưới chân cũng phải bươn lên mà đi, đến nơi có mệt mỏi cũng hết lòng hoàn thành nhiệm vụ.

Phóng viên hay người làm phim như tôi dù khó khăn nhưng ít nhất cũng được hỗ trợ xe cơ giới, tiếp tế lương thực tốt hơn. Vì vậy khi đi quay, tôi thường rủ anh Tâm đi cùng, hoặc anh Tâm đề nghị đi chung. Những mặt trận khốc liệt như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vĩnh Linh, chúng tôi đều đã cùng nhau đi qua. Hai anh em nhờ đó mà trở nên thân thiết.

Nguồn Bobby Vu cho Vietcetera
Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera.

Ấn tượng của bà về cố hoạ sĩ là gì?

Phải nói anh Tâm là người hiền lành, ít nói, trầm lặng, nhưng khi vào chiến trường, trước bom đạn anh lại là một hoạ sĩ cực kỳ nhanh nhẹn. Anh hừng hực sức sống, yêu thương những con người xung quanh mình.

Nếu nhìn kỹ tranh của anh, các bạn sẽ thấy anh gửi gắm tấm lòng của mình vào từng nét vẽ, như gương mặt của một cô dân quân đang tập ngoài thao trường, những bà mẹ dưới địa đạo hay các chiến sĩ đang giải lao bên bờ suối,...

Tôi nói như vậy có lẽ các bạn khó hình dung, nhưng thử nghĩ, bạn cứ ngồi 5, 10 phút lại có máy bay đến, phải chui xuống hầm, rồi lại trở ngược lên để tiếp tục vẽ. Nếu không có tình yêu nghề, khó mà làm được. Vậy mà anh Tâm đã vẽ hàng ngàn bức tranh trong hoàn cảnh như vậy, một cách điềm tĩnh.

Ấn tượng đó có là phải là lý do bà chọn tranh của cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm cho triển lãm Hồi Sinh?

Nói đúng ra là Hồi Sinh được sinh ra từ trăn trở của tôi về những bức tranh của anh Tâm, chứ không phải tôi muốn làm Hồi Sinh rồi mới chọn tranh của anh. Tuy rất nhiều ký ức của tôi về anh Tâm gắn với thời chiến, ý định thực hiện triển lãm này của tôi lại được nung nấu từ những lần tôi gặp gỡ anh trong thời bình.

Anh Tâm vẫn tiếp tục vẽ sau khi chiến tranh đã kết thúc, nhưng khi xem tranh của anh lúc này, tôi đã thật lòng nói với anh rằng: Dường như anh đã đặt hết tình cảm của mình vào những người trong thời chiến, nên tranh bây giờ đẹp thì đẹp, nhưng thiếu đi cái làm cho người xem rung động. Điều tôi nói có làm anh buồn, nhưng hoà bình rồi thì chúng tôi cũng có công việc riêng.

Bẵng một thời gian không gặp, một hôm anh Tâm có tìm đến gặp tôi, mặt mày buồn bã. “Chắc tôi đi tự tử!”, anh nói. Lạ lùng thay, xưa nay gặp anh tôi luôn thấy anh vui vẻ, bình thản. Thế nên tôi mới hỏi, “Chắc anh có chuyện gì phải không? Người đi tự tử hiếm khi nào báo trước như vậy.” Nghe vậy anh bật cười, nói đúng là có chuyện, nghe qua thì thấy nhỏ nhặt nhưng lại khiến anh bận lòng suốt một thời gian.

Chuyện là phòng toilet nhà anh bị hỏng. Khi gọi thợ đến sửa thì anh mới biết mình không có đủ tiền chi trả. Nghĩ đến việc mình dành cả đời đi vẽ, cống hiến hết sức, giờ lại không đủ khả năng để làm một điều bình thường như vậy, anh buồn lắm.

Nghĩ tới nghĩ lui anh tìm đến chỗ tôi, ngỏ ý bán tranh. Nhưng thật lòng với tôi, tranh của anh là vô giá, nên tôi đề nghị “đổi tranh” chứ không “mua tranh”. Anh đang cần bao nhiêu tiền tôi sẽ đưa cho anh, còn anh muốn đưa bao nhiêu tranh cho tôi cũng được. Chúng tôi đã thỏa thuận lịch sự, thân tình như vậy.

Chừng vài năm sau nữa, tôi nghe tin anh Tâm bệnh nặng. Tôi đến thăm anh nhiều lần thì bỗng một hôm, anh nói với tôi rằng: anh không thấy cuộc đời mình có ích. Anh không thấy tác dụng của những bức tranh mình đã dành cả tuổi trẻ để vẽ trong thời chiến.

Quen biết nhau bao nhiêu năm, lại được nghe lời này từ anh không chỉ một lần, tôi hiểu anh trăn trở nhiều. Chính tôi cũng có những suy nghĩ như vậy nhưng không thể nói ra như anh, do đó tôi mới nảy ra ý nghĩ: Hay mình làm triển lãm? Nhưng vì nhiều lý do mà cho đến nay, sau gần 3 năm anh mất, tôi mới có thể thực hiện triển lãm này.

Nguồn Bobby Vu cho Vietcetera
Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera.

Việc lưu giữ ký ức quan trọng thế nào? Bà từng chia sẻ rằng không muốn khi nói đến Việt Nam người ta chỉ nói đến chiến tranh.

Dù tôi có không nhắc đến chiến tranh, thì ký ức về chiến tranh cũng đã được cất giấu trong tâm trí của rất nhiều người. Có những quá khứ mình cần nhìn nhận để chữa lành cho hiện tại.

Có một thời gian tôi đã thực hiện một triển lãm về Việt Nam ở Florence, nước Ý. Triển lãm diễn ra trong 10 ngày thì cả 10 ngày đều có cùng một vị khách người Mỹ đến thăm. Ông xem từng bức tranh một, rất chăm chú. Xem xong ông chỉ chào chúng tôi rồi ra về.

Cho đến hôm bế mạc, tôi đang đứng thì ông đến nắm tay tôi và liên tục nói “Xin loi, xin loi!”. Ngẩn ngơ một hồi tôi mới hiểu ông nói “xin lỗi”, nhưng thật lòng vẫn không hiểu tại sao ông lại nói như vậy. Hỏi ra mới biết, trước kia ông là kỹ sư xây dựng cho sân bay Chu Lai. Ông tận tâm hoàn thành nhiệm vụ của một người kỹ sư rồi trở về nước, và nghĩ vậy là yên ổn.

Nhưng sau đó ông nghe tin, sân bay Chu Lai là địa điểm chiến lược đầu não trong việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Ngày nào ông cũng nghe tin chiến sự như thế thì mới nhận ra, dù không cầm súng, đôi tay của mình đã nhuốm máu. Ông bắt đầu đau thần kinh và mất ngủ. Dù đã đi chữa ở nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không khỏi. Vợ của ông đã đưa ông du lịch rất nhiều nơi để khuây khỏa, nhưng ông vẫn không thể quên đi.

Cho đến một hôm ông thấy triển lãm của tôi thì dường như, có gì đó bắt đầu thay đổi.

Ngày đầu đến xem, ông chỉ có ấn tượng rằng màu sắc của các bức tranh khá loè loẹt, khác với gu thẩm mỹ của một người Mỹ như ông. Nhưng xem đến lần 3, lần 4 thì ông như bừng dậy: “Đúng vậy, người Việt Nam không cần đến chúng ta! Những màu sắc này chứng tỏ dân tộc này không chịu khuất phục, không nhẫn nhục. Họ có thể tạo ra cuộc sống của riêng họ.” Nghĩ như thế giúp ông phần nào cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Xem tranh đến ngày thứ 6, thứ 7 thì ông tin “chắc chắn chuyến nghỉ hè năm tới mình sẽ quay lại Việt Nam, quay lại Chu Lai thăm người dân nơi đây”.

Khi nghe ông nói như vậy, tôi thực sự xúc động, vì tôi không nghĩ việc mình làm triển lãm tranh có thể tác động đến lương tâm một người như vậy. Đến lúc này thì ý nghĩ về việc thực hiện triển lãm tranh của anh Phạm Thanh Tâm và cuộc gặp gỡ với vị khách người Mỹ này cứ vương vấn trong lòng tôi.

Tôi nghĩ nhất định mình phải thực hiện được một triển lãm mà thể hiện được trực quan cuộc sống trong chiến tranh và hòa bình. Tôi bộc bạch với đội ngũ các bạn trẻ của Lotus Gallery rằng mình muốn thực hiện ước nguyện này. Và may mắn thay, tôi nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các bạn và cảm thấy được rất rõ sự đồng cảm của các bạn cho ước nguyện này của tôi.

Các bức tranh trưng bày trong triển lãm được bà tuyển chọn như thế nào?

Đời có rất nhiều sự lạ kỳ. Cho tới khi tôi có được đội ngũ cùng muốn thực hiện Hồi Sinh thì tôi vẫn nghĩ mình sẽ chỉ triển lãm tranh của anh Phạm Thanh Tâm thôi. Ý định là sẽ chỉ dùng đến những bức anh Tâm vẽ cảnh sinh hoạt đời thường, dung dị của người dân trong thời chiến, tập trung vào khoảng thời gian 1969 - 1975.

Nguồn Lotus Gallery
Bức ký hoạ của cố hoạ sỹ Phạm Thanh Tâm. | Nguồn: Lotus Gallery.

Điều tôi không ngờ tới là mình có thể tái hiện sức sống của người Việt qua tranh của một hoạ sĩ trẻ khác trong thời bình.

Cuộc gặp gỡ với hoạ sĩ này cũng xảy ra rất tình cờ khi chị Hoàng Khuyên, giám đốc hiện tại của phòng tranh Lotus tới Hội An. Lúc bạn ấy cho tôi xem tranh của bạn hoạ sĩ này, tôi ngỡ ngàng lắm, vì những bức tranh màu nước rất đằm thắm, có chiều sâu, điều mà tôi từng nghĩ rất khó thấy ở các hoạ sĩ trẻ của Việt Nam. Bạn hoạ sĩ đó là Đinh Quang Hải, hay còn gọi là Hải Tre.

Sau đó thì tôi và Hải đã gặp nhau, và hai bà cháu bàn nhau rằng Hải sẽ gắng tới những con đường mà xưa kia anh Tâm đã đi. Chẳng hạn như Vĩnh Linh, Quảng Bình, những nơi mà khi nhắc đến tên là thế hệ trước phải rùng mình.

Tranh của hoạ sĩ Đinh Quang Hải Hải Tre Nguồn Lotus Gallery
Tranh của hoạ sĩ Đinh Quang Hải (Hải Tre). | Nguồn: Lotus Gallery.

Hải vẽ rất tự nhiên, không bố trí sắp đặt, điều mà tôi cho là rất kỳ diệu, vì cách tiếp cận đó đồng điệu với tinh thần của những bức tranh đã được vẽ cách đây hàng chục năm của người hoạ sĩ đã khuất. Chẳng hạn như tranh của anh Tâm có một bức về một người lính đang chỉ huy một chiếc phà treo (phà chìm ở dưới nước vào ban ngày, nổi lên vào ban đêm) thì Hải vẽ lại được cuộc sống ở chiếc phà năm xưa giờ trong thời bình đang như thế nào, người lớn, trẻ con sinh hoạt ra sao.

Bản thân cũng là một chứng nhân lịch sử, bà cảm nhận thế nào về hiện thực được phản ánh trong tranh của cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm?

Tôi từng làm công việc ghi lại những thước phim động trên chiến trường, nên nói về điểm khác nhau trong hiện thực được phản ánh giữa tôi và anh thì nó chỉ nằm ở cảm xúc. Trong cùng một khoảng thời gian, anh vẽ được 1 bức tranh thì tôi có thể quay được 10 thước phim. Phim của tôi có thể sinh động hơn, nhưng cảm động hơn, để lại cho người xem những chiêm nghiệm lắng đọng hơn, với tôi, chắc chắn vẫn là những bức tranh.

Khoảng thời gian cùng làm việc trên mặt trận, tôi không nghe anh kể nhiều về quá trình sáng tác của mình, phần vì cũng không thể do bom đạn rơi liên tục. Thế nhưng tôi từng chứng kiến cảnh anh vẽ trong nước mắt vì xúc động. Đó là bức tranh anh vẽ các em bé và cô giáo đang kéo nôi từ dưới địa đạo sâu 9m lên mặt đất, để các em hưởng chút nắng dù chỉ vài ba phút.

Ngoài ra, trong số tranh của anh Tâm, có bức vẽ một anh chiến sĩ trong rừng mà tôi nhìn thấy rất quen. Sau này tôi mới phát hiện anh này bây giờ đang làm cán bộ thành phố. Tôi đã đưa cho anh bức hình đó. Dù bức tranh chỉ là ký hoạ, nhưng tôi thấy được sự xúc động vô cùng của anh khi nhận lấy nó.

Một điều mà bà và Lotus Gallery muốn thực hiện sau triển lãm Hồi Sinh?

Nguồn Bobby Vu cho Vietcetera
Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera.

Lotus chúng tôi mong rằng cuộc triển lãm này không chỉ diễn ra trong nước. Nếu có dịp Lotus sẽ muốn mang triển lãm ra nước ngoài. Bằng một cách kín đáo, nhẹ nhàng, không phô trương, là thông qua những bức tranh, chúng tôi muốn gửi đi lời nhắn rằng chúng ta hãy gìn giữ quá khứ, nhưng đừng để nó trở thành nỗi ám ảnh suốt đời. Chúng ta hoàn toàn có thể làm cho cuộc sống tốt hơn. Hãy mở rộng lòng ra, để đón lấy những thay đổi.

Được thành lập từ năm 1991, Lotus Gallery là một trong những phòng tranh nghệ thuật tư nhân đầu tiên của TP.HCM (Sài Gòn) với mục tiêu nuôi dưỡng, phát triển và mang hội họa Việt Nam vươn ra tầm thế giới.

Khai mạc vào 18 giờ ngày 15 tháng 12, triển lãm Hồi Sinh sẽ mở cửa tự do tham quan từ ngày 16 tháng 12 đến hết ngày 25 tháng 12 tại Lotus Gallery (Tầng 1, Trung tâm C space, 12-13 Đường N1, Khu thương mại Nam, phường Tân Thuận Đông, Quận 7).

Lotus Gallery xin cảm ơn các đối tác chiến lược Vietcetera, Cara Lighting, Ted Saigon đã luôn đồng hành cùng với Lotus trong các hoạt động nghệ thuật. Cảm ơn các nhà tài trợ Nguyễn Hoàng Tú, Guerlain, Johnnie Walker, Nội thất Nhà XinhDHTI đã yêu mến và chung tay hiện thực hoá triển lãm Hồi Sinh.