Não ra sao khi ta từ hai mình thành một mình? | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 11, 2022

Não ra sao khi ta từ hai mình thành một mình?

Một cuộc chia tay có thể làm bạn đau đớn từ trong ra ngoài, theo đúng nghĩa đen.
Não ra sao khi ta từ hai mình thành một mình?

Nguồn: Thục Anh @petite.odysser cho Vietcetera

Trong bài viết Não của chúng ta sa vào lưới tình như thế nào?, chúng ta đã hiểu sơ lược về cách các hormone trong não hoạt động trong 3 giai đoạn chính của tình yêu.

Cụ thể, ở giai đoạn khao khát, testosterone và estrogen hoạt động mạnh để thúc đẩy mong muốn thỏa mãn tình dục. Đến giai đoạn say đắm, serotonin giảm xuống để nhường chỗ cho dopamine và norepinephrine “giật dây” những cảm xúc mãnh liệt và phấn khích. Khi vào đến giai đoạn gắn bó, oxytocin đóng vai trò giữ lửa và vasopressin giống như “thần bảo vệ” lãnh thổ tình yêu của hai người.

Như vậy có thể nói, tình yêu là một ly cocktail mà mỗi hormone là một loại rượu. Vậy khi ta không còn ở bên nửa kia, “ly rượu” này sẽ thế nào?

Dopamine và norepinephrine: Ngọn lửa bùng cháy lần cuối trước khi vụt tắt

Nhà nhân chủng học Helen Fisher từng tiến hành nghiên cứu về tâm trạng khi hết yêu. Trong thí nghiệm, bà cùng tổ nghiên cứu cho 15 người vừa chia tay xem 1 bức ảnh của người yêu cũ và 1 bức ảnh của người quen thông thường. Họ được chụp cộng hưởng não (MRI) toàn bộ quá trình.

Kết quả khi nhìn ảnh người cũ, một số khu vực trong não họ bao gồm vùng dưới đồi (hypothalamus), vùng đỉnh bụng (ventral tegmental area) và thể vân bụng (ventral striatum) được kích hoạt. Đáng chú ý là những khu vực này cũng hoạt động mạnh ở não những người đang yêu. Từ đây tổ nghiên cứu kết luận, não bộ trải qua hai giai đoạn khi chia tay.

Giai đoạn đầu tiên là phản đối (protest), khi bạn cố giành lại người mình từng yêu bằng những nỗ lực cuối cùng. Khi đó, một lượng dopamine và norepinephrine được giải phóng, vì bạn muốn lặp lại cảm giác được yêu và bạn sợ hãi nếu không tìm lại được nó. Hệ quả là cơ thể lúc nào cũng “cảnh giác”, dẫn đến mất ăn, mất ngủ và xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhưng khi đến giai đoạn bỏ cuộc (resignation), hai hormone này đều giảm mạnh. Oxytocin - hormone đến từ những cử chỉ âu yếm giữa hai người - cũng “bốc hơi”. Serotonin cũng xuống thấp, không còn đủ để điều hòa tâm trạng. Vì vậy mà nhiều người tìm đến rượu bia hoặc tình một đêm, do những hoạt động này bù trừ lượng hormone tình yêu đã mất một cách nhanh chóng và dễ dàng.

16nov2022bonaointext2jpg
Sự sụt giảm các hormone hạnh phúc khiến cơ thể giống như một “con nghiện” bị ngắt thuốc.

Endorphin sụt giảm: Đau lòng, đau cả chân tay

Endorphin được hệ thần kinh trung ương giải phóng khi ta vận động, giúp xoa dịu cơn đau thể chất và cảm thấy dễ chịu hơn. Chính vì vậy mà hormone này còn được coi là “thuốc giảm đau” tự nhiên của cơ thể.

Endorphin không được coi là hormone tình yêu, nhưng lại liên quan mật thiết đến mức độ thỏa mãn khi hẹn hò. Bởi khi người ta yêu, “hoạt động thể chất” phổ biến nhất chính là quan hệ tình dục. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Khoa học Cộng đồng Hoa Kỳ (PLOS), cứ 30 phút “mây mưa” thì nam giới đốt cháy trung bình 100 calo, còn phụ nữ là 70 calo.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc quan hệ tình dục ở mức độ vừa phải (1-2 lần/tuần) khiến cơ thể giảm đau, thoải mái và dễ chịu. Vì vậy khi chia tay và không còn quan hệ tình dục, lượng endorphin sụt giảm có thể khiến bạn thấy đau cơ ở tay, chân và lưng.

Điều này cũng tương tự như cách một số người dù bận rộn đến đâu vẫn cố gắng đi tập đều đặn. Bởi việc tập luyện không chỉ khiến họ khỏe hơn, mà nó còn phòng chống đau mỏi cơ bắp. Chỉ cần nghỉ tập 2-3 ngày, bạn sẽ thấy những cơn đau thể chất rõ rệt.

Cortisol tăng lên: Vừa “đấm” vừa “xoa” cơ thể

Bên cạnh đau cơ, bạn có thể sẽ cảm thấy đau đầu, khó thở hoặc thở gấp sau khi chia tay. Điều này xảy ra do lượng cortisol trong cơ thể tăng lên đột biến. Một thí nghiệm do nhà thần kinh học Zoe Donaldson thực hiện trên chuột đồng cũng chứng minh điều này.

Trong thí nghiệm, những chú chuột đực được chia làm 2 nhóm. Một nhóm ở cùng chuồng với một con chuột khác là anh/chị em cùng bầy, nhóm còn lại được “ghép đôi” với chuột cái khác dòng. Sau một thời gian, chúng bị chia tách khỏi con chuột ở cùng chuồng với mình.

Kết quả kiểm tra hormone cho thấy, lượng hormone cortisol tăng đột biến ở những chú chuột bị tách khỏi “nửa kia”. Tuyến thượng thận của chúng cũng phình ra lớn hơn so với đàn chuột ở cùng anh chị em. Chuyện tình cảm của loài người thì phức tạp hơn loài chuột, nhưng sự thay đổi hormone và các phản ứng cơ thể đều có điểm tương đồng.

Đặc biệt khi ở giai đoạn phản đối, lượng cortisol được giải phóng cao đột biến, dẫn đến căng cơ, tăng huyết áp và nhịp tim. Đây là lúc bạn ở trạng thái “chiến đấu”, bởi khi nỗ lực giành lại người ấy bằng mọi cách, cơ thể cần chuẩn bị tiếp nhận mọi kết quả có thể xảy ra.

Khi vượt qua được tình huống căng thẳng, lượng cortisol sẽ về mức bình thường. Nhưng khi đến giai đoạn bỏ cuộc, đa số chúng ta vẫn chưa thể chấp nhận việc mình không còn người đồng hành. Vì vậy mà cortisol vẫn tiếp tục sinh ra, thậm chí tăng cao trong thời gian dài. Theo bà Donaldson, khi gặp một lượng lớn chất kích thích, cortisol có thể gây rối loạn các hormone khác trong cơ thể - tiền đề dẫn đến chứng trầm cảm.

Cần làm gì để vượt qua “sang chấn” hậu chia tay?

Liệu pháp thay thế

Theo nhà trị liệu tâm lý Mike Dow, chìa khóa giúp cơ thể nhanh chóng cân bằng hormone hậu chia tay là đi tìm các nguồn cung cấp khác thay thế cho người cũ. Bạn có thể tham khảo các cách sau để “bù trừ” lại lượng hormone hạnh phúc đã mất:

  • Dopamine: Thử một hoạt động mới, ăn một món ăn mới hay khám phá một quán cafe mới; hoàn thành một đầu việc (dọn dẹp nhà, đọc một chương sách, viết xong bài hay ngủ đủ 7 tiếng) để tạo cảm giác “phần thưởng”.
  • Serotonin: Tắm nắng khoảng 10-15 phút mỗi ngày; ăn các thực phẩm giàu protein như cá hồi, trứng và các loại hạt.
  • Endorphin: Dành 30 phút - 1 giờ vận động ngoài trời mỗi ngày; tập một môn thể thao hoặc đi gym.

“Ăn kiêng người yêu cũ” trong 30 ngày

Trong 4 loại hormone hạnh phúc, oxytocin là hormone khó tìm nguồn thay thế nhất. Dù bạn có thể ôm ấp người thân, bạn bè hay thú cưng, sự thân mật nó mang lại vẫn không thể giống như khi âu yếm người yêu. Hệ quả là bạn dễ “bám” vào người cũ bằng cách liên tục xem lại những bức ảnh, tin nhắn, mạng xã hội hay thậm chí quan hệ tình dục với họ để níu lại tình xưa.

16nov2022bonaointext1jpg
Sự thiếu hụt oxytocin chính là thủ phạm khiến bạn cứ mãi “bám víu” hình bóng người cũ.

Theo lời khuyên của chuyên gia Dow, đây là những điều nên tránh tuyệt đối, ít nhất trong 30 ngày sau khi chia tay. Bởi càng bám víu lấy quá khứ, não bạn càng mất nhiều thời gian để giải thể cấu trúc hormone hình thành trong thời gian hẹn hò, và bạn càng khó trở về như ban đầu.

Thay vào đó, một cách mà chuyên gia Dow gợi ý là lên các app hẹn hò xem có bao nhiêu người “match” với bạn. Bạn không nhất thiết phải hồi đáp họ, mà chỉ cần thấy rằng vẫn còn nhiều cơ hội khác để tìm kiếm tình yêu. Những cuộc hẹn hò chớp nhoáng (casual dating) cũng là cách giúp bạn bồi đắp oxytocin, song không nên quá lạm dụng chúng.

Dành thời gian cho bản thân

Bên cạnh việc bù trừ hormone, bạn cũng nên dành cho mình những khoảng lặng để não bộ được nghỉ ngơi. Bạn có thể ngâm bồn tắm, ngủ lâu hơn, xem một bộ phim (nhớ chọn kỹ để không xem phải phim tình cảm buồn), hoặc thậm chí… không làm gì cả.

Bạn nên tự nhắc nhở mình rằng, không có gì sai trái khi hướng vào bản thân mình nhiều hơn trong thời điểm này. Sau khi trải qua một biến cố lớn với nhiều xáo trộn từ bên trong ra bên ngoài cơ thể, bạn xứng đáng được nghỉ ngơi và cân bằng lại mọi việc. Luôn nhớ rằng, nếu việc quên đi người cũ quá khó khăn, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý.