Những nét phác thảo đầu tiên tôi học là ở Cung Thiếu nhi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 04, 2022

Những nét phác thảo đầu tiên tôi học là ở Cung Thiếu nhi

Thời hoàng kim của một “lâu đài tuổi thơ” như lời một bài hát thiếu nhi viết về Cung Thiếu nhi đã ở quá khứ.
Những nét phác thảo đầu tiên tôi học là ở Cung Thiếu nhi

Cung Thiếu nhi Hà Nội nằm trên phố Lý Thái Tổ

​​Tôi đã đến cái tuổi hay được hỏi hồi xưa thế nào? Lắm khi buộc phải ngồi nhớ lại những chuyện 30 năm trước, ký ức mịn màng như một tấm postcard nhiều bụi. Mỗi lần nghĩ về tuổi mới lớn, tôi nhớ ngay đến những không gian tươi xanh của ký ức Hà Nội. Đó là những năm tháng Cung Thiếu nhi có mặt trong thế giới của tôi.

Cung Thiếu nhi có vị trí ngay cạnh Bờ Hồ, nghĩa là nằm ở phố trên. Vì vậy, đại đa số người Hà Nội hay nói, “lên Bờ Hồ” là đã ngầm định rằng mình đang ở mạn dưới, mạn xa đi tới đó. Còn với những đứa trẻ đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi, chúng hình thành một cụm từ, “học vẽ trên Cung.”

Trong những năm tháng bao cấp và chuyển sang thời Đổi Mới, hào quang của những hoạt động ngoại khóa đầy quyến rũ khi tạo ra một chỗ gửi gắm khát vọng thành tài ở một cái nghề làm nghệ thuật trong tương lai.

Tất nhiên, cuộc đời cuối cùng trả lời rằng, rất ít đứa học ở đấy chạm được vào cái lấp lánh của hào quang nghệ thuật.

Tôi còn nhớ khi mình bắt đầu có xu hướng vẽ trên tất cả những mảnh giấy trống xin được (hồi đó đến vở viết còn hiếm) thì có người bảo bố tôi nên cho tôi đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi. Mặc dù đã biết đi xe đạp nhưng nhà không gần Bờ Hồ nên những buổi đầu tôi được chị gái hộ tống đằng sau.

Tôi mau chóng thuộc đường khi tự mình xem thật kỹ một cái bản đồ Hà Nội mua được ở hiệu sách. Với tôi, đường đến Cung Thiếu nhi là những con đường đẹp nhất tuổi thơ.

alt
Hình ảnh tư liệu học vẽ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội | Nguồn: Nhi Võ, 1986

Mùa đông, tôi đi theo đường phố Huế - Hàng Bài để lên Cung và theo phố Bà Triệu để đi về. Cột mốc trên hai con đường song song ấy là những ngã tư liên tiếp, khiến cho chặng đạp xe được chia nhỏ rất vừa sức.

Mùa hè, tôi bám theo đường Lê Duẩn – Trần Nhân Tông để hưởng những cơn gió mát thổi từ những mặt hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu, Thiền Quang. Hồi ấy đường tàu đã bị dỡ, vẫn còn những chuyến tàu điện bánh lốp chạy.

Khung cảnh Hà Nội những năm tháng đầu thập niên 1990 vẫn còn giữ vẻ quang đãng và bắt đầu có những biển quảng cáo trên phố. Hào quang của phố cổ, của Hà Nội xưa, từ những bức tranh phố Phái đã được truyền tụng rất lớn khi ấy lan đến những đứa trẻ bắt đầu học vẽ ở cấp câu lạc bộ mà mơ tưởng xa xôi.

Cung Thiếu nhi khi tôi bắt đầu học vẫn treo những bức tranh của những đội viên khóa trước. Tôi còn nhớ mình rất ngưỡng mộ những bức tranh của Đoàn Hồng, Triệu Khắc Tiến… Rồi những tờ báo thiếu nhi có in tranh minh họa của thầy Thẩm Đức Tụ.

Thỉnh thoảng Cung Thiếu nhi tổ chức những cuộc thi vẽ tranh và có những cuộc thi dành cho thiếu nhi quốc tế. Chúng tôi hăm hở vẽ, tham dự nhưng giải thưởng không bao giờ có tên mình. Dù khá thất vọng, chúng tôi vẫn mơ một lúc nào đó cơ hội sẽ đến.

Một thời gian sau đó, trang thiết bị của Cung đã bắt đầu xuống cấp, không được chăm sóc cẩn thận. Một không khí có phần thả nổi ngấm ngầm diễn ra, những tủ không còn khóa kín nữa, để lộ ra những kỷ vật lưu trữ phủi bụi.

Không cần phải cố gắng, đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên đã nhận thức được cuộc sống của những người thầy cô dạy vẽ, cũng như của bố mẹ chúng không hề dư dả gì. Tôi còn nhớ cả lũ trẻ con chúng tôi đã tìm bằng được địa chỉ nhà thầy Đệ, người thầy chúng tôi rất hâm mộ.

Nhà thầy ở một căn gác trong một ngôi nhà Pháp cổ trên phố Trần Nhật Duật, trong nhà chẳng có gì ngoài những cuốn sách in tranh các bảo tàng tuyệt đẹp và những bức tranh thầy vẽ phố Hà Nội, như một bức vẽ cây bằng lăng xòa bóng ra Hồ Gươm cạnh tháp Hòa Phong. Tôi đã ước mình vẽ đươc một bức như thế.

Nhiều năm về sau, khi đã va chạm nhiều hơn trong cuộc sống, tôi cảm thấy ngậm ngùi nhiều hơn mỗi lúc thảng nhớ về những năm tháng nhiều ảo mộng ấy. Ngôi nhà cổ thầy tôi trước ở đó đã bị phá đi gần đây, còn Hà Nội cũng đổi thay.

alt
Tranh minh hoạ Cung Thiếu nhi của hoạ sỹ Thy Ngọc trong sách "Lai lịch một bài văn" | Nguồn: NXB Kim Đồng, 1981.

Gần đây, câu chuyện về việc chuyển Cung Thiếu nhi ra khu đô thị mới để dành khu đất vàng bên Hồ Gươm làm một tổ hợp văn phòng thương mại rộ lên. Thời hoàng kim của một “lâu đài tuổi thơ” như lời một bài hát thiếu nhi viết về Cung đã ở quá khứ.

Nhưng dù có còn nằm trên “mảnh đất vàng" ấy hay không, Cung Thiếu nhi và những người thầy đã để lại những bài học đi vào trí nhớ của tôi, từ những tác phẩm của chính họ, hơn là những bài giảng tôi đã quên nhiều.

Những bức vẽ của thầy, của bạn, những suy tư về nghệ thuật của thời non trẻ có lẽ làm được điều lớn nhất là cảm giác được sống trong một thế giới sáng tạo, cách biệt với xô bồ và nhọc nhằn của bên ngoài. Đồng thời, nuôi những mộng mơ dù chẳng mấy người đi đến việc biến thành hiện thực.

Vài năm gần đây, tôi quay trở lại việc vẽ tranh, tham gia triển lãm, bên cạnh công việc chính là viết văn. Tôi vẫn nhớ cái không khí hồi hộp của mỗi buổi học vẽ ở Cung Thiếu nhi ba mươi năm trước. Ngày ấy, khi đặt những nét phác thảo lên mặt giấy, tôi không thể biết hành vi ấy đã định hình cái nhìn ra thế giới của tôi, qua khung cửa kính sáng dịu của tòa nhà đẹp gần Hồ Gươm.