Nhắc đến lĩnh vực nghệ thuật thị giác (visual arts), studio Antiantiart (AAA) do đạo diễn, nhiếp ảnh gia Phương Vũ sáng lập luôn là một trong những cái tên nổi bật. Sau 7 năm hoạt động, đội ngũ AAA đã được không ít nghệ sĩ Việt như Binz, Đen Vâu hay Wren Evans "chọn mặt gửi vàng" cho các MV của mình, kết hợp cùng đài VTV tổ chức chương trình "Hoa Xuân Ca"...
Đáng chú ý, hành trình chọn nghệ thuật thị giác làm sự nghiệp của Phương Vũ bắt nguồn từ nỗi ức chế âm ỉ trong những năm tháng đi học. Hồi đó anh là một học sinh bị đánh giá thấp trong lớp chọn, bị coi là "không giống ai". Nhưng Phương Vũ đã biến nỗi ức chế ấy thành động lực, quyết tâm làm bằng được những gì anh bị người khác bảo rằng anh "sẽ không làm được đâu". Anh đã từ từ vươn lên, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hành trình phát triển bản thân
Không phải không tự tin vào bản thân, em chỉ tin là nếu cố gắng, mình sẽ làm được.
Phương Vũ bước chân vào con đường sáng tạo với không ít "phép thử" khác nhau: bán quần áo streetwear, nhảy hip hop đường phố (dù bị phụ huynh ngăn cản), rồi mới đến làm phim ngắn, MV. Không qua trường lớp chính quy về điện ảnh, Phương Vũ làm đạo diễn bằng bản năng, bằng trải nghiệm và bằng khát vọng định nghĩa lại ngôn ngữ hình ảnh của riêng mình.
Bước ngoặt trong hành trình của Phương là khi anh được tiếp xúc với nhiếp ảnh năm 2015, bằng chiếc máy ảnh mượn từ thầy dạy nhảy của mình. Anh dần nhận ra đam mê dành cho hình ảnh, rồi cùng với những người anh em chung chí hướng lập nên Antiantiart năm 2018, khi đó là một nhóm làm phim độc lập.
Phương Vũ mô tả hành trình của mình giống như chạy trong sương mù. Phía trước không có gì rõ ràng, chỉ thấy một đốm sáng rất xa nhưng vẫn tiếp tục chạy. Cảm giác không chắc chắn ấy, thay vì kìm hãm, lại trở thành năng lượng để tiến lên.
Chính thứ năng lượng mơ hồ đó đã đưa anh đi qua hàng loạt dự án, từ các TVC lớn, phim ngắn, đến các sản phẩm nghệ thuật cá nhân. Mỗi dự án là một lần “chạy”, một lần thử, một lần chạm vào giới hạn và những bài học mới. Không có gì là “đúng công thức”.
Phương nói anh muốn hiểu cảm giác bỏng vì lửa, cảm giác đứng trong sương mù để cho ra những hình ảnh và góc quay đẹp nhất. Càng có nhiều trải nghiệm, ta sẽ càng nhìn thấu được bản chất của sự việc, sự vật mà ta đang cố gắng tạo ra. Anh tin rằng thành công sẽ đến khi chúng ta cố gắng hết mình, kết hợp cùng năng lượng nhiệt huyết và một kế hoạch rõ ràng.

Em như một chất lỏng kim loại, cứ chảy rồi đông lại rồi chảy thành hình dạng khác.
Có một thời, Phương Vũ làm việc như một cú đấm toàn lực – bùng nổ, không tính toán, miễn là cháy hết mình trên sân khấu. Nhưng anh dần nhận ra, sự bền vững trong nền kinh tế sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn thế.
Có những bậc thang anh cần có để đi tiếp và phát triển những bước tiếp theo. Anh bắt đầu học cách kiểm soát năng lượng, biết lúc nào cần dấn, lúc nào cần lùi. Dù chưa xác định rõ con đường phía trước hay thực sự hiểu bản thân mong muốn điều gì, Phương Vũ vẫn không ngừng tiến bước.
Phương Vũ kiên trì khám phá, khai mở những khía cạnh mới trong chính mình. Anh ví bản thân mình tựa như kim loại ở thể lỏng, bởi chúng có tính linh hoạt, chịu tác động bởi năng lượng xung quanh và thích nghi với mọi bề mặt. Bản thân anh cũng liên tục biến hóa theo từng dự án, không ngừng thích ứng và đổi thay.
Tuy nhiên Phương cũng thừa nhận rằng, nguồn năng lượng dẫn dắt anh đôi khi mang sắc thái tiêu cực. Điều này một phần do anh cũng là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, và đôi khi nó khiến anh dễ nóng giận và hành hạ bản thân.
Phương Vũ từng xem đó là một thứ sức mạnh, một công cụ để vượt qua khó khăn. Nhưng dần dần Phương hiểu rằng, để phối hợp làm việc cùng mọi người, anh cần học cách buông bỏ nó - không phải kiểu "sức mạnh" gì cũng nên giữ lại.
Làm việc trong ngành sáng tạo
Việt Nam đang có một thế hệ người trẻ đầy hoài bão, và mỗi người đều có một thế mạnh riêng.
Từ những dự án đầu tiên cùng Dentsu Redder với Biti's Hunter, Antiantiart đã dần trở thành đội ngũ làm phim đứng sau loạt sản phẩm nổi tiếng như MV âm nhạc của Binz, Tóc Tiên, Hướng dẫn an toàn bay Vietnam Airlines, Short film AoV Premier League 2022 hay nổi bật nhất là chương trình "Hoa Xuân Ca" phát sóng dịp Tết Nguyên Đán 2023 của VTV.
Tổ đội AAA đã thành công ghi dấu ấn riêng của mình lên bản đồ ngành sáng tạo Việt. Vậy yếu tố nào đã giúp Phương Vũ và các cộng sự ghi dấu thành công trong lĩnh vực đầy cạnh tranh này?

Anh Phương cho rằng với cộng đồng sáng tạo, mỗi người sẽ có những cái tôi và góc nhìn nghệ thuật khác nhau. Bạn chỉ cần tìm thấy thế mạnh của mình rồi phát triển nó. Anh khuyến khích những người trẻ hãy hành động và thử sức với mọi thứ, bởi mỗi trải nghiệm đều có thể mở ra những khám phá mới mẻ. Quan trọng nhất, ta phải có trách nhiệm với những gì mình làm và luôn sẵn lòng học hỏi từ những trải nghiệm đó.
Ngoài ra, việc suy nghĩ quá nhiều sẽ mất thời gian và khiến bản thân chúng ta dậm chân tại chỗ. Thay vào đó, hãy cứ bắt tay vào làm, ta mới có thể học hỏi và cải thiện kỹ năng của chính mình.
Nghệ thuật nằm ở mọi thứ quanh ta
Với anh Phương, hình ảnh không phải là một cuộc rong chơi bay bổng. Dù làm sáng tạo, nhưng yếu tố then chốt trong quy trình của anh luôn là trách nhiệm và tư duy hệ thống. "Một sản phẩm dù cá nhân hay thương mại cũng đều có bài toán riêng. Đã nhận làm thì phải tìm cho ra lời giải tốt nhất."
Mỗi khi nhận brief từ khách hàng, bước đầu tiên AAA thực hiện không phải là sáng tạo ngay, mà là phân tích. Việc bóc tách yêu cầu giúp cả đội nhận diện rõ những yếu tố, chất liệu cần có để đáp ứng mong đợi của khách hàng.
Chỉ khi ý tưởng thô đã được thống nhất, mọi người mới bắt đầu đưa dấu ấn cá nhân vào – một cách tinh tế nhưng rõ ràng – để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm cuối cùng. Tính cá nhân hay thương mại đều cần thiết, vì một thứ sẽ cho mình khoảng trời bay bổng, và thứ còn lại sẽ giúp mình luôn đi đúng hướng cần đi.
Đối với em, cái sự trung thành là tất cả.
Phương Vũ kể rằng, hồi còn trong đội nhảy Last Fire, anh là một người nóng tính và hay mắng mọi người. Nhưng các thành viên đều nhìn thấy sự nóng nảy ấy là cách anh thể hiện tình cảm dành cho nhóm, vì thế mà mọi người giữ anh lại.

Chính điều này giúp Phương nhận ra, tình cảm và sự trung thành là thứ cần thiết, trở thành một giá trị mà anh khắc cốt ghi tâm và xoay chuyển hướng đi của chính mình. Anh bắt đầu hiểu rằng sáng tạo không chỉ là cảm xúc, và giá trị cốt lõi không nằm ở cá nhân anh. Nó nằm ở tinh thần trung thành với nghề, với đội nhóm, với sản phẩm, và với chính mình.
Và khi làm việc cùng nhau, “chất keo” giúp mọi người hòa hợp đến từ sự tin tưởng, lòng trung thành và khả năng mở lòng với nhau. Tất cả những dự án của AAA đều được xây dựng trên tinh thần hợp tác chặt chẽ, và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong đội ngũ. Một ý tưởng chỉ thật sự mạnh khi được phản biện, mổ xẻ và thử thách bởi nhiều góc nhìn.
Ngành công nghiệp sáng tạo nói chung và nghệ thuật thị giác nói riêng là hành trình bất tận để mỗi người khám phá, thấu hiểu bản thân và học cách hợp tác cùng nhau. Nhưng chính không gian đầy ý tưởng và cá tính ấy đôi khi lại khiến họ dễ lạc lối giữa muôn vàn sáng tạo hỗn độn và cái tôi đang định hình.
Câu chuyện hành trình của Phương Vũ là một lát cắt chân thực, gợi mở về cách tìm kiếm sự cân bằng giữa bản ngã cá nhân và tinh thần làm việc nhóm - một thách thức không nhỏ trên con đường phát triển của bất kỳ ai.