Sharent là gì? "Khoe con" bao nhiêu là đủ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 03, 2021

Sharent là gì? "Khoe con" bao nhiêu là đủ?

Ai cũng thích những điều đáng yêu. Nhưng chia sẻ đến mức nào thì trở thành quá nhiều? Làm sao để "parent" không rơi vào bẫy "sharent"?

Sharent là gì? "Khoe con" bao nhiêu là đủ?

Nguồn ảnh: xFrame | Thiết kế bởi Hân Nguyễn cho Vietcetera

#BócTerm là series bóc tem những từ ngữ mới đang thịnh hành cùng Vietcetera.

1. Sharent là gì?

Sharent (danh từ) chỉ các bố/mẹ có sở thích chụp ảnh con cái, thường chia sẻ thái quá thông tin của các con lên mạng xã hội.

Sharent cũng được dùng như một động từ.

2. Nguồn gốc của sharent?

Sharent xuất hiện lần đầu tiên trên tờ The Wall Street Journal vào tháng 5, 2012, với phiên bản gốc là oversharenting. Đây là sự kết hợp giữa hai từ “overshare” (chia sẻ thái quá) và “parenting” (nuôi dạy trẻ).

Các sharents thường ở độ tuổi 30, thuộc thế hệ đầu tiên sử dụng mạng xã hội. Nhờ quen với cảm giác thoải mái chia sẻ suy nghĩ, họ có xu hướng xem việc “rủ” người khác vào thế giới nuôi dạy con của mình là điều tự nhiên.

3. Tại sao sharent trở nên phổ biến?

Tháng 5 năm 2015, đài CBS New York tải lên một video có tiêu đề "Is Sharenting a Growing Problem on Social Media?", ghi nhận việc chia sẻ thông tin của con cái đang trở thành một mối nguy.

Ngay năm sau, một cô gái 18 tuổi người Áo kiện bố mẹ vì đăng 500 bức ảnh thời "cởi truồng tắm mưa" của mình mà không có sự đồng ý, khiến cuộc sống hiện tại của cô "khổ sở" vì xấu hổ. Tranh cãi quanh sự việc đến nay vẫn chưa dứt.

Ở một số trường hợp cực đoan, sharenting gây ra hiện tượng “bắt cóc kỹ thuật số” (digital piracy). Kẻ xấu có thể biến con người khác thành con mình chỉ bằng việc giả danh với thông tin “vô tận” mà các bố mẹ vô tình cung cấp. Thậm chí ảnh của các em có thể bị các đối tượng không đứng đắn dùng cho các trang web ấu dâm.

Trên trang cá nhân hơn trăm triệu người theo dõi của CEO Facebook Mark Zuckerberg, hiếm hoi mới thấy ảnh của hai bé Max và Augustus. Thường phải nửa năm, thậm chí gần một năm, Mark mới đăng ảnh con. Nhiều nghệ sĩ Việt cũng chọn chia sẻ ảnh con cái ở góc nghiêng, không thấy mặt, hoặc che mặt.

Priscilla Chan vagrave Mark Zuckerberg cugraveng hai con gaacutei August vagrave Maxima Nguồn Facebook
Priscilla Chan và Mark Zuckerberg cùng hai con gái - August và Maxima. Nguồn: Facebook

Ngoài để bảo vệ “quyền riêng tư của các công dân chưa trưởng thành”, việc “khoe con” theo cách này còn giúp hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ:

  • Một số trẻ ngay từ khi mới sinh ra đã được tạo hẳn một tài khoản mạng xã hội, điều này vô tình biến trẻ thành một thần tượng nhí. Các em sẽ phải “hứng” phản ứng tiêu cực từ cộng đồng mạng bất cứ lúc nào.
  • Khi lớn lên các em có thể gặp khó khăn trong việc hình thành bản sắc riêng, tách biệt với tính cách trực tuyến do cha mẹ tạo ra.

Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam cấm hoàn toàn việc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư của trẻ em từ 7 tuổi trở lên mà không được sự đồng ý của trẻ, của cha, mẹ, và người giám hộ. Tuy nhiên, thực tế lại khó thống nhất đâu mới là “đời sống riêng tư”, và liệu các em có ý thức về quyền của mình. Và cũng thật khó cưỡng lại việc chia sẻ những điều đáng yêu.

Ít nhất là với 3 loại ảnh sau, các bố mẹ được khuyên nên chú ý khi có ý định đăng tải:

  • Ảnh con đang tắm/không mặc quần áo
  • Ảnh chụp các con, có lộ rõ vị trí nhà riêng, hoặc địa điểm riêng tư khác
  • Ảnh con của người khác

4. Dùng sharent như thế nào?

Tiếng Anh

A: How would the kid feel when he knows that his dad used to be that excited of potty training?

B: Loved by his dedicated sharent!

Tiếng Việt

A: Mai mốt không biết đứa nhỏ thấy sao khi biết bố nó hào hứng hướng dẫn cách đi vệ sinh như thế nhỉ?

B: Yêu ông bố “đam mê con” này chứ còn gì!

#BócTerm là series bóc tem những từ ngữ mới đang thịnh hành cùng Vietcetera.