Tác động của COVID-19 đến biến đổi khí hậu | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 07, 2020

Tác động của COVID-19 đến biến đổi khí hậu

Các biện pháp ngăn ngừa đại dịch tuy có tác động tích cực đến môi trường, nhưng về lâu về dài thì sao?

Tác động của COVID-19 đến biến đổi khí hậu

Đại dịch COVID-19 khiến một số hoạt động kinh tế phải ngừng hoạt động và việc khai thác các nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh. Hàng trăm nhà máy ngưng xả thải, hàng triệu xe cộ bớt xả khói đã giúp chất lượng không khí tại nhiều nơi được cải thiện trông thấy. Ngay cả lượng khí thải carbon toàn cầu cũng đã giảm

Trong khoảng thời gian ngắn hạn, các biện pháp ngăn ngừa đại dịch dường như có tác động tích cực đến môi trường. Nhưng về lâu về dài, liệu đại dịch này sẽ tác động tích cực hay tiêu cực đến khí hậu?

Tích cực ngắn hạn, nhưng âm ỉ tiêu cực lâu dài

Rõ ràng đại dịch COVID-19 là một bi kịch – các bệnh viện quá tải, nạn thất nghiệp tăng cao do suy thoái kinh tế. Cuộc khủng hoảng này cũng là bước ngoặt cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu khác, diễn ra chậm hơn nhưng cái giá phải trả thậm chí còn lớn hơn. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã đề cập, mối đe dọa từ COVID-19 chỉ là tạm thời trong khi mối đe dọa từ những đợt nóng lên toàn cầu, lũ lụt và các trận bão dẫn đến những thiệt hại to lớn về người vẫn sẽ tồn tại cùng chúng ta trong nhiều năm nữa.

Phản ứng của chúng ta trước dịch bệnh sẽ là tiền đề cho cuộc khủng hoảng khí hậu trong những thập kỷ đến. Các nỗ lực trong việc hồi phục nền kinh tế – bao gồm chính sách thúc đẩy kinh tế, các gói cứu trợ và chương trình giúp người lao động trở lại làm việc – sẽ giúp định hình nền kinh tế và cuộc sống của người dân, nhưng cũng để lại hậu quả là lượng khí thải carbon khắp hành tinh trong hàng nghìn năm.

Thay đổi chủ nghĩa tiêu dùng không phải là tất cả

Có ý kiến cho rằng, COVID-19 sẽ là chất xúc tác cho sự chuyển giao từ chủ nghĩa tiêu dùng sang các mối bận tâm về khí hậu. Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại: lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội còn góp phần thúc đẩy việc tiêu dùng hơn, vì mọi người tranh nhau mua đồ tích trữ. 

class Tác động của COVID19 đến biến đổi khí hậu0


Do giãn cách xã hội, mọi người tranh nhau đi mua đồ tích trữ. Đây là một hành vi của "chủ nghĩa tiêu dùng" - nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu

Sự thay đổi thói quen tiêu dùng cá nhân và di chuyển khiến mọi người nghĩ rằng đây là một dấu hiệu tích cực cho môi trường. Sau khoảng thời gian nhà cửa đầy ắp đồ dùng tích trữ, mọi người có thể sẽ ngừng việc mua sắm vô tội vạ hơn. Hay làm việc từ xa thông qua các thiết bị viễn thông sẽ là một trào lưu mới. Du lịch xa bằng máy bay – thói quen luôn bị đặt nghi vấn về đạo đức do ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu – sẽ giảm dần vì trong bối cảnh đại dịch, lối sống này bị đánh giá là vô trách nhiệm. 

Sự thay đổi trong thói quen cá nhân – đặc biệt là tại các nước có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao – có thể dẫn đến lượng khí thải thấp hơn. Nhưng đây chỉ là hệ quả tạm thời của hiện tượng “lây nhiễm hành vi” (một thuật ngữ trong khoa học xã hội về cách mà ý tưởng và hành vi lan truyền trong cộng đồng và tạo ra thay đổi).

Để tạo ra những ý nghĩa lớn hơn trong việc giảm thiểu khí thải toàn cầu, những thay đổi trong thói quen tiêu dùng không nên chỉ dừng lại ở cá nhân mà cần mở rộng đến những cơ cấu lớn hơn đang định hình cuộc sống của chúng ta. Tại Trung Quốc, lượng khí thải giảm xuống 25% không phải là do các thiết bị viễn thông hay máy bay, mà là nhờ vào việc sản xuất công nghiệp dừng hoạt động.

Điều này không có nghĩa là sự tiêu dùng cá nhân là vô nghĩa. Ngành du lịch hàng không bị giảm đáng kể có thể làm giảm lượng khí thải hàng không, nhưng hàng không chỉ chiếm khoảng 2,5% lượng khí thải toàn cầu, một con số rất nhỏ so với ngành công nghiệp nặng.

Những tác động tích cực ngắn hạn đến vấn đề biến đổi khí hậu mà chúng ta đang thấy như một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng: thay đổi thói quen tiêu dùng cá nhân chỉ là một phần nhỏ nếu ta không thể khử lượng carbon của nền kinh tế toàn cầu.

Đại dịch này vẫn là một thảm hoạ đối với khí hậu

Tất nhiên vẫn có lý do chính đáng cho việc mặc dù không khí và kênh rạch trở nên sạch sẽ trong thời gian qua nhưng đại dịch COVID-19 vẫn sẽ là một thảm họa đối với khí hậu.

Lượng khí thải sụt giảm tạm thời

Theo công ty kinh doanh dầu mỏ Trafigura, COVID-19 có thể dẫn đến việc nhu cầu tiêu thụ dầu đạt mức thấp nhất trong lịch sử, có lẽ là hơn 10 triệu thùng mỗi ngày. Đây có thể là tin vui đối với việc thải khí carbon vào lúc này, nhưng nó lại báo hiệu một thảm họa về con người vô cùng to lớn, bởi không ai đảm bảo được lượng khí thải sẽ vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong tương lai. Khi giai đoạn cao trào qua đi, các nền kinh tế được phục hồi, sản xuất công nghiệp và lượng khí thải nhiều khả năng sẽ lại leo thang.

Giá dầu giảm khiến người tiêu dùng chủ quan

Nếu giá dầu ở mức thấp, đó cũng có thể là tin xấu đối với khí hậu. Nhu cầu về dầu giảm do đại dịch đã hội tụ các nhà đầu tư không chuyên cùng với chiến tranh về giá và sản xuất dầu giữa Nga và Ả Rập Saudi. Năng lượng rẻ hơn thường khiến người tiêu dùng sử dụng nó phung phí hơn. Đồng thời, nó có thể làm giảm doanh số bán xe điện và khiến mọi người giảm hứng thú với những trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho nhà cửa và văn phòng.

class Tác động của COVID19 đến biến đổi khí hậu1


Giá dầu giảm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng trở nên phung phí hơn

Trì hoãn việc chuyển đổi năng lượng sạch

Suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch cũng có thể làm chậm hoặc trì hoãn việc chuyển đổi năng lượng sạch. Nếu những thị trường lớn phải đóng cửa, các công ty sẽ gặp khó đảm bảo tài chính cho các dự án điện mặt trời, gió và các dự án mạng lưới điện. 

Việc đưa ra các đề xuất cho các dự án mới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, các dự án năng lượng tái tạo trên khắp thế giới vốn cũng đã bị đình trệ vì sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu (Một phần lớn các tấm pin mặt trời, tuabin gió và pin li-ion của thế giới được sản xuất tại Trung Quốc). Tổ chức nghiên cứu năng lượng sạch Bloomberg NEF đã hạ mức kỳ vọng năm 2020 đối với thị trường năng lượng mặt trời, pin và xe điện, báo hiệu sự chậm lại trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

… Đến những cấp độ vĩ mô hơn

Phong tỏa và giãn cách xã hội khiến cho các nghiên cứu về khí hậu trên toàn thế giới bị chậm hoặc ngừng lại. NASA phải làm việc từ xa. Các chuyến bay đến Bắc Cực với mục đích nghiên cứu phải dừng lại, nghiên cứu thực địa ở khắp mọi nơi cũng đang bị hủy bỏ. Không ai biết được rằng có bao nhiêu dữ liệu về khí hậu sẽ không được thu thập, hoặc khi nào thì các nghiên cứu mới có thể khởi động lại.

class Tác động của COVID19 đến biến đổi khí hậu2


Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu trên toàn thế giới phải tạm dừng do Covid-19

Những cuộc họp của các lãnh đạo thế giới để giải quyết khủng hoảng khí hậu cũng đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, có nghĩa là đại dịch có thể khiến cho việc thực thi của các tổ chức quốc tế chậm lại. Điều này có thể làm “trật bánh” các cuộc đàm phán về khí hậu, trong khi theo thỏa thuận chung Paris, vào thời điểm này đáng lẽ các nước phải công bố các cam kết mới để giảm thiểu lượng khí thải. Sự chậm trễ như vậy có thể khiến các quốc gia bỏ qua những mục tiêu cảnh báo giới hạn của nước mình.

Trong tương lai, sự chú ý và lo ngại của công chúng cũng có thể chuyển hướng từ khí hậu sang sức khỏe và tài chính, các cuộc biểu tình về vấn đề khí hậu cũng có thể sẽ phải hoãn lại hoặc tổ chức trực tuyến. Các nước (chẳng hạn như Trung QuốcMỹ) sẽ quan tâm đến các biện pháp kích cầu kinh tế hơn là vấn đề khí thải carbon. 

Vấn đề hiện nay là: Các nhà hoạch định chính sách phản ứng ra sao về mối đe dọa suy thoái kinh tế và cách mà đại dịch sẽ làm thay đổi các dự định dành cho biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Thủ tướng Andrej Babis của Cộng hòa Séc phát biểu rằng Thỏa thuận Xanh Châu Âu (European Green Deal) – cam kết giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu về việc giảm lượng carbon thải ra về mức 0 vào năm 2050 – nên được đặt sang một bên để các nước có thể tập trung chống lại đại dịch.

Kết

Cuộc khủng hoảng khí hậu đã chứng minh rằng cách tổ chức xã hội và nền kinh tế của chúng ta không hề bền vững trên một hành tinh tài nguyên hữu hạn. Con người là một phần của tự nhiên, không tách rời khỏi nó và hoạt động gây tổn hại đến môi trường cũng sẽ làm tổn thương đến chính chúng ta. 

Có lẽ câu hỏi thật sự không phải là đại dịch COVID-19 là “tốt” hay “xấu” đối với khí hậu, mà là liệu chúng ta có thể có được một nền kinh tế vừa giúp đỡ cho con người, vừa không đe dọa đến sự sống của trái đất lẫn mạng sống của chúng ta hay không.

Bài viết được chuyển ngữ từ bài gốc của tác giả Meehan Crist trên The New York Times.

Hình ảnh trong bài được thực hiện bởi Tâm Phạm.