Được chuyển ngữ từ bài viết “The Right and Wrong Ways to Flirt” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Trong bài viết về Mở lòng: Khi bạn sẵn sàng chấp nhận khả năng bị tổn thương, tôi đã chỉ trích việc trêu ghẹo hay đùa cợt để tán tỉnh người khác. Đối với tôi, nó là một kiểu tư duy rất thiếu đứng đắn và trung thực.
Có những người cho rằng tôi làm quá, vì đùa như vậy thường vô hại. Số khác lại thích những màn “đấu khẩu” mà những câu đùa đó dẫn tới, thậm chí tức điên lên như kiểu tôi vừa gây ra một tội ác tày đình. Nhưng kỳ thực, tôi thấy “cấn” với kiểu tán tỉnh xúc phạm này (derogatory flirting) bởi nó không khác gì quấy rối tình dục người khác.
Và hầu hết những ai thích mấy màn “đấu khẩu” xuất phát từ các câu đùa này thường than phiền rằng, họ chẳng bao giờ có được một mối quan hệ chất lượng. Họ cũng sẽ “dội bom” bạn bằng 7749 câu chuyện về các mối tình thất bại trong thảm họa của họ, hết lần này đến lần khác.
Kiểu tán tỉnh vô duyên này còn làm ý định và cảm xúc của bạn bị hiểu sai, trong khi đây là 2 yếu tố quan trọng nhất của một mối quan hệ lành mạnh, bất kể ngắn hay dài hạn. Bạn không thực sự hiểu rõ người kia (và cả chính mình) đang có ý gì và cảm thấy thế nào. Nó khiến ý muốn của bạn bị hiểu sai, làm mờ nhạt sự đồng thuận và khiến người kia thấy bất an khi ở bên bạn.
Chưa kể, nó là một kiểu quan hệ độc hại khiến cả hai đều mệt mỏi khi theo đuổi. Bạn thích cô ấy lắm, nhưng vẫn tỏ ra mình không hứng thú chỉ để cổ thích bạn hơn những gì cổ nói? Và rồi để bạn thích cổ hơn những gì bạn nói, khiến cổ thấy thoải mái hơn mà thích ngược lại bạn? Nói thật chứ viết ra đống này thôi cũng khiến tôi kiệt sức rồi.
Quay trở lại chuyện mở lòng, cũng có người thắc mắc: có khi nào ta mở lòng “nhầm” với một người thao túng tâm lý, mà mãi sau này mới nhận ra? Đó chính là điều xảy ra khi bạn tán tỉnh sai cách, muốn một đằng mà lại nói một nẻo. Nó khiến bạn không nhìn ra bản chất của đối phương từ đầu, và đến lúc bạn nhận ra thì chắc tâm hồn cũng đã xước vài nhát rồi.
Bạn có thể lên giường cùng một người thao túng mà không hề hay biết. Hay kể cả khi bạn chỉ muốn một mối quan hệ kiểu FWB với người ta, kiểu tán tỉnh này khiến bạn cứ mãi phải nghĩ cách thuyết phục họ “mây mưa” với mình. Chẳng vui tí nào đâu.
Nhưng phàm người nào đến vì bạn mở lòng và trung thực, thì bạn sẽ hiểu rõ ngay từ đầu về hệ giá trị, mục đích, mức độ thoải mái và quan niệm của họ về tình dục. Ngần đó dữ liệu là đủ để bạn lọc ra luôn nếu thấy họ không phù hợp.
Việc bị từ chối khi bộc lộ tình cảm có đáng bị gièm pha?
Trong một mối quan hệ có yếu tố tình dục, việc phân biệt giữa nhục nhã (shame) với xấu hổ (embarrassment) hay tội lỗi (guilt) đóng vai trò quan trọng. Xấu hổ (embarrassment) là cảm xúc tạm thời do ngoại cảnh gây ra, trong khi tội lỗi là sự phán xét về một ngoại cảnh hay hành vi.
Còn nhục nhã (shame) là sự phán xét về nhân cách. Nếu bạn thấy tội lỗi vì đã làm gì đó, thì cái sai là hành động chứ không phải con người bạn. Nhưng nếu bạn thấy nhục nhã, thì bạn là người sai chứ không phải việc bạn làm.
Trong văn hóa đại chúng và cuộc sống hàng ngày, chúng ta vô thức củng cố sự nhục nhã trong các tình huống tán tỉnh bất thành. Các bộ phim truyền hình có những nhân vật nam giới nhút nhát luôn bị xem là “kẻ thua cuộc”, hoặc chàng trai nào tán tỉnh theo cách thẳng thắn hơn thì bị gọi là “dê”.
Ở trường học, nếu tỏ tình bị từ chối thì bạn nắm chắc một vé bị “chọc quê” trước lớp. Nhiều gia đình từ chối nói về tình dục với con cái, và cấm cản chúng “khám phá” giới tính hay xu hướng tính dục của mình. Cơ thể người dường như là cái gì đó nhục nhã mà ta luôn phải giấu đi. Việc thể hiện tình cảm nơi công cộng cũng bị chế giễu, vì sợ người khác thấy và đánh giá.
Chúng ta dường như có chung một sự khó chịu với việc thể hiện ý định tình dục. Lẽ dĩ nhiên tùy từng quốc gia và văn hóa mà độ cởi mở khác nhau. Nhưng cá nhân tôi nhận thấy rằng, một số nền văn hóa không khiến ta thấy nhục nhã vì làm điều này. Chẳng hạn ở Ý, đàn ông thường khá thoải mái trong việc khen ngợi ngoại hình phụ nữ, và họ không thấy ngại vì điều đó.
Sự ám ảnh hay sợ hãi thực sự cũng không giúp ích được gì. Phụ nữ bị cả hai giới chế giễu thân thể, trong khi đàn ông bị sỉ nhục nếu không cố gắng “tán tỉnh” phụ nữ (và nếu họ tán tỉnh ai đó mà không thành thì còn bị sỉ nhục nhiều hơn).
Sỉ nhục dường như đã trở thành một “dịch bệnh” gây rối loạn cảm xúc và chức năng tình dục cho đa số chúng ta. Nó khuyến khích những cách thể hiện tình cảm vừa kỳ cục, vừa kém hiệu quả. Thế nên chẳng phải vô cớ mà một kỹ năng cơ bản như vậy lại trở thành ngành công nghiệp tỷ đô ở không ít quốc gia trên thế giới.
Thể hiện tình cảm theo cách ngụ ý hoặc cường điệu hóa
Bởi việc thẳng thắn thể hiện tình cảm (hoặc ý định tình dục) bị đánh giá, chúng ta dần học cách làm điều đó ngấm ngầm. Chúng ta nói bóng gió về cảm xúc của mình, thay vì thể hiện nó một cách thẳng thắn và cởi mở.
Chúng ta được dạy rằng hẹn hò là mỗi chuỗi “tín hiệu” được truyền cho nhau theo cách vô thưởng vô phạt. Chẳng hạn ta nghịch tóc, “vô tình” chạm tay người đó hay nói với họ sẽ đi đến quán bar vào giờ này, ngày này như một lời mời ngầm và mong họ đồng ý.
Nhưng thử tưởng tượng tình huống này xem: bạn nói đùa về việc thích một người, để bạn có thể bộc lộ cảm xúc thật mà không lo bị ai sỉ nhục - vì đằng nào thì cũng chỉ là đùa thôi mà. Thế nhưng việc này cũng khiến người bạn thích phải đau não “giải mã” xem ý bạn thực sự là gì, và rồi họ đùa lại xem phản ứng bạn thế nào. Một vòng luẩn quẩn!
Một kiểu thể hiện tình cảm “tinh tế” khác là cường điệu hóa. Cái gì cũng là “tuyệt vời nhất quả đất”. Những người quen phiền hà cũng trở thành “bạn thân nhất”. Vài điều thú vị nhỏ xảy ra cũng trở thành “phi thường”.
Những từ ngữ này vốn chỉ dành cho những dịp đặc biệt, và ta dễ bị chế giễu nếu dùng nó trong đời thường. Vậy tốt nhất là biến mọi thứ - bao gồm cả “crush” của ta thành điều phi thường, thì chẳng ai sỉ nhục ta được nữa.
Còn tiếp…