Tiền có mua được hạnh phúc không? | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 08, 2021

Tiền có mua được hạnh phúc không?

Ý nghĩa của tiền bạc với bạn là gì?
Tiền có mua được hạnh phúc không?

Tiền có mua được hạnh phúc không?

Ký ức tuổi thơ của nhiều đứa trẻ là việc cha mẹ đã chật vật thế nào để trang trải cuộc sống gia đình. Có lẽ không ít trẻ con từng chứng kiến cha mẹ chúng cãi nhau vì các áp lực tài chính, hay các mối quan hệ trong họ hàng anh em bị sứt mẻ vì những nhập nhèm về vấn đề tiền bạc.

Vì thế, hội con nít đã sớm hiểu tiền là thứ gì đó rất quan trọng và có ý nghĩa sống còn với gia đình mình. Bản thân tụi trẻ cũng đã bắt đầu so sánh với nhau khi đứa này có một chiếc áo mới, đứa kia gia đình khá giả hơn và một đứa khác là con một nhà nghèo. Cứ như thể, tiền bạc có thể định nghĩa được giá trị của mỗi con người.

Ý nghĩa của tiền bạc với bạn là gì?

Tài chính cá nhân là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Trên mạng xã hội cũng có rất nhiều các phương pháp Đông Tây kết hợp giúp mọi người quản lý tiền bạc của mình tốt hơn. Tôi nghĩ trước khi đi vào những nguyên tắc hay phương pháp nào đó, bạn nên làm rõ tiền bạc đối với bạn có ý nghĩa gì. Bởi vì, tiền bạc là một vấn đề mang tính cảm xúc và thói quen hơn nhiều người tưởng. Nó phản ánh những kinh nghiệm hay ký ức từ tuổi thơ, mối quan hệ của cha mẹ bạn với tiền.

Có những người sinh ra nghèo khổ nên sau này khi họ kiếm được tiền họ lại có xu hướng chi tiêu quá đà để 'bù đắp' những ngày tháng bần hàn trong quá khứ. Cũng có người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn khi đã giàu có hơn lại có xu hướng thắt lưng buộc bụng vì nỗi lo sợ mất tiền.

Các công cụ quản lý tài chính sẽ trở nên kém hiệu quả, nếu bọn mình không thả tự do cho mình khỏi sự trói buộc của những định kiến thâm sâu về tiền bạc hay sự gắn liền của tiền bạc với các giá trị của bản thân.

Vì sao chúng ta nên nói về tiền bạc?

Nền kinh tế và sự vận hành của xã hội Việt Nam hiện đại rất khác với 10 hay 20 năm trước đây. Trong vòng 10 năm qua, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta gấp 2 lần. Khi đã trừ đi tỷ lệ lạm phát, thu nhập của người Việt đang tăng lên đáng kể, nhất là ở thành thị.

Trong vòng 5 năm vừa qua, sự nở rộ của tín dụng đã giúp nhiều người đạt được giấc mơ sở hữu một căn nhà hay chiếc xe ô tô. Tuy nhiên, nhiều người có hiểu biết rất sơ sài về những lợi ích và rủi ro tiềm tàng của vay thế chấp. Về cơ bản, thế hệ những gia đình trẻ đang giải quyết những bài toán tài chính phức tạp hơn so với thế hệ cha mẹ họ.

Trên mạng xã hội, nhiều người thích khoe những chiếc túi hàng hiệu, chiếc xe ô tô mới đắt tiền hay những bữa tiệc sang trọng. Những xu hướng trong giới trẻ như 'rich kids', nơi những nam thanh nữ tú 'con nhà giàu', đếm xem trên người mình có chiếc áo trăm đô, chiếc quần nghìn đô nào, thu hút triệu lượt thích (like).

Xu hướng khoe vật chất và tốc độ lan rộng của thông tin trong thời gian ngắn trên internet, làm gia tăng lòng đố kỵ, sự tự ti và khao khát vật chất của cả người lớn và trẻ con, trong một xã hội mà nhiều người sẵn đã trằn trọc vì so sánh bản thân với người khác. Trong sự bề bộn và nặng nề về vật chất đó, người ta lại càng nên ngồi xuống và nói chuyện về tiền bạc.

Tiền có mua được hạnh phúc không?

Nhiều người cho rằng tiền là nguồn gốc của tội lỗi, và họ không quan tâm đến tiền. Chỉ những người từng nhịn đói đi ngủ vì hết tiền thì mới thấm câu "không có tiền cạp đất mà ăn". Người không phải lo đến tiền bạc không thể hiểu vì sao vì miếng cơm manh áo mà một cô bạn thanh niên, tuổi mới ngoài 20 đã liều thân vượt biên qua Anh trong chiếc container lạnh âm 40 độ rồi bỏ mạng nơi xứ người. Bao nhiêu cô dâu Việt đi cưới chồng Hàn Quốc, Đài Loan mong muốn được đổi đời cho họ và cho cả cái làng nghèo xác xơ của họ. Nghèo đói là một nỗi đau cả về vật chất và tinh thần mà chỉ khi trải qua rồi, chúng ta mới hiểu thấu được nó.

Một nghiên cứu của đại học Pennsylvania ở Mỹ, chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa mức thu nhập và sự hài lòng về cuộc sống của mỗi cá nhân. Tiền bạc giúp họ làm chủ cuộc sống tốt hơn và có tự do lựa chọn cuộc sống mà họ mong muốn hơn, khi so sánh với những người phải chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên mối liên hệ của tiền và hạnh phúc trở nên yếu đi khi mức thu nhập này vượt qua một ngưỡng nhất định. Những người kiếm được nhiều tiền hơn có ít thời gian hơn và gặp nhiều áp lực trong cuộc sống hơn. Kết quả là đến một thời điểm nào đó họ trở nên ít hạnh phúc hơn.

Vậy chúng ta cần bao nhiêu tiền để hạnh phúc?

Nếu bạn đã từng có dịp đến làng Mai ở Thái Lan hay ở Pháp, bạn sẽ thấy các nhà sư ở đó đều không kiếm ra tiền, nhưng họ lại có những đủ đầy của hạnh phúc. Tất nhiên, thông qua sự đóng góp của bà con xa gần mà họ không phải lo đến những nhu cầu sinh tồn căn bản như cơm ăn hay áo mặc. Nhưng đây là một ví dụ chỉ ra rằng, người ta không cần quá nhiều vật chất để đạt được hạnh phúc.

Nếu bạn còn nhớ ở đâu đó có học hay đọc được về tháp nhu cầu của Maslow, thì đây là một cái tháp nêu ra các trật tự nhu cầu con người. Ở đáy tháp là nhu cầu sinh tồn như có cơm ăn áo mặc, có một nơi trú ngụ. Khi vượt qua nhu cầu sinh tồn, người ta tìm đến nhu cầu được bảo vệ, được yêu thương và nhu cầu được coi trọng, nhu cầu được khẳng định bản thân.

Tiền bạc là một công cụ để thỏa mãn được nhu cầu ở đáy tháp. Khi tiến lên phần phía trên của chiếc tháp nhu cầu này, mọi thứ trở nên rắc rối hơn. Nhiều người tin họ có thể dùng tiền bạc để mua tình yêu, mua sự tôn trọng. Nhưng tôi nghĩ đây là cách nhanh nhất khiến một người trở nên bất hạnh, vì nỗi sợ - khi tiền của mình bay đi mất thì mình không còn được yêu thương nữa - không dễ chịu chút nào.

Một hạn chế của tháp nhu cầu Maslow là sự cứng nhắc về những trật tự của những nhu cầu này. Người ta không cần phải đợi đến lúc cơm no áo ấm mới có nhu cầu được tôn trọng hay yêu thương. Người ta không cần đợi đến lúc giàu có mới có nhu cầu giúp đỡ người khác hay đóng góp cho xã hội. Trong khi đó, có những người cả đời đeo đuổi tiền bạc, khi đã có chút dư dả mới nhận ra sức khỏe mình đang xuống dốc và thời gian còn lại của mình trên thế giới này không còn nhiều nữa.

Suy nghĩ về tiền bạc như thế nào?

Tiền bạc bản chất là một công cụ trung tính để trao đổi hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế. Bản thân nó không có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Tất cả những giá trị về cảm xúc hay đạo đức của tiền bạc là những thứ chúng ta gắn với nó tùy theo hoàn cảnh sống, định kiến và nhu cầu của bọn mình. Lời khuyên của tôi? Cũng giống như mọi công cụ khác, hãy học cách kiểm soát tiền bạc một cách hiệu quả để bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro tài chính.

Hầu như với mọi người tiền bạc là một chủ đề rất nhạy cảm và bằng một cách nào đó có ý nghĩa sinh tồn nên các mối quan hệ thường trở nên rắc rối hơn khi có tiền bạc xen vào. Vì thế, sự rõ ràng, công bằng và có trách nhiệm trong tiền bạc là một cách chúng ta giữ gìn các mối quan hệ của mình.

Khi ra các quyết định tài chính, thử cân nhắc xem có phải mình đang giải quyết một vấn đề cảm xúc nào đó thông qua tiền bạc hay không? Khi cân đo đong đếm giữa tiền bạc và các ưu tiên khác trong cuộc sống, hãy tự hỏi mình, điều gì với bạn là quan trọng, điều gì thực sự làm bạn hạnh phúc trong quãng đời còn dài phía trước? Có phải câu trả lời luôn là tiền bạc hay không?

Chúc bạn luôn là người thuyền trưởng cho cuộc đời mình và có thể chịu trách nhiệm về hạnh phúc cá nhân của bạn thay vì để tiền bạc cầm lái.