Người đồng tính thì không được "ban phước"? | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 03, 2021

Người đồng tính thì không được "ban phước"?

Liệu người đồng tính và tôn giáo có thể “làm hòa” với nhau không?
Người đồng tính thì không được "ban phước"?

Nguồn: Soger.ru

1. Chuyện gì đã xảy ra ở Vatican?

Gần đây, linh mục ở một số nước như Mỹ, Đức đã bắt đầu hoạt động ban phước cho những cặp đôi đồng tính và kêu gọi các giám mục cùng áp dụng chế độ này.

Tuy nhiên, Bộ Giáo lý đức tin Vatican (CDF) ra quyết định cấm ban phước cho kết hợp dân sự (hình thức chung sống tương tự như hôn nhân) của người đồng tính.

2. Tại sao quyết định này không được thông qua?

Giáo hội Công giáo coi xu hướng đồng tính không phải là tội lỗi và kêu gọi mọi người tôn trọng cộng đồng LGBT+, nhưng các hành động đồng tính như quan hệ tình dục thì được coi là không phù hợp. Vì vậy nhà thờ không thể ban phước cho hôn nhân đồng giới.

Quyết định của Bộ Giáo lý đức tin Vatican được phê duyệt qua Giáo hoàng Francis, vị Giáo hoàng thứ 266 và là đương kim Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo Rôma.

Để giảm bớt làn sóng tranh cãi, Giáo hoàng bày tỏ: “Đây không phải là hình thức phân biệt bất công, mà là để nhắc nhở về tính thực tế của các nghi lễ".

3. Giáo hoàng Francis từng ủng hộ người đồng tính?

Trước Francis, Cựu Giáo hoàng Benedict XVI năm 2005 từng ký kết một văn bản yêu cầu nam giới có xu hướng đồng tính không nên làm linh mục.

Giáo hoàng Francis thì có tư tưởng cởi mở hơn người tiền nhiệm, ông “chấp nhận tha thứ cho những giáo sĩ đồng tính” và bỏ qua “tội lỗi” của họ. Bản thân ông cũng mong muốn người đồng tính có được sự tôn trọng cần thiết, còn phụ nữ nên được giữ nhiều vai trò quan trọng hơn.

4. Kinh Thánh nói sao về đồng tính?

Khi chưa đọc toàn bộ Sách Sáng Thế, một số người đã hiểu lầm về việc Kinh Thánh kết tội mọi hành vi đồng tính. Trong chương 19, Chúa Trời cử hai thiên thần dưới hình dạng người đàn ông xuống thành phố Sodom. Những người đàn ông Sodom đã đe dọa sẽ cưỡng bức họ. Các thiên thần liền làm những kẻ hung bạo này đui mù, còn Chúa Trời phá hủy thành phố.

Thực tế, Chúa đã định hủy diệt thành phố tội lỗi này trước đó, và hành động đe dọa chỉ để nhấn mạnh sự hung bạo của người Sodom với kẻ lạ.

Câu chuyện sau nhiều thế kỷ được diễn giải là lời phán xét của Thiên Chúa về tình yêu đồng giới. Nhưng hành vi thực sự đáng lên án là cưỡng hiếp tập thể.

Sự hủy diệt của thagravenh phố Sodom Nguồn Opentheworldorg
Sự hủy diệt của thành phố Sodom | Nguồn: Opentheworld.org

Sự thật, có nhiều trích đoạn trong Kinh Thánh không ủng hộ việc quan hệ đồng tính mà nói đến việc kết hợp giữa nam và nữ - một quá trình tạo ra sự sống mới, những niềm tin này phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức thời điểm Kinh Thánh được viết nên.

Thời nay, nhiều người mong muốn Kinh Thánh có thể chấp nhận mọi chủng tộc, quốc gia, và sự lựa chọn về tính dục.

5. Người đồng tính và tôn giáo có thể “làm hòa” với nhau không?

Nhiều người đồng tính theo đạo Kitô giáo đã từng đối mặt với sự phân biệt, kỳ thị đến từ các tín đồ khác, hoặc đôi khi từ chính các mục sư. Đứng trước những rào cản đó, họ không chọn từ bỏ niềm tin tôn giáo, mà tìm kiếm cảm giác “thuộc về” bằng việc gia nhập vào các hội nhóm của các tín đồ thuộc cộng đồng LGBT+.

Tác giả Matthew Vines còn từng viết cuốn sách God and the Gay Christian để gỡ bỏ những hiểu lầm của Kinh Thánh về người đồng tính.

Tại nhiều nhà thờ ở Nhật, khi Kinh Thánh được đọc lên, những trích đoạn nhạy cảm được lược bớt, hầu hết nội dung hướng đến các giá trị nhân văn về tình yêu và lẽ sống.

alt

Rõ ràng, Kitô giáo đã có những sự thay đổi phù hợp với thời thế. Suy cho cùng, mục đích cao cả nhất của tôn giáo là làm giàu giá trị sống của con người, bất kể họ là ai.

6. Đồng tính có trái ngược với tự nhiên?

Quan hệ đồng tính xuất hiện ở nhiều loài động vật như cừu, tinh tinh, cá heo, sư tử… Hành vi này một phần bị tác động bởi tính tôn ti trật tự ở nhóm động vật sống bầy đàn, một phần bị ảnh hưởng bởi nồng độ hormone trước và sau khi sinh ra.

Ở con người, giả thuyết về ảnh hưởng của gene đã được đặt ra từ hơn 20 năm trước. Nghiên cứu mới nhất năm 2019 được thực hiện trên 1 triệu biến thể gene, các nhà nghiên cứu khám phá ra 5 “vùng gene” ảnh hưởng đến xu hướng đồng tính. Tuy nhiên giới di truyền học chưa cảm thấy thỏa đáng vì tỉ lệ này quá nhỏ.

Nhưng thí nghiệm trên các cặp song sinh chứng minh điều ngược lại, yếu tố về gene quyết định 25-30% sự khác biệt về xu hướng tính dục.

Một giả thuyết khác được chấp nhận là sự ảnh hưởng môi trường và văn hóa, ví dụ như sự gần gũi của nam giới với mẹ.

7. Tại sao cộng đồng LGBT+ hiện diện ngày một nhiều?

Có thể ai đó sẽ giật mình vì nghiên cứu: cứ 10 người gặp bạn thì có 1 người là gay. Dù thông tin còn vấp phải tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận sự hiện diện của cộng đồng LGBT+ ngày một nhiều. Nhận thức cá nhân và tính cởi mở của cộng đồng giúp họ can đảm bước ra, vén tấm màn che phủ danh tính của mình.

Thuật ngữ về đồng tính (homosexuality) xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 nên có ý kiến cho rằng quan hệ đồng giới là một “sản phẩm” của nền văn minh hiện đại. Tuy nhiên, những bàn luận hay góc nhìn về người đồng tính đã có từ thời của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato, người đồng tính cũng xuất hiện trong nhiều câu chuyện cổ về thần thoại Hy Lạp.

Ngày nay, tư tưởng xã hội đã cởi mở hơn, nhưng định kiến về khuôn mẫu của người đồng tính thì vẫn còn, một trong số đó là: giới nghệ sĩ nhiều người đồng tính. Thật ra, họ nổi bật vì có năng khiếu nghệ thuật và là người của công chúng, còn sự hiện diện của người đồng tính thì có thể có ở mọi nơi.