Nói ngọng thì không thể làm giáo viên? | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 04, 2021

Nói ngọng thì không thể làm giáo viên?

Có thật là Đại học Sư phạm không tuyển thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp?

Nói ngọng thì không thể làm giáo viên?

Nguồn: Gettyimages.com

1. Đề án tuyển sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội là gì?

Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2021. Một trong những điểm gây tranh cãi là các ngành Sư phạm không tuyển thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp. Đây không phải quy định mới mà đã có từ năm 2007.

Cư dân mạng chia làm 2 phe, một phe ủng hộ sự cần thiết của nghị định, coi việc này là tiêu chuẩn của người đứng lớp. Một số nghĩ quy định tạo ra sự phân biệt ngầm và giới hạn lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên.

2. Chính xác thì nói ngọng là thế nào?

Dựa theo bình luận trên bài viết, đa số dân mạng tin rằng nói ngọng là nhầm lẫn các âm như “nói ngọng lờ nờ (L/N)”.

Tuy nhiên, PGS.TS Ngôn ngữ học Nguyễn Thị Phương Trang, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM nhận định, trường hợp trên không phải nói ngọng mà là “nói nhịu”. Nói ngọng là tật phát âm không rõ do người nói bị dị tật, khiếm khuyết.

Còn nói nhịu bị ảnh hưởng bởi cách phát âm một số vùng phương ngữ, hoặc do thói quen từ nhỏ. Nhìn chung, người nói nhịu có khả năng sửa được nếu kiên trì luyện tập.

3. Liệu có công bằng?

Không tuyển thí sinh nói ngọng không phải là một sự phân biệt. Vì đặc thù riêng của ngành giảng dạy đòi hỏi một giọng nói chuẩn để truyền tải bài học một cách chính xác nhất, nhất là các giáo viên Ngữ văn hoặc giáo viên Tiểu học. Nói ngọng, nói lắp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học sinh tiếp thu bài.

Tất nhiên, quy định này vẫn có những linh động cần thiết. Năm 2019, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT mong muốn nhà trường tạo điều kiện cho các thí sinh nói ngọng nhưng định hướng làm công việc nghiên cứu, không liên quan tới giảng dạy.

4. Vẫn có những ngoại lệ?

Stephen Hawking là một trong những người thầy đặc biệt nhất thế giới. Dù liệt toàn thân, đi bằng xe lăn và nói thông qua một thiết bị đặc biệt, ông vẫn là giảng viên tại Cambridge và được kính trọng nhờ chuyên môn và lượng kiến thức đáng nể về vật lý, vũ trụ.

Ở Việt Nam thì có Nguyễn Ngọc Ký, người thầy bị bại liệt cả hai tay nhưng vẫn vượt qua số phận để trở thành một nhà giáo ưu tú.

Các trường hợp trên mặc dù không nhiều và chưa thể lấy làm đại diện cho số đông, nhưng điều này nói lên rằng, sẽ là bất công nếu coi khiếm khuyết cơ thể ảnh hưởng đến khả năng giảng dạy của giáo viên. Sau cùng điều quan trọng nhất vẫn là kiến thức, kỹ năng giảng dạy và cái tâm của một người thầy.

5. Khi giáo viên khuyết tật trở thành hình mẫu kiểu mới?

Theo Rita Egan, chuyên viên đào tạo giáo viên của trường Bedfordshire (Anh), rất ít trường chuẩn bị sẵn hệ thống đào tạo dành cho giáo viên khuyết tật. Khoản phí phát sinh không chỉ tới từ cơ sở vật chất mà còn tới từ nhân sự, ví dụ phải thuê người phiên dịch cho giáo viên khiếm thính.

Mặc dù gặp nhiều bất lợi, giáo viên khuyết tật có thể trở thành nguồn cảm hứng cho chính những học sinh quanh mình. Rất nhiều thế hệ trẻ lớn lên và mang trong mình khuyết điểm cơ thể, thứ sẽ cản trở họ nỗ lực và phát triển bản thân về sau. Những người như cô giáo Hồ Thị Liên (khuyết tật hệ vận động), thầy Võ Bé Tư (mắc dị tật hở hàm ếch) có thể trở thành những hình mẫu, tấm gương giáo viên kiểu mới để noi theo.

Ngoài ra, giáo viên cũng thấu hiểu và biết cách để giúp đỡ những học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn. Đúng như Trei, một giáo viên tại Kansas nhận định, người không mắc dị tật có thể giúp đỡ trẻ em khiếm khuyết, nhưng vì chưa trải qua nỗi đau tương tự, họ khó chạm đến góc khuất trong tâm hồn trẻ và thấu hiểu chúng một cách sâu sắc.

6. Người khuyết tật có thể tìm công việc gì khác?

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện để người lao động khuyết tật được học tập và trau dồi kỹ năng chuyên môn, thậm chí tìm các công việc để làm tại nhà.

Thị trường việc làm đang có những nhìn nhận ngày một tích cực về khả năng đóng góp của người khuyết tật.

Công ty TNHH Ninh Khánh (Ninh Bình) của ông Nguyễn Văn Sơn hiện đang có hơn 30 lao động là người khuyết tật. Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy họ chăm chỉ, cẩn thận, và có thể tạo ra các sản phẩm hoàn hảo không thua kém bất kỳ ai.

Ngoài công việc lao động tay chân, một số gợi ý về công việc cho người khuyết tật là: Lập trình viên, thiết kế đồ họa, cố vấn tâm lý, nhân viên nhập liệu, bán hàng online...

7. Những yêu cầu đặc thù của các tổ chức?

Ngành sư phạm yêu cầu thí sinh phải phát âm chuẩn, rõ ràng cũng như ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh tuyển các thí sinh mắc tật khúc xạ cận hoặc viễn thị không quá 3dp; không có dị tật bẩm sinh hay hình xăm phản cảm.

Xét cho cùng, khi nhìn vào chính sách tuyển dụng/tuyển sinh của một cơ sở giáo dục hay cơ quan, tổ chức như thế này, sẽ khó để phán xét đúng hay sai hoàn toàn, vì các chính sách từ lâu đã được cân đo đong đếm để phù hợp cho các bên liên quan.

Riêng trong ngành giáo dục, các quy định đã được cân nhắc từ nhiều phía, không chỉ từ phía học sinh mà còn ở bản thân của giáo viên và nhà trường.