Tư duy kết quả: Cách để bạn chủ động trong mọi việc | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 10, 2024

Tư duy kết quả: Cách để bạn chủ động trong mọi việc

Nỗ lực giải quyết nhiệm vụ nhưng kết quả không như mong muốn, đó là vì bạn đã chọn sai điểm cần tập trung.
Tư duy kết quả: Cách để bạn chủ động trong mọi việc

Nguoonf: Pexels

Bạn có thấy quen thuộc với những tình huống như thế này:

  • Sếp của bạn hay quạu mỗi khi bạn hỏi ý kiến.
  • Bạn cùng nhóm không hứng thú khi bạn đề xuất ý tưởng hoặc hỏi về một chi tiết nhỏ nào đó.
  • Muốn phụ mẹ việc nhà, nhưng đổi lại là tiếng thở dài với câu nói sát thương “thôi mày tránh ra đi tao làm cho nhanh”.

Nếu câu trả lời là có, vậy thì khả năng cao là bạn chưa trang bị tư duy kết quả. Cho nên mỗi khi làm việc gì đó, bạn thường tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể (outputs) mà không hiểu rõ mục tiêu cuối cùng (outcomes) mình muốn hướng đến. Từ đó, dễ bị rơi vào tình huống thụ động.

Thế nên, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ về khái niệm tư duy kết quả đồng thời bàn luận về những cạnh liên quan để bạn có thể hiểu rõ và cân nhắc xem bản thân có nên áp dụng lối tư duy này.

alt
Nguồn: Hoangthoughs

Tư duy kết quả là gì?

Tư duy kết quả đúng như tên gọi là cách tư duy tập trung vào kết quả mà cụ thể là mục đích hay những thay đổi tích cực mà bạn muốn đạt được, thay vì chỉ chú trọng tới các nhiệm vụ cụ thể trong quá trình thực hiện.

Và khi tâm chúng ta đặt ở đâu thì tất cả mọi thứ sẽ xoay quanh điểm đó. Mọi thứ ở đây bao gồm cả khó khăn, thử thách lẫn giải pháp, cơ hội. Chẳng hạn đặt tình huống là bạn muốn tăng kỹ năng giao tiếp. Mục đích không chỉ để thăng tiến mà còn để cải thiện mối quan hệ trong đời sống cá nhân cũng như trong công việc.

Điều đầu tiên bạn làm là tìm hiểu các phương pháp để cải thiện kỹ năng giao tiếp. Bước này cung cấp cho bạn thông tin như: khóa học, sách, bài viết, các bài tập thực hành giao tiếp… Đây đều là inputs (what) - tài nguyên đầu vào để giải quyết vấn đề của bạn.

Sau đó, khi đã có thông tin, bạn sẽ có nhiều gợi ý về outputs (how) - những cách thức để bạn thực hiện như: tham gia vào khóa học trực tuyến, đọc sách về giao tiếp, tham gia câu lạc bộ diễn thuyết, thực hành giao tiếp hàng ngày…

Dựa vào những cách thức tìm được bạn bắt đầu lên kế hoạch cho mình tham gia vào các buổi diễn thuyết trước đám đông. Thế nhưng sau vài ngày học tập, thực hành, bạn vẫn cảm thấy cất giọng lên và nói là chuyện quá khó khăn.

Đây là lúc bạn sẽ nhận ra mình cần áp dụng tư duy kết quả. Bởi nếu bạn tập trung vào ‘outputs’ giống như cách ở trên là tham gia vào các buổi diễn thuyết, thì bạn đã kích hoạt nỗi sợ hãi đứng trước đám đông. Từ đó, sinh ra tâm lý muốn bỏ cuộc trong khi chưa hề cải thiện năng lực giao tiếp được chút nào.

alt
Nguồn: Pexels

Nhưng nếu ngay từ đầu tập trung vào kết quả (outcomes) là bạn muốn nâng cao kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ thấy kế hoạch hành động của mình cần chuyển sang phương hướng khác. Ví dụ như thực hành giao tiếp trong nhóm nhỏ hơn, hoặc luyện kỹ năng lắng nghe và phản hồi trong các cuộc trò chuyện hàng ngày. Miễn là duy trì được sự tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ dần dần vượt qua nỗi sợ và cải thiện được khả năng của mình.

Đúng như người ta vẫn hay nói “mỗi khi muốn từ bỏ, hãy nghĩ tới lý do bạn bắt đầu”. Dù không phải luôn đúng trong mọi trường hợp, nhưng câu nói đó thực sự đúng với ví dụ kể trên. Vậy nên, thay vì thụ động cảm thấy tự ti về nỗi sợ, bạn có thể đổi sang thế chủ động và chọn lựa cách thức khác để đạt được kết quả mình mong muốn theo cách tối ưu hơn.

Điều quan trọng là bạn phải nhận biết được hai yếu tố. Outputs là kết quả của cách thức, hành động trong kế hoạch (tham gia và hoàn thành buổi diễn thuyết). Còn outcomes là kết quả của một kế hoạch (cải thiện giao tiếp). Và thứ chúng ta nên tập trung vào là ‘outcomes’.

Tại sao tư duy này lại quan trọng?

Cải thiện năng lực giao tiếp xuất phát từ mong muốn cá nhân nên bạn có thể biết được lý do tại sao mình muốn điều này. Thế nhưng trong quá trình đi làm, hợp tác hay tham gia giúp đỡ người khác, không phải lúc nào việc xác định lý do cũng dễ dàng. Do đó, tư duy kết quả giống như một lời nhắc bạn phải luôn ý thức xác định rõ lý do (why) trong mỗi việc mình làm. Nhờ đó, chủ động lựa chọn phương án triển khai (how) phù hợp.

Lý do sẽ càng trở nên quan trọng trong một số trường hợp. Bởi vì, đôi khi dù kết quả của một nhiệm vụ có thể tốt, nhưng lại không đóng góp nhiều cho kết quả cuối cùng thì không thể công nhận là tốt.

Ví dụ như sếp dặn bạn gửi email thông báo ra mắt sản phẩm mới cho khách hàng tiềm năng. Bạn chỉ lo tập trung tìm công cụ để tự động hóa gửi email mà không để ý tới ‘outcomes’ thực sự là giới thiệu được sản phẩm với khách hàng. Như vậy dù công cụ tự động hóa có tiện lợi và tiết kiệm tới đâu, bạn cũng sẽ nhận đánh giá là chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ sếp giao.

Ngược lại, nếu tập trung vào ‘outcomes’, bạn có thể đề xuất thêm các cách tiếp cận khác như: cá nhân hóa nội dung email, sử dụng công cụ phân tích để chọn khung thời gian gửi mail hiệu quả, chia nhỏ chiến dịch giai đoạn,…

Những ý tưởng này, đều bắt đầu từ việc bạn tập trung vào “công ty muốn giới thiệu sản phẩm mới cho khách hàng tiềm năng” thay vì “sếp muốn tôi gửi email cho khách hàng”. Điều này không chỉ giúp bạn ghi điểm trong mắt sếp, mà còn giúp bạn dần xây dựng sự chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm hơn từ trong công việc đến cuộc sống cá nhân.

Điều gì cản trở tư duy này?

alt
Nguồn: Pexels

Mặc dù tư duy kết quả mang lại nhiều lợi ích rõ ràng và giúp bạn chủ động hơn trong công việc, nhưng không phải ai cũng dễ dàng áp dụng được. Trên thực tế, do nhiều yếu tố từ thói quen đến lối suy nghĩ cũ đã khiến cho bạn khó triển khai tư duy kết quả một cách hiệu quả:

Kết quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Trong thời gian đi học, chúng ta thường quen với việc giải quyết các bài tập bằng cách áp dụng công thức và có sẵn đáp án chuẩn để so sánh và đánh giá kết quả của bản thân. Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn đi làm, bạn sẽ nhận ra rằng không phải lúc nào cũng có công thức, và kết quả không chỉ là một đáp số duy nhất mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Đôi khi, sếp chỉ giao một nhiệm vụ ngắn gọn như "tăng doanh thu tháng này", nhưng để thực hiện được yêu cầu đó, bạn phải xem xét và kết hợp rất nhiều yếu tố: từ chiến lược tiếp thị, cách tiếp cận khách hàng, điều chỉnh giá cả, quản lý nguồn lực cho đến việc phân tích số liệu. Cho nên bạn có thể sẽ cảm thấy bối rối, muốn né tránh trước những vấn đề phức tạp như vậy.

Không quen đo lường kết quả

Việc đánh giá kết quả không chỉ là quan sát trực tiếp hay đánh giá cảm tính mà đòi hỏi sự kiên nhẫn và chi tiết. Bạn phải biết cách thu thập dữ liệu, phân tích và số hóa chúng để đo lường hiệu quả công việc một cách chuẩn xác, khách quan.

Thiếu tư duy độc lập vì sợ chịu hậu quả

Nhiều người có xu hướng chọn nghe theo chỉ dẫn của người khác để tránh phải chịu trách nhiệm nếu có sai sót. Tuy nhiên, điều này về lâu dài sẽ hình thành tâm lý lệ thuộc vào người khác, kìm hãm sự phát triển và hạn chế khả năng sáng tạo của bạn.

Ngại thay đổi

Dù có thể nhận thức được rằng cách tư duy cũ đã không còn phù hợp hoặc không còn hiệu quả nhất, thực tế là chúng ta không thể thay đổi ngay. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, thay đổi từng bước một để não từ từ tiếp nhận và thích nghi với cách nghĩ mới.

Kết

Tư duy kết quả có thể không dễ dàng áp dụng ngay lập tức, nhưng nó sẽ giúp bạn tiến xa hơn trong công việc và cuộc sống. Hãy bắt đầu bằng việc xác định rõ mục tiêu cuối cùng, từ đó từng bước điều chỉnh hành động của mình. Khi đã có sự tập trung đúng đắn, bạn sẽ thấy rõ sự thay đổi tích cực.

Giống như câu nói: “Bạn không thể thay đổi gió, nhưng bạn có thể điều chỉnh cánh buồm của mình.” Chúc bạn kiên định với mục tiêu và không ngừng hoàn thiện bản thân mình!