Thời trang Việt đang tạo dấu ấn trên thị trường quốc tế - đây có lẽ không còn là điều xa lạ với nhiều người, khi liên tục chứng kiến việc các thiết kế của người Việt đồng hành cùng các ngôi sao lớn từ Á Đông đến Âu Mỹ. Nhưng thời trang Việt không chỉ xuất hiện ở những khoảnh khắc lấp lánh trên thảm đỏ hay sàn diễn.
Một bước tiến thú vị khác đang diễn ra: các thiết kế Việt đang len lỏi vào tủ quần áo hàng ngày của khách hàng quốc tế. Những chiếc quần denim, áo T-shirt, trang phục streetwear - cộp mác thương hiệu Việt, chứ không chỉ là hàng gia công - giờ đây đã có mặt tại Los Angeles, New York, Tokyo, Đài Loan,... qua những cửa hàng pop-up và nền tảng thương mại điện tử.
Manh Nguyen, founder của Astoud – nền tảng thương mại điện tử đầu tiên phân phối sản phẩm từ hơn 50 thương hiệu thời trang độc lập Việt Nam – đang mở rộng cộng đồng thời trang Việt trên thị trường quốc tế.
Tháng 9 năm ngoái, Astoud tổ chức một pop-up store* tại New York, trong khuôn khổ New York Fashion Week, mang đến trải nghiệm đa giác quan cho các khách hàng yêu thời trang đường phố. Khi trò chuyện cùng chúng tôi, Manh đang ở Đài Loan, khảo sát thị trường cho sự kiện pop-up tiếp theo của Astoud.
Trước khi sáng lập Astoud tại Los Angeles, Manh là một trong những người đứng sau Hidden Archive, trang blog nổi tiếng với giới yêu thích thời trang lưu trữ tại Việt Nam.
*pop-up store: các điểm bán hàng trong thời gian ngắn tại một địa điểm, thường có chủ đề nhất định.

Điều gì khiến bạn tự tin tạo một nền tảng thương mại quốc tế dành riêng cho thời trang Việt?
Vì mình tin vào sản phẩm của người Việt. Chứ chưa cần nói đến chuyện “thương hiệu”.
Mình tự hào là người châu Á nói chung. Nhưng thực sự thì chúng ta đều biết rõ rằng mỗi dân tộc đều có vẻ đẹp riêng của mình.
Khi ở nước ngoài mình cảm giác người Nhật, hay Hàn họ có một niềm tự hào rất lớn, họ nói về sản phẩm của họ rất nhiều. Gần đây nổi lên Musinsa, một nền tảng thương mại điện tử của Hàn Quốc. Họ không bán tràn lan mọi thương hiệu, mà chỉ tập trung vào các thương hiệu của người Hàn, và phân phối trên toàn thế giới.
Thời trang Việt Nam cũng đủ tốt để có chỗ đứng riêng. Mình cũng cảm nhận được các nền văn hoá khác đang cần một góc nhìn mới về sản phẩm từ Việt Nam. Nhưng chúng ta chưa có đủ tự tin và hệ sinh thái hỗ trợ để tiếp cận thị trường lớn hơn.
Mỗi lần nói đến việc vươn ra thị trường quốc tế, mình cảm thấy mọi người thường tự hoài nghi là “mình nhỏ thế này, ra biển lớn sao mà thành công?”. Có những anh chị đã làm thương hiệu tại Việt Nam hơn 10, 15 năm rồi vẫn chưa nghĩ tới v iệc “đánh lớn” hơn.
Sau 4 năm vận hành Astoud với hơn 50 thương hiệu, và khoảng 1 năm rưỡi di chuyển đến các thành phố khác nhau để làm cửa hàng pop-up, mình tin vào một điều: Sản phẩm tốt sẽ tự chứng minh được giá trị của nó (Product speaks for itself).
Cầm trên tay một chiếc quần jeans tốt hay dỏm là bạn biết liền chứ. Đồ tốt là khoá kéo phải mượt mà, chất vải dày dặn, đường may sắc sảo, mặc vào là tôn dáng.
Người tiêu dùng dù là ở đâu cũng hiểu rõ “tốt” là thế nào. Và người Việt cũng hiểu rất rõ làm sao để tạo ra một sản phẩm tốt. Vì rõ ràng Việt Nam là nơi sản xuất chất liệu denim cho Levi’s, Nike hay rất nhiều hãng lớn khác.
Và không chỉ một mình Manh nhìn thấy được điều đó, mà còn những người bạn khác trong ngành của Manh, trong đó có những bạn đã làm trong lĩnh vực textile production được một thời gian rồi có thương hiệu riêng tại Los Angeles, như là LTTT (Little Tokyo Table Tennis). Khi cầm trên tay sản phẩm của người Việt, họ cũng phải thốt lên “oh wow, tại sao trước giờ chưa nghe ai nói đến sản phẩm của Việt Nam?”.
Ngoài ra, mình cũng thấy có một suy nghĩ phổ biến là hàng Việt Nam thì không nên định giá cao.
Mình nghĩ, tại sao lại không?
Ở Việt Nam mọi người bán một chiếc áo 700 ngàn, tương đương 30 đô. Mà tại Mỹ thì 30 đô là giá của một món đồ cũ, chất lượng kém. Trong khi người Việt mình làm ra một sản phẩm 100% cotton và SPD-proof như vậy, nhiều kiểu dáng cắt khoét kỳ công, tức là người làm phải nghiên cứu rất kỹ, quy chuẩn cao. Vậy mà chúng ta lại tự đánh giá thấp vị trí của mình.
Nên là đừng tự ti nữa, thậm chí là còn phải tự hào nữa kia, vì những gì mà chúng ta làm được ở thời điểm hiện tại.
Việt Nam không chỉ còn là một công xưởng gia công nữa. Từ thiết kế, sản xuất, tiếp thị, đến làm thương hiệu, truyền thông, người Việt có thể làm hết và làm tốt!

Nhưng có phải nền tảng online thôi không đủ để thuyết phục khách về chất lượng, nên bạn làm thêm pop-up store?
Đúng, nhưng còn nhiều giá trị khác mà mình muốn hướng tới nữa. Mình không muốn Astoud chỉ là một nơi bán sản phẩm. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là tạo ra một cộng đồng, và pop-up store là một cách để làm điều đó.
Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, các thương hiệu thời trang tổ chức pop-up store liên tục, không chỉ để bán hàng mà còn để gặp gỡ, trò chuyện với khách hàng, giúp họ hiểu được câu chuyện thương hiệu. Và mình muốn làm điều tương tự với thời trang Việt.
Ngoài ra, khi mà các thương hiệu chưa thể mở cửa hàng vật lý riêng, thì mô hình pop-up của Astoud cũng là một cách để mình cùng các thương hiệu giúp các khách hàng quốc tế có thể cầm trên tay một sản phẩm Việt, cảm nhận chất liệu, thử lên người, nhìn thấy sự sáng tạo và chất lượng trong từng chi tiết.
Hay nói cách khác, pop-up cũng là một cách để kết nối với khách hàng mà không phụ thuộc vào cửa hàng vật lý.

Thật ra về việc đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, Manh tin là nhiều người muốn làm nhưng mà không làm được. Hoặc là có rào cản gì đó khiến họ khó để làm, chứ không phải là không muốn làm.
Một phần cũng vì họ chưa quen với thị trường đó.
Nếu Manh không sống ở đây một thời gian, mình không nói chuyện với những bạn làm sáng tạo ở bên này thì mình cũng ngần ngại vì không biết bắt đầu từ đâu dù rất muốn. Đơn cử như làm sao để chắc chắn là pop-up của mình trước tiên là hợp pháp. Mình sẽ kết nối như thế nào? Mình nói tiếng Anh ra sao? Thái độ của mình thế nào?
Và Manh tin là mình phải gan, gan, gan. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ, thẳng thắn hỏi “Can you do this for me?”.
Khi mà mình đã quen với mọi người ở đây, mình nói tiếng bản địa và có thái độ cầu thị thì sẽ tới lúc mình làm được.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của bạn sau hơn 4 năm phát triển Astoud?
Chắc chắn là pop-up tại New York vào tháng 9 năm ngoái mình làm cùng với anh Ryan Sơn Hoàng.
Anh là người đồng sáng lập nên OBJoff, The New District và The New Playground. Nói ngắn gọn thì anh là “idol” của mình. Anh tạo ra các “sân chơi” tập trung nhiều thương hiệu thời trang lại với nhau - tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng streetwear tại Việt Nam. Đây cũng chính là những điều mà mình muốn làm với các thương hiệu Việt tại Mỹ, và thêm nhiều nơi khác trên thế giới.
Ấp ủ ý định một thời gian mình đã gọi điện cho anh Ryan từ Mỹ và hỏi:
- Anh ơi em có cái này muốn đề xuất với anh. Em biết là anh đã làm cái này ở Việt Nam rồi, và nó khó. Nhưng anh có muốn giúp em host pop-up ở New York không?
Không lâu sau đó anh gọi điện lại và bảo:
- Manh ơi, visa anh hết hạn tháng 10, vậy tháng 9 anh sẽ qua giúp em.
Và trong đúng 2 tuần tụi mình đã bắt tay vào chuẩn bị tất cả. Sự kiện đó đã quy tụ được những người làm sáng tạo lớn nhất trong cộng đồng thời trang underground tại New York.

Mình nhìn xung quanh, thấy những người bạn ở New York mặc đồ Việt Nam, nói chuyện về thiết kế Việt Nam, bàn luận về chất liệu, phom dáng. Và mình cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết một điều rằng: Người Việt trong ngành thời trang có thể vươn xa hơn rất nhiều. Chỉ là trước giờ, chưa có ai thử làm điều đó một cách bài bản.
Mình nhớ mãi khoảnh khắc lúc kết thúc sự kiện, hai anh em đã nhảy cẫng lên và hét: “We did it, mom!”
Manh không ngại kể tên thương hiệu mình yêu thích chứ?
Chắc chắn mình sẽ nói về denim Việt Nam! Có quá nhiều lý do để mình tin tưởng vào chất lượng cũng như thiết kế của denim do người Việt làm ra.
Ví dụ như thương hiệu The Idiot, họ tạo ra những thiết kế rất độc đáo, chẳng hạn như một chiếc quần không có cạp. Họ cũng thử nghiệm nhiều kiểu wash khác nhau.
Các sản phẩm của The Idiot và Latui Atelier đặc biệt nổi bật ở thị trường Đông Á và châu Âu nhờ độ tinh xảo và đón đầu xu hướng.

Một thương hiệu khác mà mình rất tự hào là Soulvenir.
Đây là thương hiệu của một nhà thiết kế người Việt. Anh đã sống ở Seattle, Mỹ gần 15 năm và hiện đang vận hành cửa hàng Nay Mai tại Sài Gòn. Từ ngày đầu tiên, anh đã phát triển Soulvenir tại Seattle, sau đó tham gia pop-up cùng mình tại California, rồi liên tục di chuyển giữa hai nơi.
Điều đặc biệt ở Soulvenir là cách thương hiệu này khai thác giá trị của graphic design.
Ở Việt Nam, mình chưa thấy thương hiệu nào làm được điều tương tự. Vì để thiết kế đồ họa theo hướng tôn trọng lịch sử Việt Nam, nhưng vẫn có gu thẩm mỹ tinh tế và được công nhận trên toàn cầu, là một thử thách lớn. Không phải lúc nào yếu tố lịch sử cũng dễ kết hợp với tính thẩm mỹ, nhưng Soulvenir đã làm được điều đó!

Nếu dùng một từ để mô tả thời trang Việt hiện tại, bạn chọn từ gì?
Thử nghiệm (experimental).
Các thương hiệu trẻ đang tìm cách phá bỏ giới hạn, kết hợp nhiều phong cách, chất liệu, thử những điều mới mẻ hơn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là họ muốn hướng tới sự bền vững, có thể mặc được hàng ngày, và mặc được nhiều năm, bất chấp các xu hướng.
Đây có thể chỉ là thiên kiến của mình vì trước khi kinh doanh, hay làm cộng đồng, mình học ngành Lịch sử nghệ thuật.
Chúng ta thường dùng các cột mốc kinh tế, xã hội để đánh dấu các giai đoạn lịch sử. Nhưng mình tin thời trang và nghệ thuật cũng có sức mạnh tạo nên dấu ấn không kém. Những gì chúng ta mặc hôm nay có thể trở thành một phần của câu chuyện mai sau.
Thời trang Việt hiện tại đang có nhiều tiềm năng để đi thật xa. Đã đến lúc chúng ta tin vào thương hiệu Việt Nam. Nếu chỉ mãi đứng sau làm gia công, sẽ không ai nhắc đến Việt Nam như một cái tên có thể tạo ra những sản phẩm thiết kế mang dấu ấn riêng. Nhưng nếu chúng ta dám thử, dám đưa những thiết kế của mình ra thị trường quốc tế, thì câu chuyện sẽ khác.
Hãy cứ tạo ra sản phẩm đủ tốt, và rồi sẽ có ngày có tiếng lành vang xa!
