1. Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 18/4, TikToker Anh Loren đã đăng tải video “vạch trần” văn hóa chạy bộ và đọc sách ở công ty cũ của cô. Theo đó, công ty này yêu cầu nhân viên nữ phải chạy tối thiểu 7km và nam phải chạy 12km/tuần, nếu không sẽ “không bao giờ thành công”. Họ phải chụp ảnh gửi lên group công ty để “báo cáo” việc mình đã chạy bộ và đọc sách mỗi ngày.
Hiện video đã đạt tới hơn 63 nghìn lượt xem, và hơn 2000 bình luận. Nữ TikToker cho biết cô và đồng nghiệp khá bất mãn với chính sách này, bởi họ phải tăng ca rất nhiều, thậm chí từng bị nhắc nhở chỉ vì… con số trên app cho thấy cô chạy quá chậm.
Chưa kể trong team cô khi đó có thành viên bị bệnh tim, nhưng khi xin được miễn chạy bộ đã không được sếp đồng ý. Nguyên nhân bởi sếp của cô… hỏi ChatGPT thì thấy vẫn chạy bộ được. Một đồng nghiệp khác thì vừa phải nhập viện, song không những không được sếp hỏi thăm mà còn bị trách ngược vì “không chạy bộ đủ nên sức khỏe mới yếu thế này”.
2. Từ bao giờ việc chạy bộ lại trở thành KPI bắt buộc?
Nhiều năm gần đây, liên tục có những báo cáo, nghiên cứu gây chú ý về việc người Việt “lười” vận động. Theo một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, người Việt Nam đi bộ trung bình 3600 bước/ngày - khá ít so với các nước trong khu vực. Số liệu này ở dân văn phòng còn thấp hơn, chỉ khoảng 600 bước/ngày, trong khi con số khuyến nghị của WHO là 10,000 bước.
Đây có thể không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi ngày càng nhiều người trẻ Việt gặp các vấn đề sức khỏe mãn tính. Phổ biến nhất là đau lưng, đau cổ vai gáy hoặc các vấn đề về xương khớp. Nghiêm trọng hơn, số người dưới 40 tuổi gặp tình trạng thừa cân, tim mạch, tiểu đường, thậm chí đột quỵ có xu hướng tăng lên những năm gần đây.
Trước tình trạng này, nhiều chủ doanh nghiệp đã cố gắng khuyến khích nhân viên vận động nhiều hơn. Chạy bộ là hình thức được khá nhiều công ty lựa chọn, bởi nó không quá phức tạp, chi phí thấp và thực hiện được mọi nơi, mọi lúc. Các giải chạy cũng được tổ chức thường xuyên từ 2019 đến nay, nhằm nâng cao sức khỏe nhân viên, quảng bá hình ảnh và thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) qua việc gây quỹ từ tiền bán vé.
Dù vậy thay vì khuyến khích, một số công ty lại đưa chạy bộ vào KPI bắt buộc trong công việc. Đây có thể là cách “buộc” nhân viên phải vận động thay vì lướt điện thoại khi có thời gian rảnh, và để xây dựng văn hóa công ty, tinh thần tập thể.
3. Những bất cập của cách làm này?
Dù “KPI chạy bộ” được đưa ra với mục đích tốt, nó lại vô tình phản pháo theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người bình luận ở video của Anh Loren rằng, họ cảm thấy như bị ép buộc, và bị xâm phạm thời gian riêng ngoài giờ làm khi cứ liên tục phải “điểm danh” chạy bộ. Số khác còn cho biết nếu không đạt KPI chạy bộ, họ sẽ bị “phạt” bằng cách nhảy dây hoặc chống đẩy.
Bên cạnh đó, với những ai gặp vấn đề sức khỏe không phù hợp chạy bộ, họ có thể thấy tội lỗi vì không thể cùng xây dựng văn hóa công ty. KPI chạy bộ vì vậy cũng vô tình khiến họ có cảm giác bị “loại trừ” khỏi tập thể. Một số công ty còn gặp tình trạng nhân viên lấy số km chạy bộ ra “khè” nhau, gây mất đoàn kết nội bộ.
Cũng có người nghĩ ra những cách đối phó vô cùng “sáng tạo” để đạt KPI chạy bộ. Một đồng nghiệp cũ của tôi từng chia sẻ “bí kíp” đi xe máy tốc chậm, tương đương với tốc độ chạy của con người. Số khác thì đeo đồng hồ hoặc điện thoại vào cổ chó cưng nhờ… chạy hộ, vì chó vốn rất “cuồng chân” và các app đo thường không phân biệt được bước chân chó và chân người.
4. Làm sao để khuyến khích nhân viên vận động hiệu quả hơn?
Tiêu chí đầu tiên có lẽ vẫn là dựa trên tinh thần tự nguyện thay vì ép buộc. Doanh nghiệp có thể tổ chức các “giải chạy” nội bộ với luật lệ rõ ràng trong một số ngày nhất định, có giải thưởng cho những người đạt thành tích cao nhất. Cách này sẽ khiến nhân viên có thêm động lực tham gia, và kể cả không đạt giải thì vẫn luyện được một thói quen lành mạnh.
Doanh nghiệp cũng có thể tổ chức các câu lạc bộ ở nhiều môn thể thao khác nhau, để nhân viên lựa chọn môn tập phù hợp. Như vậy những ai không thể chạy bộ có thể tập các môn nhẹ nhàng hơn như yoga, cầu lông. Ngoài ra nếu ngân sách cho phép, doanh nghiệp có thể kết hợp với các cơ sở thể thao để hỗ trợ chi phí cho nhân viên đăng ký tập luyện.
5. Ngoài chạy bộ, dân văn phòng có thể vận động bằng cách nào nữa?
“Vận động” không nhất thiết là phải tập thể thao. Với những nhân viên bận rộn, hiếm có thời gian tập thể thao, các bạn vẫn nên cố gắng vận động bất kỳ lúc nào có thời gian rảnh trong ngày. Điều này vừa giúp bạn đỡ đau lưng mỏi gáy, vừa thư giãn giữa những deadline trong ngày.
Hình thức vận động đơn giản nhất là đi bộ - bạn có thể dùng thang bộ thay vì thang máy, đi bộ ở công viên hoặc quanh khu nhà. Nếu nơi cần đến cách nhà không quá 2km và thời tiết không quá khó chịu, bạn có thể cân nhắc đi bộ thay vì xe máy. Ngoài ra khi làm việc nhà, dọn dẹp phòng hay tắm cho thú cưng, bạn cũng đã vận động được nhiều thêm một chút rồi.
Bên cạnh đó, có nhiều bài tập căng cơ, hỗ trợ cột sống mà bạn thực hiện được ngay trên bàn làm việc khi giải lao. Tư thế giãn cơ Brugger, bài tập cat-cow hay bài tập ép người McKenzie là những ví dụ đơn giản bạn có thể bắt đầu.