Wes Anderson từ nhà làm phim thành nhà minh hoạ thế nào qua series mới ở Netflix? | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 10, 2023

Wes Anderson từ nhà làm phim thành nhà minh hoạ thế nào qua series mới ở Netflix?

Minh hoạ- đó có lẽ là từ mà một nhà làm phim luôn cố gắng tránh nhất, nhưng Anderson chẳng ngại minh hoạ.
Wes Anderson từ nhà làm phim thành nhà minh hoạ thế nào qua series mới ở Netflix?

Nguồn: The Wonderful Story of Henry Sugar

Trong lĩnh vực kể chuyện, các nhà sáng tạo thường truyền tai nhau câu “khẩu quyết”: Show, don’t tell. Tạm hiểu là hãy miêu tả các chi tiết chứ đừng có kể lể. Ấy vậy mà, trong series gồm bốn phim ngắn của mình trên Netflix, nhà làm phim Wes Anderson đã đạp đổ cái nguyên tắc tưởng bất di bất dịch ấy: ông kể lể từ đầu tới cuối!

Khi nhà làm phim trở thành nhà minh hoạ

Phần đầu tiên trong series, The Wonderful Story of Henry Sugar bắt đầu bằng giọng kể của nhà văn Roald Dahl về chốn làm việc suốt 30 năm qua của mình cùng “nghi thức” trước mỗi lần đặt bút viết, sau đó ông bắt đầu kể chuyện về Henry Sugar, một người thừa kế giàu có với niềm đam mê đánh bạc một ngày nọ tìm thấy một cuốn sách trên giá. Anh ta mở sách ra, và người kể chuyện thay đổi, lần này là một vị bác sĩ phẫu thuật kể lại một sự vụ kỳ lạ anh ta từng gặp về một người đàn ông có thể nhìn với đôi mắt nhắm.

Cấu trúc truyện lồng truyện tiếp tục đi sâu thêm một nấc nữa, khi người đàn ông với năng lực bí hiểm này lại tiếp tục kể câu chuyện của mình. Trong văn chương, người ta gọi đó là kỹ thuật “chiếc hộp Trung Hoa” - mở chiếc hộp này ra lại thấy chiếc hộp khác nhỏ hơn ở bên trong - một kỹ thuật đã được áp dụng từ thời Nghìn lẻ một đêm.

Lần đầu tiên đến với Netflix, Wes Anderson đã mang tới một tác phẩm chuyển thể không thể nào kỳ dị hơn - Wes Anderson gần như giữ nguyên từng câu trong truyện ngắn gốc của Roald Dahl, đến từng dấu chấm phẩy, dấu ngoặc kép, đến cả những lời dẫn như “tôi nói rằng,” “anh ấy nói rằng.”

Các nhân vật kể truyện của ông cũng chẳng hề che giấu họ đang kể và minh hoạ lại câu chuyện. Ngay cả bối cảnh phim đôi khi cũng gợi nhắc đến những tập truyện tranh pop-up của trẻ em, chứ chẳng phải Wes Anderson đang làm mọi cách điện ảnh hoá nó.

“Minh hoạ”- đó có lẽ là từ mà một nhà làm phim luôn cố gắng tránh nhất, nhưng Anderson chẳng ngại minh hoạ. Chẳng hạn một chi tiết nhỏ trong The Wonderful Story of Henry Sugar, khi nhân vật nhà yogi Ấn Độ định ném viên đá vào một kẻ phá bĩnh mình thiền định, thay vì ném thật, nhà yogi chỉ giơ viên đá lên trong tiếng kể chuyện: "Bỗng nhiên, ông nhặt một viên gạch lên và ném vào tôi thật mạnh, nó vỡ làm hai khi đập vào dưới gối tôi."

Hay ở phần ba của series này, The Rat Catcher, Wes Anderson thậm chí chẳng ngại lấy một con chuột mô hình làm đạo cụ theo đúng nghĩa minh hoạ như trên sân khấu kịch. Thậm chí có đoạn ông để nhân vật của mình cầm một con chuột… tưởng tượng trên tay, hệt như khi ta ngồi kể chuyện chém gió chứ không phải đang làm một bộ phim.

Tại sao ông lại làm thế, trong khi có đủ nguồn lực để làm nên một con chuột sống động… như phim? Câu trả lời có lẽ chỉ là: Wes Anderson đang ở giai đoạn đỉnh cao nhất của một người nghệ sĩ, ông tự tin, và tự tin đến mức sẵn sàng thách thức bất cứ nguyên lý bất di bất dịch nào.

Bộ bốn phim ngắn cho Netflix không phải lần đầu tiên Anderson chuyển thể truyện thiếu nhi của Roald Dahl. 14 năm trước, Anderson đã làm Fantastic Mr. Fox, một tác phẩm stop-motion về một con cáo hoàn lương nay lại ngứa nghề ăn trộm.

alt
Nguồn: Fantasic Mr.Fox

Fantastic Mr. Fox mang cấu trúc hành trình người hùng vô cùng sáng rõ: con cáo trung niên theo tiếng gọi bản năng hoang dã, rời khỏi tổ ấm của mình, xông vào nhà của những tay chủ trang trại đáng ghét để ăn cắp gà và rượu, khiến chúng nổi giận và truy sát cả khu rừng, rồi con cáo từ tội đồ dần vượt ngưỡng trở thành người thống lĩnh “quần hùng” chống lại sự tàn nhẫn của con người.

Nhưng bộ bốn phim ngắn mới nhất thì không sáng rõ như thế, kết phim rồi có khi khán giả vẫn ngẩn ngơ chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Bài học đạo đức của Wes Anderson

Có tồn tại bài học đạo đức nào trong The Poison, câu chuyện kể về người đàn ông nằm im thin thít trên giường với con rắn độc ngủ trên bụng, để rồi khi anh được một bác sĩ da màu giải cứu thì bỗng nhiên con rắn… biến đâu mất? Còn The Swan thì sao - câu chuyện về một cậu bé bị những người bạn bắt nạt, bắt đeo đôi cánh thiên ngà và nhảy xuống từ trên cây cao - câu chuyện này răn dạy ta điều gì?

Thậm chí là câu chuyện của Henry Sugar, người đã luyện tập thuật nhắm mắt để nhìn, giúp anh ăn gian và chiến thắng mọi cuộc cá độ, cuối cùng anh dùng số tiền khổng lồ ấy đi làm từ thiện - câu chuyện này mang ý nghĩa gì?

Tất nhiên, ta có thể suy diễn về rất nhiều chủ đề: trong The Poison là sự lợi dụng trong khi ngấm ngầm khinh thường những người da màu; trong The Swan là bạo lực, cái đẹp và cái ác; trong Henry Sugar là lòng tham, sự hào phóng, sự vị kỷ - vị tha, sự cứu rỗi của tôn giáo; trong The Rat Catcher là sự suy vi, sự “chuột” hoá nhân tính.

Dẫu vậy, dường như khán giả cũng chẳng cần phải nhận ra những ngụ ngôn mới có thể thưởng thức các tác phẩm này. Chúng nhẹ nhàng, dí dỏm, hình ảnh thiết kế quá đẹp, màu sắc quá rạng rỡ, đôi khi bạn có cảm giác hơi “lãng xẹt” một tí, nhưng lại có Ralph Fiennes và có Benedict Cumberbatch, bạn còn muốn gì hơn?

Trong Asteroid City, tác phẩm điện ảnh ra mắt hồi mùa hè năm nay của Wes Anderson, một tác phẩm cũng với cấu trúc kịch lồng trong kịch, có cảnh anh chàng diễn viên hỏi han vị biên kịch về ý nghĩa của một chi tiết trong kịch bản:

“Vì sao Augie làm bỏng tay trên vỉ nướng Quicky-Griddle thế?”

Và đây là câu trả lời của nhà biên kịch:

“Thành thật mà nói, bản thân tôi cũng chẳng biết. Tôi không dự tính vậy. Ông ta bị vậy do lỗi tôi đánh máy lúc ấy đấy.”

Câu thoại ấy có lẽ là chìa khóa quan trọng để hiểu được triết lý sáng tạo của Wes Anderson. Mặc dù là một nhà làm phim ám ảnh với những thiết kế tỉ mỉ, nhưng với ông, sáng tạo không phải lúc nào cũng nằm trong sự quy hoạch và tính toán quá chi li, sáng tạo đôi khi nằm ở những phút giây bốc đồng, những sự nhầm lẫn, những sự vô tình, những tai nạn.

alt
Nguồn: Asteroid City

Khán giả có thể sẽ phải thất vọng nếu hỏi một nhà sáng tạo chi tiết này có nghĩa là gì, chi tiết kia có nghĩa là chi. Và chỉ khi hiểu được niềm vui ngẫu hứng của sáng tạo, người ta mới dễ “thấm” được Wes Anderson hơn.

Hãy nhìn cả những minh tinh xuất hiện trong các bộ phim của ông. Benedict Cumberbatch thoát khỏi những nhân vật suy tư để vào vai một người đàn ông nằm im không động đậy trên giường. Ralph Fiennes thoát khỏi những vai kẻ ác vĩ đại hay quý ông hào hoa để làm một tay diệt chuột hôi thối bẩn thỉu.

Margot Robbie chịu xuất hiện lướt qua màn hình với một phút đọc thoại như máy trong Asteroid City. Scarlett Johansson sẵn sàng khoả thân trong một cảnh phim có phần hài hước mà thực chất nếu không khoả thân cũng không ảnh hưởng gì, cô cũng có một cảnh đóng vai xác chết thật giả trân khiến ta bật cười.

Hình như các siêu sao này đang có những vai diễn nhẹ nhõm nhất đời mình, và tận hưởng niềm vui diễn xuất theo cách thuần khiết nhất.

Sức mạnh của những câu chuyện

Bộ tác phẩm ngắn cho Netflix không phải lần đầu Wes Anderson sử dụng thủ pháp nhân vật dẫn truyện. Trước đó, ông đã từng dùng thủ pháp tương tự với The Grand Budapest Hotel, một trong những tác phẩm đã đạt tới tầm biểu tượng của Anderson, dù trong bộ phim này, nhân vật dẫn truyện của ông bớt kể lộ liễu hơn.

The Grand Budapest Hotel đã bắt đầu bằng cảnh một người phụ nữ tới đài tưởng niệm một nhà văn, nơi cô bắt đầu lần giở cuốn sách ông viết, trong đó ông kể về một câu chuyện kỳ lạ mà ông đã từng được nghe kể lại.

Câu chuyện về một thế giới tráng lệ và tao nhã bị chiến tranh, lòng tham, sự quỷ quyệt và bạo tàn của con người thử thách và rồi xô ngã khiến nhà văn phải ghi lại bằng ngòi bút của ông, đến lượt mình, người độc giả say mê thưởng thức nó.

Cái khách sạn nguy nga đã dần trở thành phế tích và rồi biến mất ấy không bao giờ biến mất hoàn toàn. Nó vẫn còn ở đó, trong trang sách của nhà văn, trong tâm trí của người đọc. Không có gì bất tử cả, nhưng nhờ được kể lại, vẫn có những thứ sẽ sống mãi.

alt
Nguồn: Netflix

Nếu như ta vẫn cần tìm kiếm một ý nghĩa cho The Wonderful Story of Henry Sugar, hãy để ý rằng nhân vật người thừa kế Henry Sugar nhờ đọc một câu chuyện có vẻ hết sức hư cấu mà được “cải đạo.”

Từ một kẻ phá gia chi tử, anh ta bắt đầu quan tâm tới con người. Từ kẻ ích kỷ, anh ta bắt đầu nghĩ đến tha nhân. Từ kẻ mù quáng, mở mắt mà không thấy ý nghĩa cuộc đời, anh ta có thể nhắm mắt mà vẫn nhìn rõ thế gian.

Truyện kể có thể gián tiếp cải hóa con người, một khi con người dám tin vào truyện kể. Đến đây, ta có thể thấy điểm chung thứ hai giữa Henry SugarNghìn lẻ một đêm - câu chuyện về nàng Scheherazade đánh cược mạng sống của mình vào khả năng kể chuyện, bởi tin rằng sức hấp dẫn của một câu chuyện hay có thể lay chuyển cả tấc lòng sắt đá nhất.

Đây có lẽ là điều quan trọng nhất với Wes Anderson chăng? Kể chuyện, luôn luôn kể chuyện, và tin vào sức mạnh của câu chuyện mình kể ra.