3 Lợi ích của việc phát triển chậm | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 01, 2025

3 Lợi ích của việc phát triển chậm

Đôi khi chậm rãi cũng có thể giúp bạn phát triển nhanh.
3 Lợi ích của việc phát triển chậm

Nguồn: Maksim Goncharenok/Pexels

Mọi người ai cũng muốn tiến bộ thật nhanh, làm việc gì cũng phải thấy kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, là một người từng trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhanh trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp, càng ngày mình càng nhận thấy và trân trọng hơn những lợi ích đến từ giai đoạn phát triển chậm (slow growth).

Bài viết này sẽ đi sâu phân tích các khía cạnh tích cực của việc phát triển chậm đó từ trải nghiệm rất riêng của mình.

“Chậm mà chắc”

Một lợi ích không thể chối bỏ của việc phát triển chậm đó là bạn có thời gian và điều kiện để chuẩn bị cho bản thân tốt hơn, để khi cơ hội đến thì có thể đón lấy và tận dụng nó một cách triệt để nhất.

Cách đây 6 năm, khi mình mới mở The Present Writer, blog phát triển rất chậm, tức là lượng người đọc rất ít. Thường chỉ người thân của mình hay những bạn biết mình qua vài bài đăng trên Facebook cá nhân vào đọc.

Vậy nên trong khoảng một hai tháng đầu ấy mình cảm thấy khá thoải mái, cứ viết những gì mình thích, rồi từ từ tìm hiểu những đề tài nào mình quan tâm. Đôi khi mình cũng sốt ruột khi lượt tương tác của The Present Writer không cao so với những blog khác, nhưng mình biết sự phát triển nào cũng cần thời gian.

Thế rồi một ngày đẹp trời, mình quyết định viết một bài về chủ nghĩa tối giản, vì ở thời điểm đó mình tìm trên mạng thì chưa thấy nguồn nào bằng tiếng Việt viết về nó chỉn chu và đầy đủ. Trong khi đó mình đã tìm hiểu và áp dụng áp dụng lối sống này được hơn một năm rồi.

Bài viết ấy nhanh chóng được hoàn thành và đăng trên blog vào buổi tối theo giờ Mỹ, tức là buổi sáng theo giờ Việt Nam. Và trái với sự bình thản của mình vào buổi tối hôm ấy, sáng hôm sau mình tỉnh dậy, mọi thứ như bùng nổ. Lượt thích, lượt theo dõi, lượt chia sẻ trên The Present Writer cứ thế tăng liên tục.

Nhờ bài viết đó mà trang blog mới lập ra được khoảng 2 tháng của mình đã đạt lượng đọc tương đương với nhiều trang thành lập cả năm trước đó.

Thế nhưng sự phát triển nhanh như vậy cũng đi kèm với rất nhiều hệ lụy. Khi bài viết của mình “viral” thì ngay lập tức rất nhiều trang mạng đạo nhái, sao chép nội dung bất hợp pháp. Họ thậm chí cố “xoá dấu vết” bằng cách thay đổi tên tác giả, hay thay hình đại diện là một ai đó khác.

Vì là một người làm khoa học, nên việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với mình như thế thật sự là một nỗi bức xúc. Với mình, nếu muốn đăng lại nội dung, bạn phải hỏi ý kiến tác giả, hoặc ít nhất ghi tên tác giả dưới bài viết đăng lại. Vậy nên chưa kịp hưởng thụ sự sung sướng về tốc độ phát triển của trang blog thì mình lại phải tìm đến những trang tin lấy bài của mình, để yêu cầu chỉnh sửa theo đúng quy định về tác quyền.

Thế nhưng khi mình liên hệ, có những trang tin thậm chí còn “mắng” lại mình, với lý do rằng “tôi đang giúp bạn để trang blog của bạn có nhiều người biết hơn cơ mà”.

Sau đó, mình mới nhìn lại trang blog và cũng nhờ một số người tư vấn thì nhận ra rằng chuyện xảy ra đúng là có một phần lỗi ở mình. Tức là trang của mình khi đó chưa có phần quy định về trích dẫn. Nếu The Present Writer phát triển chậm hơn thì có lẽ mình đã có thể tìm hiểu kỹ hơn về cách vận hành một trang nội dung.

Sau này trong cuộc sống mình cũng thường tự nhủ với bản thân, khi đến một môi trường mới, hoặc học cái gì đó mới mà mình thích ứng vẫn còn chậm thì hãy tận hưởng giai đoạn này. Cứ từ từ học hết mọi thứ để khi cơ hội đến thì mình có thể nắm bắt lấy nó một cách tự tin.

Không phải chịu nhiều áp lực từ quá sớm

Thử tưởng tượng rằng nếu bạn mới bắt đầu một công việc đã ngay lập tức được cho là “xuất sắc”, chuyện gì sẽ xảy ra?

Mình lập kênh YouTube vào tháng 9, năm 2020 nhưng chỉ trong 7 tháng đầu thì kênh đã đạt hơn 100 ngàn lượt đăng ký. Con số này tất nhiên là một thành quả khiêm tốn so với nhiều kênh khác, nhưng với mình đó là điều vượt ngoài mong đợi.

Các video của mình chỉ theo một mô thức đơn giản là ngồi xuống trước máy quay và nói chuyện một mình. Do chưa có kinh nghiệm nhiều nên các video thường rất dài, khoảng 20, 30 phút, khác xa với xu hướng video ngắn bây giờ.

Sau khoảng 4, 5 video đầu tiên thì mình quay câu chuyện về việc từ 0 điểm tiếng Anh mình đã trở thành Tiến sĩ tại Mỹ thế nào. Bất ngờ là video đó đạt hiệu ứng “viral” khiến lượt xem cũng như đăng ký kênh tăng đột biến.

Và một lần nữa, việc phát triển nhanh kéo theo hệ luỵ đến với mình. Nhưng lần này không phải là bị sao chép nội dung, mà là áp lực làm hài lòng khán giả.

Giữa hàng ngàn lời nhận xét tích cực từ nhiều góc độ khác nhau của mọi người là các tin nhắn “Sao chị làm ít video thế? Sao video dài thế? Sao giọng nói của mình không hay?”. Thậm chí có người cho rằng vì mình nghiên cứu không ra gì nên mới phải làm YouTube, không tin là mình có bằng Tiến sĩ tại Mỹ nên không tin vào nội dung mình làm.

Ban đầu mình thấy những bình luận đó thật khó hiểu, vì mình từng chia sẻ khá cụ thể về quá trình học thạc sĩ, tiến sĩ thế nào trên blog rồi.

Nhìn lại mình mới nhận ra rằng, lỗi không hẳn ở khán giả, mà vì kênh YouTube của mình phát triển ở phạm vi rộng hơn blog nhiều lần. Mình bắt đầu viết blog khi đang học năm tiến sĩ năm thứ 2, thứ 3, nên cho đến khi mình nhận được bằng tiến sĩ, các bạn đọc theo dõi hành trình của mình cũng được một thời gian dài và họ tin mình.

Trong khi đó kênh YouTube mới chỉ có 3, 4 video của mình đã tiếp cận đến nhiều tệp khán giả mà họ hoàn toàn không biết mình là ai. Và có lẽ họ cũng chưa gặp trường hợp một phụ nữ trẻ nào đạt thành tựu như mình nên cảm thấy khó tin hơn.

Ngoài áp lực phải “minh chứng”, mình cũng gặp áp lực khi “chuyển hướng” nội dung. Ít nhiều tập video đạt hiệu ứng viral về việc học tiếng Anh đã tạo nên hình ảnh thương hiệu của The Present Writer, nên sau đó một thời gian, cứ mỗi khi mình đăng video về một đề tài khác, không phải học tiếng Anh, thì video có lượt xem rất ít. Trong khi đó, học tiếng Anh chỉ là một trong những đề tài mình quan tâm.

Khi nói chuyện với các YouTuber khác, mình cũng được biết rằng khi bạn đã nổi tiếng ở một chủ đề nào đó thì rất khó để chuyển hướng. Nhưng mình cũng chỉ là “người đến sau” trên YouTube. Mình chia sẻ vì muốn chia sẻ, chứ công việc sáng tạo trên YouTube không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập chính của mình.

Tương tự như vậy, khi đi làm, nếu ngay từ đầu mình đã “giỏi” trong mắt mọi người về một điều gì đó, thì sau đó mình sẽ chỉ thường được giao đảm nhiệm cho các công việc xoay quanh nó. Nếu mình muốn bỏ hình tượng cũ thì phải đi qua một chặng đường khó khăn khác.

Tóm lại, mình nghĩ rằng, khi phát triển chậm, mình được phép tìm hiểu bản thân, tự tìm kiếm những cái trải nghiệm khác nhau mà không bị người khác để ý quá mức, làm ảnh hưởng đến sự phát triển về lâu dài.

Bớt đi sự chủ quan, tính kiêu ngạo

Với mình đây là lợi ích quan trọng nhất của việc phát triển chậm. Nó giúp mình bớt đi sự chủ quan, tính kiêu ngạo để có thể xây dựng tư tưởng, thái độ đúng đối với thành công sau này.

Như mình đã kể với các bạn, khi bắt đầu học tiếng Anh một cách nghiêm túc ở trường đại học, mình rất kém giao tiếp. Đến gần cuối năm nhất, mình mới tìm ra phương pháp hợp lý nhất với mình, nhưng giai đoạn phát triển đó vẫn rất chậm. Nó khiến mình mệt mỏi, lo âu, thậm chí là xấu hổ nữa.

Và chính nhờ trải nghiệm ban đầu đấy, mình mới có thể trân trọng lắng nghe các bạn học viên của mình sau này hơn. Mình kiên nhẫn hơn với hành trình phát triển của từng người.

Nguồn Priscilla Du PreezPexels
Mình phải trải qua nhiều hệ luỵ vì phát triển nhanh để học cách trân trọng những giai đoạn phát triển chậm. | Nguồn: Priscilla Du Preez/Pexels

Thế nhưng thật lòng cũng có giai đoạn mình đã từng chủ quan, kiêu ngạo vì tốc độ phát triển của bản thân, sau khi kỹ năng tiếng Anh đã tốt hơn và mình tìm được nhiều học bổng đi nước ngoài từ năm 19 tuổi. Cả hai câu chuyện dưới đây đều xảy ra trong cùng một tháng.

Đầu tiên là đầu tháng, mình tìm được một học bổng của một tổ chức khá lớn ở Việt Nam. Để giành được học bổng này đầu tiên mình phải vượt qua kỳ thi TOEIC tiếng Anh đầu vào của họ. Lúc này mình đã có bằng IELTS và cũng đã đến ba, bốn quốc gia khác, nên mình rất tự tin về khả năng tiếng Anh của mình, có lẽ là đến mức ảo tưởng.

Mình nghĩ rằng TOEIC đơn giản hơn nhiều nên không cần ôn tập gì hết. Đêm trước khi thi mình còn thức rất khuya, đến tầm hai, ba giờ sáng, tức là mình chỉ có khoảng độ 4, 5 tiếng để ngủ. Và kết quả thì có lẽ bạn cũng đoán được. Sáng hôm sau đến phòng thi, mình đã ngủ giữa bài thi nghe, nên dù đề bài có không khó đi nữa thì mình cũng trượt.

Câu chuyện thứ hai diễn ra vào cuối tháng đó. Dù đã nếm trải thất bại ngay trước đó nhưng có lẽ mình chưa “ngấm đòn”. Mình tìm kiếm trên mạng và thấy cơ hội sang Mỹ để học về môi trường. Tổ chức trao học bổng sẽ tuyển chọn ra khoảng 4, 5 bạn học sinh phù hợp. Sau khi qua vòng nộp đề án, mình đến vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh.

Ở thời điểm đó, mình đã từng sang Mỹ nên cảm thấy rằng mình sẽ có sự kết nối với người phỏng vấn mình tốt hơn. Mình cũng tự tin sẽ có thể hòa nhập được với môi trường học tập, làm việc tại Mỹ để thực hiện tốt dự án.

Mình thậm chí còn ngồi khoe với các thí sinh khác về sự “vượt trội” của mình. Nhưng vào phỏng vấn rồi mới thấy, mình có tiếng Anh tốt, có kiến thức văn hoá tốt nhưng không phải là ứng viên phù hợp vì kiến thức về môi trường rất mỏng.

Chỉ hơn chục ngày trước, các bạn thí sinh trước trầm trồ về chuyện mình sang Mỹ, thì chục ngày sau, mình ghen tị với các bạn được báo đỗ đợt trao học bổng đó.

Bây giờ nhìn lại mình nghĩ, đấy là kết quả tất yếu. Sự phát triển quá nhanh sau khi có đà tiếng Anh đã khiến mình quên mất mình thật sự ở đâu và nơi dành cho mình là chốn nào.

Kết

Cuộc sống của ai cũng có nốt thăng, nốt trầm, ngay cả người đạt được thành tựu to lớn hay phát triển nhanh. Sau một thời gian “tăng tốc”, bạn cũng phải dừng lại để khởi động cuộc chơi mới, hay ít nhất là đi chậm lại để dưỡng sức mà tăng tốc cho đợt sau.

Nếu bạn không chủ động chọn đi chậm thì cũng đừng lo, cứ chậm rãi tận hưởng giai đoạn mình không bị đặt lên đường đua, ganh đua với ai, ngay cả với chính mình.

Đó là giai đoạn để bạn sạc pin nghỉ ngơi, nhìn lại bản thân mình, học hỏi bản thân, để mình trở lại đúng với con người của mình hơn. Khi có cái cơ hội nào lớn hơn đến thì mình có thể nắm lấy nó và mình tận dụng nó một cách triệt để nhất.