Các tín đồ làm đẹp ngày càng khắt khe trong việc tìm kiếm những sản phẩm để đưa vào chu trình chăm sóc nhan sắc. Điều này đòi hỏi các công ty mỹ phẩm cần có những đổi mới và sáng tạo liên tục, để không bị bỏ lại trong một thị trường khắc nghiệt. Vì lẽ đó, R&D (nghiên cứu & phát triển) trở thành bộ phận nắm giữ linh hồn của một sản phẩm trước khi nó chính thức được ra mắt.
So với các nước trong khu vực và thế giới, ngành R&D mỹ phẩm tại Việt Nam vẫn còn non trẻ. Điều đáng nói, Việt Nam được đánh giá là nơi có thổ nhưỡng phù hợp để trồng được các loại cây dược liệu quý, với chất lượng vượt trội không thua gì các nước khác. Vì sao đứng trên “mỏ vàng” nhưng ngành R&D mỹ phẩm Việt Nam vẫn tụt hậu so với thế giới?
Câu hỏi trên là điều mà Duy Khánh và Phương Anh, hai nhà sáng lập của thương hiệu Skinlosophy, đang tìm lời giải đáp. Cuộc trò chuyện Vietcetera thực hiện cùng hai chuyên gia sẽ mở ra những điều mới mẻ về ngành R&D và cách để mỹ phẩm Việt được nhìn nhận với đúng giá trị.
1. Nhận ra lối mòn trước khi bắt đầu
R&D (Research & Development) là công việc liên quan đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Người làm công việc này sẽ tìm tòi những nguyên liệu mới và các cách kết hợp đột phá nhằm cải tiến sản phẩm.
R&D chính là bước khởi đầu cho tất cả những thứ hay ho mà chúng ta thấy trên thị trường. R&D được xem là “xương sống” của các công ty mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... Trong khi đó, các công ty mỹ phẩm Việt vẫn đang bỏ ngỏ về sự chuyên nghiệp, đổi mới trong quy trình này.
Lý giải cho điều này, Duy Khánh nhận định R&D tại Việt Nam đa phần tập trung cho ngành dược. Trong khi đó, R&D mỹ phẩm đang rất thiếu nhân lực có tư duy làm sản phẩm đột phá. Chưa kể đến việc R&D trong nước đang đi theo lối mòn khi tạo ra các sản phẩm đơn giản về công thức, công dụng.
Lấy dẫn chứng trong việc mang yếu tố Đông y vào sản phẩm, Duy Khánh cho biết hiện nay thị trường không thiếu sản phẩm làm đẹp từ Đông y. Tuy nhiên, do nghiên cứu chưa sâu, nên chưa khai thác hết các tiềm năng của dưỡng chất quý giá từ nguồn nguyên liệu.
Một lối mòn khác là thiếu sự tinh tế trong bao bì và cách tạo ra cảm xúc cho một sản phẩm. Tại sao cũng chỉ là kiểu dáng chai nhưng các hãng nước ngoài lại liên tục thay đổi? Sản phẩm trong nước lại chỉ là một vỏ mỹ phẩm thô sơ, có khi rất nhiều năm không hề cải tiến mà vẫn cho hàng đều đều ra thị trường.
2. Đánh thức tiềm năng qua Cosmetology
Co-founder Phương Anh cho biết trước khi thai nghén Skinlosophy, cô đã dành rất nhiều thời gian để trau dồi kiến thức ở một lĩnh vực còn rất mới mẻ tại Việt Nam, là Cosmetology (Mỹ dung học). Đây là ngành nghiên cứu về cái đẹp, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất mỹ phẩm.
Điều khác biệt mà Cosmetology mang lại cho người học chính là một công cụ mạnh mẽ để khai thác những nguồn nguyên liệu sẵn có, theo một cách thức hoàn toàn mới.
Phương Anh đặc biệt tin rằng, thổ nhưỡng tại Việt Nam giúp cây thuốc quý cho ra hoạt chất có nồng độ cao hơn so với các nước. Chiết xuất Thông đỏ và chiết xuất Nấm linh chi của Việt Nam có chất lượng tốt hơn cả Hàn Quốc - đó là một bất ngờ trong quá trình nghiên cứu.
Đồng thời, việc đào sâu R&D bằng công nghệ mới còn là hành trình tìm lại công bằng cho các bài thuốc quý. Từ trước đến nay, không ít người nhân danh Đông y, tự chế các bài thuốc đẹp da kém chất lượng khiến cho Đông y bị mất uy tín với người tiêu dùng.
Cùng lúc, Phương Anh dành nhiều thời gian để thu nhặt các bài thuốc cung đình thất truyền. Tuy nhiên, cô cho biết nếu thiếu đi kiến thức của Tây y và khoa học hiện đại thì những tư liệu cổ cũng khó phát huy hết tiềm năng. Vì vậy, có thể xem Cosmetology như một cây đũa thần đánh thức những phương pháp làm đẹp tuyệt vời của ngày xưa.
3. Đừng giam mình trong phòng thí nghiệm!
Duy Khánh và Phương Anh cho rằng họ là những “con nghiện” mỹ phẩm chính hiệu. Tại văn phòng Skinlosophy, khu vực R&D chẳng khác nào một showroom mỹ phẩm với những thương hiệu cao cấp nhất. Khánh bảo công ty dành riêng ngân sách chỉ để mua mỹ phẩm về sử dụng. Anh cho rằng nếu không biết thế giới đang có gì nghĩa là sẽ tạo ra những sản phẩm tụt hậu.
Với hai nhà sáng tạo mỹ phẩm này, R&D chưa bao giờ chỉ xoay quanh thí nghiệm, bình chứa, kính hiển vi. Việc giới hạn tầm nhìn sẽ rất khó để người R&D lắng nghe được tiếng lòng của khách hàng. Người nghiên cứu cần sống và hòa nhịp với những tư duy thẩm mỹ mới, những nhu cầu mới. R&D đâu chỉ “chơi” với dụng cụ mà còn là đi sâu vào nghiên cứu cảm giác của người dùng về chất liệu, mùi hương,...
Người làm R&D cũng đừng tự giới hạn mình mà hãy biết mộng mơ. Duy Khánh kể khi bắt đầu Skinlosophy, lúc đó trong tay anh chẳng có gì ngoài câu hỏi vì sao Việt Nam không thể có một Sulwhasoo, Whoo như người Hàn cơ chứ?
Tại sao mình không thể cầm trên tay một sản phẩm made-in Việt Nam sang xịn, lóng lánh cơ chứ. Chính giấc mộng đó giúp Khánh không ngừng tìm hiểu để có thể mang những sản phẩm tiệm cận chất lượng thế giới đến người dùng Việt.
4. Đừng thỏa hiệp trong việc nghiên cứu
Người làm R&D ngoài áp lực tìm tòi còn bị “trói chân” về tài chính do người tiêu dùng tại Việt Nam thường muốn mua các sản phẩm nội địa với giá thật rẻ. Tâm lý này xuất phát từ việc niềm tin vào sản phẩm ngoại cao hơn. Hoặc, nó xuất phát từ việc R&D mỹ phẩm Việt đã thỏa hiệp với thị trường quá lâu.
Duy Khánh cho biết, một vài công ty đã chiều theo mong muốn của thị trường là muốn sản phẩm giá rẻ mà nghiên cứu không hết mình. Chẳng hạn, đáng lý ra phải dùng tạo chất bọt tự nhiên thì lại dùng tạo bọt nhân tạo.
Thực tế, Việt Nam hiện nay đã có thể sản xuất các thành phẩm tinh và thô như Nano Curcumin, Polyphenon với chất lượng rất cao đi các nước. Hóa ra không phải chúng ta thiếu nguyên liệu, mà vấn đề nằm ở việc chúng ta chưa tận dụng nguồn nguyên liệu đó để tạo ra các sản phẩm chất lượng tiệm cận thế giới.
5. Sự bền vững không chỉ có bao bì
Ở Skinlosophy, sự bền vững là chú trọng đến việc nuôi dưỡng ngược lại cho thiên nhiên, nghĩa là thúc đẩy và làm cầu nối với người sản xuất nông sản tại Việt Nam. Việc này giúp người nông dân an tâm sản xuất đồng thời Skinlosophy có thể tiếp cận đến những nguồn nguyên liệu chất lượng ngay trong nước.
Skinlosophy hiện ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu hạt cacao, để các sản phẩm đạt chất lượng cao và bán được giá tốt trên thị trường. Từ đó, người nông dân đã chủ động tìm đến Skinlosophy để chào hàng vì biết có thể khai thác sản phẩm theo cách tối ưu hơn.
Việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào R&D chính là cách để khai thác các giá trị và tiềm năng to lớn ẩn giấu trong thiên nhiên.
Ngành R&D ngày nay khó hơn trước, bởi chúng ta cần có sự cẩn trọng và một tầm nhìn đúng đắn với các nguồn nguyên liệu thiên nhiên. Không chỉ là khai thác nguyên liệu, mà còn phải xem xét quy trình nghiên cứu để thiên nhiên tiếp tục phát triển.
6. R&D không "cô đơn"
Có người từng hỏi Duy Khánh về việc Skinlosophy có thể trở thành thương hiệu mỹ phẩm quốc dân hay không? Khi ấy Khánh trả lời là việc này không cần thiết.
Với Khánh và Phương Anh, điều mong mỏi lớn nhất là ngành R&D tại Việt Nam có thể cùng phát triển để hỗ trợ nhau. Mỹ phẩm Pháp, Nhật, Hàn nổi tiếng toàn cầu vì có nhiều công ty mang các sản phẩm đột phát ra thị trường. Skinlosophy dù trở thành mỹ phẩm quốc dân thì phạm vi nổi tiếng cũng vẫn nhỏ bé, chưa xứng tầm với những gì mà ngành làm đẹp Việt Nam đang nắm giữ.
Duy Khánh cho biết, anh muốn niềm tự hào về mỹ phẩm Việt sẽ không là một thương hiệu riêng lẻ nào cả. Mà đó là tự hào dành cho cả một nền mỹ phẩm nội địa tại Việt Nam. Những bước đi mà Duy Khánh và Phương Anh đang làm hi vọng có thể đánh thức những người làm R&D khác, kết nối nhiều công trình nghiên cứu để cùng mộng mơ, để lập nên một cộng đồng R&D tại Việt Nam thật lớn mạnh.
Mỗi làn da đều có triết lý của riêng mình, và Skinlosophy sẽ làm nhiệm vụ truyền tải điều đó đến bạn:
Website: http://skinlosophy.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/skinlosophy.vn
Showroom: Tầng 2, khu tổ hợp Complex 1 - 31/167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội