Cãi nhau thế nào để không "đường ai nấy đi"? | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 06, 2020
Thương

Cãi nhau thế nào để không "đường ai nấy đi"?

Chẳng ai muốn cãi nhau nhưng không phải ai cũng biết cách ứng xử khi mâu thuẫn xảy đến. Vậy nên làm thế nào khi tranh cãi với nửa kia?
Cãi nhau thế nào để không "đường ai nấy đi"?

Nguồn: Unsplash

Bất đồng quan điểm là điều không thể tránh trong các mối quan hệ. Chẳng ai muốn cãi nhau nhưng không phải ai cũng biết cách ứng xử khi mâu thuẫn xảy đến, đặc biệt là trong lúc nóng giận. Vậy nên làm thế nào khi tranh cãi với nửa kia?

Chuyên gia tư vấn tình cảm Lesli Doares đã chia sẻ về khái niệm “cãi nhau hiệu quả” đó là khi mà :“mỗi cá nhân luôn bám sát vào chủ đề, giữ bình tĩnh, không lên giọng, xúc phạm và lắng nghe quan điểm của nhau".

Để duy trì một mối quan hệ lâu dài, khả năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn là kỹ năng cần thiết mặc dù không dễ đạt được trong ngắn hạn. Sau đây là 9 cách để bạn có một cuộc “cãi nhau hiệu quả”.

1. Nếu bạn cảm thấy mình không thể giữ bình tĩnh, hãy tạm đình chiến

Nguyên tắc vàng trong bất kỳ cuộc tranh luận nào là tránh la hét, miệt thị và xúc phạm đối phương. Thay vào đó, bạn nên tạm dừng để “hạ hỏa” khi cảm thấy không thể bình tĩnh và tập trung vào chủ đề chính.

Nếu không giữ được bình tĩnh, hãy tạm "đình chiến" để có thời gian sắp xếp lại suy nghĩ và cảm xúc của mình. | Nguồn: Unsplash

Đừng cố nói để xả cơn bực tức, hoặc tệ hơn là nhắc đến những chuyện cũ không liên quan tới vấn đề đang cần được giải quyết. Hãy tạm dừng và quay lại câu chuyện vào một thời điểm khác, sau khi bạn đã có thời gian sắp xếp lại suy nghĩ và cảm xúc của mình. Điều này sẽ giúp bạn tránh “lạc đề” khi tranh cãi hoặc lỡ lời làm tổn thương nửa kia.

2. Tránh buộc tội đối phương

Khi cãi nhau, việc nhanh chóng tấn công nửa kia bằng lời buộc tội sẽ khiến cho họ trở nên phòng thủ hơn. Họ sẽ phản ứng bằng việc đáp trả tiêu cực hoặc ngó lơ bạn mỗi khi thấy dấu hiệu bị buộc tội.

Hãy bắt đầu bằng việc nói về cảm xúc của mình thay vì đề cập tới lỗi lầm của người kia. Ví dụ, bạn có thể nói “anh/em cảm thấy… khi mọi việc diễn ra như vậy” thay vì “tại anh/em mà…”

3. Đặt những câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề

Những tranh cãi để giúp cặp đôi thấu hiểu quan điểm của nhau hơn. Hãy thể hiện bạn quan tâm đến góc nhìn của nửa kia bằng những câu hỏi như “Anh nghĩ/cảm thấy thế nào về việc đó?” “Em vẫn chưa hiểu tại sao anh lại tức giận như vậy, anh có thể giải thích cho em được không?”

4. Thời điểm tranh cãi cũng quan trọng

Không có thời điểm nào tốt để cãi vã nhưng lại có rất rất nhiều ví dụ về thời điểm không thích hợp.

Nếu người ấy đang chuẩn bị ra ngoài hay đang tập trung làm việc, đừng cố “lôi” họ vào cuộc tranh luận vì lúc đó họ sẽ không có tâm trí để giải quyết vấn đề. Nếu điều đó quan trọng, hãy để họ có thời gian chuẩn bị tinh thần trước khi thảo luận cùng bạn.

5. Coi đây là cơ hội để chia sẻ

Đôi khi bạn quá quan tâm vào việc chứng minh quan điểm của mình mà quên lắng nghe ý kiến người ấy. Đây là điều mà ai cũng cần tránh trong mọi cuộc tranh luận.

Coi mâu thuẫn là cơ hội để chia sẻ. | Unsplash

Những bất đồng do khác về biệt tính cách, môi trường nuôi dưỡng và hệ giá trị là việc khá bình thường. Hãy nghĩ rằng đây là cơ hội để chúng ta có thể chia sẻ những khác biệt này với nhau.

6. Đừng cố giành phần thắng

Cãi nhau không phải để tìm ra ai đúng ai sai, vì vậy không nên tập trung vào “thắng thua”. Mục tiêu của mỗi lần tranh cãi là để đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả hai. Để tìm được “điểm cân bằng” này, hai bạn cần cùng lùi lại một chút.

Ví dụ người vợ đề nghị người chồng rửa bát ngay sau khi ăn cơm nhưng anh lại muốn nghỉ ngơi coi tivi rồi mới làm. Nếu cả hai đều muốn giữ ý kiến của mình thì mỗi bữa cơm thật không hề vui vẻ gì. Người vợ có thể để cho chồng nghỉ ngơi miễn sao anh ấy hoàn thành công việc được giao phó. Và người chồng chỉ cần hoàn thành việc rửa chén sau khi anh ta đã coi tivi xong.

7. Hai bạn là một đội, không phải kẻ thù

Một mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng bằng sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi bạn rất tức giận. “Người này không phải kẻ thù, mà là người mình yêu và tôn trọng”. Hãy tự nhắc nhở bản thân điều này khi bạn đang ở giữa cuộc tranh cãi.

8. Tìm một thời điểm tốt để quay lại cuộc tranh luận

Tạm đình chiến không có nghĩa là để những vấn đề không được giải quyết chất đống, dẫn đến sự ức chế lâu dài trong mối quan hệ.

Khi những vấn đề phát sinh trong khoảng thời gian đã ấn định, hãy viết chúng ra và đồng ý quay lại với chúng trong lần tới. Đây là phương pháp giả định rằng mối quan hệ sẽ được tiếp tục. Cách này sẽ tốt hơn là cố giải quyết vấn đề ngay khi mà cả hai còn đang nóng giận.

9. Chấp nhận rằng không phải bất đồng nào cũng có thể giải quyết trong một lần

Hãy học cách chấp nhận rằng đôi khi bạn sẽ phải tạm gác lại cuộc tranh cãi để nhường chỗ cho nhu cầu khác của cả hai (ăn, ngủ, công việc,...). Sau khi nghỉ ngơi đủ cũng như có thêm thời gian suy nghĩ, chúng ta quay lại tranh luận với sự bình tĩnh và đồng cảm hơn với bạn đời.

Kết

Tóm lại, không có một lối tắt nào làm biến mất mọi cuộc tranh cãi trong mối quan hệ. Nhưng nếu bạn và người đó luyện tập thói quen giao tiếp tốt và cố gắng để có nhiều thêm cuộc tranh cãi hiệu quả, những cuộc chiến sẽ càng dần được kiểm soát.

Bài viết này được chuyển ngữ từ bài gốc của tác giả Laken Howard tại Bustle.