“Gia đình thơ ấu của bà giờ đã không còn ai” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 06, 2022
ThươngTan Chảy

“Gia đình thơ ấu của bà giờ đã không còn ai”

Bà mình hay ôn lại kỷ niệm ấu thơ, vì bà sợ rồi một ngày, bà sẽ quên mất quá khứ của chính mình.
“Gia đình thơ ấu của bà giờ đã không còn ai”

Nguồn ảnh: C.

Mình lớn lên với những câu chuyện kể của bà nội. Như ta hay được học ở chương trình phổ thông, hình tượng người bà thường kể cho cháu nghe truyện cổ tích, với những bài học đạo đức thâm sâu được gửi gắm. Văn hoá truyền miệng dồn nén những bài học của quá khứ vào lời răn dạy hàng ngày như vậy đó.

Nhưng bà mình thì không kể truyện cổ tích bao giờ. Tiếng kể chuyện thầm thì, như mình nhớ từ ngày mình còn rất nhỏ tuổi, cho đến nay thi thoảng vẫn được nghe, là về thời thơ ấu của bà. Bà hay nói, bà thường kể đi kể lại những điều như vậy vì bà sợ một ngày mình sẽ quên mất quá khứ của chính mình.

“Gia đình thơ ấu của bà giờ đã không còn ai” - Mình được bố mẹ căn dặn như vậy từ ngày bà trẻ mình, hay em gái của bà nội mình, qua đời. Khi ấy mình chưa thực sự trưởng thành để hiểu nỗi buồn của bà. Lời bà kể về những đấng sinh thành của bà đã qua đời thế nào từ khi bà còn nhỏ tuổi, rồi chuyện anh trai, và hai em gái của bà lần lượt rời bỏ cõi tạm, chỉ trôi qua nhận thức của mình như truyện cổ tích.

Mình từng chưa thể cảm được sức nặng của những mất mát bà trải qua, dù người lớn trong nhà đã dặn nhiều lần - “Các con phải thương bà, không được hỗn. Giờ bà chỉ còn nhìn vào các con làm động lực sống thôi.” Thi thoảng mình vẫn hỗn, như lúc được bà dặn phải ăn nhiều lên, chăm tập thể dục lên để có cơ thể khoẻ mạnh.

Giờ đây khi nghĩ lại câu chuyện này, mình cảm thấy hối hận về những lần mình hỗn với bà. Mình nhìn quanh gia đình, thấy bố mẹ và em gái vẫn đi học, đi làm, nấu nướng, đi dạo phố, thấy bà vẫn xem chương trình thời sự lúc 19h, ôn lại kỷ niệm qua những tin tức có liên quan, và dặn con cháu giữ sức khoẻ. Gia đình “thơ ấu” của mình là tất cả những gì mình có. Họ luôn xuất hiện trong cuộc đời mình, cho mình định nghĩa về một cuộc sống “bình thường,” dù mình đôi lúc quên bẵng mất rằng xung quanh mình có những ai.

Cuộc sống “bình thường” ấy sẽ thay đổi, vì trước và sau vốn vậy, thế giới này vô thường. Mình và em gái sẽ trưởng thành, và rồi một ngày nào đó sẽ tách ra ở riêng. Bố mẹ mình rồi sẽ già, và bà sẽ không ở lại đây mãi mãi với mình được. Nghĩ về điều đó và rùng mình, vì đến một ngưỡng của cuộc đời, điều “bình thường” lúc này mình đang có sẽ biến mất.

Người ta hay nói, ai may mắn thì mới sống được đến già, để thấy thời đại của mình thay đổi ra sao. Nhưng sống lâu cũng đồng nghĩa với việc phải đối diện với mất mát và chấp nhận nó. Mình vẫn chưa biết cách đối diện với thứ quy luật này, nên chỉ dám nhìn vào hiện tại để thấu hiểu những gì mình đang có.

Để nắm chặt bàn tay nhăn nheo của bà và không ngừng biết ơn rằng nếu không nhờ cuộc đời đầy nỗ lực và chịu đựng của bà, thì sẽ không có mình hôm nay.

(Chia sẻ từ bạn C.)