Hẹn gặp Nguyễn Khánh Dương, một trong các tác giả của bộ truyện tranh lịch sử nổi tiếng nhất Việt Nam - Long Thần Tướng, người sáng lập Comicola và đơn vị quan sát phòng vé độc lập boxofficevietnam.com, tôi có nói đùa với anh rằng sau hai thập kỷ anh vẫn làm "con sâu đục khoét tâm hồn".
"Con sâu đục khoét tâm hồn" vốn là một một meme huyền thoại về truyện tranh tại Việt Nam hơn một thập kỷ trước đây. Nó đã nhanh chóng bị lãng quên, còn truyện tranh Việt vẫn âm thầm phát triển, cùng với đó là những sản phẩm sáng tạo đầy ấn tượng. Comicola đã trở thành đơn vị truyện tranh đầu tiên trên thế giới giành được 4 giải thưởng International Manga Award của Bộ Ngoại Giao Nhật Bản, và cả 4 tác phẩm đều đến từ khối óc người Việt.
Có thể nói, Nguyễn Khánh Dương cùng Comicola là một trong những cái tên hàng đầu trên thị trường đã chấn hưng truyện tranh Việt. Gần 2 tiếng trò chuyện, anh đã vẽ nên một bản phác thảo về nền truyện tranh trong nước và cả góc nhìn mới mẻ về ngành sản xuất sản phẩm văn hoá, sáng tạo tại Việt Nam.
Nhiều người làm truyện tranh hơn chúng ta nghĩ
Nguyễn Khánh Dương chia sẻ rằng có 3 mốc thời gian khi nói về truyện tranh Việt: 20 năm trước, 10 năm trước và bây giờ.
20 năm trước (2004), khi công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam, truyện tranh ngoại (đa phần Nhật Bản) không thể tiếp tục phát hành, phải chờ được cấp phép bản quyền. Lúc đó, truyện tranh Việt đã thực sự “bùng lên”; mọi người sống trong sự hân hoan này trong khoảng vài tháng ngắn ngủi, với nhiều tạp chí truyện tranh nội địa ra đời.
Điều này khiến mọi người nhận ra rằng, "hoá ra có nhiều người làm truyện tranh hơn chúng ta nghĩ". Những người làm truyện tranh kiểu “underground” như anh Tuấn, chị Oanh, Phan Kim Thanh,... đã tìm cách liên hệ, trao đổi với nhau.
Thời điểm đó, Khánh Dương và Thành Phong cũng tìm đến gặp một nhóm tác giả được đăng tác phẩm trên tạp chí truyện tranh trẻ tại Hà Nội. Họ chứng kiến một nhóm các hoạ sĩ trẻ ngồi trong căn phòng chật chội, cắm cúi ngồi vẽ nhưng không khí rất hào hứng. Mọi người đều muốn sáng tác, muốn vẽ, muốn kể truyện. Tất nhiên, làm vì niềm vui như thế thì cũng khó để duy trì lâu dài.

Khoảng 2013 - 2014 là đỉnh điểm của mạng xã hội bùng nổ và phát triển tại Việt Nam. Lúc đó, truyện tranh Việt bắt đầu được đăng lên mạng xã hội nhiều hơn, tạo ấn tượng tốt. Đây là nền tảng rất dễ để lan toả truyện tranh, nhất là dạng truyện tranh một khung. Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách đã kêu gọi và tập hợp các hoạ sĩ, tác giả như Lê Bích, Mèo Mốc, Phan Kim Thanh, Thành Phong… rất được ưa chuộng vào thời điểm đó.
Bây giờ truyện tranh cũng đang có những phát triển nhất định. Riêng với Comicola, ngoài Long Thần Tướng thì các đầu truyện như Bad Luck (Châu Chặt Chém), Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm (Vuy), Truyện ma sau 6h (Lê Vũ Kiến Duy) hay Điệu Nhảy Của Vũ Trụ (Nachi) được nhiều độc giả yêu thích. Bên cạnh đó, các sản phẩm sáng tạo đi kèm trong cùng hệ sinh thái từ truyện tranh cũng thu về sự đón nhận nồng nhiệt.
Muốn làm truyện tranh, hãy có một câu chuyện để kể
Theo anh Nguyễn Khánh Dương, truyện tranh không phải dành cho người đam mê vẽ, mà là người đam mê kể chuyện và biết vẽ. Nhà văn kể câu chuyện bằng chữ. Người có năng lực quay phim kể câu chuyện bằng khuôn hình điện ảnh. Những người có năng lực vẽ sẽ kể câu chuyện bằng truyện tranh.
Vì thế, điều quan trọng là phải biết chính xác mình muốn làm gì. Với những người thích vẽ hơn kể chuyện, họ có thể trở thành hoạ sĩ minh hoạ, nhà thiết kế để thỏa đam mê. Để làm truyện tranh, yếu tố đầu tiên phải là kể chuyện.
Ở Comicola, có không ít hoạ sĩ ban đầu vẽ không tốt nhưng khả năng kể chuyện của họ lại rất xuất sắc. Những tác phẩm đầu tay, họ có thể vụng về trong phong cách vẽ nhưng lại kể câu chuyện được khán giả yêu thích. Và rồi chính sự ủng hộ của độc giả đã tạo cơ hội để họ rèn luyện được kỹ thuật vẽ.
Vậy nên, một câu chuyện hay ảnh hưởng đến 70% sự thành công của một tác phẩm truyện tranh. Còn vẽ là yếu tố có thể học và rèn luyện thêm được. Ngoài ra, cũng sẽ luôn có những bạn phụ tá có năng lực tỉa tót, giúp hoàn thiện bức vẽ cho tác phẩm.
Đừng mải vẽ, hãy chăm tương tác với công chúng độc giả!
Nguyễn Khánh Dương khá tự tin khi truyện tranh cũng như các sản phẩm của Comicola làm ra đều bán khá chạy. Một phần nhờ Comicola không bán hàng qua đại lý nên nắm được chân dung khách hàng, khán giả khá rõ. Các tác phẩm truyện tranh dài kỳ, có yếu tố lịch sử, truyền thống dân tộc đang được yêu thích.
Thêm nữa, đối tượng độc giả truyện tranh Việt Nam chủ yếu đang là nữ giới. Vì thế, các tác phẩm hướng đến nữ giới vẫn đang dễ bán hơn. Có những ngoại lệ như Long Thần Tướng hướng đến nam giới nhiều hơn, nhưng mặt bằng chung khi so sánh về lượng bán của comicola thì các tác phẩm hướng về tình yêu đôi lứa, tuổi trưởng thành, tập khán giả nữ vẫn dễ bán hơn.
Đối với những sản phẩm gợi lên sự bất an, Comicola sẽ chuyển hướng crowdfunding (gây quỹ cộng đồng) từ đầu. Đây cũng là cách đo lường độ thành công của sản phẩm. Nếu không có khán giả ủng hộ, dự án có thể bị “đánh sập” ngay lập tức.
Bởi với thời thế hiện tại, các tác giả không thể chỉ ngồi một chỗ để sáng tác được nữa mà cần đưa tác phẩm của mình lên cộng đồng. Mạng xã hội là một kênh rất tốt để lan toả tác phẩm của mình, tạo ấn tượng và xây dựng một cộng đồng độc giả vững mạnh.
Vì thế, anh Dương vẫn luôn trao đổi với các bạn tác giả bên cạnh thời gian sáng tác hãy dành cả thời gian tương tác với độc giả, trò chuyện, tạo những tác phẩm vui để kết nối với mọi người. Chính cộng đồng có vẻ khép kín đó lại chính là những người sẽ bỏ tiền ra mua tác phẩm đầu tiên.

Cuốn truyện tranh chỉ là một vật phẩm, hãy tạo ra cả IP xuất sắc
Nguyễn Khánh Dương nhận định rằng, câu chuyện là IP (Intellectual Property) còn quyển sách giấy (truyện tranh) chỉ là một sản phẩm merchandise. Và các món đồ chơi, phim ảnh, game... cùng nhiều sản phẩm đi kèm khác cũng là “merchandise” quan trọng của IP gốc.
Tại Hàn Quốc, các studio webtoon (xưởng truyện tranh phát hành trên nền tảng trực tuyến) đều ít khi nhận các dự án truyện tranh gốc. Họ thường bắt đầu từ các web novel (tiểu thuyết mạng) thành công để chuyển thể thành webtoon. Từ đó, họ tiếp tục phát triển và sản xuất các series phim truyền hình, điện ảnh. Họ cũng có thể sản xuất các trò chơi điện tử từ câu chuyện ban đầu, tạo ra một dây chuyền và hệ sinh thái vừa đa dạng vừa phong phú.
Ở Việt Nam, đó còn là một quy trình mới mẻ và không có nhiều đơn vị làm. Lần ra mắt Long Thần Tướng cách đây hơn 10 năm, Comicola muốn sản xuất nhiều phiên bản, có những gói cao cấp, ngoài cuốn truyện còn kèm thêm nhiều merchandise khác. Nhóm tác giả đã phải tự đi tìm các xưởng đúc thạch cao, đúc nhựa, bàn bạc rất kỹ càng để làm nên được các tác phẩm như mong muốn.
Một nền tảng web novel tại Việt Nam cũng còn thiếu. Trong năm nay, Comicola đang kết hợp với đối tác để triển khai được nền tảng này, lấp đầy hệ sinh thái về xưởng truyện tranh mà họ mong muốn và làm ra nhiều sản phẩm để tác giả có thể thực sự sống nhờ vào tác phẩm của mình.
Phong cách truyện tranh Việt chưa có cũng chẳng sao, hãy cứ vẽ
Đa số các hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam đều có nhiều ảnh hưởng nhất định từ manga Nhật Bản bởi những tác phẩm đầu tiên họ thưởng thức là Doraemon, Dragon Balls,... Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan cũng không phải ngoại lệ.
Nhưng phần nào nhờ sự quan tâm đến từ cơ chế của nhà nước trong việc hỗ trợ các tác giả trẻ, nên số lượng hoạ sĩ nội địa trong các nước kể trên dần tăng lên. Và từ đó, một số tác giả có phong cách riêng cũng dần nổi lên.
Vậy làm thế nào để tạo được phong cách truyện tranh Việt Nam? Câu hỏi này đã được đặt ra từ 10, 20 năm trước. Để làm được chuyện đó phải có đủ số lượng tác giả làm truyện tranh đã. Các giả truyện tranh chuyên nghiệp sống ở Việt Nam hiện tại không thực sự nhiều so với các quốc gia xung quanh.
Bên cạnh đó, so sánh thị trường tiêu thụ truyện tranh nội địa ở Việt Nam với ở Nhật Bản thì chúng ta vẫn còn là “em bé”. Nên chừng nào truyện tranh Việt Nam được ủng hộ, thị trường lớn hơn thì phong cách cũng sẽ được tạo ra. Nhưng chuyện ấy chưa xảy ra, vào thời điểm này, và điều đó không sao cả.
Thất bại thì giấu, công an gọi thì gặp nhưng hãy tiếp tục
Trong hơn 2 thập kỷ “ăn nằm” với truyện tranh, Nguyễn Khánh Dương cũng có vài lần thất bại lẫn “ăn chửi”. Đáng nhớ nhất là khi gây quỹ cộng đồng để thực hiện tác phẩm Long Thần Tướng, nhóm tác giả đã nhận nhiều bình luận tiêu cực, thậm chí là lăng mạ chửi rủa. Nhiều người ác ý khi cho rằng, “Hoạ sĩ truyện tranh thì chỉ cần bánh mì, nước lọc”, “Truyện tranh thì cần gì số tiền lớn thế?”, “Nghệ sĩ lại đi xin tiền.”

Nhưng vượt lên trên luồng ý kiến đó là sự ủng hộ từ các độc giả truyện tranh trên toàn thế giới dành cho Long Thần Tướng. 2 tháng, 330 triệu đồng là thời gian và tổng số tiền đội ngũ tác giả nhận được. Đó không chỉ là thành công của Long thần tướng mà còn tạo nên "cú hích" cho làng truyện tranh Việt, khi lần đầu tiên có một tác phẩm xuất bản theo hình thức gây quỹ cộng đồng.

Sau khi Long Thần Tướng ra mắt đã nhận giải thưởng quốc tế uy tín, nhiều đơn vị liên hệ để chuyển thể tác phẩm lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, những lời đề nghị nhanh chóng bị huỷ bỏ vì số tiền đầu tư quá lớn nhưng không đảm bảo về mặt doanh thu. Anh đặt câu hỏi ngược lại: “Thế thì phải bao nhiêu tỷ ở Việt Nam mới có thể làm phim lịch sử Long Thần Tướng?” Nhưng đối tác đã không trả lời được.
Quay ngược lại trước khoảng 2016, 2017, doanh thu đều do các đơn vị tự công bố; và các đơn vị truyền thông phải tin vào con số công bố đó. Nhưng anh cảm thấy có gì đó “sai sai” trong các con số này. Vì thế anh quyết định lập website, fanpage và đưa các con số lên. Boxofficevietnam cũng ra đời từ đó.
Anh bị các đơn vị làm phim chửi. Họ cho rằng anh ẩn danh, và làm loạn thị trường phòng vé. Nguyễn Khánh Dương còn ăn chửi dài dài cho đến năm 2019, có một đơn vị gọi cho cơ quan chức năng, gửi đơn khiếu nại anh đưa thông tin giả mạo.
Sau tất cả, boxofficevietnam dù là một dự án cá nhân nhưng ngày càng có thống kê chính xác hơn lên đến 95, 96%. Đây là thành quả của 2,3 năm dài với hàng chục cuộc điện thoại trao đổi. Đến nay, boxofficevietnam trở thành đơn vị quan sát doanh thu phòng vé độc lập tại Việt Nam được báo chí, công chúng theo dõi và sử dụng dữ liệu thường xuyên.
Còn Comicola sau 10 năm thành lập, từ tác phẩm đầu tiên là Long Thần Tướng đã thu hút hơn 100 tác giả truyện tranh cùng hơn 1 triệu người dùng - những người yêu thích các sản phẩm văn hoá giải trí Việt, đóng góp vào hơn 85% thị phần truyện tranh của các tác giả Việt trên thị trường.
Để làm được điều này, đam mê thôi là chưa đủ. Những người lớn của Comicola vẫn giữ cho mình tâm hồn trẻ thơ, không ngừng tò mò, đặt câu hỏi và khám phá để tiếp tục "ăn ở" với truyện tranh.