Giận | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 07, 2021
Chất Lượng Sống

Giận

Tất cả chúng ta, từ bé đến lớn, chắc chắn ai cũng đã từng trải qua cảm giác “giận", giận của con nít 

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Lúc còn nhỏ, chúng ta giận ba mẹ vì không cho ăn gà rán KFC, thay vào đó lại phải ăn rau xanh. Chúng ta cũng giận, khi thích quá nhiều món trong siêu thị nhưng mẹ chỉ cho chọn mua một - thế là đành ngậm ngùi tạm biệt các em đồ chơi và hẹn lần sau sẽ đến rước các em về. Chúng ta giận đứa bạn cùng bàn, vì nó dám đặt tay lấn sang địa phận của mình. 

Ngày bé, chúng ta giận “cả thế giới" vì những lí do vô cùng đơn giản và ngây thơ. Trẻ con không biết nói dối. Vậy nên mỗi khi giận chúng lại chẳng hề giấu đi cảm xúc ấy mà thể hiện ra mặt - bằng những câu mè nheo, bằng những trận mưa nước mắt, và những cái nhìn “hờn dỗi" hay “xa lánh” khi mọi người ra sức dỗ dành, hay rõ ràng nhất là câu “Con giận ba mẹ luôn!” 

Ấy vậy mà cơn giận của “đám con nít" ấy lại chẳng kéo dài được bao lâu. Chỉ cần lãng đi tầm một đến hai tiếng, chúng sẽ lại líu lo nói chuyện và vui đùa lại như “chưa từng có cuộc chia ly." 

Đám trẻ sẽ rồi lại nhẹ nhàng chạy lại nắm tay bố nó, dùng đôi mắt cún con mà nói “Bố hứa là lần sau sẽ mua cho con tận hai phần gà rán rối nhé!", hay “Mai mốt mẹ lại cho con mua bộ đồ chơi nấu ăn về con nấu cho gia đình búp bê nha." 

Cái giận của trẻ con, xem vậy mà lại dễ dàng trôi qua như vậy đấy. Có lẽ vì ngày xưa mẹ dạy, “để bụng” là bụng sẽ rất to! 

Tuy nhiên, giận ở người lớn thì khác. 

Người lớn đương nhiên sẽ không giận chỉ vì dăm ba cái đùi gà rán, hay vì vài chú gấu bông nhỏ. Nhưng giận ở người lớn lại có phần phức tạp và khó đoán hơn nhiều. 

Càng lớn lên, mỗi người đều có trong mình những luồng quan điểm khác biệt. Phần lớn mọi người thường ưu tiên và bảo vệ quan điểm của mình. Trừ việc phải dùng lý trí và cân nhắc các ý kiến khác nhau nhằm cải thiện chất lượng công việc hằng ngày ra, trong các khía cạnh khác của cuộc sống, chúng ta lại dùng cảm tính và niềm tin của mình nhiều hơn.

Vậy nên không thể tránh khỏi việc mích lòng nhau. "Giận", trong từ điển tiếng Việt có nghĩa là không bằng lòng và bực bội với người có quan hệ gần gũi nào đó, vì người ấy đã làm điều trái với ý mình. 

Tuy vậy cách xử lý cơn giận ở người lớn lại trái ngược hoàn toàn với trẻ con. Thừa nhận là vẫn có những người rất nóng tính và luôn thể hiện sự nóng giận ra mặt. Nhưng thời đại ngày càng phát triển, mọi người càng dựa vào các mối quan hệ nhiều hơn để sống và mở rộng các cơ hội củ mình. Vậy nên người lớn thà “bằng mặt” chứ không “bằng lòng”. 

Khi giận một ai đó, người lớn ít khi biểu lộ ra mặt. Xu hướng thường thấy là sự né tránh, im lặng, hoặc là “giận cá” nhưng đi “chém thớt". Ví dụ không đâu xa, khi các cô gái giận bạn trai thường sẽ không nói thẳng ra mà lại chọn cách ngồi im. Mục đích của hành vi này: để đối phương đoán. 

Chúng ta muốn đối phương tự hiểu được nguyên căn và nguồn cơn cho sự giận dỗi mà chúng ta không phải tự mình nói ra. Giận dỗi dường như kết hợp sự tức giận dữ dội với mong muốn mãnh liệt là không muốn nói ra điều mà ta đang tức giận. 

Tại sao lại như vậy? Là vì mưu cầu được thấu hiểu, quan tâm, an ủi, chăm sóc lẫn hỏi han. Một người đều rất cần được hiểu nhưng lại không muốn giải thích rõ ràng về bản thân. Người lớn cho rằng, nếu đối phương thực sự quý mến và yêu thương mình, họ chắc chắn sẽ hiểu mình đang giận họ vì điều gì. 

Nhưng người lớn đôi khi quên rằng, có những lúc họ cũng thực sự chẳng hiểu nổi bản thân mình. Bạn đang suy nghĩ điều gì? Bạn muốn gì? Bạn cần gì? Bạn không thích điều gì? Bạn sẵn sàng đánh đổi điều gì để đạt được điều bạn muốn? Người lớn à, bạn có chắc chắn là mình trả lời được hết các câu hỏi về bản thân ấy không? 

Khi đối phương không hiểu hay nhận ra bạn đang giận vì điều gì, đó không phải là dấu hiệu của sự vô tâm. Chỉ là mỗi con người đều có quá nhiều việc để bận tâm trong cuộc sống. Bên cạnh đó, không phải ai cũng đủ tinh ý và ở bên bạn đủ lâu để hiểu tất tần tật về bạn, trừ người trong gia đình, hay người yêu, và bạn thân. Thực chất là vẫn có những người sống rất vô tư và suy nghĩ đơn giản. 

Nếu bạn có điều gì không vui hay khó chịu với ai đó, hãy lựa lời mà bày tỏ lòng mình. Hãy nói rõ với đối phương điều gì khiến bạn bận lòng. Điều này sẽ tốt cho mối quan hệ của cả đôi bên lẫn mỗi cá nhân.

Thẳng thắn với nhau chính là bạn đang mở lòng, tôn trọng, và tin tưởng nhau. Bạn sẽ tránh giữ những chuyện không vui không đáng có trong lòng. Đối phương sẽ có thể hiểu bạn hơn và mối quan hệ của cả hai sẽ khắn khít hơn. 

Vậy nên, nếu được…. 

Hãy giận như một đứa trẻ, đừng để sự hờn dỗi trong lòng nữa, người lớn nhé!

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.