Tôi với anh bạn qua thăm cặp vợ chồng người bạn.
Pete và Jen từ Hồng Kông vừa về thăm nhà ở Thụy Sỹ. Ngồi tàu vài ba tiếng, chúng tôi đáp xuống thị trấn nơi bạn tôi sống. Hai vợ chồng lái xe qua bến tàu đón chúng tôi về nhà. Ngôi nhà họ mới mua lại của một người địa phương nằm sâu trong núi.
Qua cửa kính ô tô, một luồng khí trong vắt đượm hơi lạnh mùa đông tràn vào phổi theo nhịp thở. Con đường ngoằn ngoèo mở ra trước mắt những vách núi nhuộm một màu xanh úa của lá thông mùa đông, điểm những vệt tuyết trắng muốt như kem.
Căn nhà bạn tôi được dựng lại trên một nền nhà cũ. Người chủ cũ đã dành nhiều tâm huyết sửa lại ngôi nhà của ba mẹ mình. Họ đã biến nó thành một không gian tinh tế và hiện đại nhưng vẫn không mất đi dấu ấn của một nền nhà cổ. Một vài mảng tường sỏi từ căn nhà cũ vẫn được giữ lại nguyên vẹn, hòa cùng với những bước tường mượt mà, trắng tinh, tạo nên một tổng thể thú vị.
Pete và Jen đã chuyển thêm đồ đạc vào căn nhà mới mua. Nhìn qua các vật dụng trong nhà, tôi có thể nhận ra dấu ấn của những chuyến đi đến những miền đất xa xôi, như một vài đồ lưu niệm từ Indonesia hay những vật dụng từ Cameroon, nơi Pete và Jen đã từng sống ở châu Phi.
Chúng tôi ngồi nhâm nhi uống trà và tán chuyện, còn hai đứa trẻ con thì nhắng nhít nhảy nhót cười khúc khích chạy quanh nhà. Pete và Jen kể chuyện về cuộc sống của vợ chồng anh ở Hồng Kông và những thay đổi nhanh chóng gần đây trong xã hội sau khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc.
Rồi chúng tôi lan man về cuộc sống của những người xa nhà.
Với tôi, một người rời xa châu Á đến châu Âu sinh sống, còn Pete và Jen thì rời khỏi châu Âu đến châu Á lập nghiệp. Pete bảo tôi:
"Với anh, đi xa Thụy Sỹ, đã làm anh thay đổi cách nhìn về thế giới. Anh không hiểu tại sao vài người bạn anh chưa bao giờ đặt chân ra khỏi ngôi làng mình, để xem thế giới ngoài kia rộng lớn và đa dạng ra sao?"
Là một người cổ súy cho xê dịch, một cái đứa giỏi đi và thích đi như tôi thì nhất định phải gật đầu và hào hứng đồng ý với Pete:
"Đúng rồi anh ạ, nếu mà có lựa chọn để ra khỏi cái lũy tre làng nhà mình, thì nhất định mình phải đi. Đi nhiều cho chân cứng đá mềm, cho học hết cái sàng khôn của thiên hạ. Đi qua những dòng sông, những cánh đồng, những ngọn đồi xanh thẳm và những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ trắng xóa, để thấy bước chân mình hằn trên những vệt đường xa lạ.
Giống như tổ tiên loài người chúng ta đã dũng cảm bước ra khỏi chiếc hang tối, nhỏ hẹp nhưng thân quen để khám phá thế giới ngoài kia. Tổ tiên mình chắc cũng sợ sự bất chắc không lường trước ngoài kia chứ. Nhưng niềm khao khát muốn chinh phục và trí tò mò của một loài động vật mà tạo hóa ban cho một trí thông minh có vẻ rất khan hiếm trong vũ trụ đã thôi thúc họ đi..."
Ừ, đấy sẽ là tôi của 5, 6 năm về trước.
Tôi chưa bao giờ hối hận vì việc mình đã bước đi rất xa khỏi căn nhà nơi tôi lớn lên.
Bởi vì sự ra đi ấy đã cho tôi quá nhiều thứ, cho tôi thấy thế giới màu nhiệm và trách nhiệm của một cá nhân với thế giới ấy. Sự ra đi ấy mở ra cho tôi những cơ hội mới, đã thỏa mãn trí tò mò và khao khát được trải nghiệm đời sống trong tôi.
Thế nhưng trên những chặng đường đi, khi lang thang tới những phương trời khác, tôi hay nhớ về những ngày tháng ngồi sau xe máy của mấy anh bạn thân một thời. Đó là những ngày tháng anh em chúng tôi rong ruổi trên những miền núi cao nơi Yên Bái hay Lào Cai, cười nô nức cùng nhau chạy dọc một đoạn biển miền Trung cát trắng, nắng vàng và biển xanh.
Tôi tự hỏi: Có lúc nào đó tôi thấm nỗi cô đơn trên những chặng đường xa lạ?
Tôi quay ra bảo Pete:
"Anh ạ, có lẽ với anh em mình, thế giới ngoài kia làm những đứa như bọn mình phấn chấn, và bọn mình dễ nghĩ đó là công thức duy nhất của hạnh phúc. Thế nhưng, nếu hạnh phúc là đích đến trong đời mỗi con người, thì tại sao ai đó phải đi khi sống trong ngôi làng của họ với những người họ thương mới thực sự làm họ hạnh phúc?"