Tư duy ở đáy: Năng lực để sống sót trong những cú "rơi tự do" của cuộc đời | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 04, 2025
Chất Lượng Sống

Tư duy ở đáy: Năng lực để sống sót trong những cú "rơi tự do" của cuộc đời

Tư duy ở đáy, là cách bạn giữ được chính mình, khi mọi thứ còn lại không giữ được nữa.
Tư duy ở đáy: Năng lực để sống sót trong những cú "rơi tự do" của cuộc đời

Nguồn: Pexels

Có một điều chắc chắn: Cuộc đời không phải lúc nào cũng đi lên.

Sẽ có những lúc bạn tưởng mình đang đi lên, rồi bỗng rơi tự do. Nó đến không báo trước, không cho bạn cơ hội kịp phản ứng. Một dự án thất bại. Một thương vụ lỗ vốn. Một quyết định sai lầm. Một cuộc chia tay không ngờ. Một lần kiệt quệ sức khỏe.

Chúng ta gọi đó là những cú “reset” của cuộc đời.

Và chính trong những cú reset ấy, bạn sẽ biết được mình đang mang theo loại tư duy nào: Một cái tôi mong manh, dễ vỡ? Hay một hệ tư duy đủ linh hoạt để bắt đầu lại từ chính nơi mình gục ngã?

Rơi xuống đáy không nguy hiểm

Nguy hiểm là khi ta chưa sẵn sàng ở đó.

Phần lớn người ta sụp đổ, tan vỡ không phải vì cú ngã quá mạnh, mà vì họ chưa bao giờ học cách sống ở đáy. Khi bạn quen với việc kiểm soát, quen với cảm giác “đang ổn”, bạn dễ rơi vào trạng thái ngộ nhận: mình đã biết đủ.

Và khi cú rơi xảy ra, thứ đau nhất không phải là tài chính, sự nghiệp hay mối quan hệ. Mà là niềm tin vào chính mình. Không quen sống ở đáy, bạn hoang mang, tự trách, nghi ngờ năng lực, quay cuồng đi tìm câu trả lời… Và trong lúc đó, bạn bỏ rơi chính mình, ngay tại đáy.

Tư duy ở đáy, là cách bạn giữ được chính mình, khi mọi thứ còn lại không giữ được nữa.

Người có tư duy ở đáy không hoảng loạn khi vấp ngã. Họ không vội bật dậy, không tìm cách “gồng lại”, không tự lừa dối mình bằng những lời an ủi. Họ lùi lại, quan sát, đặt câu hỏi và xây lại nền móng. Họ không cố gắng “đứng lên cho nhanh”, mà đảm bảo rằng lần đứng lên tiếp theo sẽ đúng hướng và bền hơn.

Người Nhật có câu: Nanakorobi yaoki.

Tạm dịch: Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần.

Điều quyết định không phải là bạn có đứng dậy hay không, mà là bạn sẽ sống tiếp thế nào sau lần đứng dậy đó.

Người ngã mà không “vỡ”

alt
Nguồn: Pexels
Năm 2019, một người bạn của mình khởi nghiệp trong ngành Edtech.

Ban đầu rất suôn sẻ: gọi vốn thành công, mở rộng team nhanh, truyền thông tốt. Anh tin rằng mình đã hiểu thị trường. Nhưng rồi COVID-19 đến. Sản phẩm không kịp pivot (chuyển hướng mô hình) nên rơi vào khủng hoảng.

Trong 6 tháng, anh mất gần như tất cả, cả tiền, uy tín và những chiến hữu cạnh bên.

Nhưng điều mình nể phục khi quan sát hành trình của anh là cách anh dùng khoảng thời gian dưới đáy như một khóa học bắt buộc về bản thân. Anh xin làm mentee của các founder khác, điều chỉnh lại toàn bộ khung tư duy của bản thân. Thẳng thắn nhận sai. Không vòng vo.

Một năm sau, quay lại với startup thứ hai, phát triển chậm nhưng cực kỳ vững. Không chạy theo danh tiếng. Không thổi phồng giá trị để tìm đầu tư. Câu cửa miệng của anh là “Tao đã làm được gì đâu, phải cố thêm nhiều lắm.”

Anh và nhiều người mình thật sự nể phục, có điểm chung thế này: Họ không phải là người chưa từng ngã. Họ là người ngã mà không vỡ, vì trong họ luôn có một tư duy sẵn sàng học lại từ đầu.

Mình tin là bạn cũng cảm nhận được điều này nếu đã nhiều lần vượt qua khó khăn.

Mỗi người rồi sẽ rơi theo cách nào đó, vào lúc nào đó. Nhưng không phải ai cũng biết cách sống ở đáy cho đúng.

Chuẩn bị cho lần ở đáy tiếp theo

alt
Nguồn: Pexels

Đây là tư duy mà mình đã và đang chuẩn bị cho bản thân, chờ đợi lần ở đáy tiếp theo.

Xin chia sẻ 5 cách thực tế để giữ mình trong tư duy ở đáy:

1. Tự vấn bản thân hàng tuần bằng các câu hỏi:

  • Thứ mình đang làm, mình đã thật sự hiểu rõ có thể và không thể của nó chưa?
  • Hàng ngày, mình có đang đánh giá quá cao bản thân không?

Hỏi để tỉnh. Không hỏi, bạn dễ ảo tưởng.

2. Tìm người giỏi hơn để học

Nếu bạn là người giỏi nhất trong phòng, bạn đang ở sai chỗ. Tất cả mọi người đều giỏi điều gì đó, và mình luôn học được gì đó từ họ.

Đừng chọn chỗ khiến bạn thấy mình giỏi. Hãy chọn chỗ khiến bạn muốn tốt hơn.

3. Chủ động bước vào thử thách mới

Nếu đã viết giỏi, hãy thử thêm thuyết trình. Nếu đã vững kiến thức, hãy thử thực hành.

Bao nhiêu “lần đầu tiên” bạn có trong tuần vừa rồi? Cảm giác “mình còn cần học thêm” là một tín hiệu lành. Nó cho thấy bạn vẫn đang mở lòng để phát triển.

4. Lắng nghe nhiều hơn, nói ít lại

Khi nói, bạn chỉ đang nghe lại những điều bạn đã biết. Khi nghe, bạn hoặc là có thêm thông tin mới, hoặc là được kiểm chứng lại thông tin cũ

Người giỏi không cần chứng minh. Họ lặng lẽ tiếp thu và cải thiện bản thân.

5. Ghi nhớ điều này: Núi cao luôn có núi cao hơn

Khi bạn thấy tự mãn, hãy nhớ: có người đang làm tốt hơn bạn 10 lần và họ vẫn đang học.

Bạn không phải là trung tâm. Bạn chỉ là một người đang đi trên hành trình của mình.

Khi tư duy đủ khiêm tốn, tầm nhìn sẽ đủ sâu và rộng.

Tư duy ở đáy không khiến bạn nhỏ bé

Nó giúp bạn vững nền hơn, bền tâm hơn và trưởng thành thật sự hơn.

Áp dụng tư duy này không có nghĩa là phủ định giá trị bản thân, mà là để đảm bảo bạn không dừng lại chỉ vì một chút thành công nhất thời.

Cuộc đời sẽ còn nhiều cú reset. Người có tư duy ở đáy sẽ không rơi quá sâu, cũng không vỡ nát ở nơi họ ngã. Vì họ hiểu: khi ở đáy, điều duy nhất còn lại để làm là bật lên, và đây là điều họ đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước.