Lần cuối cùng bạn nổi da gà vì lắng nghe một bài hát về đất nước là khi nào? Phải chăng là trong một chuyến “đi bão” sau khi trận thắng lớn của đội tuyển bóng đá nước nhà? Hay khi đại diện cho màu cờ sắc áo tại một quốc thi quốc tế, cất lên tiếng hát Quốc ca trước bạn bè năm châu? Hoặc chỉ gần đây thôi, khi thưởng thức ca khúc Rực Rỡ Việt Nam mới ra mắt?
Rực Rỡ Việt Nam là một màn hợp tác mà hiếm người có thể tưởng tượng ra, với sự góp mặt NSND Bạch Tuyết, ca sĩ Orange và rapper Jaysonlei. Được sáng tác bởi nhạc sĩ Mew Amazing, sự kết nối là chủ đề sâu đậm và xuyên suốt trong ca khúc Rực Rỡ Việt Nam. Đó là sự kết nối của mọi miền đất nước trong từng ca từ; sự kết nối giữa các thế hệ thông qua màn “hòa âm” độc đáo giữa nhạc pop, vọng cổ và rap; và cả sự kết nối, đoàn kết của dân tộc, được hiện thân bởi hình ảnh cây tre quen thuộc của Việt Nam.
Lắng nghe những giai điệu của Rực Rỡ Việt Nam, thật khó mà không cảm thấy rạo rực trong lòng, và thậm chí nổi da gà trên cánh tay. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, thực sự là vì sao chúng ta lại nổi da gà khi nghe những bài hát về đất nước và dân tộc chưa?
Khoa học đằng sau âm nhạc và nổi da gà
Cách đây 7 năm, một số nhà khoa học tại Viện Công nghệ Quốc gia Ấn Độ cũng có những thắc mắc tương tự. Và như cách mọi nhà khoa học đi tìm lời giải cho các thắc mắc, họ đã cùng nhau thiết lập một cuộc thí nghiệm.
Những người tham gia cuộc thí nghiệm được cho lắng nghe các ca khúc có tinh thần ái quốc, trong khi được theo dõi độ biến thiên nhịp tim và điện tâm đồ. Thí nghiệm cho thấy khi được nghe bài hát, hệ thần kinh tự chủ của các đối tượng tham gia thí nghiệm sẽ được kích hoạt.
Hệ thần kinh tự chủ, bao gồm hai nhánh mang tên hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system - SNS) và hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system - PNS), vốn là nơi điều phối các chức năng không tự nguyện của cơ thể, ví dụ như thở, tiêu hóa, hoặc nổi da gà.
Tần suất hoạt động của SNS trong não bộ các đối tượng tham gia thí nghiệm có dấu hiệu gia tăng khi được nghe những bài hát yêu nước; điều này vẫn thường là minh chứng của sự kích thích về mặt cảm xúc, và có thể biểu hiện ra ngoài cơ thể qua việc nổi da gà, chẹn họng hoặc thậm chí đổ nước mắt.
Không chỉ những bài hát về lòng yêu nước, mà những ca khúc mang chủ đề đất nước và dân tộc nói chung luôn khơi gợi nên một cảm giác tự hào, đoàn kết, và trong trường hợp của những người xa quê, hoài niệm và nhớ nhung tới quê hương. Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Quốc gia Ấn Độ cho rằng những cảm xúc này mạnh mẽ tới nỗi thường xuyên trở thành thành tác nhân kích thích hệ thần kinh giao cảm của mỗi người.
Điều này có nghĩa rằng khi lắng nghe một bài hát gợi nhắc ta về bản sắc dân tộc, não bộ của chúng ta sẽ sản sinh ra nhiều chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) như dopamine hay oxytocin, kích hoạt hệ thần kinh giao cảm và qua đó dẫn đến những phản ứng sinh lý như nổi da gà.
Sự “đa âm sắc” của những bài hát về đất nước, dân tộc
Lý do sinh học là vậy, nhưng rõ ràng những ca khúc yêu nước, như mọi thể loại âm nhạc, cũng hết sức “muôn màu muôn vẻ”, và từng “âm sắc” đó sẽ đem đến cho người nghe những cảm xúc khác nhau.
Giai điệu du dương của Rực Rỡ Việt Nam
Những câu hát nhẹ nhàng, du dương của Orange hay từng lời ca vọng cổ đầy lưu luyến của NSND Bạch Tuyết phủ lên ca khúc Rực Rỡ Việt Nam một cảm giác êm dịu và trìu mến. Giống như ca khúc Bonjour Vietnam được thể hiện bởi ca sĩ gốc Việt Quỳnh Anh trước đây, Rực Rỡ Việt Nam vẫn mang đến một sự tự hào và rạo rực về tổ quốc, nhưng “đóng gói” nó trong sự mềm mại của một bài hát ru.
Trên thế giới cũng tồn tại nhiều ca khúc như vậy, từ Auld Lang Syne của Scotland tới Sakura Sakura của đất nước mặt trời mọc. Những giai điệu du dương này khơi gợi sự hoài niệm, cảm giác thoải mái và an toàn của một nơi chúng ta gọi là “nhà”, cho phép ta được thư giãn để tìm về những khoảnh khắc và ký ức đẹp của quê hương.
Quốc ca và lòng nồng nàn yêu nước
Ở một thái cực hoàn toàn trái ngược là giai điệu hùng tráng của những bài hát quốc ca. Có lẽ chúng ta đã quá quen với thể loại ca khúc này, khi bài hát Tiến Quân Ca luôn được ngân vang mỗi sáng thứ hai dưới lá cờ đỏ sao vàng, trong suốt 12 năm tới lớp.
Và không chỉ Việt Nam, những The Star-Spangled Banner của Hoa Kỳ, La Marseillaise của Pháp hay God Save the King của Anh Quốc hẳn cũng khiến công dân của mỗi quốc gia này cảm thấy rạo rực mỗi lần được xướng lên.
Phần lớn là những ca khúc hiệu triệu binh lính thời chiến, hoặc mang chủ đề về kháng chiến, mục đích lớn nhất của những giai điệu này là truyền cảm hứng và khơi gợi niềm kiêu hãnh về lịch sử hào hùng của dân tộc. Ca từ của những bài hát này ẩn chứa những hình ảnh sống động về lịch sử và chiến tranh, cùng với nền nhạc đầy thôi thúc vừa tôn vinh lịch sử đất nước, vừa ngân vang những giá trị của dân tộc.
Xây dựng mối liên kết qua những “nhân vật đại diện”
Rực Rỡ Việt Nam có sự góp mặt của NSND Bạch Tuyết, ca sĩ Orange và rapper Jaysonlei, vốn đã là những gương mặt thân thuộc với nhiều khán thính giả Việt Nam.
Điều này không những gây tiếng vang nhờ thương hiệu cá nhân của từng nghệ sĩ, mà đồng thời thiết lập mối liên kết cảm xúc giữa khán thính giả với ca khúc Rực Rỡ Việt Nam, thông qua mối liên kết cảm xúc sẵn có giữa họ và một/hai/cả ba nghệ sĩ mà họ hâm mộ.
“Thủ thuật” này cũng từng nhiều lần được áp dụng bởi Việt Nam các quốc gia khác trên thế giới, và đặc biệt là tại các sự kiện thể thao quốc tế. Chắc hẳn phần lớn độc giả của bài viết này vẫn còn giữ những ký ức rất sinh động về buổi khai mạc SEA Games 2003 và những chú trâu vàng, cùng giai điệu của ca khúc Vì Một Thế Giới Ngày Mai được thể hiện bởi những danh ca Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trọng Tấn, Minh Quân,...
Hay 5 năm sau đó tại Olympics Bắc Kinh 2008, khi hàng chục ca sĩ nổi tiếng của châu Á đã cùng nhau góp giọng trong ca khúc Beijing Welcomes You, đón chào các vận động viên quanh thế giới tới tham dự Thế vận hội.
… Hoặc là hài hước và nhí nhảnh một chút
Thể loại ca khúc mang chủ đề đất nước cuối cùng, dẫu rằng phần lớn là những bài hát quảng cáo và sẽ rất hiếm khi được ngân vang tại các quảng trường hay sân vận động, có lẽ lại là thể loại thú vị nhất.
Bởi lẽ vì thứ nhất, những ca khúc này mang đậm yếu tố giải trí và khiến người xem lập tức liên kết hình ảnh của quốc gia đó với cảm xúc tích cực; và thứ hai, chúng thường tôn vinh một lát cắt văn hóa rất đặc biệt và thú vị, thậm chí kỳ quặc nhưng không đủ lớn để được nhắc tới trong những ca khúc yêu nước thông thường.
Đó là những bài hát như Makudonarudo, tập trung vào cách phát âm đầy nhí nhảnh của người Nhật dành cho tên những nhãn hàng phương Tây. Đó là Thailand Smiles, chỉ tôn vinh duy nhất nụ cười toe toét đầy thân thiện của người Thái. Hay Vegemite Song, một ca khúc có giai điệu đầy vui nhộn giới thiệu về thứ bơ đặc sản gắn liền với văn hóa Úc, thứ đặc sản mà phần còn lại của thế giới vẫn chán chường than là… khó ăn.