"Vừa nhận đồng lương đầu tiên trong đời, mình bị công an phạt 500 nghìn" | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 03, 2022

"Vừa nhận đồng lương đầu tiên trong đời, mình bị công an phạt 500 nghìn"

Với anh Lộc, đầu tư cho những chuyến du lịch một mình luôn đáng tiền.
"Vừa nhận đồng lương đầu tiên trong đời, mình bị công an phạt 500 nghìn"

Nguồn: Phạm Văn Thọ Lộc.

Anh Phạm Văn Thọ Lộc hiện là Quản lý cấp cao của bộ phận Hoạch định chiến lược tại Lazada Việt Nam. Anh có hơn 9 năm kinh nghiệm làm việc trong và ngoài nước ở lĩnh vực nghiên cứu thị trường, tư vấn doanh nghiệp, phụ trách các đối tác toàn cầu như Unilever, Pepsi, Mondelez,...

Anh tự nhận mình là “a Saigon mind and a Dalat heart”, vì may mắn dung hòa được cả sự lý trí, năng động của Sài Gòn và sự mềm mỏng, khéo léo của Đà Lạt – nơi anh sinh ra và lớn lên. Bí kíp quản lý tài chính “xịn” nhất của anh, chính là tuân theo nguyên tắc “6 chiếc lọ”.

1. Khoản đầu tư nào bạn thấy đáng tiền nhất?

Đầu tư vào những trải nghiệm. Một trong số đó là thói quen du lịch một mình (solo travel) mỗi cuối năm và đón giao thừa ở một nước chưa từng đến.

Nghe thì có hơi “tự kỉ”, nhưng mình thích cảm giác được tự do khám phá những địa điểm mới, mở lòng với những người lạ và không quá bận tâm về lịch trình. Đây cũng là khoảng thời gian mình tự nhìn lại một năm đã qua, và suy nghĩ về những gì muốn làm trong một năm sắp tới.

Tiếc là thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh mà mình không có cơ hội thực hiện, nhưng hy vọng từ năm nay mọi thứ sẽ ổn hơn.

2. Mức lương đầu tiên mà bạn nhận là bao nhiêu?

Tầm 10 triệu. Lúc đó mình là sinh viên năm 3 và làm song song hai công việc – dạy thêm và copywriter.

Mình vẫn nhớ ngày cầm được đồng lương đầu tiên, vui quá chạy xe đi mua pizza tự thưởng mà quên bật đèn. Mình lại không mang đủ giấy tờ, thế là bị công an phạt mất 500 nghìn.

Ở thời điểm cách đây 10 năm, 10 triệu là khoản tiền rất đáng kể với sinh viên chưa ra trường. Tuy nhiên mình phải đánh đổi bằng việc một ngày chỉ được ngủ 4 tiếng, do vẫn phải đi học và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Cực quá nên mình chỉ cố gắng được tầm 3 tháng, sau đó thì chỉ nhận dạy thêm và tập trung vào việc học hơn vì là “sinh viên gương mẫu”.

Cơ mà nếu được lựa chọn lại thì mình vẫn sẽ quyết định như vậy. Mình nghĩ tiền thì ở thời điểm nào cũng có cách để kiếm được, nhưng những trải nghiệm trong trường học thì không.

3. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì bạn sẽ làm nghề gì?

Mình sẽ mở một tiệm bánh ở Đà Lạt vì mình rất thích làm bánh. Còn gì tuyệt hơn mùi bánh nướng trong cái không khí và tiết trời rất hay ho ở Đà Lạt nhỉ? (cười).

Ngoài ra mình sẽ tham gia nhiều hơn các tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận hướng tới trẻ em. Khi còn ở trường đại học, mình và nhóm bạn đã từng thực hiện một dự án từ thiện nhỏ. Tụi mình đi bán cafe vào mỗi giờ giải lao để gây quỹ giúp đỡ làng SOS.

Đến giờ mình vẫn nhớ như in khuôn mặt hào hứng khi nhận quà và những điều ước giản đơn của các em. Cho nên mình vẫn luôn ao ước có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa các trường hợp mồ côi, bị bỏ rơi và không thể tiếp cận được với những điều kiện sống và giáo dục dù cơ bản nhất.

4. Nếu như được quay về 23 tuổi, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?

Trang bị kiến thức về tài chính cá nhân và học cách tiết kiệm sớm hơn. Trong hai năm đầu tiên làm việc sau khi ra trường, con số tiết kiệm của mình là 0. Ở thời điểm đó mình cũng không hề có một khái niệm gì về đầu tư.

Mình vẫn nhớ vào một buổi chiều cuối năm, mình đang ngồi tính toán xem Tết này có thể phụ giúp gia đình và mừng tuổi bố mẹ bao nhiêu thì chợt nhận ra cả 12 tháng lương đã biến đi đâu mất. Nhờ cái khoảnh khắc “a-ha” đó mà mình bắt đầu tìm hiểu về tài chính cá nhân, nghiêm khắc hơn với bản thân trong việc chi tiêu và nhận ra được sức mạnh của lãi kép.

alt
Nguồn: Phạm Văn Thọ Lộc.

5. Trong một thế giới hoàn hảo, bạn sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

Mình là một người thích làm việc và ưa xê dịch nên chắc sẽ không có khái niệm “nghỉ hưu hoàn toàn”.

Nhưng nếu nghỉ hưu ở đây được hiểu theo nghĩa là tự do tài chính, thì mình mong muốn ở độ tuổi 45 bản thân đã có thể được làm những điều mình thích. Mình mong lúc đó bản thân ít bận tâm về gánh nặng thu nhập, và có nhiều thời gian hơn để cống hiến cho cộng đồng.

6. Theo bạn, những người giàu thường có điểm chung gì?

Mình nghĩ giàu là một khái niệm mơ hồ và cảm tính. 10 triệu, 100 triệu hay 1 tỷ mới là giàu thì chỉ có người trong cuộc mới đánh giá được, tùy thuộc vào mức sống và chi tiêu của họ. Khi nào họ cảm thấy đủ thì họ cảm thấy giàu.

Và khi cảm thấy giàu, thì họ biết được chắc chắn họ muốn gì và sẽ phân bổ thời gian hợp lý vào những việc đó.

7. Theo bạn, có gì mà tiền không mua được?

Chắc chắn là sức khỏe. Mình rất thích câu nói “nếu sức khỏe được đánh số 1 thì tất cả các yếu tố khác, ví dụ như tiền bạc, sự nghiệp, sẽ được đánh số 0”.

Bạn có thể kiếm được thật nhiều số 0, nhưng dãy số đó sẽ vẫn chỉ bằng 0 nếu thiếu đi số 1 phía trước. Ngược lại, nếu có số 1, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để viết thêm các số 0 sau đó.

Vừa mới chính thức bước qua tuổi 30, mình càng cảm nhận được tầm quan trọng của sức khỏe khi đã dần cảm thấy bản thân yếu hơn trước. Việc dấn thân và nỗ lực hết mình trong công việc là điều hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên cần có chừng mực và những khoảng nghỉ để cơ thể được phục hồi.

Một cái máy chạy hết công suất vẫn cần phải tắt để làm nguội, tra dầu và xiết lại ốc vít, huống chi là con người đúng không?

8. Kỹ năng nào giá trị nhất với sự nghiệp của bạn?

Sự chủ động. Nói đúng hơn đây không chỉ là kỹ năng, mà là tư duy làm việc bất cứ ai cũng nên có.

Mình may mắn được trải qua khá nhiều mảng công việc đa dạng tại các bộ phận, môi trường khác nhau, cả trong và ngoài nước. Tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp với tính cách và background khác nhau, mình nhận thấy một điểm chung ở những bạn thành công là sự chủ động trong tất cả những gì họ làm, từ việc trau dồi kiến thức và kỹ năng, cho tới việc thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách chỉn chu và thấu đáo.

Sự chủ động còn được thể hiện ở nguyên tắc “+1”, mà mình luôn giữ làm kim chỉ nam trong sự nghiệp. “+1” ở đây được hiểu là trong bất cứ công việc nào, hãy đừng dừng lại ở việc làm đủ mà nên tìm cách làm tốt hơn thế nữa.

Hãy hình dung bạn đang đi trên một con đường. Mỗi ngày bạn chỉ cần cố gắng đi thêm 1 bước so với vạch đích thì một thời gian sau khi nhìn lại bạn sẽ tự hào bản thân đã đi xa được đến như nào.

9. Một bí kíp tài chính mà bạn tuân theo?

Nguyên tắc 6 chiếc lọ (6 jars). Nguyên tắc này nghe rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả để kiểm soát thu chi và làm chủ sức khỏe tài chính cá nhân.

Mình thực hiện nguyên tắc này như sau. Với bất cứ nguồn thu nhập nào có được (lương, thưởng, lãi suất đầu tư,…), mình đều chia vào 6 khoản mục theo tỷ lệ tham khảo:

  • Chi tiêu cần thiết (NEC – 55%): Chi phí đảm bảo nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt hằng ngày.
  • Tiết kiệm dài hạn (LTSS – 10%): Tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn như mua xe, mua nhà, lập gia đình,…
  • Giáo dục (EDU – 10%): Mua sách, tham gia khóa học, đào tạo, các buổi networking.
  • Hưởng thụ (PLAY – 10%): Làm những gì mình muốn, có thể là mua sắm xa xỉ hoặc những trải nghiệm mới mẻ.
  • Tự do tài chính (FFA – 10%): Tạo thu nhập thụ động như tiết kiệm, đầu tư, góp vốn kinh doanh.
  • Từ thiện (GIVE – 5%): Giúp đỡ cộng đồng, người thân, bạn bè.

Khi đã hình thành thói quen kiểm soát thu chi thì tùy thuộc vào mức thu nhập của mình, bạn hoàn toàn có thể thay đổi linh động tỉ lệ của từng “chiếc lọ”, căn cứ vào tình hình thực tế.

Nếu thu nhập vẫn còn thấp, bạn có thể giảm bớt phần PLAY. Hoặc nếu đã khá giả hơn, bạn hoàn toàn có thể tăng phần FFA mà không phải đánh đổi bằng lối sống quá kiêng khem. Chẳng hạn như với mình, tổng tỉ lệ của FFA và LTSS sẽ luôn bằng ít nhất 50% của thu nhập.

Điều cuối cùng, quan trọng hơn cả việc bỏ vào mỗi “chiếc lọ” bao nhiêu, đó là ý thức được dòng tiền của mình đang được luân chuyển ra sao và quản lý một cách hiệu quả.

Nói như vậy không có nghĩa là lúc nào cũng phải ghi nhớ chính xác các khoản mục chi tiêu và ghi chép chi tiết mỗi ngày. Vậy thì áp lực và tốn thời gian lắm! Mình nghĩ chỉ cần chọn ra một vài mốc trong tháng để đánh giá tình hình thu chi, ví dụ như ngay sau khi nhận lương, đầu tháng và giữa tháng để còn “liệu cơm gắp mắm”.

alt
Nguồn: Phạm Văn Thọ Lộc.

10. Bạn cân bằng thế nào giữa công việc và cuộc sống?

Mình không tin vào khái niệm “work – life balance”. Mình không nghĩ công việc và cuộc sống là hai phạm trù có thể tách biệt rạch ròi và vì vậy, việc tìm điểm cân bằng là điều không tưởng.

Thay vì tìm kiếm “work – life balance”, mình chọn “work – life integration”, tức là tìm cách làm chúng trở nên hòa hợp và gần nhau hơn. Để làm được việc này, mình nghĩ yếu tố quan trọng nhất là hãy làm việc với một tâm trạng và tư duy tích cực, để không bao giờ cảm thấy bản thân đang phải đánh đổi quá nhiều thời gian riêng tư cho những gì vô nghĩa.

Suy cho cùng, mỗi người sẽ có những mục tiêu khác nhau trong sự nghiệp. Những mục tiêu lớn hơn sẽ cần nhiều sự hi sinh hơn. Và chỉ có bản thân mình mới hiểu nhất là ở giai đoạn nào mình sẽ cần nhiều work, hay cần nhiều life.

11. Thứ gì thúc đẩy bạn cố gắng trong thời gian qua?

Thứ thúc đẩy mình luôn cố gắng, không chỉ trong thời gian qua mà còn là từ trước đến nay, đó là gia đình. Mình sinh ra trong một gia đình đông con và trải qua khá nhiều biến cố từ lúc còn học tiểu học, nên luôn ý thức bản thân cần cố gắng và nỗ lực nhiều để bố mẹ đỡ vất vả.

Mình vẫn còn nhớ hồi học cấp 2, mình đã tự mày mò học cách đan áo len để mỗi tối nhận đan phụ mẹ. Một chiếc áo mình đan hì hục trong 2 đêm thu về được 2 nghìn đồng. Số tiền này chỉ đủ mua một cái bánh mì không, nhưng cái cảm giác tự hào và mãn nguyện khi phụ giúp được gia đình thật sự không gì bằng.

Cho đến hiện tại khi mọi thứ đã ổn hơn trước, mình vẫn luôn tâm niệm phải cố gắng thật nhiều để cả nhà tự hào và có điều kiện lo cho mẹ, cùng mẹ đi du lịch trải nghiệm khắp nơi.

Gia đình cũng là lý do chính khiến mình quyết định trở lại Việt Nam, sau khi bố qua đời đột ngột và mình không thể quay về chịu tang do tất cả các quốc gia đều đóng cửa trong đỉnh dịch vào khoảng giữa năm 2020. Đó là khoảng thời gian khủng hoảng đối với mình, nhưng khi vượt qua mình lại càng nhận ra gia đình là tài sản và là động lực to lớn nhất đối với bản thân.