108 Phi công chiến đấu Việt Nam: Bức tranh toàn cảnh về lực lượng bảo vệ bầu trời Việt | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 04, 2025

108 Phi công chiến đấu Việt Nam: Bức tranh toàn cảnh về lực lượng bảo vệ bầu trời Việt

600 Bức ảnh tư liệu, gần 300 trang và 9 năm thực hiện để thế hệ phi công anh hùng được “bước ra ánh sáng”.
108 Phi công chiến đấu Việt Nam: Bức tranh toàn cảnh về lực lượng bảo vệ bầu trời Việt

Trang giới thiệu về Trung đoàn 940 - Phù Cát. | Nguồn: Vietnamese Air Warriors

“Cũng không chỉ thời chiến, qua hình ảnh những phi công với bộ gen chiến binh của ngày hôm nay, ta thấy ở họ tình yêu bầu trời đã được kế thừa trọn vẹn, chúng ta nhận ra sự kiêu hãnh – sức mạnh của cánh chim bạc trên ve áo màu xanh muôn thuở…”

Cuốn sách được giới thiệu vào những ngày tháng Tư lịch sử: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, 50 năm chuyến bay lịch sử của Phi đội Quyết thắng dùng máy bay địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia trận đánh đảo Wai, 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tác giả Từ Phương Thảo (chủ biên), nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách 108 Phi công chiến đấu Việt Nam.

“Tri ân và tôn vinh” là thông điệp tác giả gửi đến thế hệ phi công anh hùng.

alt
Ekip chụp hình và làm phim tại Trung đoàn 910 (Tuy Hòa - 2017). Nguồn: Vietnamese Air Warriors

Sau 9 năm thực hiện, cuốn sách 108 Phi công chiến đấu Việt Nam được hoàn thành với hơn 600 hình ảnh tư liệu, độ dày gần 300 trang, và nội dung song ngữ cùng những góp ý đáng giá từ ban cố vấn và những cá nhân uy tín: Đại tá phi công MiG-21 Hà Quang Hưng - Chuyên gia lịch sử, Đại tá phi công MiG-17 Lê Ngọc Sơn - Chuyên gia tác chiến, Đại tá phi công MiG-17 Từ Đễ - Chuyên gia huấn luyện và Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên - Chuyên gia lịch sử.

Hơn 600 hình ảnh tư liệu về các thế hệ phi công anh hùng của Không quân Việt Nam cho đến thế hệ phi công trẻ hiện đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc như một sợi dây kết nối mãnh liệt giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại. Hình ảnh thế hệ phi công anh hùng được hai tác giả sưu tầm, chụp tại nhà riêng của các phi công.

“Chúng tôi như chạm được vào kỷ niệm của các bác khi đến tận nhà, được các bác mang album ra xem. Có phi công từ lâu mất liên lạc với đồng đội, ít giao tiếp và không thích chụp hình, một phần vì muốn giữ lại hình ảnh oai hùng thời trẻ hoặc bản thân vướng vào “sự cố” trong nghề bay – điều mà phi công thời chiến trong hoàn cảnh ngặt nghèo thường phải đối mặt, nên chúng tôi phải cố gắng thuyết phục để các bác đồng ý xuất hiện” - tác giả Từ Phương Thảo chia sẻ.

alt
Trang về AHLLVTND Trần Hanh - phi công đầu tiên của KQVN dùng MiG-17 bắn rơi chiếc F-105D 'thần sấm' của KQ Mỹ trong trận mở màn mặt trận trên không thắng lợi 4/4/1965. | Nguồn: Vietnamese Air Warriors
alt
Trang về AHLLVTND Ace Vũ Ngọc Đỉnh, phi công đã hạ 6 máy bay Mỹ. | Nguồn: Vietnamese Air Warriors
alt
Trang giới thiệu về trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất 28/4/1973.

Bên cạnh vài gương mặt anh hùng thường được truyền thông nhắc đến, sách còn khắc họa chân dung những anh hùng phi công thầm lặng khác trong thời chiến. Từ phi công tiêm kích, phi công tiêm kích ném bom, phi công ném bom, phi công trực thăng vũ trang cho đến phi công vận tải, giáo viên bay, phi công trinh sát vũ trang hay phi công thử nghiệm. Có những anh hùng rực rỡ tỏa sáng với hàng chục chiến công, thì cũng có những khuôn mặt thầm lặng, nhưng đã góp phần không nhỏ tạo nên chiến thắng.

“Việc chọn số 108 gắn liền với các phi công chiến đấu mang tính biểu tượng và tôn vinh các bác. Trong quá trình thực hiện sách, tôi cũng phải nhiều lần nâng lên đặt xuống để cân đối. 108 chỉ là con số đơn cử những gương mặt khác nhau ở những khía cạnh khác nhau của nghề phi công” – Từ Phương Thảo.

alt
Trang giới thiệu về Trung đoàn 921 (Yên Bái). Nguồn: Vietnamese Air Warriors

108 Phi công chiến đấu Việt Nam không liệt kê đơn thuần tiểu sử, những chiến công, mà còn ghi lại câu chuyện của những anh hùng qua lời kể hóm hỉnh của đồng đội hay những lời tâm tình chân thành, nhiều xúc cảm. Cũng chính từ lời kể đó, tác giả đã làm toát lên được phong thái điềm nhiên của những người lính phi công. Họ khiêm tốn, giản dị, xem việc trở thành phi công chiến đấu bình thường như bao công việc khác.

Để người đọc dễ theo dõi, tên các phi công được sắp xếp theo bảng chữ cái. Chân dung của họ là một cú “flashback” của những năm tháng trai trẻ trong thời chiến và hiện tại, giữa thời bình. Có những anh hùng đã mãi mãi nằm lại ở tuổi 20, 30. Có những anh hùng gặp không ít khó khăn trong đời sống hằng ngày. Nhưng điểm chung của họ là sự lạc quan, giản dị và bao dung.

Vậy nên dù tựa sách là 108 anh hùng, nhưng nếu kể cả những nhân vật xung quanh, sẽ vượt hơn con số 108 rất nhiều. Cuốn sách như một bức tranh bằng hình sinh động, dễ xem và tương đối đầy đủ về Không quân Việt Nam thời kỳ chiến tranh.

alt
Trang giới thiệu về đội ngũ phi công Trung đoàn 937 (Thành Sơn - Phan Rang). Nguồn: Vietnamese Air Warriors

Bên cạnh chân dung các anh hùng, tác giả còn trích lược một số thông tin từ sách của chính những phi công ngày ấy để diễn giải các thuật ngữ như “bay đêm”, “đánh quần”, “chiến tranh điện tử”…, bổ sung kiến thức và hình ảnh của các dòng máy bay từng đối đầu với không quân Mỹ, hoặc mô tả ngắn gọn những thông tin lịch sử về các mốc chính trong chiến thắng của bộ đội Không quân.

Tác giả Từ Phương Thảo giãi bày về cuốn sách: “Tự hào là con của người lính Không quân, với kiến thức về nghề cùng sự nhạy cảm về nghệ thuật may mắn có được, chúng tôi tin vào bản thân cảm nhận vẻ đẹp, hiểu được một phần cảm xúc của những người lính phi công cùng chiến công của họ năm xưa mỗi khi được ngắm nhìn những vai áo sờn gắn quân hàm xanh đã bạc, chiếc mũ bay đã cũ, những tấm huân chương dù ít ỏi hay trĩu nặng bên ngực áo, của những ánh mắt đã quen hướng về một nơi nào đó rất xa vẫn sáng rực lên mỗi khi kể lại chuyến bay kỷ niệm, của những mệt mỏi, mất mát và cả những thanh thản, thăng trầm khi người lính Không quân ấy hoàn thành nhiệm vụ lớn của đời mình và trở về với mặt đất, trở về với quê nhà, nơi có người bạn đời, nơi có cánh đồng, ngôi nhà cũ cùng lũ cháu nội ngoại vây quanh ông…”

108 Phi công chiến đấu Việt Nam vì thế, trở thành cuốn tư liệu bằng hình quý giá, toàn diện, sinh động và công phu về không quân Việt Nam thời chiến và cả trong huấn luyện thời bình.

Nhận định về cuốn sách, Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên (nguyên Hiệu trưởng Trường Phi công Bay Việt) cho biết: “Tác giả của cuốn sách - Từ Phương Thảo - con gái của Anh hùng LLVT Đại tá - Phi công Từ Đễ, một thành viên của Phi đội Quyết thắng năm xưa, người cùng đồng đội thực hiện phi vụ chiến đấu cuối cùng của cuộc chiến trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông về một mối... Là một "cô bé" từ nhỏ theo chân cha qua các căn cứ không quân, các sân bay tiền tuyến, hàng ngày sống trong tiếng gầm của động cơ phản lực, tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt và trực chiến của các phi công chiến đấu, cảm nhận được hình ảnh hào hùng của các máy bay xuất kích thực hiện nhiệm vụ... "Cô bé" ấy đã lớn lên với niềm đam mê và tình yêu sâu sắc trong tim dành cho những cánh đại bàng dũng mãnh, cùng các chiến binh bầu trời quả cảm thông qua hình ảnh của người cha thân yêu.”

alt
108 Phi công chiến đấu Việt Nam: Quyển sách ảnh toàn cảnh đầu tiên về không quân Việt Nam

Song song với buổi ra mắt sách là Triển lãm ảnh 12 Anh hùng Không quân và Ace (át chủ bài, bắn rơi từ 5 máy bay trở lên) gồm: Ace Nguyễn Văn Bảy, Ace Vũ Ngọc Đỉnh, Ace Nguyễn Đăng Kính, Ace Nguyễn Đức Soát, Ace Mai Văn Cương, Ace Lê Hải, Ace Lê Thanh Đạo, Ace Nguyễn Văn Cốc, Ace Phạm Thanh Ngân, Anh hùng LLVTND Trần Hanh, Anh hùng LLVTND Hồ Văn Quỳ và Anh hùng LLVTND Phạm Tuân.

Truy cập trang này để xem thêm thông tin chi tiết, hình ảnh và đặt mua sách. Nội dung trang bao gồm:
- Lời giới thiệu.
- Hình ảnh và thông tin về các trung đoàn, phi công và các Ace.
- "Ký sự vùng trời" – những hồi ký cá nhân và trận không chiến lịch sử.
- Thông tin liên hệ để mua sách.