Với 7 năm làm việc từ xa cho các công ty Mỹ, gần 10 năm quản lý các dự án cá nhân, đây là góc nhìn của mình về việc quản lý bản thân.
Thời trẻ, mình từng nghĩ rằng tự do làm việc có nghĩa là không cần ai quản lý. Nhưng thực tế khi thu nhập từ công việc càng cao, mình càng lại thấy rõ một điều hoàn toàn khác: Kể cả khi không có ai là sếp của bạn, thì bạn phải có năng lực làm “sếp” của chính mình.
Và đó chính là lúc kỹ năng tự quản lý (self-management) trở thành yếu tố quyết định sự thành bại.
Tự quản lý không đơn thuần là việc lập kế hoạch làm việc, có kỷ luật cá nhân, mà nguyên tắc cốt lõi của nó là dám nhận hoàn toàn trách nhiệm về phần mình.

Quản lý bản thân không chỉ là lập kế hoạch hay có kỷ luật cá nhân, mà còn là cả một hệ thống phức tạp. Việc trở thành “sếp” của chính mình cần thiết với bất kỳ ai đang đi làm, nhất là những người làm việc độc lập hoặc làm từ xa.
Bài viết này mình sẽ nói về 6 bí kíp để giúp bạn không chỉ làm việc hiệu quả hơn, mà còn thực sự làm chủ cuộc sống của mình.
Bí kíp 1: Hiểu rõ nhu cầu của bản thân
Trong môi trường truyền thống, nhu cầu của mỗi cá nhân thường được định hình bởi nơi họ làm việc. Công ty cần gì thì chúng ta làm cái đó. Nhưng thực tế là không phải lúc nào công ty hay sếp cũng nói chi tiết bạn cần làm gì, đặc biệt là khi làm việc độc lập hay công tác từ xa, việc đầu tiên bạn phải làm là hiểu rõ mình thực sự cần gì.
Nhu cầu không chỉ là thu nhập, không gian hay công cụ làm việc. Nó còn là sự cân bằng, ý nghĩa trong công việc hay môi trường phù hợp với tính cách của bản thân.
Thời còn làm việc từ xa, mình từng cảm thấy cô đơn vì không thể chia sẻ thành tựu hay khó khăn với một ai đó. Hóa ra, mình đã bỏ quên nhu cầu được kết nối và được ghi nhận trong công việc.
Hiểu rõ nhu cầu cá nhân giúp bạn thiết kế môi trường làm việc phù hợp. Bạn biết khi nào cần im lặng tập trung, khi nào cần tương tác, khi nào cần thay đổi không gian để tạo cảm hứng.
Kỹ năng mềm cần thiết:
- Self-awareness: Khả năng nhận biết cảm xúc, strength và weakness của bản thân
- Emotional intelligence: Hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân
- Priority setting: Xác định thứ tự ưu tiên cho các nhu cầu khác nhau
Bí kíp 2: Điều chỉnh hành vi từ những thói quen nhỏ nhất
Hành vi chính là cách bạn thể hiện mình mỗi ngày, từ cách phản ứng khi căng thẳng, trả lời email khách hàng, cho đến cách bạn đón nhận những thử thách mới.
Những người làm việc từ xa thành công luôn có các “nghi thức nhỏ” để khởi động ngày mới. Hiện tại mình không làm việc từ xa, nhưng vẫn giữ một nghi thức đầu ngày, đó là đi dạo để mua cà phê mỗi sáng. Đi bộ để báo hiệu cho cơ thể vào chế độ làm việc, còn cà phê là để nhắc nhở rằng bản thân luôn có nhu cầu cần đến tiền.
Quản lý hành vi bản thân cũng đồng nghĩa với việc học cách xử lý cảm xúc tiêu cực và điều chỉnh những thói quen xấu như trì hoãn, quá cầu toàn hay thiếu ranh giới. Bởi khi làm việc, kể cả bạn làm tự do hay làm trong doanh nghiệp thì tâm trạng là thứ ảnh hưởng trực tiếp kết quả công việc, và thậm chí là thu nhập cá nhân. Vì vậy, bạn cần có chiến lược để vẫn duy trì được mức độ hoạt động tối thiểu ngay cả khi không cảm thấy đầy cảm hứng.
Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn là nhà sáng tạo nội dung (content creator). Tâm trạng của bạn dễ bị chi phối bởi lượt like, view, hoặc việc có “viral” hay không. Mình quen nhiều bạn làm nghề sáng tạo nội dung với lượng theo dõi “khủng” vẫn cảm thấy bất ổn, thậm chí có người còn rơi vào trầm cảm. Điều này xảy ra đặc biệt nhiều trên nền tảng TikTok.
Kỹ năng mềm cần thiết:
- Self-discipline: Khả năng kiểm soát hành vi và tuân thủ kế hoạch đã đặt ra
- Habit formation: Xây dựng và duy trì các thói quen tích cực
- Boundary setting: Thiết lập ranh giới rõ ràng trong công việc và cuộc sống
Bí kíp 3: Xây dựng lộ trình thăng tiến cá nhân

Khi làm việc trong môi trường công sở, đa phần bạn sẽ được định hướng sẵn lộ trình phát triển và tham gia các chương trình đào tạo. Nhưng nếu công ty không có lộ trình rõ ràng, hoặc bạn là solopreneur đang tự mình “làm chủ cuộc chơi”, toàn bộ quá trình phát triển sẽ phụ thuộc vào chính bạn.
Phát triển không chỉ là học kỹ năng mới mà còn là nâng cao khả năng tư duy, mở rộng vòng tròn mối quan hệ và xây dựng thương hiệu cá nhân. Có thể nói mục tiêu của việc này là không ngừng thử thách bản thân để bước ra khỏi vùng an toàn.
Ngoài ra, mình thường dành ra một khoản thu nhập để đầu tư vào bản thân. Có thể là tham gia vào các khóa học trực tuyến, mua sách, tham dự hội nghị hay các sự kiện networking. Bởi trong thế giới thay đổi nhanh như hiện tại, đứng yên nghĩa là thụt lùi.
Kỹ năng mềm cần thiết:
- Growth mindset: Tin tưởng rằng khả năng có thể phát triển qua nỗ lực
- Self-motivation: Tự tạo động lực cho bản thân khi không có external pressure
- Feedback seeking: Chủ động tìm kiếm và tiếp nhận phản hồi để cải thiện
Bí kíp 4: Tận dụng sức mạnh của lời nói
Giao tiếp không chỉ là cách bạn nói chuyện với khách hàng hay đối tác, mà còn là cách bạn trò chuyện với chính mình (self-talk). Đây là yếu tố quan trọng khi làm việc độc lập, vì khi đó bạn sẽ không có ai cổ vũ tinh thần khi dự án khó khăn, không có ai động viên khi bạn gặp trở ngại, cảm nhận sự thụt lùi.
Hãy đối thoại với bản thân như đang trò chuyện với một người bạn tốt. Khuyến khích thay vì chỉ trích, động viên thay vì đổ lỗi.
Khi bạn biết cách lắng nghe và hiểu chính mình, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu người khác. Đó cũng là nền tảng để bạn hiểu rõ những gì khách hàng thực sự cần, từ đó cung cấp giải pháp phù hợp và xây dựng được mối quan hệ dài hạn.
Kỹ năng mềm cần thiết:
- Positive mindset: Tư duy tích cực, nhìn vào khía cạnh lạc quan
- Active listening: Lắng nghe tích cực và hiểu sâu ý nghĩa
- Persuasion: Thuyết phục và influence người khác một cách tích cực
Bí kíp 5: Nắm vững quyền lực quyết định cuộc đời
Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Những lựa chọn tưởng nhỏ bé mỗi ngày như dậy lúc mấy giờ, bắt đầu công việc nào, khi nào nghỉ ngơi, hoặc thậm chí là thái độ khi đối diện khó khăn,... đều âm thầm định hình con đường phát triển của mỗi người.
Dù bạn làm công sở hay làm tự do, việc tự chịu trách nhiệm cho từng bước đi luôn rất quan trọng. Ai đi làm cũng cần rèn luyện khả năng tự gánh vác mọi quyết định, dù lớn hay nhỏ. Với những người làm độc lập, điều này càng rõ rệt hơn vì không còn sếp, không có đồng nghiệp, cũng không có quy trình cố định để dựa vào.
Hãy hình dung mỗi quyết định như một lá phiếu bầu cho phiên bản bạn muốn trở thành. Dậy sớm là phiếu bầu cho tính kỷ luật. Từ chối một dự án không phù hợp là phiếu bầu cho chuẩn mực của bạn. Dành thời gian học kỹ năng mới là phiếu bầu cho sự phát triển.
Khả năng quyết đoán, tin vào phán đoán của chính mình và dám hành động nhanh chóng chính là lợi thế cạnh tranh lớn. Không phải liều lĩnh, mà là vì bạn đã luyện đủ để tự tin bước tiếp khi người khác còn đang do dự.
Kỹ năng mềm cần thiết:
- Critical Thinking: Thu thập và phân tích thông tin từ nhiều nguồn, đa chiều
- Decision mindset: Lắng nghe tích cực và hiểu sâu ý nghĩa
- Risk management: Đánh giá và quản lý rủi ro một cách thực tế
Bí kíp 6: Biến ý tưởng thành hiện thực

Cuối cùng, tất cả đều quy về hành động. Dù làm gì hay làm ở đâu, bạn vẫn cần khả năng tự thúc đẩy bản thân, kể cả khi không có sếp nhắc nhở hay deadline cố định. Điều đó bao gồm cả những hành động rất nhỏ mỗi ngày: Gửi một email nhắc lại, cập nhật portfolio, nhắn tin cho một mối quan hệ mới, hay đơn giản là ngồi vào bàn làm việc khi chưa có chút động lực nào.
Khi bạn làm bất kỳ điều gì, mọi động lực phải đến từ kỷ luật bên trong. Mình thường tự nhủ mỗi khi có cảm giác mông lung rằng: Hãy hành động đi rồi mọi thứ sẽ rõ ràng.
Khi bạn chưa biết nên đi hướng nào, đừng ngồi đó và suy nghĩ mãi. Hãy làm một điều gì đó nhỏ, theo hướng mà bạn tin là đúng. Chuyển động nhỏ đó sẽ làm quán tính cho những điều tiếp theo, rồi dần dần bạn sẽ thấy những bước tiếp theo rõ hơn.
Sự đều đặn trong những hành động nhỏ quan trọng hơn rất nhiều so với việc cố gắng bùng nổ một lần rồi nghỉ dài. Viết 200 chữ mỗi ngày tốt hơn là viết 5000 chữ rồi bỏ hẳn một tuần. Gửi một email kết nối mỗi tuần hiệu quả hơn là gửi 20 cái một lúc rồi im luôn.
Kỹ năng mềm cần thiết:
- Execution Planning: Khả năng chuyển đổi ý tưởng mơ hồ thành chuỗi hành động cụ thể
- Agile Mindset: Tư duy linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch dựa trên phản hồi thực tế
- Self-Accountability: Tạo ra hệ thống trách nhiệm với chính mình
Kết
Tự quản lý bản thân không chỉ là một bộ kỹ năng, mà còn là một lối sống toàn diện. Là cách bạn tiếp cận với công việc và cả cuộc sống. Khi bạn thật sự chịu trách nhiệm cho mọi nhu cầu, hành vi, sự phát triển, lời nói, lựa chọn và hành động của chính mình, bạn đang từng bước lấy lại quyền làm chủ cuộc đời.
Hành trình này không hề dễ dàng. Sẽ có lúc bạn ước có ai đó chỉ đường, đặt deadline giúp, hay quyết định thay bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, đi kèm với trách nhiệm lớn là một tự do lớn. Tự do để thiết kế cuộc sống theo cách mà bạn mong muốn.
Đó chính là vẻ đẹp của việc trở thành một người làm việc độc lập hay làm việc từ xa. Bạn không chỉ đang làm việc để kiếm tiền, bạn đang từng bước tạo nên một cuộc sống thực sự thuộc về mình.