Ai cũng nghĩ mình đang tư duy độc lập | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 05, 2025

Ai cũng nghĩ mình đang tư duy độc lập

Nhiều điều trong đời chúng ta cứ tưởng mình đang tự do chọn theo ý muốn, nhưng thật ra chỉ đang đi theo lựa chọn sẵn của người khác. Tư duy "nguy hiểm" nào chúng ta có thể đang mắc phải?
Ai cũng nghĩ mình đang tư duy độc lập

Nguồn: Phuc Lai/Pexels

Tuần trước mình vừa gặp một tình huống khá tế nhị, có thể tóm gọn thế này:

Một bạn senior đã liên tục hỗ trợ một dạng công việc cho một bạn junior. Quan sát thấy điều này lặp đi lặp lại suốt nhiều tuần, ở vị trí quản lý, mình đã gợi ý cả hai bên nên dừng lại một chút, nhìn lại để đánh giá vấn đề và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn:

  • Vì sao bạn senior không chia sẻ cách tư duy đằng sau các quyết định của mình?
  • Vì sao bạn junior chỉ hỏi giải pháp, mà không chủ động tìm hiểu cách nghĩ?

Lúc đó mình nhận lại phản ứng khá căng thẳng từ người được hỗ trợ, với lập luận: mỗi trường hợp mỗi khác, không giống nhau được.

Giây phút đó, mình nhận ra không nên đôi co nữa, vì đằng sau câu nói ấy là một tư duy mà với mình là cực kỳ nguy hiểm:

Tư duy dựa trên câu trả lời, thay vì tìm ra nguyên lý phổ quát.

alt
Nguồn: @hoangthoughts

Hai cách học từ người khác

Cách 1: Học từng câu trả lời

Khi gặp vấn đề, bạn đi hỏi người khác và ghi nhớ cách xử lý. Mỗi khi gặp tình huống mới, bạn lại cần một hướng dẫn mới.

Điều này giống như khi bạn đi học mà chỉ chờ bạn bên cạnh cho đáp án. Bạn làm đúng hết, miễn là cả hai cùng một đề kiểm tra.

Cách 2: Học cách tư duy

Bạn không chỉ hỏi cách để làm đúng, mà tò mò: “Anh/chị đã nghĩ gì trước khi chọn cách này?” Bạn tìm ra nguyên lý phía sau, rồi thử áp dụng vào những tình huống khác.

Hướng tiếp cận này cũng giống như khi bạn học cách giải đề luyện thi, để dù đề có thay đổi, bạn vẫn bình tĩnh xử lý.

Hai cách học này tạo ra hai kiểu người rất khác nhau:

  • Một người luôn cần người khác ở mỗi ngã rẽ.
  • Một người đủ nền tảng để tự tìm đường đi tiếp.

Cách đầu tiên cho bạn sự yên tâm tạm thời. Cách thứ hai cho bạn sự chủ động dài lâu.

Bạn có thể tự do về thể chất, nhưng về tinh thần lại không tự do như bạn nghĩ. Khi chưa có tư duy độc lập, bạn sẽ luôn cần người khác để thay mình ra quyết định.

Gặp người có vẻ hiểu biết hơn, bạn dễ đi theo hướng họ chọn.

Thấy cả team nghĩ một kiểu, bạn mặc định: “Chắc là đúng.”

Trend xuất hiện khắp nơi, bạn không hỏi “Nó có phù hợp với mình không”, mà chỉ hỏi “Làm sao để theo kịp?”

Bạn tưởng mình đang được tự do lựa chọn, nhưng thật ra chỉ đang đi theo lựa chọn sẵn của người khác.

alt
Nguồn: Pexels

Chúng ta không “tự do suy nghĩ” như ta tưởng

Có ít nhất 4 hiệu ứng tâm lý khiến bạn tưởng rằng mình đang chủ động, trong khi thực tế đang bị dẫn dắt:

  • Bandwagon Effect (Hiệu ứng đám đông): Bạn dễ tin vào điều gì đó chỉ vì nhiều người khác cũng đang tin. Số đông trở thành lý do, thay vì sự thật.
  • Priming Effect (Hiệu ứng khởi động nhận thức): Thông tin đầu tiên bạn tiếp nhận sẽ âm thầm dẫn hướng cho cách bạn suy nghĩ và diễn giải mọi thứ sau đó, kể cả khi bạn không nhận ra.
  • Availability Bias (Thiên kiến hiện diện): Thứ gì dễ nhớ, dễ thấy, thường được bạn gán cho là quan trọng hoặc đúng, dù thực tế không hề như vậy. Cảm giác quen thuộc đánh lừa độ tin cậy.
  • Emotional Reasoning (Ngụy biện cảm xúc): Bạn thấy điều gì đó có vẻ đúng chỉ vì… bạn đang cảm thấy như vậy. Cảm xúc được dùng làm bằng chứng, dù lý trí thì chưa kiểm chứng gì cả.

Nếu bạn không chủ động xây dựng bộ lọc tư duy cho riêng mình, bạn sẽ sống bằng hệ quy chiếu nhận thức của người khác: từ đám đông, truyền thông, hoặc cả những người bạn tin tưởng.

Tự do thật sự bắt đầu từ khả năng tự đúc kết. Tư duy độc lập không có nghĩa là nghĩ khác người, hay luôn phản biện.

Nó là việc bạn giữ được khả năng:

  • Tự hỏi: “Đối phương đang cân nhắc điều gì khi đưa ra quyết định này?”
  • Tự kiểm chứng: “Lý do phía sau lựa chọn đó là gì, và mình có đồng ý với cách đánh giá đó không?”
  • Tự chiêm nghiệm: “Nếu mình là người ra quyết định, mình sẽ nghĩ theo hướng nào và vì sao?”

Nếu bạn đang ở giai đoạn học nghề, đừng chỉ học giải pháp. Hãy hỏi thêm một câu: “Anh/chị nghĩ thế nào trước khi chọn cách làm này?”

Đó là cách bạn học mô hình tư duy, chứ không phải chỉ lặp lại cách họ làm.

Thực hành cách học tư duy từ người khác

Lần tới khi bạn nhận được một hướng dẫn, một lời khuyên, hay một quyết định từ người khác, hãy thử làm 3 bước sau:

Bước 1: Đừng vội ghi lại câu trả lời.

Thay vào đó, hãy tự hỏi:

  • “Người này đang ưu tiên điều gì khi chọn cách này?”
  • “Họ đang đánh đổi điều gì để đạt được kết quả đó?”
  • “Nếu mình ở vị trí đó, mình có chọn giống vậy không? Vì sao?”

Bước 2: Sau khi hiểu cách họ nghĩ, hãy viết lại theo ngôn ngữ của chính bạn.

Mục tiêu không phải là chép lại đầy đủ, mà là biến nó thành một phần trong cách bạn suy nghĩ.

Bước 3: Tự phản biện nhẹ.

Nếu mình ở vị trí đó, mình có nghĩ giống vậy không? Vì sao?

Quan trọng nhất là tập làm rõ tư duy đằng sau quyết định của người khác, thay vì chỉ ghi lại câu trả lời họ đưa cho bạn.

Đừng chỉ sao chép những gì họ làm. Hãy đào sâu vào cách họ nghĩ.