Một trong những câu hỏi mình nhận được nhiều nhất đó là: “Làm sao để biết mình chọn đúng?”
Nếu trả lời ngắn gọn, thì Hoàng không biết, và cũng tin không có ai dám nói rằng họ thật sự biết.
Còn câu trả lời dài hơn là bài viết này.
Điều tốt nhất bạn có thể làm bây giờ
Bạn sẽ không bao giờ chắc chắn lựa chọn của mình là đúng cho tới khi bạn nhìn lại nó… vài năm sau.
Thế nên điều tốt nhất bạn có thể làm bây giờ là giảm xác suất chọn sai. Và thứ giúp bạn làm được điều đó không phải là học giỏi hơn, đọc nhiều sách hơn, hay có được nhiều lời khuyên từ người khác hơn. Mà đó là hiểu mình đang làm cái quái gì ở những thời điểm đưa ra lựa chọn.
Nói cách khác đó là nâng cao khả năng tự nhận thức.
- Bạn chọn sai ngành học, là vì ba mẹ bảo thế?
- Bạn nhảy việc liên tục, là vì mỗi lần ghét ai là không thở nổi chung bầu không khí?
- Bạn nói mình ổn, nhưng bên trong thì nước mắt biển rộng, là vì muốn tỏ ra mạnh mẽ?
Thiếu tự nhận thức, bạn sống mà như không sống. Đúng hơn là không sống như một sinh vật có khả năng tự nhìn lại chính mình. Bạn chỉ phản ứng theo bản năng, như con vật bị thương thì cắn trả.
Tự nhận thức không đảm bảo bạn luôn chọn đúng. Nhưng nó giúp bạn bớt sai đi vì không lặp lại cùng một lỗi với cùng một lý do trong quá khứ.

Tự nhận thức là gì?
Với mình, tự nhận thức là khả năng nhìn bản thân một cách rõ ràng, để hiểu mình là ai, người khác nhìn mình như thế nào, và làm thế nào để có thể hòa hợp với thế giới.
Và như mọi bài viết của hoangthoughts, mình sẽ tách nhỏ định nghĩa ra để giải thích cho bạn:
- Nhìn bản thân: sự quan sát có chủ đích, quan sát bản thể cá nhân một cách khách quan
- Hiểu mình là ai: thu thập thông tin ở bên ngoài, cảm xúc - suy nghĩ ở bên trong, để hiểu mình
- Người khác nhìn mình: hiểu các mối quan hệ giữa mình và người khác
- Hòa hợp với thế giới: hoà hợp giữa "mình là ai" và "người khác nhìn mình thế nào" qua 4 cấp độ thế giới: tôi phải sống, tôi chọn sống, tôi thay đổi, tôi tạo thành.
Định nghĩa này mình đã có một buổi chia sẻ chi tiết với MindYourMind, bản tóm tắt và ghi hình có ở trong cộng đồng này. Còn bài viết này, mình nói rộng ra hơn thế.
Tự nhận thức có hai loại: Một loại ai cũng thấy, một loại chỉ mình bạn biết.
1. Tự nhận thức công khai (Public Self-Awareness)
Là khi bạn ý thức được ánh nhìn của người khác.
Bạn thuyết trình, bạn run. Bạn kể chuyện, họ không cười như bạn nghĩ. Bạn viết một status, rồi xoá ngay vì sợ người ta nghĩ mình “ngáo”.
Public self-awareness giúp bạn biết điều chỉnh hành vi để phù hợp với môi trường. Cảm giác này có thể giúp bạn hành xử chuẩn mực hơn, biết lùi biết tiến. Nhưng nếu để nó kiểm soát quá đà, bạn sẽ mắc kẹt trong lo lắng: sợ bị đánh giá, sợ sai, sợ không đủ hay.
Và dần dần, bạn sống như thể lúc nào cũng đang diễn.
Lưu ý nhỏ: Sống mà lúc nào cũng “đóng vai” dễ khiến bạn mệt mỏi. Nhưng không có cái gương xã hội này, bạn cũng khó chỉnh lại bản thân mình.
2. Tự nhận thức riêng tư (Private Self-Awareness)
Là lúc bạn một mình, không ai nhìn, không cần phải tỏ ra gì cả. Chỉ còn lại một câu hỏi thành thật: “Mình đang cảm thấy gì vậy?”
Là khoảnh khắc bạn thấy lòng mình se lại khi ai đó seen tin nhắn. Là lúc bạn nghe ai đó được khen và một tiếng nói nhỏ trong đầu vang lên: “Còn mình thì sao?”
Là khi bạn thốt ra câu: Đời mình chưa từng đủ may mắn để thành công nhanh, cũng không đủ xui xẻo để bỏ cuộc sớm, thật éo le.
Đây là dạng tự nhận thức sâu nhất và là nền móng để bạn hiểu mình hơn qua từng lựa chọn.
Bạn không thể điều chỉnh điều gì mà mình không nhìn thấy. Và nếu không có khoảnh khắc thành thật với bản thân, bạn sẽ cứ chạy mà không biết mình đang chạy đi đâu.
Công cụ luyện tập: viết nhật ký (cứ nghĩ gì viết đó, đừng trau chuốt câu cú, chính tả), thiền, hoặc chỉ cần ngồi yên 5 phút mỗi ngày để “quét não”.
Hai tầng thời gian của tự nhận thức
Tự nhận thức có hai tầng thời gian: Ngắn hạn là để không phản ứng "ngu", dài hạn để không sống lệch.
1. Ngắn hạn (Short-term Awareness)
Là khả năng nhận diện cảm xúc ngay khi nó vừa xuất hiện.
Giả dụ như khi có ai đó góp ý làm bạn thấy khó chịu, thay vì bật lại ngay, bạn dừng lại và tự hỏi: “Mình đang cảm thấy gì?”, “Điều gì khiến mình bị kích động?”
Ở đây, có một mẹo rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả: Đổi câu hỏi từ “WHY” sang “WHAT”. Thay vì “Sao sếp lại nói mình như vậy?” thì đổi thành “Cụ thể mình làm chỗ nào chưa ổn? Mình có thể sửa thế nào?”
WHY dễ kéo bạn vào đổ lỗi, bào chữa. WHAT giúp bạn hành động tốt hơn từ điểm đứng hiện tại.
2. Dài hạn (Long-term Awareness)
Là khả năng nhìn thấy mô thức sống, niềm tin, động cơ sâu bên trong.
Bạn chọn một công việc ổn định vì nó hợp, hay vì bạn sợ thất bại? Bạn luôn cố gắng làm hài lòng người khác vì bạn tử tế, hay vì bạn sợ bị bỏ lại?
Nếu không nhìn ra những thứ này, bạn sẽ sống theo chế độ cài đặt tự động (default mode). Tức là cứ làm, cứ sống, cứ chọn mà không biết vì sao.
Để luyện tầng này, bạn cần tích lũy dữ liệu từ tầng nhận thức ngắn hạn. Ghi lại cảm xúc, quan sát phản ứng, nghe phản hồi. Bạn càng làm thường xuyên, dữ liệu về bạn càng dày, bạn càng hiểu rõ bản thân hơn.

Suy nghĩ cuối
Tự nhận thức không làm bạn hơn người khác. Nó giúp bạn ít làm trái với chính mình.
Giống như trước đây mình từng viết: Bạn không cần trải nghiệm mọi nỗi đau để trưởng thành. Bạn chỉ cần hiểu mình đang sống như thế nào, để biết điều gì đáng giữ, điều gì nên buông.
Tự nhận thức không giúp bạn đi nhanh hơn, nhưng nó giúp bạn ít phải quay đầu. Và như vậy là đã tiết kiệm được khối thời gian sống rồi.
Đi sai 5 năm, quay đầu lại, còn hơn tiếp tục 5 năm nữa mà không biết về đâu.