Logomania - Không khoe sao biết ai giàu?  | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 10, 2021

Logomania - Không khoe sao biết ai giàu? 

Khi Versace và Fendi kết hợp để tạo ra logo Fendace , công chúng vẫn nhận ra từng thương hiệu một. Tất cả là nhờ vào quyền năng của logomania. 
Logomania - Không khoe sao biết ai giàu? 

Sự yêu thích logo trên các sản phẩm thời trang chưa bao giờ hạ nhiết | Nguồn: Fendace

1. Logomania là gì?

Theo từ điển Merriam – Webster, logomania có nghĩa là nói nhiều một cách bất thường (abnormal talkativeness). Ngoài ra, logomania còn có một nghĩa khác, chỉ sự đam mê sở hữu những món đồ đính đầy logo của các thương hiệu cao cấp.

Thông thường, tên thương hiệu và logo sẽ nằm trong tag áo, nhưng với logomania thì logo sẽ được in to, rõ, và chằng chịt trên quần áo và phụ kiện của thương hiệu. Dưới đây là một vài ví dụ:

titlelogomania logomania
Bộ trang phục với họa tiết là chữ CHANEL trong "Coco Neige" 2021 - bộ sưu tập được thiết kế dành cho các môn thể thao mùa đông | Nguồn: Kstyle
Các thương hiệu thời trang cao cấp rất chuộng việc đưa logo xuất hiện dày đặc trên sản phẩm | Nguồn: Popsugar

Không đơn thuần là đính logo lên trang phục, logomania ra đời với sự tính toán kỹ lưỡng để có thể “đóng đinh” hình ảnh thương hiệu trong lòng người dùng. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, logomania vẫn giữ vị thế nhất định trong ngành công nghiệp thời trang và đang có sự quay lại ngoạn mục trong năm 2021.

2. Nguồn gốc của logomania trong thời trang?

Logomania được các thương hiệu thời trang sử dụng khá sớm trên các sản phẩm. Tuy vậy, vào thời điểm ra mắt, các logo này chưa thật sự được khách hàng quá để tâm.

Năm 1892, Georges Vuitton đã phủ đầy logo hai chữ LV lồng vào nhau trên túi xách, vali, rương của hãng để tránh hàng giả và tạo dấu ấn. Sau LV, năm 1925, Coco Chanel cũng đặt để không ít logo hai chữ C lên các thiết kế thời trang của bà.

titlelogomania logomania
Những sản phẩm của Louis Vuitton luôn được "phủ đầy" bởi logo và họa tiết monogram đặc trưng | Nguồn: Louis Vuitton

Vậy vì lý do gì mà logomania trở nên nổi tiếng? Theo cây bút mảng giải trí của tờ New York Times, David Marchese, chính ngành công nghiệp âm nhạc, đặc biệt là hip-hop thập niên 1980s và đầu thập niên 1990s, đã tạo nên làn sóng logomania.

3. Sự thăng trầm của logomania

Vào thập niên 1980, người tiên phong mở đường cho phong cách logomania lúc bấy giờ là nhà thiết kế đường phố Dapper Dan. Ông nổi tiếng là người mang thời trang cao cấp vào giới hip-hop.

Dapper Dan được xem là một trong những người đầu tiên nhìn thấy sức mạnh của các logo thương hiệu| Nguồn: Dazed

Dan bắt đầu cắt, lồng ghép các logo cao cấp từ Fendi, Gucci, Louis Vuitton và sáng tạo nên những trang phục đường phố ấn tượng. Các thiết kế của Dan ngày càng lan rộng, ngôi sao nhạc rap đều biết đến và mặc qua trang phục của ông.

Đến thập niên 1990s, logomania rất thịnh hành tại Mỹ và được xem là sự phản ánh giai đoạn bùng nổ kinh tế, dư thừa tài sản thời bấy giờ. Logomania thì chính thức trở thành một phong cách thẩm mỹ.

Tại Châu Á, logomania rất có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc. Vào những năm 1980, cuộc cách mạng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu và nhiều người giàu có xuất hiện. Những người này thể hiện sự giàu có và địa vị thông qua các mặt hàng có nhãn hiệu, logo từ các nhà mốt phương Tây như Christian Dior, Hermes và Louis Vuitton.

Trải qua nhiều biến động, xu hướng logomania vẫn giữ vị thế của mình trong ngành thời trang | Nguồn: ELLE

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, người giàu không còn muốn phô trương địa vị của mình, logomania vì vậy cũng dần thất thế. Mãi đến thập niên 2010s, khi “làn sóng” ưa chuộng phong cách retro xuất hiện thì logomania mới quay lại các sàn diễn.

Đến năm 2021, trên sàn runway thu đông của Gucci, Givenchy, Dior, Versace, Balmain, xu hướng logomania hậu hiện đại tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên “đấu trường thời trang.”

Logomania giờ đây không chỉ là câu chuyện của riêng một thương hiệu mà còn tung hoành trong các màn kết hợp, thể hiện qua BST Aria giữa Gucci và Balenciaga. Hay mới nhất, Versace “bắt tay” với Fendi cho ra đời BST Fendace.

Logomania xuất hiện trong BST mới nhất Xuân/Hè 2022 của CHANEL cho thấy xu hướng này chưa bao giờ lỗi thời | Nguồn: Vogue

4. Cách dùng Logomania như thế nào?

Tiếng Anh

A: What do you expect from the Fall/Winter 2021 runways?

B: I hope to see improvements in the logomania outfits!

Tiếng Việt

A: Bà đang “hóng” điều gì từ bộ sưu tập thời trang Thu - Đông năm nay?

B: Tôi mong chờ sự cải tiến trong cách đặt logo của các thương hiệu nổi tiếng.