Từ hoài nghi ban đầu đến chiến lược quốc gia: Blockchain còn đi thêm bao xa? | Vietcetera
Billboard banner
2 giờ trước

Từ hoài nghi ban đầu đến chiến lược quốc gia: Blockchain còn đi thêm bao xa?

“Blockchain đang tiến rất gần tới ngưỡng mà người dùng phổ thông có thể sử dụng hàng ngày mà không cần biết đó là blockchain.” - Chia sẻ từ anh Lê Thanh, founder Ninety Eight 
Từ hoài nghi ban đầu đến chiến lược quốc gia: Blockchain còn đi thêm bao xa?

Lê Thanh, Founder Ninety Eight | Nguồn: Ninety Eight

Năm 1876, khi Alexander Graham Bell đem tới chiếc điện thoại đầu tiên, Chủ tịch Western Union – công ty điện tín hàng đầu lúc bấy giờ tuyên bố: “Thiết bị này chẳng khác gì một món đồ chơi và có quá nhiều nhược điểm để có thể được xem như một công cụ liên lạc nghiêm túc.”

Năm 1996, trong những ngày đầu của Internet, tờ Newsweek đã chia sẻ quan điểm: “Sự thật là không có cơ sở dữ liệu trực tuyến nào có thể thay thế tờ báo hàng ngày của bạn, và không có mạng máy tính nào có thể thay đổi cách thức hoạt động của chính phủ.”

Năm 2006, khi Amazon giới thiệu dịch vụ điện toán đám mây, nhiều doanh nghiệp IT truyền thống e dè: “Liệu có nên trao dữ liệu cho một đơn vị từng nổi tiếng vì… bán sách?”

Có thể thấy rất nhiều công nghệ không được chào đón khi sinh ra, nhưng lại âm thầm thay đổi thói quen của chúng ta chỉ sau vài năm. Blockchain cũng có một câu chuyện tương tự. Nhưng giữa lúc công nghệ này bị phủ bóng bởi sự hoài nghi, có một nhóm nhỏ những người trẻ ở Việt Nam vẫn chọn đi trên con đường này.

Được thành lập từ năm 2017, khi làn sóng blockchain còn mới, đến nay nhóm nhỏ khởi nghiệp ngày nào đã phát triển thành công ty Ninety Eight sở hữu hệ sinh thái blockchain đáp ứng hầu hết nhu cầu của người dùng, nhà lập trình.

Với hơn 8 triệu người dùng tại 170 quốc gia và Quỹ hệ sinh thái (Ecosystem Fund) trị giá 25 triệu USD, Ninety Eight đang hiện thực hóa tầm nhìn “đưa người châu Á dẫn đầu làn sóng công nghệ mới”. Những con số thành tựu đó dĩ nhiên không đến một cách dễ dàng. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của anh Lê Thanh, nhà sáng lập Ninety Eight, để nhìn lại hành trình 8 năm theo đuổi blockchain – một hành trình của niềm tin đi qua thử thách.

alt
Nguồn: Ninety Eight

Từ 2017 đến nay, theo anh góc nhìn và thái độ của mọi người đối với blockchain đã thay đổi như thế nào?

Trước đây, blockchain thường bị gắn với những dự án tài chính thiếu minh bạch, hoặc các đợt ICO, crypto mang tính đầu cơ. Nó bị xem là thứ gì đó rủi ro, mang nặng yếu tố tài chính hơn là một giải pháp công nghệ nền tảng như AI, big data hay robotics.

Nhưng theo thời gian, khi các ứng dụng của blockchain dần đi vào đời sống phục vụ nhu cầu thật: từ tài chính phi tập trung (DeFi), chuỗi cung ứng (supply chain) đến nhận dạng số (digital identity), chứng thực văn bản và nhiều ứng dụng trong giải trí, giáo dục... Việc được hưởng lợi từ công nghệ đã khiến góc nhìn người dùng dần thay đổi.

Ở tầm quốc gia, chính phủ Singapore đã triển khai OpenCerts để xác thực bằng cấp. Ở Hàn Quốc, blockchain được dùng để xác minh danh tính mà không cần lưu trữ dữ liệu tập trung, bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư người dân. Tại Việt Nam, tháng 10/2024, Phó Thủ tướng vừa ký ban hành quyết định Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Sự công nhận ở tầm quốc gia như vậy mang lại nhiều hy vọng và niềm tin cho những người đang xây dựng startup như anh. Quá trình này cũng cho anh một bài học quan trọng: với nguồn lực có hạn, thay vì cố thay đổi định kiến, tốt hơn hết là tập trung làm ra những sản phẩm thực sự hữu ích, tiện lợi, dễ tiếp cận. Vì cuối cùng, người dùng sẽ lựa chọn thứ gì giúp cuộc sống của họ tốt hơn.

alt
Nguồn: Ninety Eight

Khi giá trị sản phẩm được nhìn thấy rõ ràng, sự công nhận và tôn trọng sẽ đến một cách tự nhiên. Nếu mỗi người trong ngành đều làm việc đó thật tốt, thì cộng lại, ta sẽ có một ngành công nghiệp theo thời gian được nhìn nhận đúng như những gì nó xứng đáng.

Tại sao ở thời điểm khởi đầu đó anh lại nhìn ra trong nguy có cơ và quyết định khởi nghiệp với blockchain?

Là dân kỹ thuật học ngành hệ thống nhúng, anh vốn quen với việc nghiên cứu và xây dựng sản phẩm từ thời sinh viên. Sau khi ra trường, anh tiếp tục đi theo con đường khởi nghiệp công nghệ. Khi biết đến blockchain qua bạn bè, ban đầu anh cũng chỉ nghĩ đến cơ hội đầu tư như bao người.

Nhưng càng tìm hiểu, anh càng bị thu hút bởi nền tảng công nghệ phía sau. Blockchain mang theo một triết lý vận hành rất mới: giải quyết bài toán minh bạch, phân quyền và tin tưởng lẫn nhau mà không cần bên thứ ba – những điều mà các hệ thống truyền thống vẫn còn gặp khó. Anh tin đó là một bước tiến phù hợp với tương lai.

Năm 2017, blockchain ở Việt Nam còn là một khái niệm mơ hồ, ít ai thực sự xây sản phẩm nghiêm túc. Nhưng với anh, càng “chưa có ai làm” lại càng là cơ hội. Nếu mình xây đúng từ đầu, mình có thể đi đường dài với nó. Blockchain đã có cơ sở lý thuyết vững. Nhưng quan trọng là lý thuyết đó có được hiện thực hóa thành sản phẩm thật, dùng được thật không.

Dĩ nhiên ở thời điểm ban đầu, blockchain vẫn còn chưa “mượt”. Nhưng anh tin là theo thời gian thì những vấn đề đó sẽ được giải quyết. Và thực tế đúng như vậy, giờ đây đã có những nền tảng như Aptos hay Sui với tốc độ xử lý cao, phí giao dịch gần như bằng 0. Mấy cái đó hồi 2017 mình chưa thể tưởng tượng được.

Sản phẩm của Ninety Eight cũng đi lên dần dần như vậy. Ban đầu, ví điện tử chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu lưu trữ. Nhưng sau đó, bọn anh bắt đầu tích hợp thêm các tính năng tiện ích hơn: người dùng có thể trao đổi token, tham gia trò chơi trong không gian blockchain, hay kết nối với dApp (ứng dụng phi tập trung). Mục tiêu là biến chiếc ví thành công cụ đa năng, giúp người dùng phổ thông tiếp cận blockchain một cách dễ dàng và an toàn hơn.

Blockchain vốn có tính bảo mật cao và giúp người dùng làm chủ dữ liệu. Nhưng tại sao mọi người lại khó tin?

Anh nghĩ điều đó xuất phát từ sự thiếu hụt kiến thức và định kiến. Còn những ai thực sự tìm hiểu sẽ thấy blockchain cũng như bất kỳ công nghệ nào khác: có điểm mạnh, có hạn chế, có ngành cần, có ngành không, có ứng dụng phù hợp, có ứng dụng không phù hợp. Chứ nó không phải lời giải cho mọi bài toán.

Thực tế, blockchain giờ đã là công nghệ hiện hữu trong đời sống. Theo báo cáo của Bitwise, trong năm 2023, Visa xử lý khoảng 13 nghìn tỷ đô la giao dịch, trong khi stablecoin đạt 7 nghìn tỷ đô. Thế nhưng chỉ một năm sau, khối lượng giao dịch stablecoin đã tăng gấp đôi, đạt gần 14 nghìn tỷ đô – vượt cả Visa.

alt
Nguồn: Bitwise

Những người ngoài ngành có thể không để ý, nhưng các “ông lớn” như Visa, Mastercard, BlackRock, PayPal… đều đã hành động bằng việc phát hành stablecoin riêng hoặc đầu tư mạnh vào hạ tầng blockchain. Vì sao? Vì họ tin đây là nền tảng của tương lai tài chính.

Blockchain đang tiến rất gần tới ngưỡng mà người dùng phổ thông có thể sử dụng hàng ngày mà không cần biết đó là blockchain. Và ngày mà công nghệ này trở thành điều hiển nhiên, thay vì thứ còn bị nghi ngờ hay đem ra bàn tán có lẽ cũng không còn quá xa.

So với doanh nghiệp toàn cầu, Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua blockchain?

Blockchain là một trong số ít ngành công nghệ mà Việt Nam có cơ hội thực sự cạnh tranh với thế giới. Bởi nhiều lĩnh vực công nghệ cao khác như hạ tầng IT, AI hay data center thường đòi hỏi vốn đầu tư khổng lồ, vượt quá khả năng của phần lớn doanh nghiệp đến từ các nước đang phát triển.

CEO của Google dự kiến đầu tư 75 tỷ USD (~ 1,9 triệu tỷ đồng) cho AI trong năm 2025. Amazon thậm chí còn mạnh tay hơn khi tuyên bố sẽ chi hơn 100 tỷ USD (~ 2,5 triệu tỷ đồng) trong năm nay, chủ yếu vào trung tâm dữ liệu và máy chủ phục vụ Amazon Web Services (AWS).

Nhưng blockchain thì khác. Chi phí khởi tạo thấp hơn nhiều, trong khi thị trường vẫn rộng mở toàn cầu. Khi phát triển sản phẩm blockchain, anh không chỉ nhắm đến 100 triệu người dùng Việt Nam, mà hướng tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng tiềm năng trên thế giới.

alt
Nguồn: Ninety Eight

Từ tư duy thiết kế sản phẩm, chiến lược tiếp thị cho đến cách xây dựng cộng đồng – tất cả đều được đặt trong bối cảnh quốc tế. Việt Nam cũng đang sẵn có một lực lượng developer rất tiềm năng đáp ứng chuyện đó: giỏi toán, giỏi lập trình, khả năng tiếng Anh ngày càng cải thiện, và đặc biệt là có tinh thần tự học, chịu khó cập nhật công nghệ mới.

Tuy nhiên, cơ hội cũng luôn đi kèm thách thức. Vì đây là một sân chơi toàn cầu, nên sản phẩm của bạn sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các đội đến từ Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, châu Âu… Cùng một ý tưởng, có thể có 10 đội khác đang phát triển cùng lúc. Một khi đã chọn bước ra thị trường quốc tế, thì không thể làm nửa vời.

Để hiện thực hóa tầm nhìn như anh vừa chia sẻ, không thể thiếu một đội ngũ chung chí hướng. Vậy tiêu chí chọn người của anh là?

  • Sáng tạo: Ngành blockchain là một trong những ngành phát triển nhanh nhất hiện nay, nhưng cũng chính vì vậy mà chưa ai thực sự định hình được “công thức thành công”. Làm trong lĩnh vực này nghĩa là mỗi ngày đều phải nghĩ ra cái mới từ sản phẩm, cách làm kinh doanh đến chiến lược tiếp cận người dùng.
  • Chính trực: Vì ngành này có liên quan đến tài chính nên rất dễ sinh ra cám dỗ. Mình cần những người kiên định với giá trị đạo đức của bản thân.
  • Ham học chăm làm: Mỗi ngày trôi qua là một sự thay đổi – có thể là công nghệ mới, mô hình mới, hoặc một insight mới từ cộng đồng người dùng. Bắt buộc mình phải tự học thêm mỗi ngày để bắt kịp với nhịp độ phát triển.

Anh có 3 tiêu chí như vậy. Nhiều người sẽ hay hỏi thêm: “Thế giữa người Việt, Việt kiều với người nước ngoài anh có ưu tiên nhóm đối tượng nào hơn không?” Anh nghĩ đơn giản lắm: Cứ làm được việc là được. Và quan trọng là giá trị cá nhân của họ phải phù hợp với văn hóa đội ngũ của Ninety Eight, cũng như có khát khao tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội.

Còn sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt trong ngành này gần như không còn rõ ràng. Như đội ngũ Ninety Eight hiện tại làm việc với rất nhiều đối tác, bạn bè quốc tế – và ở chiều ngược lại, nhiều bạn developer người Việt cũng đang làm việc trong các công ty nước ngoài.

alt
Một buổi chia sẻ giữa các bạn sinh viên thuộc top 10% đang theo học Master tại trường ĐH Regensburg và đội ngũ Ninety Eight.

Blockchain mới với tất cả mọi người. Nên đến với ngành này cái quan trọng nhất là ý tưởng, năng lực và sự nỗ lực cá nhân mà những thứ đó thì không phân biệt bạn đến từ đâu.

Nếu có một người mới đang tò mò về blockchain, họ có thể bắt đầu từ đâu?

Anh nghĩ bắt đầu từ một hành động rất nhỏ thôi… hỏi ChatGPT! (cười)

Thật ra bây giờ, chuyện tiếp cận tri thức dễ hơn rất nhiều so với trước đây. Hồi trước mình phải Google đủ thứ, giờ thì chỉ cần gõ một câu hỏi: “Blockchain là gì?” là đã có hàng loạt thông tin được hệ thống hóa trả về rồi. Và hay ở chỗ là ChatGPT như một “người thông thái ảo” nó có thể đưa ra cả ưu điểm, nhược điểm, cơ hội và rủi ro, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn.

Chỉ cần một chút tò mò, một sự thôi thúc muốn hiểu rõ ngành này hơn là đã có thể bắt đầu.