*Bài viết sẽ tiết lộ nội dung của bộ phim.
Vây hãm trên không là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Kim Sung Han. Phim dựa trên sự kiện có thật từ vụ cướp máy bay gây chấn động Hàn Quốc vào ngày 23-1-1971. Một chuyến bay chở khách khởi hành từ Sokcho đến Gimpo bị một thanh niên cầm lựu đạn khống chế. Cuối cùng, máy bay rơi xuống bãi biển hoang vắng ở Sokcho, gây ra những thiệt hại đau lòng.
Vây hãm trên không đánh dấu sự kết hợp của “sao trẻ” Yeo Jin Goo - người từng góp mặt trong nhiều phim truyền hình nổi tiếng như Mặt trăng ôm mặt trời (2013), Khách sạn ánh trăng (2019)… và tài tử gạo cội Ha Jung Woo, quen mặt với khán giả nhờ các dự án The Chaser (2008), A long with the Gods (2017, 2018)…
Hiện tại, bộ phim hiện đang được chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Tình người cao cả giữa hoàn cảnh nghiệt ngã
Vây hãm trên không mở đầu bằng hình ảnh chàng phi công tốt bụng Tae In (Ha Jung Woo) mắc sai lầm vì dung túng cho đồng đội. Đây là sự kiện giáng mạnh vào con đường sự nghiệp vốn đã lắm thăng trầm của anh. Từ đó về sau, anh không có cơ hội được đích thân hạ cánh một chuyến bay nào.
Định mệnh trớ trêu khiến Tae In trở thành cơ phó trong chuyến bay chở khách mang số hiệu KAL 006 của Korean Airlines từ sân bay Sokcho đến sân bay Gimpo vào mùa đông năm 1971.
Một thanh niên có vẻ ngoài bất cần tên Yong Dae (Yeo Jin Goo) đe doạ các hành khách nếu máy bay không chuyển hướng. Sau khi cơ trưởng bị thương một mắt, chỉ còn mình Tae In buộc phải đối đầu với hắn để đưa máy bay đến nơi an toàn.
Đúng như tựa đề, Vây hãm trên không đặt nhân vật chính Tae In vào hoàn cảnh ngặt nghèo, khiến anh phải đưa ra những quyết định khó khăn có ảnh hưởng tới tính mạng của toàn bộ thành viên có mặt. Sau sai lầm trong quá khứ, lần này, Tae In đã có sự trưởng thành hơn khi đưa ra các lựa chọn.
Anh quyết định mọi thứ dựa trên lý trí thay vì con tim, dù nhiều thời điểm phải đứng trên bờ vực sinh tử. Tae In là nhân vật được xây dựng theo chủ nghĩa anh hùng thường thấy. Anh yêu nước, thương đồng loại và sẵn sàng hy sinh bản thân mình để giúp đỡ người khác.
Nhưng Tae In khiến ta có thiện cảm hơn nhiều so với các hình mẫu anh hùng khác vì anh lớn lên, học hỏi và thay đổi từ những sai lầm. Anh không mù quáng chạy theo một lý tưởng cao cả nào đó, mà mọi hành động của anh chỉ đơn giản xuất phát từ bản năng nhân văn bên trong.
Mọi hành khách, nhân viên trên chuyến bay đều đồng hành giúp đỡ lẫn nhau, và chính sự đoàn kết không vụ lợi ấy đã giúp sự kiện tránh rơi vào cái kết bi thảm.
Bi kịch cất lên từ quá khứ
Nhân vật phản diện đối đầu với Tae In là Yong Dae có một tuổi thơ bi kịch. Anh sinh ra trong gia đình nghèo khó, không hạnh phúc, lúc nào cũng bị xem thường, cô lập ở trường học.
Anh là đại diện tiêu biểu cho những con người cùng cực, bị đẩy vào bước đường cùng trong xã hội Hàn Quốc vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, khi đất nước này sắp bước vào thời kỳ đổi mới và bùng nổ kinh tế. Người tốt, kẻ xấu, người giàu, kẻ nghèo được phân hoá rõ rệt.
Lựa chọn của Young Dae dù tiêu cực nhưng lại là đại diện tiêu biểu của một bộ phận người muốn trốn chạy khỏi cuộc sống hiện tại, khao khát tìm cho mình một môi trường mới, một cuộc đời mới.
Nếu Tae In được đạo diễn Kim Sung Han xây dựng là chàng phi công dũng cảm, luôn tin tưởng mọi người xung quanh, thì Young Dae lại ngờ vực mọi điều về thế giới mình đang sống. Anh thực chất luôn cô độc, nhiều tổn thương, hoang mang về chính bản thân mình, đến mức anh sẵn sàng bất chấp tính mạng làm những điều điên rồ.
Đề tài sinh tồn trên không vốn quen thuộc ở Hollywood, qua những tác phẩm như Con Air hay United 93… Tuy nhiên, vẫn phải dành lời khen ngợi cho đạo diễn Kim Sung Han vì đã giúp các nhân vật có chiều sâu tâm lý rõ ràng, đồng thời vẽ ra câu chuyện quá khứ và đan xen chúng hợp lý xuyên suốt mạch phim.
Tae In anh hùng nhưng không hoàn hảo. Anh cũng mắc sai lầm trong công việc, nặng gánh gia đình và luôn bị ám ảnh bởi những quyết định cảm xúc từ quá khứ. Trong khi Young Dae độc ác nhưng cũng đáng thương, khiến ta bỗng liên tưởng phần nào tới nhân vật Chí Phèo với câu nói nổi tiếng: “Ai cho tao lương thiện?”.
Điểm sáng trong những cảnh hành động
Vây hãm trên không được đầu tư về phần nhìn, đặc biệt là những cảnh hành động mãn nhãn dù chỉ diễn ra trong bối cảnh chật hẹp của một chiếc máy bay.
Trả lời truyền thông, đạo diễn Kim Sung Han cho biết: Anh đề cao tính chân thật trong câu chuyện và cố gắng chăm chút từng chi tiết khi tái hiện vụ việc từng gây chấn động lịch sử.
Càng về sau, những cảnh hành động càng mạnh mẽ và gây ra những thiệt hại lớn hơn. Đặc biệt, khi máy bay tiến sát đến không phận Triều Tiên, kẻ phản diện lại càng trở nên hung hăng và bầu không khí càng trở nên nghẹt thở.
Nhìn chung, Vây hãm trên không là dự án đáp ứng cả phần nội dung lẫn diễn xuất, để lại nhiều cảm xúc nghẹn ngào cho đến khi phim kết thúc. Tác phẩm cũng sử dụng một số hình ảnh tư liệu từ vụ việc có thật để giúp khán giả đồng cảm và kết nối nhiều hơn.
Nếu phải chỉ ra một điểm trừ nho nhỏ của bộ phim này, với quan điểm cá nhân người viết, đó có lẽ là cái chết đột ngột của nhân vật chính anh hùng, khi mọi thứ đã xong xuôi và những người thân yêu của anh cuối cùng đã được đoàn tụ.
Nhưng có lẽ chính vì cảm giác tiếc nuối và xót xa như thế, mà Vây hãm trên không mới trở thành tác phẩm xứng đáng để ta ngồi rạp thưởng thức.