Ngày nọ, một tên trùm băng đảng chuyên buôn bán ma tuý khét tiếng của Mexico quyết định sẽ chuyển giới để sống trọn vẹn con người mình. Hắn ta đã bắt cóc một nữ luật sư, đưa ra các lời hứa hẹn, nhằm giúp hắn thực hiện mong muốn. Sau khi chuyển giới, hắn ta làm giả cái chết và sống tiếp dưới thân phận khác, ở một phương trời khác.
Bốn năm sau, người phụ nữ chuyển giới đã gặp lại nữ luật sư năm xưa, mời mọc kèm ép buộc cô phải đưa người vợ và hai con của mình trở lại Mexico. Cùng với đó, cô mở ra một tổ chức phi lợi nhuận tìm kiếm những nạn nhân mất tích do các hoạt động của xã hội đen chính bản thân mình gây ra trong nhiều năm trước.
Đó là “xương sống” của bộ phim Emilia Pérez. Tất nhiên, tác phẩm của đạo diễn kỳ cựu Jacques Audiard hứa hẹn với khán giả sẽ có một “cơ thể” phong phú và một linh hồn riêng. Nhưng bắt đầu từ đây, công chúng thưởng thức bộ phim và nhận ra, Emilia Pérez thiếu nguồn sinh khí để tạo nên cơ thể khoẻ mạnh và sống động.

Còn xa để là kiệt tác
Có thể nói, Emilia Pérez là một tác phẩm được thiết kế và sắp đặt đầy hứa hẹn. Chúng ta có một câu chuyện không mới nhưng vẫn lạ, “động chạm” đến nhiều vấn đề và hơi thở thời đại. Mexico, tội phạm, cộng đồng người chuyển giới, nữ quyền, tham nhũng, tính nhân bản… tất cả trở thành những đơn chất tuyệt vời để tạo ra một bộ phim để đời. Hoặc chí ít, nó là tiếng nói mang tính thời đại.
Trên thực tế, Emilia Pérez được dựa trên một kịch bản được chấp bút với mục đích ban đầu là tạo ra một vở opera 4 màn. Vì thế, ngay từ đầu tác phẩm, khán giả đã thấy sự nóng nảy và gay gắt trong khung hình, để rồi bùng nổ với một bài hát kèm theo hàng chục vũ công nhảy múa.
Tính nhạc kịch là một điểm thu hút của bộ phim, cũng là thứ được yêu chuộng nhiều năm trở lại đây. Mặc dù những lời phàn nàn về phần âm nhạc trong phim vụng về, và đôi lúc gây phản cảm, cách viết nhạc trong tác phẩm gần gũi và mang tính kịch, nhằm truyền tải nội dung câu chuyện giống như lời độc thoại (monologue) thay vì là những bài hát có vẻ độc lập như thường thấy.
Những góc máy trong Emilia Pérez cũng cho thấy sự chi tiết và khả năng sáng tạo của Paul Guilhaume. Từ những cảnh đặc tả cho đến những khuôn hình toàn cảnh, cùng sự biến chuyển màu sắc, khắc hoạ một cách thú vị bầu không khí của phim. Chưa kể, Guilhaume hiểu rõ Emilia Pérez là một bộ phim có tính kịch, vậy nên những khuôn hình của anh đã tái dựng tính “sân khấu” một cách khá hiệu quả.

Nhưng hơn 2 tiếng đồng hồ của Emilia Pérez chỉ khuấy động được phần bề mặt không hơn không kém, cả về mặt câu chuyện, âm nhạc lẫn dựng phim. Còn rất xa để bộ phim trở thành kiệt tác thời đại. Khán giả bắt đầu cảm thấy kiệt quệ về mặt cảm xúc khi những khuôn hình - dù được trau chuốt - trôi qua, và bực bội về câu chuyện chạy theo những hướng vừa thiếu logic, vừa không đủ lôi cuốn.
Emilia Pérez tập trung vào câu chuyện của phụ nữ ngay từ chính cái tên của nó. Đàn ông trong phim đều hiện lên với tất cả những gì tồi tệ nhất. Những tên ăn trên ngồi trốc hay những tội phạm khét tiếng. Nhưng những người phụ nữ trong phim thì sao?
Emilia Pérez (do Karla Sofía Gascón thủ vai) vốn là một tên tội phạm khét tiếng. Bộ phim thay vì cho thấy những khía cạnh về nhân vật Emilia sau khi chuyển giới, lại khiến người xem nghi ngờ về nhân vật này. Dù đã hoá thân, Emilia vẫn hiện nguyên hình là một người đầy bạo lực. Cô ta chỉ buồn rầu nhưng không thực sự đối diện với tội ác của mình trong quá khứ.
Ngay ở đây, khán giả thấy phản cảm với cách xây dựng nhân vật Emilia Pérez của đạo diễn Audiard. Đấy không phải là tranh cãi về nhân vật tốt hay xấu, chính diện hay phản diện nhưng là cách xây dựng thiếu thuyết phục và lười biếng. Tất cả mọi hành động của Emilia thiếu tính động cơ đến nỗi, nó giống như một con rối được điều khiển hơn là một nhân vật có nội tâm phức tạp.

Tương tự như Emilia, nhân vật Rita Mora Castro do Zoe Saldaña cũng “vô cảm” như vậy. Giống như một người dẫn chuyện trong các vở kịch, sân khấu, Rita hoàn toàn không có động cơ riêng trong toàn bộ tác phẩm. Nhân vật này chỉ làm một việc không hơn không kém là xuất hiện trên màn ảnh, nói, hát và nhảy múa mà thôi.
Liệu có màn khiêu vũ đơn thuần nào trên màn ảnh? Chúng ta không biết nhân vật Rita thực sự muốn gì: tiền bạc, quyền lực, thay đổi hệ thống, cống hiến vì nhân đạo… Khán giả không cảm nhận được điều đó kể cả khi cô hành động theo hướng như vậy.
Và nhân vật nữ cuối cùng, và có vẻ thú vị hơn cả là Jessi Del Monte do Selena Gomez đóng. Tạm bỏ qua sự khó chịu mà khán giả quốc tế có thể thấy phản cảm trong cách thoại của Gomez, đây là nhân vật nhỏ nhưng đầy tính năng động và có sức sống nhất bộ phim. Cô vào vai một người vợ của trùm buôn ma tuý và một người mẹ của hai con nhỏ. Cô có những khoảnh khắc đau khổ rất con người cho chính thân phận của mình.
Việc Emilia Pérez đạt điểm thấp nhất (cả giới phê bình lẫn khán giả) trên nhiều trang đánh giá như MetaCritic, GoldDerby, Letterboxd, IMBd… trong số 10 ứng viên trong hạng mục Phim xuất sắc nhất (Best Pictures) của Oscar năm nay là có lý do của nó. Không chỉ khu biệt trong phạm vi đánh giá trên thang điểm, hay sự yêu - ghét thuần khiết cho điện ảnh, bộ phim còn đối diện với nhiều vấn đề hơn thế.
“Thuốc độc” của Oscar
Nếu có tác phẩm nào được “réo tên” nhiều nhất trên đường đua Oscar 2025 thì chỉ có thể là Emilia Pérez. Phim đạt 13 đề cử, kỷ lục cho một bộ phim không nói tiếng Anh trong một mùa giải. Chưa kể, Emilia Pérez còn đem về những đề cử quan trọng gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc (Jacques Audiard), Dựng phim xuất sắc, Phim Quốc tế xuất sắc, Nữ chính xuất sắc (Karla Sofía Gascón), Nữ phụ xuất sắc (Zoe Saldaña)...
Trước đó, Emilia Pérez đã thắng giải thưởng của Ban giám khảo và Nữ diễn viên xuất sắc (cho dàn diễn viên nữ chính) tại Cannes 2024; đoạt giải Quả cầu vàng cho phim Hài/Nhạc kịch hay nhất.

Emilia Pérez xứng đáng với các đề cử bởi nó tái trình hiện những gì mà Viện Hàn lâm mong muốn ở một tác phẩm đề cử. Về bề nổi, bộ phim có sự đóng góp của cộng đồng đa sắc tộc, LGBTQ+,... cũng như có sự phong phú về mặt thể loại. Nhưng trên thực tế, tự Emilia Pérez lại không như chính nó cam kết về tất cả những điều trên.
Emilia Pérez bị khán giả quay lưng, từ phim đến đời thực. Ở khía cạnh điện ảnh, tác phẩm quá “yếu” để có thể kể một câu chuyện mang tính thời đại. Việc tái trình hiện về vấn đề đa dạng sắc tộc hay LGBTQ+ đều thất bại. Chưa nói đến việc các diễn viên chính không phải là người Mexico thì việc phim quay gần như hoàn toàn tại Pháp cũng thất bại trong việc truyền tải con người, văn hoá Mexico, vốn là bối cảnh của phim.
Chưa kể, Emilia Pérez cũng bị cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt là người chuyển giới chỉ trích trong cách xây dựng hình ảnh người chuyển giới lên màn ảnh. Như đã nói, Emilia Pérez là nhân vật thiếu thuyết phục và lỏng lẻo, chứ không hẳn là ở khía cạnh hình tượng tốt - xấu của nhân vật trong mắt khán giả. Bị trói buộc vào tình thế là “nhân vật đại diện” cho một cộng đồng, nhưng Emilia Pérez trượt ngã ngay từ việc đại diện chính cá nhân mình trên màn ảnh.
Emilia Pérez gần như không nổi bật ở bất cứ khía cạnh nào. Không sắc nét. Không đậm đà. Không dấu ấn. Bộ phim cứ có nét là lạ mà người xem khó nói rằng nó dở, nhưng cũng không dám mạnh miệng tuyên bố là xuất sắc.
Khi Emilia Pérez lập kỷ lục đề cử tại Oscar, khán giả mới bắt đầu quay lưng với nó. Vừa đúng lúc đó, tai tiếng về bộ phim cũng như nữ diễn viên Karla Sofía Gascón, Zoe Saldaña… chính thức nổ ra. Đó thực sự là “một quả bom được hẹn giờ”, biến Emilia Pérez trở thành “thuốc độc” của Oscar và Karla Sofía Gascón trở thành nhân vật phản diện lớn nhất trong lịch sử Oscar.
Loạt bê bối bài ngoại, phân biệt chủng tộc, “nấu xói” Viện Hàn lâm và đồng nghiệp không chỉ khiến Karla Sofía Gascón mất đi cơ hội thắng Oscar mà còn đẩy đoàn làm phim Emilia Pérez đến bờ vực. Zoe Saldaña cũng bị khui lại quá khứ “blackface” nhuộm đen gương mặt và hoá trang khi hoá thành huyền thoại âm nhạc Nina Simone trong phim tiểu sử Nina trước đó.

Emilia Pérez vẫn xứng đáng với 13 đề cử nhưng sẽ tốt hơn nếu không thắng bất kỳ hạng mục nào tại lễ trao giải năm nay.
- Phim hay nhất: Công chúng không muốn chứng kiến lại cảnh Shakespeare in Love thắng Saving Private Ryan (Oscar 1998), Crash thắng Brokeback Mountain (Oscar 2005), hay Green Book vượt qua Roma hay The Favourite (Oscar 2018).
- Đạo diễn xuất sắc: Nếu người viết có quyền quyết định, Sean Baker (Anora) hay Brady Corbet (The Brutalist) là ứng cử viên mạnh hơn.
- Kịch bản chuyển thế xuất sắc: Có thể lắm chứ.
- Nữ diễn viên chính xuất sắc: Karla Sofía Gascón, eo ôi.
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Zoe Saldaña, thật ư?
- Dựng phim xuất sắc: Đừng đùa như vậy chứ.
- Phim Quốc tế xuất sắc: Ai biết được, phim hoạt hình Flow của Latvia chiến thắng thì sao nhỉ?
- Quay phim xuất sắc: Dù Paul Guilhaume đáng khen ngợi nhưng... không.
Sau cùng, với chất lượng phim cùng nhiều biến cố đã xảy ra, việc Emilia Pérez vẫn trụ vững trên đường đua Oscar 2025 thực sự đáng khen ngợi. Tuy nhiên, Oscar vẫn có khả năng chọn sai và ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ phải chờ đến ngày ⅔ sắp tới.