Hôm nay để mình "xúi bậy" bạn một chút về cách làm thế nào để mau chán công việc của bạn.
Tại sao lại nên chán? Vì một khi chán đủ nhiều, bạn sẽ không còn do dự nữa. Mỗi sáng mở mắt đã thấy mệt mỏi. Đi làm như một cái xác không hồn. Khi đó bạn sẽ can đảm từ bỏ một công việc vô nghĩa và tìm ra điều gì thực sự khiến bạn hứng thú.
Hoặc… bạn sẽ tiếp tục chịu đựng nhưng ít ra không còn hoang mang tại sao mình chán. Và bạn có thể tương kế tựu kế, sử dụng những cách này để đảo ngược trạng thái hay cho việc gì… là tùy bạn quyết định.
Dưới đây là 5 nguyên tắc “vàng” để bạn đạt cảnh giới cao nhất của sự mất động lực. Hãy tưởng tượng công việc như một cái cây. Nếu bạn muốn nó héo úa, còi cọc thì cứ "chăm sóc" theo những bước này.
1. Không tìm kiếm ý nghĩa - No Meaning
Tuyệt đối đừng tưới nước cho cái cây công việc của mình.
Công việc chỉ là công việc. Đừng phí công suy nghĩ xem tại sao mình làm thứ này, ai sẽ hưởng lợi từ nó, hay là nó có ý nghĩa gì với thế giới của bạn.
Chỉ cần: Đến văn phòng. Chấm công. Làm cho xong. Về nhà.
Rồi cứ thế lặp lại như một vòng tuần hoàn. Cây thiếu nước sẽ héo. Công việc thiếu ý nghĩa cũng vậy, dần dần, bạn cũng sẽ không có động lực để làm việc đó tốt.
2. Ai bảo gì làm nấy, đừng sáng tạo - No Autonomy
Sếp bảo bạn viết báo cáo? Cứ viết đúng theo mẫu, hoặc sao chép i xì từ ChatGPT. Có phát hiện ra lỗi gì trong quy trình? Cứ lờ đi, ai đó sẽ sửa. Thấy cách làm hiện tại của nhóm mình chưa hiệu quả? Cứ tỉnh bơ đi, đó đây phải việc của mình.
Nếu bạn cứ làm như vậy sẽ thu được lợi rất lớn là nếu mọi thứ đổ bể, bạn có thể bình thản mà nói với sếp:“Em chỉ làm đúng như hướng dẫn thôi mà!” hay “Chính sách công ty là thế, không phải lỗi của em.”
Từng bước một, bạn sẽ thấy mình chẳng còn tiếng nói gì, cũng không được tin tưởng giao cho nhiệm vụ mới. Như cây bị bó rễ, không tự vươn mình lớn lên được, mãi chỉ là cái cây nhỏ bé, nhổ đi cũng dễ dàng. Không cần chờ đến lúc bạn chán việc, công ty sẽ chán bạn trước, đỡ phải viết đơn cũng được cho nghỉ việc. Tuyệt!
3. Tránh xa mọi thử thách - No Growth
Ở bước này đừng tạo thêm không gian để cây lớn lên. Có cơ hội tham gia dự án mới? Lắc đầu từ chối ngay bởi vì cái gì mới thì áp lực lắm. Được đề xuất một vị trí cao hơn? Đừng nhận cho khỏe người, vị trí cao thì trách nhiệm theo đó cũng nặng nề. Học thêm kỹ năng mới? Để làm gì đâu? Chỉ tổ bị giao thêm nhiều việc hơn mà thôi.
Mỗi ngày tới chỗ làm, hãy nhắc nhở bản thân: “Cứ an phận đi, thử thách chỉ làm mọi thứ rắc rối hơn.” Nếu sếp muốn bạn thử vai trò mới, hãy viện cớ: “Em cảm thấy mình chưa sẵn sàng cho vị trí đó”.
Tin vui là cái cớ này dùng được cả đời. Và kết quả? Bạn sẽ thấy mình mãi dậm chân tại chỗ, chẳng có gì mới để mong chờ. Nếu vẫn chưa đủ chán, thì thử thêm cách tiếp theo.
4. Xong việc là xong, không cần phải phản hồi - No Impact
Hãy giữ niềm tin rằng: Không ai thực sự quan tâm đến công sức của bạn. Nếu đồng nghiệp cảm ơn vì bạn đã giúp, cứ nghĩ ngay: “Chắc họ nói cho có.” Nếu khách hàng hài lòng với sản phẩm của bạn, cứ tự nhủ: “Do họ dễ tính nên mới khen thôi.” Được sếp đánh giá cao? Chắc tại hôm đó sếp đang vui.
Giống như khi bạn không quan sát cây để điều chỉnh sự chăm sóc, cứ tưới nước mà chẳng biết ít hay nhiều, cây tươi tốt thì nghĩ cây dễ chăm, cây héo úa thì than giống này khó trồng.... Cứ phủ nhận giá trị của mình, dù lớn dù bé, sớm thôi bạn sẽ thực sự tin rằng mình làm gì cũng không quan trọng, mình chẳng tạo ra ảnh hưởng nào đến người khác. Và cuối cùng bạn sẽ đạt được mục đích của mình: chán việc muốn nghỉ quách cho xong.
Tuy nhiên vẫn còn 1 cách cuối cùng nữa, đó là...
5. Đừng tìm bất kỳ sự kết nối nào - No Connection
Môi trường làm việc sẽ dễ chịu hơn nếu bạn có những mối quan hệ tốt, nhưng bạn đâu có muốn điều đó. Thứ bạn muốn là điều ngược lại, nên nãy giữ khoảng cách với đồng nghiệp, đừng thân thiết với ai.
Còn bạn có ai mời ăn trưa? Từ chối. Có ai hỏi han? Trả lời cho có. Có ai tin tưởng, muốn lập đội làm dự án mới với bạn? Đừng hào hứng mà nhận lời. Hãy tự nhủ: “Mình đến đây để kiếm tiền, không phải kết bạn.”
Dần dần, bạn sẽ thấy công ty không khác gì một cái hộp kín, nơi bạn đến và đi mà chẳng cần quan tâm đến ai. Cũng như một cái cây tự sinh tự diệt trong góc phòng chẳng ai ngó ngàng.
Với một số người, cách này có thể chậm hơn so với 4 cách ở trên để thực sự đạt tới trạng thái chán việc. Nhưng yên tâm, lâu dần bạn cũng sẽ mất động lực thôi.
Suy nghĩ cuối
Bạn thấy mình đã làm đúng cả 5 điều trên chưa? Nếu rồi, chúc mừng, bạn đã thành công trên con đường chán việc. Nếu chưa, cố gắng thêm một chút nữa nhé. Ngọn lửa trong công việc của bạn đang lụi dần rồi.
Hãy nhớ để triệt tiêu động lực, bạn cần ngăn chặn bất kỳ điều gì tạo ra MAGIC – 5 chữ cái viết tắt của 5 yếu tố giữ lửa trong công việc:
- Meaning: Ý nghĩa
- Autonomy: Tự chủ
- Growth: Phát triển
- Impact: Ảnh hưởng
- Connection: Kết nối
Mất đi điều "kỳ diệu" này, bạn sẽ thấy công việc chỉ còn là gánh nặng, và dễ dàng rời đi. Nhưng nếu bạn muốn tìm lại niềm vui để gắn bó trong công việc, hãy làm điều ngược lại, hãy chủ động tạo ra "phép màu".
Dù là bạn chọn con đường nào, tìm cách để chán việc hoặc tìm niềm vui trong công việc, thì mình cũng xin chúc bạn thành công.