Hiểu mình trước khi hiểu sếp: 5 Bài trắc nghiệm phản tư trước khi đi làm | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

OnboardyHiểu mình trước khi hiểu sếp: 5 Bài trắc nghiệm phản tư trước khi đi làm

Bạn muốn thể hiện tiềm năng của mình, bạn luôn chìm trong mớ hỗn độn về kỹ năng “hào nhoáng” bên ngoài. Nhưng lại quên mất rằng, để người khác hiểu mình thì bản thân bạn phải tự hiểu rõ mình trước.

Khánh Vy
Hiểu mình trước khi hiểu sếp: 5 Bài trắc nghiệm phản tư trước khi đi làm

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Mỗi khi nộp CV, bạn có thấp thỏm chờ đợi kết quả, không biết nếu được vào vòng tiếp theo thì cần phải làm gì để trở nên nổi bật? Nhưng thay vì lo lắng nhà tuyển dụng sẽ hỏi gì, hãy thử tự hỏi: Mình có gì?

Như Lão Tử - nhân vật huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc - từng nói: “Biết người là khôn; biết mình là thông thái. Hiểu người là sức mạnh, hiểu mình là quyền năng đích thực.”

Về bản chất thì cuộc phỏng vấn không chỉ là nơi mà doanh nghiệp hỏi bạn. Nó còn là nơi mà bạn quan sát, đặt câu hỏi để hiểu hơn về đối tượng mà có thể bạn sẽ dành nhiều năm để làm việc cùng sau này. Vậy nên, hãy phản tư, tức là tự nhìn lại hành động, tư duy, trải nghiệm để hiểu mình là ai, mình cần gì, từ đó chủ động hơn trong quá trình ứng tuyển và thể hiện đúng năng lực của mình.

Dưới đây là 5 bài trắc nghiệm để giúp bạn làm điều đó.

1. Đánh giá chỉ số cảm xúc qua bài trắc nghiệm EQ (15 phút)

Hãy tưởng tượng khi bạn tham gia phỏng vấn, nhân sự hỏi: “Tại sao doanh nghiệp nên tuyển em thay vì các ứng viên khác? Vì sao em thấy mình phù hợp với vị trí công việc?” Kéo theo vài tình huống giả định như: “Đồng nghiệp đang trình bày ý kiến, nhưng em không đồng tình với điều đó, em sẽ làm gì?” Lúc đó, bạn sẽ trả lời họ như thế nào?

Trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển thì EQ trở thành thế mạnh lớn nhất của con người. Thế nên chẳng có gì lạ khi những câu hỏi kiểm tra EQ trở nên phổ biến trong quá trình phỏng vấn.

alt
Số liệu khảo sát "Kỹ năng quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên" trong báo cáo "Hiring Benchmark" năm 2024-2025 của Criteria Corp.

Theo McKinsey Global Institute, nhu cầu của tuyển dụng về kỹ năng quản lý cảm xúc dự kiến sẽ tăng 26% vào năm 2030. Một báo cáo của Criteria Corp năm 2024-2025 cho biết trung bình cứ 4 chuyên gia tuyển dụng thì sẽ có 3 người cho rằng trí tuệ cảm xúc là kỹ năng quan trọng nhất cần tìm kiếm ở ứng viên, vượt cả tư duy phân tích và khả năng thích nghi.

Daniel Goleman – tác giả cuốn sách “Emotional Intelligence” (1995), người đầu tiên phổ biến khái niệm EQ – từng viết: “Không kiểm soát được cảm xúc có thể khiến một người thông minh hóa ngu ngốc.” Điều đó có nghĩa là EQ không chỉ bao gồm việc bạn đối nhân xử thế hay giao tiếp hiệu quả, mà còn là năng lực “đọc vị” chính mình.

Tự phản chiếu mức độ nhận thức và kiểm soát cảm xúc của mình sẽ phần nào giúp bạn đánh giá được mình đã sẵn sàng ứng tuyển hay chưa hoặc cần khắc phục những gì.

Bài trắc nghiệm EQ gồm 55 câu hỏi, đánh giá chỉ số cảm xúc của bạn qua 5 năng lực nền tảng, bao gồm Tự nhận thức (Self-awareness), Nhận thức xã hội (Social awareness), Kiểm soát cảm xúc (Emotional control), Thấu cảm (Empathy) và Sức khỏe cảm xúc (Emotional well-being).

Bạn cần chú ý rằng, rèn luyện cải thiện EQ không đồng nghĩa với việc bạn phải chiều lòng tất cả mọi người, mà là học cách thành thật với cảm xúc và giá trị cá nhân.

Kết quả kiểm tra là báo cáo sơ lược miễn phí và có thể mở khóa bản đầy đủ bằng cách chi trả một khoản phí nhất định. Thực hiện bài kiểm tra EQ tại đây.

2. Hiểu 5 khía cạnh tính cách qua bài kiểm tra Big Five (20 phút)

Trước khi cố gắng hiểu người khác để hòa nhập, điều quan trọng hơn là hiểu chính mình. Khi bạn nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, bạn không còn phải gồng mình để làm hài lòng tất cả mọi người. Ngược lại, bạn biết cách hợp tác thông minh, giao tiếp đúng mực và giữ vững giá trị cá nhân trong môi trường làm việc.

Trong bối cảnh thị trường biến động, bên cạnh năng lực chuyên môn, nhà tuyển dụng ngày càng chú trọng các ứng viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Khi chủ động đánh giá bản thân trước, bạn sẽ dễ dàng vượt qua các bài đánh giá tính cách trong vòng phỏng vấn và tự tin trả lời khi gặp những câu hỏi như: “Mọi người thường nhận xét bạn thế nào khi làm việc chung?”

alt
Mỗi nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những “mảnh ghép” vừa vặn với văn hóa riêng biệt của mỗi doanh nghiệp.

Bài trắc nghiệm tính cách Big Five được phát triển từ những năm 1930. Nhờ độ tin cậy và mức độ ổn định cao, mô hình này đã trở thành nền tảng cho nhiều bài đánh giá tính cách khác như NEO PI-R hay BFI. Theo Journal of Applied Psychology, Big Five đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành nhân sự từ những năm 1990 đến nay.

Bài đánh giá gồm 60 câu hỏi và phân tích tính cách thông qua 5 yếu tố chính: Cởi mở (Openness), Tự chủ (Conscientiousness), Hướng ngoại (Extraversion), Hòa đồng (Agreeableness) và Bất ổn cảm xúc (Neuroticism).

Mỗi yếu tố lại phù hợp với những đặc thù nghề nghiệp khác nhau. Ví dụ, các công việc cần giao tiếp nhiều như truyền thông, sự kiện hay dịch vụ sẽ phù hợp với người có đặc điểm nổi trội về Hướng ngoại và Hòa đồng, trong khi các lĩnh vực thiên về phân tích, xử lý dữ liệu lại ưu tiên các yếu tố tính cách khác.

Kết quả kiểm tra là báo cáo sơ lược miễn phí và có thể mở khóa bản đầy đủ bằng cách chi trả một khoản phí nhất định. Thực hiện bài trắc nghiệm Big Five tại đây.

3. Khám phá khả năng nghề nghiệp thông qua bài kiểm tra CareerExplorer (35 phút)

Nếu Big Five giúp bạn hiểu tính cách bản thân thì CareerExplorer gợi ý cho bạn biết mình nên làm gì.

Việc không xác định rõ khả năng và giá trị nghề nghiệp khi học đại học khiến nhiều bạn trẻ chọn công việc không đúng chuyên môn. Có người sợ đám đông nhưng lại theo nghề dẫn chương trình, người thì sức khỏe tinh thần không ổn lại làm chuyên viên tư vấn tâm lý…

alt
Bạn phù hợp với công việc nào? | Nguồn: Suzanne Hart trên Pinterest.

Thực chất, một đặc điểm tính cách không đủ để quyết định bạn hợp với nghề gì.

CareerExplorer là bài trắc nghiệm hướng nghiệp toàn diện, dựa trên dữ liệu từ hơn 1.500 ngành nghề. Bài test gồm 5 phần, khoảng 320 câu, giúp đánh giá sở thích, giá trị, kỹ năng và môi trường lý tưởng để gợi ý nghề nghiệp phù hợp.

Khi kết thúc, bạn sẽ nhận được danh sách nghề nghiệp phù hợp với bản thân, kèm theo báo cáo chi tiết về các đặc điểm, xu hướng hành vi, sơ đồ trực quan thể hiện kỹ năng nên phát triển và những giá trị cá nhân bạn coi trọng trong công việc, giúp bạn định hướng nghề nghiệp một cách thực tế.

Đây là bài kiểm tra không tính phí. Thực hiện bài kiểm tra CareerExplorer tại đây.

4. Xác định khả năng giao tiếp thông qua bài trắc nghiệm Interpersonal Communication Skills (3 phút)

Năng lực bạn có là một chuyện, nhưng người khác biết và hiểu bạn có năng lực đó hay không là chuyện khác. Bạn có thể giỏi, làm việc chăm chỉ và có nhiều ý tưởng hay, nhưng nếu không biết cách diễn đạt rõ ràng thì sẽ không ai nhìn thấy giá trị bạn mang lại.

alt
Số liệu khảo sát "Nhà tuyển dụng đánh giá tầm quan trọng của các kỹ năng sẵn sàng cho công việc" trên thang điểm từ 1 (không quan trọng) đến 5 (rất quan trọng), trong báo cáo "Job Outlook 2024" của NACE.

Theo báo cáo NACE Job Outlook 2024, kỹ năng giao tiếp được nhà tuyển dụng đánh giá là quan trọng nhất, với điểm trung bình 4.55/5 (với mức 5 là cực kỳ quan trọng). Khảo sát “Attributes Employers Seek on a Candidate’s Resume” cũng cho thấy 72,7% nhà tuyển dụng ưu tiên kỹ năng giao tiếp viết, và 67,5% chú trọng kỹ năng giao tiếp nói.

Nghệ thuật giao tiếp không dừng ở việc nói hay mà còn là khả năng lắng nghe để thấu hiểu. Nó bao gồm cả việc xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ giá trị (networking), không phải để trục lợi, mà để tạo nền tảng tin cậy và hợp tác bền vững.

Bài kiểm tra Interpersonal Communication Skills do Psychology Today phát triển nhằm đánh giá mức độ hiệu quả trong giao tiếp giữa các cá nhân. Bài test gồm khoảng 20 câu hỏi, kéo dài khoảng 3 phút, xoay quanh các tình huống thường gặp trong đời sống. Kết quả được thể hiện dưới dạng biểu đồ thang điểm 0 (thấp) đến 100 (cao), kèm theo nhận xét tổng quan và gợi ý cải thiện.

Đây là bài kiểm tra không tính phí. Thực hiện đánh giá kỹ năng giao tiếp tại đây.

5. Kiểm tra sức khỏe tinh thần qua 15 bài trắc nghiệm sàng lọc (5-10 phút)

alt
Bạn có bao giờ tự hỏi, mình sẽ thay đổi thế nào từ ngày đầu nộp CV đến sau vài năm đi làm hay chưa? | Nguồn: Sensate Talent Recruitment trên TikTok (phải) và Biết thế éo đi làm trên Facebook (trái).

Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ thường xuyên chia sẻ câu chuyện công việc ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Nhưng trước khi đi làm, ít ai tự hỏi mình đã đủ “sức đề kháng tinh thần” hay chưa. Phần lớn vẫn ưu tiên chuẩn bị CV, kỹ năng hay sức khỏe thể chất mà quên mất tâm lý mới là thứ dễ bị bào mòn nhất.

Theo nghiên cứu của UKG (10/2024), 83% Gen Z làm việc tuyến đầu rơi vào trạng thái kiệt sức. Khảo sát từ Indeed cũng cho thấy Gen Z và Millennials là 2 thế hệ kiệt sức nhiều nhất. Nhiều người mới bước vào công việc với những chấn thương tâm lý chưa lành như nỗi sợ bị đánh giá hay cảm giác tự ti rằng mình không xứng đáng. Điều này khiến họ dễ ôm việc, cả nể, hoặc cố gắng làm hài lòng mọi người mà quên mất giá trị bản thân.

Việc kiểm tra trạng thái tinh thần giúp bạn nhận diện sớm các vấn đề tâm lý, từ đó điều chỉnh cảm xúc, chuẩn bị tinh thần tốt hơn để làm việc hiệu quả và tránh được những hệ lụy lâu dài.

Tổ chức Mental Health America đã phát triển 15 bài trắc nghiệm ngắn giúp sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, ADHD, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống,… Mỗi bài gồm khoảng 20 câu hỏi về các triệu chứng trong 2 tuần gần đây, như mệt mỏi, buồn chán, khó tập trung. Kết quả đưa ra thang điểm để người tham gia tự đánh giá mức độ và cân nhắc nhu cầu hỗ trợ chuyên môn nếu cần.

Lưu ý: Bài trắc nghiệm sức khỏe tâm thần trực tuyến chỉ mang tính tham khảo, giúp bạn nhận diện sơ bộ tình trạng hiện tại. Nó không thay thế cho chẩn đoán y tế chính thức. Nếu nhận thấy dấu hiệu bất ổn, đừng ngần ngại chia sẻ với người thân và tìm đến chuyên gia để được hỗ trợ đúng lúc.

Đây là bài kiểm tra không tính phí. Thực hiện đánh giá sức khỏe tinh thần tại đây.

Kết

Bước vào môi trường làm việc là lúc người trẻ bắt đầu đối mặt với thực tế, học cách chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Trong hành trình khai phá bản thân, các bài trắc nghiệm đóng vai trò như một bước khởi đầu giúp bạn nhìn nhận bản thân ở một thời điểm nhất định. Chính những bài học và kinh nghiệm bạn tích lũy sau này sẽ giúp bạn dần định hình được rõ hơn các giá trị cá nhân và con đường sự nghiệp bền vững mà mình muốn theo đuổi.

Nesternship: NesUP 2025 là chương trình phát triển kỹ năng và khai phá tiềm năng cho thế hệ trẻ do Nestlé Needs YOUthOnboardy khởi xướng, phối hợp thực hiện cùng Vietcetera và VietnamWorks.

Chương trình nhằm trang bị cho các tài năng trẻ Việt Nam những kỹ năng thực chiến và góc nhìn thực tế về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) – đồng thời nuôi dưỡng sự tự tin để họ vững vàng bước vào hành trình sự nghiệp giữa thế giới không ngừng biến động.

Lộ trình chương trình chi tiết:
· Từ 04.07 đến 08.08: Application & Online Assessment
· Từ 28.08 đến 29.08: NesUP Hackathon
· 16.09: Onboarding

Để tìm hiểu thêm về chương trình và đăng ký tham gia, truy cập website hoặc liên hệ chúng tôi qua events.rsvp@vietcetera.com.