Có một bạn khán giả chia sẻ với mình rằng: “Em biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng đôi khi em vẫn vô thức so sánh bản thân với các bạn đồng trang lứa có điều kiện hơn, được học trong môi trường chất lượng cao, được đi du học nước ngoài.
Trong khi bản thân em thì ngược lại, em phải trầy trật kiếm tiền, tích cóp để sau này mình được đi du học. Áp lực về thành tích và tiền bạc khiến em có lúc ôm đồm quá nhiều công việc, và khóc nghẹn không thể tâm sự cùng ai”.
Bạn nhận thức được rất rõ rằng bạn không nên so sánh như thế, vì mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, và càng so sánh thì bạn sẽ càng buồn. Nhưng bạn vẫn không kiểm soát được suy nghĩ đó.
Mình thực sự rất đồng cảm với điều này. Bản thân mình đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự, mình cũng có ước mơ đi du học và gia đình không có điều kiện. Nhưng rồi dần mình đã vượt qua được trạng thái mâu thuẫn ấy.
Dĩ nhiên chúng ta đều không thể lựa chọn được gia đình mà mình sinh ra. Tuy nhiên chúng ta có thể lựa chọn thay đổi cách tư duy. Vậy thì suy nghĩ thế nào để mình có thể vượt qua sự tự ti về điểm xuất phát, thậm chí còn cảm thấy tự tin và biến nó thành sức mạnh trong tương lai?
4 Loại vốn: Hiểu đúng hơn về hoàn cảnh bạn có
Xuất phát điểm của một người có thể được đánh giá thông qua 4 loại vốn:
- Vốn kinh tế (Economic capital): Đúng như tên gọi phản ánh trực tiếp về tài sản, tiền bạc. Mọi người thường nói đến loại vốn này rất nhiều và so sánh gia đình người này giàu hay nhà bạn kia có điều kiện tốt hơn mình…
- Vốn văn hóa (Cultural capital): Là những gì bố mẹ dạy cho bạn hay nếu bạn sinh sống ở thành phố sẽ có cơ hội được tiếp xúc với nhiều văn hóa phẩm đa dạng hơn như nhạc opera, sân khấu kịch, triển lãm mỹ thuật…
- Vốn xã hội (Social capital): Hay cách gọi thân quen hơn là mối quan hệ. Ví dụ bố mẹ bạn có nhiều mối quan hệ chất lượng, khi bạn chọn chỗ làm có thể tận dụng những mối quan hệ đấy để biết được những thông tin nội bộ qua đó đánh giá chính xác hơn liệu đó có phải nơi làm việc phù hợp.
- Vốn con người (Human capital): Nếu bố bạn là giáo viên toán thì thay vì phải đi học thêm, bạn sẽ có gia sư riêng dạy học tận tâm tại nhà, không mất tiền mà vẫn có thể nâng cao khả năng của mình hơn. Trong trường hợp này bố bạn sẽ là một nguồn vốn con người tuyệt vời mà bạn có được.
Tới đây bạn đã có thể đánh giá mình có vốn nào nhiều, vốn nào ít. Bản thân mình ngày xưa sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường. Bố mẹ mình là công nhân viên chức phải rất vất vả mới có thể lo được cho hai anh em ăn học đầy đủ, chứ chưa nói đến chuyện du học.
Trong khi đó, lớp mình học có rất nhiều bạn gia đình khá giả đã lên sẵn kế hoạch, đầy đủ nguồn lực tài chính để đi du học ngay từ khi còn đang học phổ thông. Khi so sánh hai bên như thế mình cũng có suy nghĩ khá giống chia sẻ của bạn khán giả ở trên.
Giá mà bố mẹ khá giả hơn thì mình đã không phải trầy trật để thi đại học, lo kiếm học bổng rồi thậm chí phải vay nợ để trang trải chi phí sinh hoạt. Sau này mình nhận ra đây là tư duy thiếu. Nếu mình cứ tập trung vào những gì mình không có, mình sẽ luôn có cảm giác tức tối tại sao mình lại không được như người ta.
Nhưng nếu đổi sang tư duy chống thiếu (anti-deficit) thì mình biết là mình có sự thiếu thốn đấy nhưng trong đấy cũng tồn tại cả những điểm mạnh. Hoàn cảnh của mình còn thua kém nhiều bạn ở thành phố nhưng đã tốt hơn rất nhiều so với những bạn ở nông thôn. Như một người bạn của mình đến tận khi học đại học, lên thành phố rồi mới biết sử dụng máy tính là như thế nào.
Hoặc nếu mình nhìn vào khía cạnh vốn kinh tế thì đúng là mình không có. Thế nhưng, gia đình mình đã sống ở Hà Nội nhiều năm và mẹ mình là nhà báo quen biết nhiều người nên mình có vốn xã hội. Mình sẽ được giới thiệu lớp học thêm nào chất lượng hay là trung tâm tư vấn du học nào tốt mà chi phí lại không quá cao.
5 Lời khuyên lập trình lại tư duy
Đến bước này chúng ta đã có một nhận thức mới về cách tư duy đúng đắn hơn. Nhưng biết là một chuyện, làm được mới khó, lối tư duy cũ đã đi cùng bạn suốt quá trình lớn lên dĩ nhiên không thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Để thực sự thay thay đổi, bạn sẽ cần đi qua giai đoạn lập trình lại tư duy (deprogram). Bằng kinh nghiệm, mình đúc rút lại 5 lời khuyên dưới đây. Mình tin rằng bạn có thể dần dần lập trình lại để biến chuyển được tư duy của bản thân từ tư duy thiếu sang tư duy chống thiếu.
1. Hạn chế tiếp xúc với những người khiến bạn mặc cảm tự ti
Nếu có bất kỳ ai mà mỗi lần gặp gỡ đều khiến cho sự mặc cảm về xuất phát điểm của bạn trỗi dậy, vậy thì vấn đề không phải ở họ, mà bởi vì lúc này sự tự ti của chúng ta còn lớn. Nếu cứ nhìn vào những tấm ảnh du lịch sang trọng, ngồi nghe những câu chuyện du học thoải mái ở trời Tây sẽ chỉ khiến bản thân thêm tiêu cực.
Cho nên, trước mắt bạn hãy tự đặt hàng rào bảo vệ cho chính mình bằng cách hạn chế gặp gỡ, hạn chế truy cập vào mạng xã hội, hạn chế tiếp xúc với những “khoảnh khắc hào quang” của họ.
2. Đối thoại tích cực về mọi người xung quanh
Sau khi “cách ly”, bạn cần tiếp tục cố gắng chuyển hóa năng lượng tiêu cực trong mình. Có những người nhìn từ bên ngoài vào sẽ thấy họ sống trong một hoàn cảnh gia đình rất tuyệt vời. Nhưng cũng sẽ có những góc khuất u tối mà họ không muốn chia sẻ cho ai biết. Vì vậy, chúng ta không thể biết hết cuộc sống của một người là như thế nào và họ đang phải chịu đựng những gì.
Cho nên đừng buông những lời khó nghe, hay kể cả những câu vu vơ kiểu “nhà giàu như thế, có phải chịu khổ bao giờ đâu mà biết”. Những câu từ đó không chỉ làm tổn thương người nghe, mà ít nhiều còn tô đậm thêm sự hằn học trong lòng chính chúng ta, càng cảm thấy tự ti hơn về xuất phát điểm của mình.
3. Tập trung vào bản thân và phát triển điểm mạnh
Giải quyết xong những suy nghĩ về người bên ngoài, bạn cũng cần quay lại vào bên trong và giải quyết những suy nghĩ về chính mình. Đừng nói sao mình tệ thế, điều kiện không có, ngoại hình càng không, cũng chẳng có tài cán gì.
Thay vào đó, mỗi sáng mình có thể tập nhìn vào gương và nói rằng mình không xinh như hoa hậu nhưng mình có một nụ cười đẹp, một mái tóc mượt, một cơ thể khỏe mạnh. Mình chưa quá giỏi giang nhưng mình không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân, mỗi ngày mình đều học được điều mới để trau dồi năng lực.
Bởi quỹ thời gian là hữu hạn, nếu cứ nhìn vào những mặt tiêu cực rồi chì chiết bản thân sẽ rất lãng phí. Còn những lời tích cực ở phía trên mình sẽ không chỉ nói suông cho có, mà đó sẽ là đòn bẩy ban đầu để khích lệ bản thân nỗ lực hơn trong việc phát triển các điểm mạnh.
Và đến lúc mình thực sự tốt lên rồi, mình đẹp hơn, mình giỏi hơn, khi đó, quay ngược trở lại mình sẽ càng thoải mái để nói những lời động viên ủng hộ với bản thân hơn. Sự tự ti cũng sẽ dần được thay thế bằng sự tự tin hơn
4. Nhìn khó khăn bằng một con mắt khác
Tiếp nối giai đoạn phía trên, khi bạn dần tự tin hơn, bạn viết được một chương mới cho cuộc đời mình, bạn sẽ nhìn lại những khó khăn về hoàn cảnh bằng một con mắt nhẹ nhàng hơn. Chính những thử thách đó đã tạo ra mình ngày hôm nay.
Nếu không có những thiếu thốn, khổ cực, bạn đã không có được những trải nghiệm và bài học quý giá để đạt được thành tựu của bây giờ. Xuất phát điểm không còn là yếu điểm của bạn nữa mà trở thành chất xúc tác, là lợi thế giúp bạn cố gắng và vươn lên.
5. Lời nhắn nhủ cuối cùng: Đích đến của mỗi người mỗi khác, xuất phát điểm cũng sẽ chẳng tệ mãi
Và cuối cùng là một vài chiêm nghiệm của mình ở tuổi 34 mà mình ước đã có ai đấy nói cho mình ở tuổi 20. Đó là cuộc sống sẽ thay đổi và tầm quan trọng của xuất phát điểm sẽ càng ngày càng vơi đi.
Chúng ta hay nghe những lời ví von như: có người sinh ra đã nằm sẵn ở vạch đích, chẳng cần cố gắng gì, có người lại miệt mài cả đời cũng chẳng thể chạm tới. Nhưng sự thật là mỗi người hướng tới một đích đến khác nhau, có người theo đuổi sự nghiệp, có người theo đuổi yên ấm gia đình, có người muốn theo đuổi cả hai. Ai cũng có chặng đường riêng cần đi cả.
Quan trọng là bạn có thể làm hòa với quá khứ, mở lòng chấp nhận xuất phát điểm của bản thân được không? Đừng khiến bản thân mãi hậm hực đứng lại một chỗ mà hãy thay đổi tư duy để có thể an lòng và tiếp tục tiến về phía trước, theo đuổi con đường mình muốn đi.