5 Điều bạn chưa biết về những người làm nên kỳ tích của phim Na Tra 2 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 02, 2025

5 Điều bạn chưa biết về những người làm nên kỳ tích của phim Na Tra 2

Công ty cấp tiền chữa hói cho nhân viên và đủ câu chuyện từ cảm động tới "cảm lạnh".
5 Điều bạn chưa biết về những người làm nên kỳ tích của phim Na Tra 2

Nguồn: Harper's Bazaar Trung Quốc

Sau 14 ngày chiếu, Na Tra 2 đã thu về 8,62 tỷ tệ (tương đương 1,18 tỷ đô, = 30.170 tỷ đồng) tại thị trường Trung Quốc và được dự đoán có thể sẽ vượt qua Inside Out 2 (1,69 tỷ đô) để trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất thế giới.

Đằng sau thành công rực rỡ này là những câu chuyện chưa kể về đội ngũ đã tạo nên bộ phim. Mất 5 năm sản xuất, với 4.000 nhân sự, 138 studio hợp tác 800 máy tính hoạt động hết công suất để tạo ra 180.000 khung hình, Na Tra 2 là kết quả của những nỗ lực miệt mài không kể ngày đêm.

Hãy cùng vén màn hậu trường để hiểu rõ hơn về hành trình này!

alt
Na Tra 2: Ma Đồng Náo Hải

1. Đạo diễn từng sống nhờ lương hưu của mẹ để theo đam mê

Đạo diễn Dương Vũ (biệt danh "Sủi Cảo"), sinh năm 1980 trong một gia đình có truyền thống ngành y. Anh từng theo học y khoa tại Đại học Tứ Xuyên nhưng lại say mê hoạt hình sau khi thử nghiệm một ứng dụng làm phim.

Tốt nghiệp xong, anh không đi theo ngành y mà rẽ hướng sang lĩnh vực quảng cáo trong một năm, rồi bỏ việc để theo đuổi hoạt hình. Ba năm đầu, anh gần như không có thu nhập, phải sống nhờ khoản lương hưu 1.000 tệ/tháng (~3,6 triệu VND) của mẹ.

Nhưng rồi, bộ phim hoạt hình 16 phút đầu tay của anh giành giải thưởng lớn, đặt nền móng cho sự nghiệp. Đến năm 2019, anh cùng bạn mở công ty riêng, Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế ra đời, mở đường cho phần tiếp theo Na Tra 2: Ma Đồng Náo Hải bùng nổ như hiện tại.

alt
Hình ảnh đạo diễn Dương Vũ qua bao tháng ngày làm phim. | Nguồn: Blog Ánh Trăng Đêm Nay Thật Đẹp

2. 138 Studios hợp sức để chứng minh hoạt hình Trung Quốc có thể “đỉnh” thế nào

Na Tra 2 là kết tinh thành quả của 138 studios khắp Trung Quốc. Studio từng làm Gấu Bonnie chịu trách nhiệm tạo hình sóc Bắc Mỹ, đội ngũ Trường An Ba Vạn Dặm tái hiện bầu trời và hạc. Trong khi những cảnh quan trọng khác được giao cho các studio của Biển Sâu, Phàm Nhân Tu TiênLưu Lạc Địa Cầu. Mỗi studio đều lấy sở trường của mình ra để góp sức thực hiện Na Tra.

Bởi sự kỳ công quá lớn, dẫu biết dự án có thể không mang lại lợi nhuận, nhiều studio vẫn sẵn sàng góp sức chỉ để chứng minh rằng hoạt hình Trung Quốc có thể chinh phục khán giả bằng những thước phim kỹ xảo mãn nhãn, vượt qua mọi định kiến cũ.

3. Công ty cấp tiền chữa hói để nhân viên đáp ứng yêu cầu của đạo diễn

Một trong những bất đồng lớn nhất giữa đạo diễn và đội kỹ thuật của phim là cảnh đại chiến hải yêu tại Trấn Đường Quan. Đạo diễn muốn tất cả quái vật đều có xích, nhưng đội kỹ thuật lắc đầu ngao ngán vì yêu cầu quá khó.

Sau đó, giám đốc điều hành dự án đã phải đi thảo luận với công ty sản xuất: “Một là ngăn đạo diễn lại để tiết kiệm chi phí, hai là cấp tiền chữa hói cho nhân viên thì làm”. Cuối cùng, công ty thực sự chốt phương án cấp tiền chữa hói để hiện thực hóa yêu cầu của đạo diễn.

alt
Làm xong bộ phim này, đạo diễn thì bạc đầu, còn nhân viên thì hói đầu. | Nguồn: Thích gì làm nấy đời có tí mấy

Vì sự tỉ mỉ ấy, khi nhiều công ty than phiền về văn hóa làm việc “996” (9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần), nhân viên studio của đạo diễn Sủi Cảo còn đùa: “Công ty nào mà đãi ngộ tốt thế?” Vì ở công ty họ không làm xuyên đêm, có khi chỉ làm đến... 4-5 giờ sáng thôi!"

4. Nhân viên nhảy việc trốn deadline, dòng đời vẫn xô đẩy gặp lại

Một nhân viên đồ họa đảm nhiệm cảnh nhân vật Thân Công Báo hóa báo đã làm suốt 2 tháng nhưng không đạt yêu cầu. Quá chán nản, anh quyết định nhảy việc. Nhưng trớ trêu thay, đạo diễn Sủi Cảo sau đó đã thuê chính studio mới mà anh vừa chuyển đến để hoàn thành cảnh này. Kết quả là anh vẫn phải tiếp tục công việc cũ.

Đạo diễn Sủi Cảo nói với anh: “Có thể giúp cậu thay đổi vận mệnh hay không thì tôi không biết nhưng tôi biết số mệnh của cậu đã định phải giúp Thân Công Báo mọc lông.”

5. “Biến đổi giới tính” để lồng tiếng

Ít ai biết, giọng Na Tra thực ra được lồng bởi một nữ diễn viên – Lữ Diễm Đình là thạc sĩ ngành kỹ thuật ở trường ĐH công nghệ Bắc Kinh. Do có năng khiếu cô đã chuyển sang công việc lồng tiếng chuyên nghiệp và hiện đang là phó giáo sư tại Học viện điện ảnh Tứ Xuyên.

alt
Chân dung người lồng tiếng cho Na Tra - Lữ Diễm Đình. | Nguồn: Blog Vườn Khoai Lang

Vì bảo mật kịch bản rất nghiêm ngặt nên cô chỉ nhận được lời thoại dạng văn bản mà không được xem phim hay biết bối cảnh cụ thể, buộc cô phải tự nắm bắt linh hồn nhân vật qua từng câu thoại. Để có được tông giọng trầm, mạnh mẽ của Na Tra, cô phải ép giọng xuống mức thấp nhất, thậm chí uống thuốc nam bổ khí để hỗ trợ. Hậu quả là cô mất giọng suốt hai tháng sau khi hoàn thành vai diễn.

Kết

Có thể nói những câu chuyện phía trên dù cảm động hay "cảm lạnh" dở khóc dở cười đều là những “đặc sản” phải nếm trên hành trình theo đuổi đam mê. Nhưng cuối cùng, thật may khi bộ phim ra rạp thành công, người xem vỗ tay, doanh thu cán mốc tỷ đô, và tất cả những vất vả ấy đều trở thành một phần của câu chuyện đáng nhớ.

Vậy nên, khi có dịp ra rạp xem Na Tra 2, đừng chỉ tận hưởng câu chuyện trên màn ảnh mà hãy nhớ tới cả mồ hôi, công sức của hàng nghìn con người đã cố gắng phía sau. Và nếu hôm nay bạn cũng đang phải đối mặt với deadline dí sát gáy hay một nhiệm vụ “bất khả thi” nào đó, hãy nhớ rằng: rồi một ngày nhìn lại, biết đâu chính những khoảnh khắc này sẽ trở thành chuyện vui để kể!