Chấn thương tâm lý là kết quả của một hay nhiều sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc của người liên quan, làm mất đi cảm giác an toàn của họ. Người trải qua chấn thương tâm lý thường cảm thấy bất lực trong việc xử lý những vấn đề về cảm xúc, ký ức và niềm tin của bản thân.
Trong mối quan hệ tình cảm, việc bạn gặp sang chấn sau khi chia tay là một điều không hề hiếm gặp. Lý do thường đến từ việc: bị phản bội, bị kiểm soát quá mức, bị thao túng, bị lạm dụng về mặt cảm xúc, thể chất và tình dục trong mối quan hệ cũ. Được lấy cảm hứng từ bài viết của Carolyn Steber tại Bustle, dưới đây là 7 dấu hiệu bạn vẫn chưa vượt qua sang chấn sau mối quan hệ cũ.
1. Sợ bước vào sự ràng buộc khác
Ràng buộc không mang ý nghĩa bạn phải kết hôn sau thời gian yêu đương, nó thể hiện trách nhiệm của bạn trong mối quan hệ. Trách nhiệm đến từ sự chung thuỷ, chân thành và tin tưởng.
Tuy nhiên đối với người vừa trải qua sang chấn, cảm giác hoài nghi thường ngăn cản họ bước vào mối quan hệ mới, dù họ vẫn mong muốn được yêu thương. “Nhỡ đâu mình lại gặp người như vậy”, “Mình không hiểu được người khác như mình tưởng” là trăn trở của những người gặp khó khăn trong việc đặt niềm tin.
2. Nghi ngờ giá trị bản thân
Thường xuyên bị người yêu cũ chê bai, đổ lỗi, chỉ trích hoặc tệ hơn là bị phản bội có thể dẫn đến những vấn đề về lòng tự trọng của bạn. Nhiều người thật sự tin rằng họ không xứng đáng với một người tốt hơn sau khi mối quan hệ cũ kết thúc. Họ luôn hồi tưởng lại những điều người cũ đã nói hoặc cảm giác khi họ rời bỏ mình và luẩn quẩn trong những suy nghĩ: “Có phải đó là do mình?”, “Có phải mình không đủ tốt/giỏi/đẹp?”, “Liệu mình có xứng đáng với người mới?”.
3. Được giải thoát nhưng lại thấy tội lỗi
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Josh Klapow, có một sự phụ thuộc được thiết lập trong mối quan hệ độc hại mà khi đã thoát khỏi nó, bạn vẫn phải tự hỏi bản thân: “Liệu chia tay người ấy có phải là lựa chọn đúng đắn?”, “Có phải là lỗi của mình?”. Bạn có thể tìm cách quay lại với người yêu cũ nhằm giảm bớt cảm giác tội lỗi này.
4. Dễ dàng rơi vào một mối quan hệ không lành mạnh khác
Khác với người sợ bước vào mối quan hệ mới do cảm giác hoài nghi, có những người rất nhanh tìm được tình yêu mới nhằm giúp bản thân vượt qua giai đoạn hậu chia tay. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Michael Dufner cho thấy chúng ta bị thu hút bởi những người ái kỷ. Cảm giác cô đơn và sự hấp dẫn khó giải thích của những người có tính cách đen tối khiến chúng ta dễ dàng rơi vào vòng lặp của một mối quan hệ độc hại.
Klapow đã cảnh báo rằng nếu bạn không xác định được lý do mà bạn từng rơi vào mối quan hệ tồi tệ, tại sao bạn là chấp nhận nó, và không cho mình thời gian để chữa lành vết thương, khả năng cao bạn sẽ lại “giẫm vào vết xe đổ”.
5. Trở nên đa nghi một cách vô lý
Bạn có thói quen nhìn nhận mọi thứ một cách tiêu cực. Trải nghiệm trong quá khứ dễ khiến bạn gán hành động đơn giản của người mới thành một điều gì đó xấu xa, trong khi đó có thể chỉ là sự hiểu lầm. Ví dụ, việc họ cười khi nhắn tin có thể bị diễn giải thành nguy cơ ngoại tình.
6. Liên tục xin lỗi để tự vệ
Nhà trị liệu tâm lý Naphtali Roberts cho rằng khi ở trong một mối quan hệ độc hại, bạn có xu hướng phát triển những cách đối phó nhằm giữ sự hỗn loạn ở mức tối thiểu. Giả sử bạn từng bị bạo hành thể chất và xin lỗi là cách để nửa kia không tức giận với bạn. Bạn sẽ tự huấn luyện não bộ của mình rằng xin lỗi là cách để kiểm soát phản ứng của đối phương. Khi bước vào mối quan hệ mới, bạn vẫn sẽ thấy bản thân xin lỗi liên tục như một cách thức tự vệ.
7. Cảm xúc và tinh thần không ổn định
Nghiên cứu cho thấy sự gắn bó và tâm sinh lý của con người có mối quan hệ mật thiết với nhau. Điều này giải thích tại sao mọi người lại dễ bị tổn thương trong mối quan hệ thân mật so với những mối quan hệ thông thường. Nói cách khác, những sang chấn gây ra bởi người mình yêu sẽ để lại hậu quả tâm lý sâu sắc hơn. Những hậu quả này có thể là:
- Trải nghiệm lại nỗi đau nhiều lần trong suy nghĩ và giấc mơ.
- Đau khổ khi nhìn thấy người cũ hoặc những gì gợi nhớ tới họ.
- Cảm giác không an toàn, nhất là khi từng bị bạo hành thể chất hoặc rình rập.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Cảm giác giận dữ dai dẳng.
- Bồn chồn, khó tập trung.
- Cảm giác bị cô lập.
Nên làm gì khi bị những ám ảnh về mối quan hệ cũ đeo bám?
- Tìm sự hỗ trợ từ những người mà bạn tin tưởng (gia đình, bạn bè, người cố vấn) để vượt qua những tổn thương.
- Xem xét lại những gì mình trải qua để biết được nguyên nhân: Vì sao mình lại hẹn hò với họ? Tại sao mình lại chấp nhận việc bị đối xử tệ? Liệu mình có khuynh hướng lặp lại việc này?
- Hãy cho bản thân thời gian để tự chữa lành những vết thương và hiểu được điều mình đang tìm kiếm.
- Đừng để sự cô đơn khiến bạn tìm cách quay lại với người yêu cũ hay những mối quan hệ thay thế tạm bợ.
- Tìm hiểu mối quan hệ lành mạnh sẽ trông như thế nào.
- Trong trường hợp bạn đã bước vào mối quan hệ mới, hãy để ý nếu bạn có thói quen "chụp mũ" hành động của họ bởi những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Điều này có thể khiến bạn đánh mất tình yêu.
- Lấp đầy bản thân bằng những hoạt động, suy nghĩ và con người lành mạnh. Trở thành một người độc lập về mặt cảm xúc sẽ giúp bạn tránh được các mối quan hệ độc hại.