Ở tuổi 22 khi vừa tốt nghiệp Đại học, tôi bơi vào đời với hai bàn tay trắng nhưng một cái đầu không rỗng. Một phần tự tin vì mình có nhiều cơ hội cọ xát, va chạm để “khôn” ra. Một phần tự hào vì mình thuộc lớp người trẻ nắm bắt xu thế như bản năng, cập nhật không ngơi nghỉ giữa dòng chảy siêu tốc của thời đại số – nơi chỉ một cái chớp mắt cũng có thể khiến người ta trở nên tụt hậu.
Cho đến một ngày, một dòng tít báo đập vào mắt khiến tôi sững lại: “Dùng công nghệ Deepfake mạo danh con, mẹ bị lừa chuyển 150 triệu đồng”. Bao nhiêu tiến bộ công nghệ mà tôi từng hăm hở đón nhận, hóa ra lại là cạm bẫy với chính cha mẹ mình. Một loạt câu hỏi thi nhau chạy trong đầu: So với thời bố mẹ, công nghệ đã đi được bao xa? Liệu họ có nhận ra hay vẫn còn lúng túng trong cuộc chiến phân biệt thật-giả?
Không thể ngồi im. Tôi quyết định mở một “khóa học đặc biệt” do chính mình đứng lớp, dạy bố mẹ cách để không rơi vào bẫy của các chiêu trò lừa đảo bởi thủ thuật công nghệ tinh vi.
Hãy để bố mẹ biết: công nghệ lừa đảo đã “ảo” đến mức nào?
1. Công nghệ Deepfake
Theo MIT Technology Review, Deepfake là sự kết hợp của “deep learning” (học sâu) và “fake” (giả mạo). Deepfake dùng AI để tạo ra hoặc chỉnh sửa hình ảnh, video và âm thanh giống thật đến mức khó nhận biết. Ban đầu nó chỉ được dùng cho mục đích giải trí, nhưng hiện nay, Deepfake đang bị tội phạm mạng lợi dụng nhờ sự phổ biến của các công cụ AI.
Công nghệ nguy hiểm này bắt đầu dấy lên lo ngại sâu sắc từ sự kiện: gương mặt của nữ diễn viên phim Wonder Woman – Gal Gadot bị gắn vào cơ thể của một diễn viên khiêu dâm. Đến nay, Deepfake đã tiến hóa đến mức đáng báo động.

Chỉ với vài đoạn clip hay bản ghi âm được chia sẻ công khai, không cần hack điện thoại hay tiếp cận nạn nhân trực tiếp, kẻ gian dễ dàng tạo ra video hoặc giọng nói giả, hệt như thật. Và thế là một màn lừa đảo hoàn hảo ra đời.
2. Phishing - Giả danh các tổ chức cơ quan, nhà nước
Có thể bố mẹ chưa biết, Phishing là cách mà kẻ lừa đảo giả danh người quen, ngân hàng hay cơ quan nhà nước,… để khiến bố mẹ tin tưởng và tự tay cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Chúng có thể gửi tin nhắn SMS với nội dung như: “Tài khoản ngân hàng của bạn đang bị khóa. Bấm vào link sau để xác minh ngay!” Hoặc mạo danh nhân viên Điện lực thông báo: “Bạn đang nợ cước, nếu không thanh toán sẽ bị cắt điện.” Giao diện tin nhắn, logo, màu sắc, thậm chí tên hiển thị,… đều được thiết kế như thật. Bố mẹ nhìn qua hầu như không thể phân biệt.
Mới đây, trên trang Thông tin Chính phủ cũng đã đăng tải cảnh báo về việc xuất hiện một số đối tượng xấu lợi dụng việc các địa phương sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh nhân viên Điện lực yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Bố mẹ cũng cần hết sức cẩn trọng về điều này.

3. Spoofing
Spoofing là thủ thuật được sử dụng để làm giả hoặc thay đổi thông tin hiển thị, nhằm đánh lừa người dùng, hệ thống hoặc các thiết bị mạng. Có 3 hình thức Spoofing thường gặp: Giả Mạo Email (Email Spoofing), Giả Mạo Tin Nhắn (Text Message Spoofing), Giả Mạo ID Người Gọi (Caller ID Spoofing).
Ví dụ: Bố mẹ nhận được một email đến từ ngân hàng với địa chỉ hiển thị là hotro@tennganhang.com, yêu cầu xác nhận thông tin tài khoản. Tuy nhiên, thực chất email đó đến từ một địa chỉ giả, chứa đường link độc hại để đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Vì sao bố mẹ dễ rơi vào bẫy của những “kẻ săn mồi”?
“Mẹ ơi, con bị tai nạn đang nằm ở bệnh viện. Con cần tiền gấp”, “Bố ơi, con đang bị giữ ở đồn công an, cần chuyển tiền ngay để bảo lãnh!”. Sự thật phũ phàng nhưng phải thừa nhận, những tình huống tương tự thế này không chỉ là một cú lừa công nghệ. Đó là cú đánh thẳng vào bản năng yêu thương – nơi mềm yếu nhưng cũng chân thật nhất trong trái tim. Bố mẹ được sinh ra trong thời đại mà “tin người” là một phẩm chất tốt đẹp. Nơi mà một cuộc gọi gấp, một giọng nói quen thuộc cũng đủ để họ mở lòng, không mảy may nghi ngờ.
Một lý do khác là vì trong mắt những kẻ săn mồi, bố mẹ nói riêng, những người lớn tuổi nói chung được xem là những “mầm non công nghệ”. Những khái niệm như Deepfake, Phishing,... dường như quá đỗi xa lạ với họ. Việc sử dụng smartphone, ứng dụng ngân hàng online hay mạng xã hội... vốn dĩ đã là cả một cuộc cách mạng nhỏ trong đời sống thường nhật. Những thao tác mà chúng ta - thế hệ con cháu, làm như bản năng, thì với bố mẹ lại là một hành trình học hỏi đầy loay hoay. Những ai xưng danh “công an”, “ngân hàng” hay “nhân viên Điện lực” cũng đủ khiến họ đặt niềm tin trọn vẹn.
Theo nghiên cứu về Hạch hạnh nhân chiếm quyền kiểm soát (Amygdala Hijack) do nhà tâm lý học Daniel Goleman khái quát, khi con người đối mặt với mối đe dọa bất ngờ và khẩn cấp – nhất là liên quan đến an toàn của người thân, vùng não chịu trách nhiệm cho cảm xúc (amygdala) sẽ kích hoạt phản ứng bản năng, đẩy cơ thể vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ. Trong trạng thái ấy, khả năng tư duy lý trí của con người gần như bằng không. Dù am hiểu công nghệ đến đâu, chúng ta cũng nên đề phòng.
Bố mẹ nên làm gì để thoát bẫy?
1. Dùng tính năng khóa bảo vệ trang cá nhân (Profile Lock)
Sau mỗi chuyến đi chơi, bố mẹ có thói quen ghi lại kỷ niệm bằng cách chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội, mà không lường trước được rằng những hình ảnh tưởng chừng vô hại này lại có thể trở thành mục tiêu cho tội phạm.
Hiện nay, một số trang mạng xã hội như Facebook đã ra mắt tính năng Profile Lock (khóa bảo vệ trang cá nhân), nhằm giúp người dùng bảo vệ các thông tin, bao gồm hình ảnh, bài viết, tránh các đối tượng lừa đảo tận dụng khai thác vào những video deepfake.
2. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân ra ngoài
Các mẹ mỗi lần đi siêu thị hay các trung tâm thương mại, khi gặp ai đó nhờ đăng ký app ngân hàng, chia sẻ thông tin lấy mã khuyến mãi đều rất hăng hái và năng nổ, nhưng không nhận ra tiềm tàng nguy hiểm sau đó. Những thông tin như số điện thoại, CCCD, hay thậm chí là hình ảnh khuôn mặt có thể bị kẻ gian lợi dụng để mở tài khoản ảo, vay tín chấp hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi.
3. Xác minh người thật, việc thật trước khi chuyển tiền
Chúng ta cần để bố mẹ hiểu rằng: Sẽ không có việc gì gấp đến mức phải chuyển tiền ngay lập tức khi chưa kịp kiểm tra. Những kẻ lừa đảo luôn lợi dụng yếu tố “gấp”, “khẩn cấp” để bố mẹ hoảng loạn và làm theo.

Trong vai trò là con cái, chúng ta còn cần trở thành chỗ dựa tinh thần, lắng nghe và đồng hành cùng bố mẹ trong thời đại số. Hãy để bố mẹ cảm thấy an toàn khi bày tỏ những nỗi lo, sự bối rối trước công nghệ. Bởi lẽ, khi bị lừa đảo, nhiều người lớn tuổi thường rơi vào tâm lý hoảng sợ, ngại ngùng và âm thầm chịu đựng. Chính sự im lặng ấy đôi khi lại khiến tổn thất trở nên nghiêm trọng hơn.