Nếu từng nghe Kiếp đỏ đen khi vừa trải qua một sự tình xui rủi, nghe Dĩ vãng cuộc tình khi đau đớn trong tình yêu hay nghe Hãy về đây bên anh khi lạc trôi giữa những vô định, bạn hẳn là một fan trung thành trong đế chế âm nhạc của ca - nhạc sĩ Duy Mạnh - người đàn ông sở hữu giọng hát được nhận xét là “chạm đến tim gan” khó lẫn vào đâu được trong nền âm nhạc Việt Nam.
Ngoài gia tài số lượng bài hát đáng ngưỡng mộ, điều khiến người ta tranh cãi khi tìm kiếm cái tên Duy Mạnh trên Google còn là các cụm từ “kiện tụng”, “phát ngôn gây sốc” hay những lần thẳng thừng đáp trả dư luận khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Từ đó, chân dung ca - nhạc sĩ Duy Mạnh được công chúng đóng khung thành bốn góc cạnh chính: ngang, ngông, gai góc và thẳng thắn.
Không có cơ hội lắng nghe cuộc trò chuyện cùng host Thùy Minh ở tập Have A Sip hôm nay, tôi sẽ khó có thể tưởng tượng rằng có một Duy Mạnh điềm tĩnh và sâu sắc đến thế. Tuy nhiên, anh vẫn giữ được vẻ hài hước và duyên dáng, không ít lần khiến tôi bật cười.
Viết về cờ bạc nhưng không chơi cờ bạc
Kiếp đỏ đen được ra mắt vào năm 2006. Bài hát lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một người đàn ông giàu có nổi tiếng ở Hải Phòng, nhưng vì cờ bạc mà mất tất cả. Tuy vậy, tác giả bài hát khẳng định, viết về cờ bạc không đồng nghĩa với việc ham mê và dính líu đến nó. Với anh, cờ bạc là chất gây nghiện tự thân bởi nó đánh vào lòng tham của con người.
Ngoài Kiếp đỏ đen, người nghe còn có thể chứng kiến những sự thật méo mó về cuộc sống, những tệ nạn mà nếu không phải Duy Mạnh, sẽ có rất ít nghệ sĩ dám đứng ra viết nhạc về những đề tài đó. Từ Kiếp bán độ, Hãy dừng lại đi em nói về nạn cá độ mùa EURO, Kiếp đạo tặc đến Tôi không sao kê đâu, và gần đây là Bố chuột. Người không thích có thể mỉa mai “chuyện gì cũng đem vào nhạc được”.
Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, đây rõ ràng là một tài năng đặc biệt. Bởi để mang những sự việc có thực trong đời sống vào âm nhạc, vẽ thành một bức tranh nghệ thuật có hồn là điều không phải ai cũng làm được. “Tôi chơi nhạc chứ không làm nhạc” - anh nhấn mạnh. Đùa nghịch với âm nhạc là sở trường của anh.

Nghệ sĩ cần tự do và biết đủ
“Nhiều nghệ sĩ bây giờ mất tự do vì áp lực tiền bạc. Mất tự do thì không thể nào thăng hoa trong âm nhạc được."
Vậy nên, anh thẳng thắn nêu quan điểm, đã là nghệ sĩ thì nên khao khát tự do và biết đủ. Nếu một ngày bị cuốn theo đồng tiền và để sự nổi tiếng che mờ đôi mắt, anh cho rằng nghệ sĩ đó đã không còn tự do trong vùng trời nghệ thuật chân chính của mình.
“Vậy liệu một ngày nào đó về hưu, anh có buồn không?”, Duy Mạnh dừng lại đôi chút khi nghe câu hỏi này. Nhưng rất nhanh, anh khẳng định mình sống bằng nghề chứ không sống bằng danh vọng nên không có khái niệm về hưu trong âm nhạc. “Người ta buồn khi bị gọi là ca sĩ hết thời vì người ta sống bằng danh vọng. Còn tôi, sống bằng nghề chứ có sống bằng danh vọng đâu” - anh bật cười.
Host Thùy Minh gọi Duy Mạnh là một “ngôi sao âm nhạc đi qua hầu hết các thời kỳ âm nhạc của Việt Nam”. Bởi anh đã chứng kiến hầu hết diện mạo của nhạc Việt từ thời nhạc sống ở vũ trường, nhạc tình “sến sẩm” đầu những năm 2000 cho đến khi V-pop bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, giải trí hóa. Hơn ai hết, anh hiểu rằng nghệ sĩ cũng là con người, cũng có những hờn ghét đố kỵ. Thay vì cự tuyệt, nhạc sĩ vẫn vui vẻ và cởi mở khi những ai không thích anh nhưng vẫn muốn hát nhạc của anh: “Ít nhất người ta vẫn tôn trọng mình ở phạm trù nghệ thuật. Mà nghệ thuật là đòn bẩy tạo nên niềm vui sống cho con người”.

Bình luận đáp trả chỉ vì nó… vui
Khi nhắc về những bình luận gây sốc của mình trên mạng xã hội, Duy Mạnh cười trừ vì không biết nên buồn hay nên vui. Vui vì nó giúp anh đến gần khán giả hơn, tạo nên một hình ảnh nghệ sĩ gần gũi, hài hước hơn. Còn buồn vì chỉ mấy comment cho vui đó đã đá bay hẳn một tài khoản cá nhân hơn 1 triệu followers và một fanpage gần 1 triệu followers của anh, trôi tuột mấy quảng cáo mà theo anh cũng có khi lên đến tiền tỷ. Nhưng có sao đâu khi nó khiến anh vui: “Chơi Facebook, tôi đâu quan tâm có bao nhiêu like. Tôi chỉ quan tâm có bao nhiêu mặt thả haha!”

Giới hạn cuối cùng của Duy Mạnh chính là sân khấu. Anh có thể mang tự do phơi bày trên những bình luận vui vẻ, nhưng tuyệt nhiên sẽ không mang lên sân khấu. Với anh, sân khấu phải có chuẩn mực riêng.
Ngoài nghệ sĩ còn làm chồng và làm bố
Là một gen Z, tôi khẳng định mình thuộc từng lời, từng chữ của bài hát Tình em là đại dương da diết. Các thế hệ 8X, 9X hẳn sẽ còn nhiều kỷ niệm đặc biệt với ca khúc này hơn tôi, mỗi khi giai điệu “Từng cơn sóng xô ngoài khơi, từng cánh chim bay thấp thoáng…” được vang lên.
Một điều khá bất ngờ, ngoài viết để ngưỡng mộ tình yêu thời ba mẹ mình, bài hát còn được Duy Mạnh chắp bút để tôn vinh sự bao dung của vợ - người phụ nữ đã hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi khi kết hôn với một người làm nghệ thuật như anh. Bài hát về tình yêu nhưng lại không hề có chữ “tình yêu”, chỉ vỏn vẹn một chữ tình. Bởi trong đó còn là tình nghĩa vợ chồng, tình bao dung, tình thân giữa những người cùng vun đắp một mái nhà chung.
Nói về con gái, ca sĩ, nhạc sĩ Cầm, một người cũng chọn đi theo con đường nghệ thuật, anh cho rằng dòng nhạc mà con theo đuổi ngày nay quá khác so với trước kia. Sự khác nhau về sở thích, về tư duy âm nhạc đôi lúc cũng khiến bố con xảy ra một vài tranh luận, nhưng trên hết, anh vẫn muốn tôn trọng sở thích làm nhạc và đóng vai trò hậu phương ủng hộ mỗi quyết định của con. “Tôi vui vì có thể làm bạn với con, làm bạn được với cả các bạn của con” anh bày tỏ với ánh mắt chứa chan niềm hạnh phúc.

Chia sẻ thêm về màu sắc âm nhạc của các bạn trẻ ngày nay, ca sĩ, nhạc sĩ gốc Hải Phòng bộc bạch:
“Mỗi thời sẽ có những cạnh tranh khác nhau. Nhiều bài hát thời nay thậm chí rất hot nhưng khán giả không biết ca sĩ là ai cả. Ngày xưa chỉ cần chọn một bài nhạc Hoa, viết lại lời Việt có khi cũng tạo nên tiếng vang. Một bài mô típ cũ chia tay bị gia đình cấm cản cũng có thể mang show diễn về cho người nghệ sĩ. Trong khi các bạn trẻ bây giờ phải chứng minh đủ mọi tài năng, từ hát, nhảy múa đến chơi nhạc cụ mới mong nhận được sự công nhận từ khán giả. Các bạn gặp nhiều áp lực hơn”.